Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Lỗ Tấn bị ruồng bỏ

Lỗ Tấn là sự hòa trộn giữa Dickens và James Joyce của Trung Quốc. Ông được Mao Trạch Đông thánh hóa qua những bảo tàng và công viên chủ đề. Nhưng tác phẩm của ông đang bị rút khỏi trường học vì “không còn phù hợp”. ĐBND trích giới thiệu bài của Julia Lovell trên tờ Người bảo vệ (The Guardian).

Sinh năm 1881, Lỗ Tấn không có vẻ sẽ trở thành người mạnh mẽ đả phá những quan niệm cổ hủ. Là cháu nội của một nhà quý tộc Cục Dân chính ở Bắc Kinh, ông nổi lên từ những vinh quang nhạt nhòa thời kỳ suy đồi của đế chế Trung Hoa. Được dạy dỗ theo lối truyền thống kinh điển Trung Quốc - dù vậy ông luôn thích thú những câu chuyện của bảo mẫu về ma quỷ lẩn trốn sau khu vườn. Ông đã gắng là một nhà Nho học lâu nhất có thể: dùi mài cho thi cử triều đình, hay chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, không tình yêu với một phụ nữ mù chữ.
Qua tuổi thiếu niên, từ địa vị quý tộc Lỗ Tấn bị đẩy vào cảnh bần hàn. Sự suy tàn của gia tộc dường như phản chiếu điềm gở của chính Trung Quốc trong những năm tàn của thế kỷ XIX, khi những kẻ mù quáng và lũ đế quốc tham lam đe dọa chia cắt những gì mà trước đó 100 năm là một trong những đế chế rộng lớn và thịnh vượng nhất thế giới.
Năm 1899, Lỗ Tấn trở thành một trong rất nhiều thanh niên Trung Quốc bất kham thời đó, những người quay lưng lại với truyền thống Khổng giáo - điều dường như đã đẩy Trung Quốc vào thảm họa. Ông vùi đầu vào Tây học - tiếng Anh, khoa học chính trị và tự nhiên - tại một trong những học viện mới của đất nước. Gia đình không hề vừa lòng: mẹ khóc lóc khi ông “bán linh hồn cho ma quỷ nước ngoài”, trong khi người chú yêu cầu ông thay tên đổi họ, để tránh làm xấu mặt gia tộc. Lỗ Tấn giành được học bổng Y ở Nhật Bản - đất nước mà người Trung Quốc cấp tiến thán phục vì thành công trong việc chuyển mình thành một đế quốc hiện đại. “Một tương lai huy hoàng phảng phất trong tâm trí của tôi”, ông nhớ lại, “tôi sẽ trở về quê hương sau khi tốt nghiệp và điều trị cơn bạo bệnh của nó... đồng thời vận động đồng bào tin vào cải cách chính trị”.
Năm 1906, khi sắp kết thúc một bài giảng sinh học, một giáo viên Nhật cho lớp học xem một cảnh từ cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 diễn ra một phần trên lãnh thổ Trung Quốc. Một đám đông Trung Quốc háo hức xem một đồng bào của họ bị người Nhật chặt đầu vì bị coi là gián điệp của Nga. “Mọi khuôn mặt đều hoàn toàn trống rỗng một cách ngu độn... Tôi không còn tin vào tầm quan trọng áp đảo của y khoa”, Lỗ Tấn sau này nhớ lại. “Bất chấp một quốc gia khỏe mạnh về thể chất như thế nào, nếu người dân yếu ớt về trí tuệ, họ sẽ không bao giờ trở thành bất cứ điều gì khác ngoài mồi ngon cho đại bác hay những kẻ trơ mắt ếch... Nhiệm vụ đầu tiên là thay đổi tinh thần họ, và tôi cho rằng văn học và nghệ thuật là phương tiện tốt nhất”. Một vài tháng sau thời điểm quan trọng này - sự chuyển mình nổi tiếng nhất trong văn học Trung Quốc hiện đại - Lỗ Tấn từ bỏ nghiên cứu y khoa và bắt đầu sự nghiệp “bác sĩ văn học tự phong” cho sự đau ốm tinh thần của Trung Quốc.
Phải mất một thập kỷ cho người Trung Quốc để bắt kịp với xu hướng cấp tiến mới mẻ của Lỗ Tấn. Trong mười năm, ông đứng bên lề cuộc sống và nghiền ngẫm sự đời: chứng kiến một tạp chí thất bại, sách của ông không ai mua, tiểu luận không ai đọc. Khi triều đại cuối cùng sụp đổ sau cách mạng năm 1911, và nền cộng hòa nối tiếp nó lại tan rã thành chế độ lãnh chúa, Lỗ Tấn trú ẩn trong một căn hộ u ám ở Bắc Kinh, nghiên cứu sách khảo cổí học, chỉnh sửa văn bản cổ điển, và tái tạo ký tự trên bia mộ cổ.
Nhưng đến 1917, không khí văn hóa của đất nước đã thay đổi. Những thanh niên nổi loạn (và cả phụ nữ) tập trung tại Bắc Kinh và Thượng Hải, lớn tiếng đòi từ bỏ một Trung Quốc lạc hậu: lên án những điều kinh hoàng của truyền thống Khổng giáo, đòi hỏi Âu hóa và tình yêu tự do, tôn thờ Goethe, Byron, Shelley, Ibsen. Lúc đó, Lỗ Tấn tìm thấy khá nhiều tiếng nói và độc giả cho mình, ông viết hàng chục tiểu luận đanh thép cho những tạp chí cấp tiến trên đất nước (về nữ quyền, sự vô dụng của đàn ông Trung Quốc, về tính dân tộc, cả về bộ ria của mình) và, từ 1918 đến 1925, hai tập truyện ngắn, Gào thét và Bàng hoàng.
Những khoảnh khắc le lói đầu thế kỷ XX của Trung Quốc được tái hiện, phần lớn, rất cụ thể trong bối cảnh thời thơ ấu của Lỗ Tấn trên bờ biển Đông Nam: lâu đài của gia đình thượng lưu tự mãn; thôn đánh cá bị gió vùi dập; làng miền núi hẻo lánh nghèo khó. Nhưng tham vọng của Lỗ Tấn không chỉ có vậy: ông muốn thắp sáng bóng tối xã hội và chính trị Trung Quốc. Trong Khổng Ất Kỷ (5 trang, lời kể của một đứa trẻ chai sạn), một đám đông những kẻ nhậu nhẹt ngu đần say sưa phỉ báng sự suy sụp của xóm làng, cười rú lên khi phát hiện các quan tòa đánh gẫy chân ông. Trong Y thuật và Ngày mai, người ta để mặc trẻ em chết vì mê tín dị đoan: họ cho cậu bé bệnh lao ăn một thứ được coi là phép lạ chữa bệnh - ổ bánh mì nhúng máu người cách mạng bị hành quyết. AQ chính truyện - tác phẩm nổi tiếng nhất của Lỗ Tấn về những người Trung Quốc ngờ nghệch - thuật lại sự ngớ ngẩn và nhục nhã với niềm vui thú chua chát theo dạng tiểu sử, một người đàn ông mất trí tới mức không nhận ra ông đang tự hành quyết mình. AQ bắt đầu dùng ngôn ngữ Trung Quốc để giải thích ngắn gọn về mỗi vết nhơ tưởng tượng cho hình ảnh quốc gia: nỗi ám ảnh với khuôn mặt; sự mặc cảm tự tôn; thân phận nô lệ trước quyền hành và sự tàn ác với kẻ yếu.
Khi được xuất bản lần đầu, truyện ngắn của Lỗ Tấn không chính thống về mặt ngôn ngữ, cũng như thế giới quan. Cho đến thập niên 1910, những nhà văn giàu tham vọng ra sức làm thơ, bằng một thứ ngôn ngữ tinh lược cổ điển với lối nói bóng gió trong hàng thiên niên kỷ; tiểu thuyết tiếng mẹ đẻ bị khinh miệt là một lối viết phổ thông xấu xí. Lỗ Tấn lại quan niệm một cách khác. Với ông, đế chế Trung Quốc cô là một âm mưu vĩ đại để bịt miệng số đông vốn ít được giáo dục. “Chúng ta có hai sự lựa chọn”, ông viết. “Bám vào ngôn ngữ cổ điển và chết; hoặc quẳng nó sang một bên và sống”. Được hình thành trong tiếng mẹ đẻ hiện đại, truyện ngắn của ông tuyên bố với độc giả, gần như là lần đầu tiên, rằng văn học có thể phục vụ những mục đích nghiêm chỉnh và phức tạp. Trong chuẩn văn học Trung Quốc, Lỗ Tấn là sự hòa trộn giữa Dickens và Joyce: một người quan sát sắc sảo đến tàn nhẫn trong thời đại ông; và là nhà tái tạo ngôn ngữ và hình thức.
Tìm kiếm hình mẫu châu Âu để lý giải Lỗ Tấn không phải là xoay quanh phương Tây. Cũng như nhiều người đương thời, Lỗ Tấn ngấu nghiến văn học nước ngoài, bằng tiếng Trung Quốc, qua bản dịch tiếng Nhật và tiếng Đức từ tiếng Anh, Pháp, Nga. Một trong những ấn phẩm đầu tiên của ông là bản dịch Từ trái đất đến mặt trăng của Jules Verne từ tiếng Nhật. Và dấu vết của thói quen đọc sách nước ngoài tồn tại khắp trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn.
Giống như nhiều nhà văn yêu nước cùng thời, Lỗ Tấn bắt đầu có cái nhìn tả khuynh sau sự gia tăng quyền lực của Quốc Dân đảng cánh hữu hà khắc cuối thập niên 1920. Trong suốt quá trình được cho là chuyển đổi sang chủ nghĩa cộng sản, ông tiếp tục trú ẩn ở khu nhượng địa bán thuộc địa của Thượng Hải: vui cuộc sống gia đình, đều đặn ghé các hiệu sách yêu thích, xem phim Tarzan. Suốt cuộc đời, ông luôn bi quan về mối quan hệ giữa văn sỹ và chính trị, đồng thời dự đoán chính xác cuộc cách mạng sẽ xóa sạch văn học. Lúc qua đời vì bệnh lao năm 1936, ông vẫn giận dữ tranh cãi với những đảng viên phụ trách văn hóa.
Ngay sau khi chết, ông được Mao Trạch Đông suy tôn thành “vị thánh của Trung Quốc hiện đại”, như một công chức gương mẫu của giai cấp vô sản. Kể từ khi được Mao “trưng dụng”, toàn bộ ngành công nghiệp về Lỗ Tấn mọc lên: bảo tàng, tượng bán thân thạch cao, phụ trương, tạp chí và phim chuyển thể; tất cả đều xướng ca những đóng góp của Lỗ Tấn cho cách mạng dân tộc. Các thế hệ học sinh buộc phải ghi nhớ những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Doanh nghiệp thậm chí còn tạo ra một công viên chủ đề rườm rà vui mắt, cung cấp cho khách du lịch “trải nghiệm Lỗ Tấn” - cơ hội xem diễn viên vào vai những nhân vật nổi tiếng nhất của tác giả và thưởng thức nỗi kinh hoàng của xã hội phong kiến. “Dưới sự cai trị của các thế lực đen tối, Lỗ Tấn phản kháng bằng cách châm biếm kịch liệt và mỉa mai sắc lạnh”, Mao giải thích năm 1942. “Nhưng trong nền tảng cộng sản của chúng ta, nơi mà dân chủ và tự do được đảm bảo đầy đủ, chúng ta không cần phải như Lỗ Tấn”.
Ngay cả hàng thập kỷ sau khi Mao loại bỏ những sự châm biếm của Lỗ Tấn, sự bất bình trước xu hướng bất đồng chính kiến của nhà văn vẫn còn. Năm 2007, người ta bắt đầu rút Lỗ Tấn khỏi sách giáo khoa Trung Quốc, một phần mở đường cho đề tài kungfu thoát ly. Nhưng có lẽ mục đích là thay đổi món ăn văn học của giới trẻ, hoặc chuyển hướng tâm trí nhạy cảm của họ ra khỏi tính hướng nội u uất của Lỗ Tấn, nhằm hướng tới sự tự tin dồi dào hơn. Có lẽ đó cũng là một cố gắng để ngăn cho thanh niên ngày nay không mắc thói quen “bới lông tìm vết” như Lỗ Tấn.

Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét