Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Nàng thơ dậy thì và cơn đói đương đại

Miên Di


Khi ngôn ngữ tả thực bất lực không thể gọi tên các thực tại siêu hình-siêu nghĩa, lúc ấy thơ có khuynh hướng vượt qua ngôn ngữ thường dụng, nó trở thành một phép thấu thị nội tâm, vượt lên tầm trên của ngôn ngữ, trở thành cái bóng ảo diệu của ngôn từ… Ngôn ngữ lúc đó cho người đọc có thể chạm vào miền thực tại siêu hình ấy. Đây là lý do khiến văn thơ cũng như hội họa trừu tượng ra đời, khi ngôn ngữ tả thật đã thực hiện xong bổn phận, là lúc ngôn ngữ trừu tượng lên tiếng, gọi tên những thực tại siêu hình xuất hiện trong đời sống tinh thần.Vì thế khía cạnh nào đó: trừu tượng chính là cụ thể ở ngưỡng khái quát cuối cùng.

Thơ, dù cổ hay kim, đều vượt qua sự phản ánh hiện thực như một cách định nghĩa “Nó là…”, mà mượn hiện thực như một đôi cánh vượt qua sự khô héo của chính nó, trao lượn trên không gian khả niệm, vi tế đến mức cảm thấy như “vo viên” được khoảnh im trưa :
"Khi vàng đứng bóng im trưa
Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường"
(Hồ Dzếnh)

Bằng con tàu du hành suy tưởng, con người đã vượt qua giới hạn khả hữu để thám hiểm vào các tinh cầu cô độc của vũ trụ tâm tư, Xuân Diệu đã từng cho suy tưởng của người đọc lạc ra ngoài… vũ trụ, thoát ra hẳn ngoài thực tại như thoát ra một hệ thống, độc lập với hệ thống ấy, rồi nhìn về cõi trần ai này, để thấy nỗi buồn cũng bằng với tỷ lệ… nước biển, chiếm đến… ba phần tư trái đất:
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung”
(Xuân Diệu)

Lấy vài lược đoạn có cách ước lệ cũ như trên làm ví dụ, để thấy rằng phương cách ấy hay lắm, nhưng dường như không còn vừa với thơ đương đại nữa, thế hệ trẻ không rung cảm theo tinh thần của thế hệ trước, dù các thủ pháp ước lệ vẫn tồn tại, nhưng đã theo phương cách khác, không cần bóng gió úp mở nữa. Thơ lúc này, cứ phải xuyên ngang bổ dọc, có quyền “lăn đèn cù” cho thỏa được cái sự thúc dục như muốn nổ tung của cơn sốt đương thì:
“Bỗng dứt, bỗng tan, bỗng tu
Bỗng lăn đèn cù
Bỗng núi, bỗng sông, bỗng đèo, bỗng đường
Trôi tuột trong cái túi vô lượng
Bỗng chìm xuống”
(Bỗng – Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Trong thơ đương đại, sự liên hệ giữa các hình tượng, đôi khi không thuộc cùng một phạm trù, tạo nên kết cấu thơ phi lý (Tôi không viết là “vô lý”, “phi” ở đây có nghĩa: “không thuộc về…”):
“Tôi đi
Tôi đi
Gặp
Tôi
Đang
Đứng
Hai bàn tay
hứng
nướcđáiquỷvô thường”
(Chỗ chồchộ ấy – Trần Khiêm)

Toàn bộ bài thơ “Chỗ chồchộ ấy” của Trần Khiêm là một ví dụ cho thơ-phi-lý, mọi mạch tương quan của bài thơ không theo nhịp luận tuyến tính của tư duy thường nghiệm, “phi lý” ở đây có nghĩa là không-thuộc-về cái lý thường nghiệm ấy, nó thuộc về nơi khác: toàn bộ bài thơ là sự lắp ráp hỗn độn các từ ngữ và ý niệm, không cần chiều sâu của không-thời gian, tất cả được trải phẳng ra một mặt phẳng biểu hiện. Nó buộc người đọc cũng phải gạt bỏ cách thức cảm nhận cũ vớí những liên hệ tương quan lo-gic, trên-dưới không gian, trước-sau thời gian… Phải đọc với nhận-thức-phẳng, vì thế rất khó chịu, rất kén người đọc.

Có những câu thơ bỗng… dài ra như một câu nói ngút hơi tấm tưởi, từ ngữ được nối lại, kéo dài ra như một mũi giáo xỉa sâu những vỉa cảm xúc ẩn sâu trong hiện thực:
“trong giây phúc tận hiến
Đau chiếc khăn thắm màu trinh tiết Mẹ Nữ Oa phủ mặt lần đầu linh thánh giây phút bắt đầu khai triển nhân loại”
(Hợp nhất – Nguyệt Phạm)

Quan hệ giữa chữ nghĩa và ý tứ của thơ đương đại, khác nhiều với kinh điển: với thơ cũ, từ ngữ và ý tứ “chung chạ” với nhau, cùng nhau góp thân vào vẻ đẹp của thơ. Với thơ đương đại thì khác hẳn:
“…bắt đầu bài thơ như thế nào?
-Một nỗi buồn như lẽ chết!
Điều gì anh viết miên man?
-Sự khổ nhọc. Nỗi đau. Một dày vò vô hình muốn lột tả!
...
Chữ chỉ là mồi câu. Đánh bắt những con cá cảm giác mới là quan trọng”
(Con cá thơ đắc thắng - Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Rõ ràng, khi đời sống xuất hiện những hiện tượng mới, thì đối tượng của thơ đương đại phải khác với thơ kinh điển, dòng sống chảy đi dẫn theo sự thay đổi của thơ là tất yếu. Đối tượng của thơ phát triển từ thế giới hữu hình đến mô tả không-gian-ý-niệm. Mà không gian ý niệm ấy ở đâu ra? Nó chính là cái gọi là “Một dày vò vô hình muốn lột tả”, là sản phẩm tinh thần được sinh ra từ đời sống của thế hệ đương đại. Vì thơ luôn có trách nhiệm phản ảnh, nên cũng dễ hiểu khi cái không-gian-ý-niệm ấy có khuynh hướng trở thành một trong những đối tượng của thơ đương đại. Đối tượng mới ấy dù “phi lý” nhưng không hề “vô lý”, nó chính là cái bóng của cuộc sống hiện đại, vốn có tiết tấu nhanh, gấp, và nhiều áp lực… tạo nên một tâm-tình-đương-đại như một trạng thái bỏng sốt khắc khoải, hỗn mang…. Vì thế, hình ảnh của nàng thơ đương đại với những nổi loạn, táo bạo, bất ngờ, phi lý, sex , trần trụi, cáu gắt, tục tằn… cũng là lẽ hiển nhiên. Những điều đó tuy khác thường nhưng chính là bóng dáng chân thật của đời sống, bóng dáng của chính tâm tình đương đại đang bỏng sốt khắc khoải kia. Nó phải như thế, không thể khác. Vì thế hệ trẻ không thể vay mượn nỗi niềm của bối cảnh lịch sử đã thuộc về cha ông.

Có lẽ, “hiện tượng” Lê Đạt với sức khỏe của một người “phu chữ”, là một trong những người hiếm hoi đủ sức bơi từ triền cong kinh điển sang gần bên bến bờ khúc khuỷu của thơ đương đại. Thơ Lê Đạt còn thoang thoảng chút bóng bẩy thâm sâu kinh điển, kết hợp với sự tinh quái trong tổ-chức-từ-ngữ, nét tinh quái ấy mới nhìn dễ tưởng là sự sắp đặt của chữ, nhưng nếu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, sẽ thấy nó cao hơn tầm ấy: là sắp đặt hiệu-ứng-biểu-cảm của từng con chữ, mỗi con chữ độc lập với nét biểu cảm của riêng nó, và được Lê Đạt sắp đặt với nhau tạo nên một hiệu ứng kỳ lạ:
“Tóc soã khói may phố sả
Con lũ bờ cong sóng lạ ngực hồ
Đê biếc thân mày sông trắng khoả
Mộng diều trăng chếch thả may thu"
(Xiếc xuân – Lê Đạt)

“Xiếc xuân” là một gợi ý cho những tác giả đương đại, nên chăng cần giữ lại đôi chút nét bóng bẩy, thanh lịch, thâm sâu của thơ kinh điển khi cần thiết, vì lãng mạn thì thời nào mà chẳng có, đương đại cũng có lúc cũng phải lãng mạn một tí chứ, như đời sống vốn vậy! Khái niệm “thơ đương đại” nên hiểu như thế nào? Nó là sự bao quát cả những hình thức sáng tạo tuyệt đối mới, và cả làm mới lại những gì đã cũ. Một phần của “Thơ đương đại” chính là sự tiếp nối, vì dù muốn dù không nó vẫn phải mang trong mình quán tính lịch sử. Vì thế trong cái gọi là “Thơ đương đại” không thể loại trừ những linh diệu ngàn năm, đương đại không có nghĩa là tước bỏ ký ức. Hãy một lần thử diện áo mới cho nàng Lục Bát quê mùa mà xem, tặng nàng đôi giày cao gót siêu thực, khoác lên người tấm áo mỏng manh của ngôn ngữ biểu hiện… Lục Bát đương đại lúc này nào có kém chi ai, duyên dáng bởi còn chút í a phảng phất:

“tay cầm cái khổng khồng không
hát cho một thủa trầu nồng vôi chua”
( Thả gió vào chùa – Văn Công Hùng )

Hãy so sánh hành trình sử tính của Thơ với các hình thức nghệ thuật khác, cụ thể là Hội họa: từ trường phái Tả Thực đến Trừu Tượng.Và thơ: từ phong thể kinh điển đến đương đại. Suy cho cùng đều chung một tuyến tính, phải tuân theo sự khách quan của các hiện tượng xã hội và sự vận động tự nhiên tính. Với thơ ca kinh điển là sự gò bó của niêm luật, và trung thành với những hình tượng “thanh mai trúc mã…”, tương tự như sự tuân thủ quy luật thấu thị dựng hình của hội họa tả thực. Điểm chung của thời kỳ ấy là neo vào các thực tại tương dung với năm giác quan. Mặc dù con người từ ngàn năm trước đã ý thức được rằng “ảo tưởng” có hai chiều nghĩa: một chiều nghĩa thô thiển là sự không thực tế, và một chiều nghĩa khác như là “bóng trăng đáy nước” vớt lên thì vỡ, nhưng ảo ảnh đó vẫn tồn tại, vẫn lung linh dưới mặt hồ khả niệm của loài người. Vì thế, tất cả các hình thức nghệ thuật đều chung hành trình và đích đến: Từ phản ánh thế giới hữu hình đến mô tả không-gian-ý-niệm; từ lấy hình thức làm đối tượng chủ thể thì đã đẩy lên tầm cao hơn: hiệu-ứng-cảm-xúc làm chủ thể; từ cụ thể những ngóc ngách của đáy sâu vật chất đến gần hơn với đỉnh ngọn tinh thần…

Về mặt kỹ thuật: Nguyên lý thị giác của Hội họa và niêm luật của Thơ, cả hai đều từ vị trí “khuôn vàng thước ngọc” đã trở thành vật tung hứng cho sáng tạo. Nàng thơ càng ngày càng trẻ ra, càng ngày càng tung tẩy. Như một cô gái vừa thoát ra khỏi những lề thói hà khắc, cất đi tấm áo kín bưng. Trốn ra khỏi Đường miếu với tiếng mõ đều đặn bằng-trắc thâm nghiêm, tung tăng diện những tấm áo hở hang đương đại để khoe những lọn đùi non sự sống. Cuộc đời nàng thơ bất tận, một đời người dù dài trăm năm, một giai đoạn thị hiếu dù phổ biến, nhưng so ra chỉ là một cái chớp mắt của nàng thơ. Có thể nói thơ đương đại đang ở lúc nàng thơ dậy thì, vừa qua thời vú cau ngơ ngác, đã mạnh dạn với những khát khao nhục cảm. Thơ bây giờ không màng đến niêm đến luật, bởi khi hổn hển làm sao xếp ngay ngắn được nhịp thở bao giờ. Sự hổn hển ấy khiến bằng-trắc của thơ đương đại đã vượt ra ngoài sự lề luật công ước mà tìm về nơi uyên nguyên nhất: ngữ vựng của cảm xúc, hễ thơ buồn những thanh bằng tự nó hẫng hụt, vui thì các thanh trắc rổn rảng tìm về, như cảm xúc vậy, rất tự nhiên! Sự tự nhiên đó hứa hẹn sẽ giải được nan-đề-nhạc-tính trong thơ đương đại.

Bố cục cấu tứ trong thơ đương đại có khuynh hướng ý niệm có trước, ngôn ngữ là cái đến sau, luôn phải chạy theo ý tượng đến mệt nhoài, vì thế có những câu thơ đương đại khi đạt tới cảnh giới nó đã sinh ra từ mới- chữ mới rất nhiều, đọc sẽ cảm thấy con chữ… toát mồ hôi. Chính điều đó cho thấy một “công lao” mới của thơ đương đại là đang và sẽ góp vào kho từ điển rất nhiều từ mới!

Hành trình truy nhận giá trị của các hình thức nghệ thuật đương đại, phải đặt thẩm quan thoát ra khỏi hệ giá trị cũ, bởi sự cựa mình của xã hội tự nó đã thoát ra khỏi hệ qui chiếu xưa, nhưng chúng ta cần phải đợi để định hình được một định dung mới. Những giá trị kinh điển tuy đã xác lập được, nhưng đang trở nên lỗi thời trước nhu cầu cảm thụ mới. Cơn đói đương đại không còn là đói bát cháo hành của Thị Nở năm xưa, đã chán chê các món cũ. Nhưng chưa thật sự có được những nguồn lương thực tinh thần mới, vừa miệng vừa mồm.Vì sao có thực trạng: các sáng tác mới vẫn ồ ạt, nhưng cơn đói đương đại vẫn cào cấu? Đó không phải là lỗi của ai cả! Căn nguyên của nó là vì tâm tình đương đại đang trong một trạng thái khắc khoải chưa rõ nguồn cơn, mà nghệ thuật là sự phản ảnh, nó đang phản chiếu chân thật cái “không rõ nguồn cơn” ấy. Nên cũng dễ hiểu khi các hình thức nghệ thuật đương đại chưa tạo được hệ giá trị ổn định, phải chờ độ nén của lịch sử mới có được. Khi đó, giữa nghệ thuật cảm thụ và nghệ thuật sáng tạo sẽ có tiếng nói chung, hướng sáng tạo và cảm thụ sẽ giao thoa lớn dần, lúc đó một giá trị “kinh điển mới” sẽ hình thành, sẽ viên mãn.

Nghệ thuật, vốn có vị trí đi trước quán tính ì ạch của xã hội, bởi xã hội có tương quan rộng, vì thế nghệ thuật thường… cô đơn, nó như con sếu đầu đàn, mà đâu phải con nào cũng về tới đích toàn thây, vì luôn phải là kẻ đầu tiên phải hứng chịu “bão gió”. Nhưng nhờ thế mà mang lại cho xã hội những tiếng nói kháng nghị, những lời sấm truyền dự báo... Thơ cũng như hội họa, văn học… đang phải trải qua sự lục vấn truy tìm giá trị của quyền lực thời gian, trên bãi sống ngổn ngang bao nấm mồ vô danh của những tác giả không thể tìm được con đường đi tiếp. Họ, lúc ra đi thì hăm hở nhưng dần hồi chết gục dần giữa sa mạc mông lung… nhưng những người khác lại vẫn đã tiếp tục, vẫn viết tiếp sự dở dang. Và chắc chắn một ngày nào đó sẽ về đến đích… Những hy sinh thầm lặng ấy, dù chưa tạo được một hệ giá trị mới, nhưng cần được ghi nhận. Một nền nghệ thuật nhân bản, không nên bỏ quên một giá trị vô thể là cơn đau đẻ của người mẹ lúc lâm bồn, đôi khi phải trả giá bằng cái chết vì phải “đi biển mồ côi”. Nghệ thuật đương đại dù chưa định hình nên một dáng vóc toàn diện, nhưng nó đang trong cơn vượt cạn, đang được sinh ra từ từ. Vì thế mà cần phải có một bà đỡ mát tay. Nó xứng đáng được vậy, bởi đương đại là đứa em ruột của truyền thống, dù đang còn nhoi nhóc, nhưng rõ ràng nó đâu phải đứa con hoang!

______________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét