Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Lưu Quang Vũ – yêu nước và thương nước

Hoài Nam


Có thể nói mà không sợ quá rằng, bằng cảm hứng thương nước như được thể hiện trong tác phẩm, so với hầu hết các nhà thơ cùng thế hệ, Lưu Quang Vũ có dáng vẻ của một nhà “tiên tri thấu thị”.

“Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” (Mây trắng của đời tôi). Qua những câu thơ đậm chất tự bạch ấy, Lưu Quang Vũ dường như muốn nói với người đời rằng, hơn bất cứ một thể loại nào khác, thơ chính là miền để ông ký thác tình yêu, lẽ sống, và cả sinh mệnh tinh thần của mình. Với thơ và bằng thơ - chứ không phải kịch, cho dẫu đó là cái thể loại đã khiến tên tuổi Lưu Quang Vũ nổi như cồn hồi những năm 1980 - ông cho thấy một cách đầy đủ nhất diện mạo của một con người đắm đuối. Đắm đuối trong niềm vui và nỗi buồn, đắm đuối trong hy vọng và cay đắng, đắm đuối trong tình yêu muôn thuở của đàn ông đàn bà. Và, với một thi sĩ được chúng khẩu đồng từ coi là “sớm già” như Lưu Quang Vũ, không thể không nói tới một nét khác, rất trội bật, trong sự đắm đuối thơ ca của ông: đó là tình cảm với đất nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam. Là yêu nước và thương nước.
Trước hết hãy nói về một Lưu Quang Vũ - người yêu nước. Yêu nước là cảm hứng, là phẩm chất xuyên suốt toàn bộ cuộc đời thơ Lưu Quang Vũ. Lấy đất nước và nhân dân làm đối tượng cho sự trầm tư thơ, những tác phẩm tiêu biểu theo hướng này của Lưu Quang Vũ là Đất nước đàn bầu, Người cùng tôi, Tiếng Việt, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Trong Đất nước đàn bầu, ông để trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt của mình khởi đi từ thuở hồng hoang của dân tộc, cái thuở: “Những con chim Lạc mỏ dài/ Bay qua vầng trăng lớn/ Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực/ Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng”. Lướt đôi cánh tưởng tượng trên dặm dài lịch sử, ông đã phác họa, vừa rất cụ thể vừa giàu sức khái quát, một trong những đường nét cơ bản của diện mạo dân tộc: “Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách/ Những người chết đặc trong đất/ Những mặt vàng sốt rét/ Nhưng bộ xương đói khát vật vờ đi/ Vó ngựa lao dồn dập/ Giặc phương Bắc kéo về/ Bao đền đài bị đốt thành than/ Bao cuốn sách bị quăng vào lửa/ Bao đầu người bêu trên cọc gỗ/ Con trai chinh chiến liên miên/ Con gái mong chồng hóa đá”. Nhưng ông cũng nhận ra ở dân tộc đau thương ấy, bằng sức sống bất diệt, lại chính là những người làm nên một bức tranh văn hóa đẹp đẽ khắc tạc vào thời gian: “Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ/ Những lò rèn phập phù bễ lửa/ Phường chạm bạc, phường đúc đồng/ Phố Hàng Hài thêu những chiếc hài cong/ Những cô gái dệt the và phất quạt/ Những Hàng Điếu Hàng Buồm Hàng Bát/ Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ/ Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ/ Phố Tràng Thi ngựa hí/ Phố Tràng Thi những thầy khóa trẻ/ Giấy hồng điều phấp phới bút hoa”. Dân tộc ấy, để tồn tại phải chiến đấu, và từ sự tồn tại của mình, đã nêu bật giá trị trường cửu của ý chí vệ quốc: “Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi/ Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa/ Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ/ Những Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan/ Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước/ Ngựa đá bao phen phải lấm bùn”. Với một giọng thơ “đắm đuối đến mê hoặc” (vẫn chữ của nhà thơ Vũ Quần Phương), không phải Lưu Quang Vũ chỉ tha thiết với đất nước Việt Nam, yêu thương và khâm phục nhân dân Việt Nam, mà thực ra là ông si mê (tôi nhấn mạnh). Ông nhận lấy, từ chiều sâu lịch sử - văn hóa của dân tộc, hình ảnh của một “Người nô lệ da vàng bất khuất/ Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son”. Ông nhận lấy sức sống mãnh liệt ấy để giữ cho mình một cái nhìn ấm áp và vững tin vào tương lai: “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ/ Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua/ Mọi tai ương khủng khiếp đã qua/ Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm/ Mai gắn lại những vết thương xé thịt/ Dân tộc mình mở tới một trang vui”. Tuy nhiên, có thể nói, ở bài Đất nước đàn bầu - cũng như ở các bài Tiếng Việt, Người cùng tôi, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Lưu Quang Vũ đã viết về đất nước và nhân dân chủ yếu bằng giọng ngợi ca. Và như vậy, cho dẫu có nỗ lực cá thể hóa đến đâu chăng nữa, Lưu Quang Vũ vẫn rất dễ lẫn vào giọng ngợi ca chung của cả nền thơ ở thời điểm ấy. Để Lưu Quang Vũ thực sự là Lưu Quang Vũ, để cảm hứng về đất nước trong thơ ông thực sự mang dấu ấn của cá nhân ông, có lẽ phải căn cứ một biến thể khác của tình cảm yêu nước, đó là lòng thương nước. Thương, theo nghĩa là thương xót đất nước, là dũng cảm đối diện với những bi kịch, những đau khổ, những thiếu hụt của đất nước và nhân dân, trong quá khứ và trong hiện tại. Là chấp nhận đau đớn bởi những nhận thức đúng. Theo nghĩa ấy, thương nước chính là một sự phản tỉnh của yêu nước trong thơ Lưu Quang Vũ.

Ngay ở bài Đất nước đàn bầu vừa dẫn trên, Lưu Quang Vũ đã hơn một lần thấm thía cái đau khổ, cái tủi nhục dường như là truyền kiếp của nước Việt, dân Việt. Ông nghe thấy từ tiếng đàn bầu nức nở: “Cái nỗi buồn dân tộc/ Cái nỗi buồn bị đọa đầy lăng nhục/ Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang/ Của mom sông đánh giậm, đỉnh rừng đốt than/ Đập đá sườn non, đi phu đi ở”. Ông thấu hiểu sự còi cọc của những thứ hoa trái tinh thần mọc lên từ đất này: “Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu/ Luôn đánh vật với tai ương trước mắt/ Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng/ Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu/ Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo/ Trong độc ác, trong dối lừa sỉ nhục”. Trong bài Người cùng tôi, Lưu Quang Vũ dùng đại từ Người để gọi đất nước, gọi nhân dân. Và trong tiếng gọi ấy, bên cạnh âm hưởng ngợi ca Người như là một chủ thể sáng tạo văn hóa đầy tài năng, còn có một âm hưởng khác, âm hưởng phê phán căn tính ba phải, nông cạn của Người: “Lời ngọt ngào người dễ dàng tin/ Chuyện không đâu người cũng cười thích thú... Người đẻ con đàn nheo nhóc/ Mụn vải, mẩu đinh người đều nhặt nhạnh/ Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca”. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Quyết liệt hơn trong nhận thức, Lưu Quang Vũ nhìn ra một sự thực khác, một sự thực mà không phải ai cũng nhìn ra, hoặc nếu nhìn ra thì không phải ai cũng có đủ can đảm thừa nhận, nhất là trong bối cảnh xã hội đang cần huy động sức mạnh toàn dân: “Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc/ Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước/ Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng/ Bị lão trương tuần quát nạt cũng run”. Nói chung, trong giai đoạn sáng tác ngắn, nhưng khá đặc biệt - chỉ từ 1971 đến 1972 - Lưu Quang Vũ luôn cho thấy ông có một cái nhìn riêng, độc lập, không bị cuốn vào trường nhìn phổ biến khi đứng trước các đối tượng đất nước, nhân dân. Vì thế mà nhiều lúc nó trở nên lạc lõng. Vì thế mà thơ ông khó được phổ biến trên sách báo ở thời điểm này. Ví như ở một bài thơ có cái tên khá dài và thấm đượm phong vị của cổ thi, Đêm đông chí, rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn, Lưu Quang Vũ đã viết những câu rất lạ: “Nước Pháp khôn ngoan nước Nhật giàu/ Nước Mỹ lắm bom mà cực ác/ Nước Nga hiềm khích với nước Tàu/ Nước Việt đói nghèo thân cơ cực/ Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau/ Tối đen thành phố đêm lưu lạc/ Máy bay giặc rít ở trên đầu/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu”. Cái lạ thứ nhất ở đây là giọng điệu ngang tàng cứng cỏi rất hiếm khi xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ. Cái lạ thứ hai là cách nhìn về vị trí và thân phận của dân tộc trên bàn cờ thế giới đương đại: nó hằn nỗi xót xa, nó như một sự cân bằng lại với cái huyền thoại chói ngời về một nước Việt Nam anh hùng, biểu tượng của thế giới về sự bất khuất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Thực tế là sự nghịch âm này sẽ khiến cho càng về sau thơ Lưu Quang Vũ càng được chú ý hơn.
Có thể nói mà không sợ quá rằng, bằng cảm hứng thương nước như được thể hiện trong tác phẩm, so với hầu hết các nhà thơ cùng thế hệ, Lưu Quang Vũ có dáng vẻ của một nhà “tiên tri thấu thị”. Là vinh quang, song cũng là thiệt thòi cho ông, bởi suốt một thời gian dài, người đọc chỉ biết tới Lưu Quang Vũ như là tác giả của Hương cây, tập thơ đầu tay trong trẻo được xuất bản ở tuổi hai mươi của ông mà thôi. Xét đến cùng, như đã nói, thương nước chính là một biến thể khác của yêu nước, là biểu hiện của cái mà chúng ta vẫn quen gọi bằng cụm từ “ý thức công dân”. Phải là công dân yêu nước thì mới biết thương nước. Phương diện này của ý thức công dân nơi Lưu Quang Vũ phải nằm im trong hộc tủ bao năm, dưới dạng bản thảo, nếu muốn tìm nguyên do, có lẽ đành phải quy cho “hoàn cảnh lịch sử” chăng?

________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét