Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

VĂN CHƯƠNG TRẺ - RẤT CẦN MỘT CHIỀU SÂU VÀ TẦM NHÌN VĂN HÓA

Nguyễn Trọng Bình


1

Những năm gần đây, người ta thường nhắc đến cụm từ “văn chương trẻ” hay “văn chương thế hệ 8X, 9X”… để nói về đội ngũ sáng tác văn học nước nhà thời kì hội nhập và toàn cầu hóa. Trong số đó những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây có thể kể đến như Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Đình Tú, Vũ Đình Giang, Trần Đức Tiến, Phan Hồn Nhiên, Di Di, Cấn Vân Khánh, Trần Thị Hồng Hạnh… Nói gì thì nói, với những gì đã thể hiện, trước hết phải thừa nhận những cây bút vừa kể trên ít nhiều đã có những đóng góp nhất định cho việc thúc đẩy sự phát triển của văn học nước nhà trong thời kì đổi mới những năm đầu thế kỷ XXI. Và một trong những đóng góp tích cực và dễ thấy nhất của các cây bút “văn chương thế hệ 8X, 9X” chính là… đã góp phần bổ sung vào lực lượng sáng tác văn học cả nước thêm phần đông đảo và phong phú nhờ tính khỏe, sự “sung sức” và năng động của tuổi trẻ; thứ nữa, phải kể đến những đóng góp trên bình diện cái nhìn về quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người rất mới mẽ và táo bạo, qua đó các nhà văn trẻ ít nhiều đã cho thấy những khát vọng, những ước mơ, những suy tư và trăn trở của bản thân về ý thức trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội đầy biến động… Có thể nói, tất cả những đóng góp trên của các cây bút “văn chương trẻ” là rất đáng trân trọng, cần được ghi nhận và khuyến khích, động viên. Tuy vậy, công bằng mà nói, nhìn lại những sáng tác của các cây bút trẻ trong thời gian qua hay những sáng tác gần nhất, có thể nói, các cây bút này đã bộc lộ không ít những hạn chế rất cần được “mổ xẻ” để rút kinh nghiệm một cách thật nghiêm túc. Và theo tôi, nếu biết lắng nghe để khắc phục những hạn chế này chắc chắn các cây bút trẻ sẽ còn thành công hơn nữa trong sự nghiệp sáng tác của mình và khi ấy văn chương Việt Nam mới mong “tính chuyện đi ra nước ngoài” (chữ dùng trong một bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc) thay vì phần nhiều chỉ mãi quanh quẩn trong nước như hiện nay. Vậy những hạn chế hay những khiếm khuyết của cây bút trẻ hiện nay cần phải và khắc phục là gì? Có thể nói ngay ra rằng đó chính là chiều sâu và tầm nhìn văn hóa của một nhà văn (hay rộng hơn là của người nghệ sĩ nói chung) trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Đây có thể xem là một trong những hạn chế và khiếm khuyết lớn và dễ thấy nhất ở các cây bút trẻ hiện nay. Chính khiếm khuyết này làm cho tác phẩm của các nhà văn trẻ rất khó bay cao và bay xa. Trong một bài viết gần đây trên báo Văn nghệ trẻ, tác giả Bùi Việt Thắng khi nói về truyện ngắn của các cây bút trẻ hiện nay đã đưa ra nhận định: “Truyện ngắn trẻ - văn chương suồng sả của đời”[1]. Cách nói “suồng sả của đời” phải chăng cũng hàm ý và phản ánh phần nào những khiếm khuyết về chiều sâu và tầm nhìn văn hóa của các cây bút trẻ này?

2

Trước hết, vấn đề chiều sâu và tầm nhìn văn hóa trong văn chương mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là thái độ và sự quan tâm một cách đúng mức và sâu sắc của mỗi nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật về những yếu tố văn hóa đã kết tinh trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng góp phần làm nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam; người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật phải biết quan sát, biết nhìn nhận, biết tiếp thu, biết chọn lọc và sáng tạo nhằm góp phần làm phong phú hơn cho truyền thống văn hóa dân tộc; để những sáng tác của mình thật sự là cầu nối cho người với người xích lại gần nhau hơn, người với người đối xử với nhau nhân văn và nhân ái hơn... Mỗi nhà văn phải ý thức rằng, để có thể có những tác phẩm thật sự có giá trị phục vụ công chúng thì ngoài vấn đề về năng khiếu thì vấn đề tự trau dồi vốn sống - vốn văn hóa cho bản thân mình là vô cùng quan trọng. Cho nên mỗi nhà văn, qua những sáng tác của mình phải làm sao để người đọc cảm nhận được chiều sầu và “nội lực văn hóa” của bản thân, qua đó góp phần định hướng đồng thời cũng để “giữ mình” không phải chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng “lệch chuẩn”.
Một vấn đề nữa, về phương diện lý luận mà nói, vấn đề chiều sâu và tầm nhìn văn hóa trong sáng tạo văn chương, nói như Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh trong bài viết “Văn hóa như là nguồn lạch sáng tạo và khám phá văn chương” (Tạp chí văn học số 1, năm 2007) còn là “cách tiếp cận văn hóa đối với văn chương” bởi đây có thể xem là “một đòi hỏi của thời đại có khả năng tạo động lực mới cho văn chương, làm cho sự sáng tác, nghiên cứu, tiếp nhận văn chương không bị đóng khung trong lĩnh vực thuần túy văn chương, ở một số người đọc hạn hẹp, mà trở thành mối quan tâm chung của rất nhiều người, của cả một cộng đồng xã hội rộng lớn.” Hay: “…Cách tiếp cận văn hóa đối với văn chương lúc này cũng có thể góp phần khắc phục khuynh hướng biệt lập hóa, cô lập hóa văn chương đã kéo dài quá lâu, làm cho văn chương xa rời những vấn đề trọng đại, sống còn, bức xúc của đời sống, của xã hội, của lịch sử, của con người; do đó cũng mất đi sức mạnh cảm hóa, thanh lọc lớn lao của nó; khắc phục khuynh hướng đề cao một chiều, tuyệt đối hóa mặt hình thức, kỹ thuật của văn chương, đôi lúc biến văn chương thành một trò chơi chữ cầu kì, trống rỗng.”

3

Từ những vấn đề mang tính chất lý luận ở trên, nhìn lại các sáng tác của những cây bút văn chương trẻ trong thời gian qua thật sự mà nói vấn đề chiều sâu và tầm nhìn văn hóa phần nhiều còn khá hời hợt và nông nỗi. Tính năng động, tính sáng tạo, sự “sung mãn” trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực đời sống xã hội được thể hiện qua các trang viết (mang tính “thời sự”) là điều rất đáng trân trọng và biểu dương ở các cây bút trẻ (dù sao đây cũng là lợi thế của họ). Tuy nhiên, sự bốc đồng, tâm lý hiếu thắng, sự nóng vội và dễ dãi trong suy nghĩ chính là nguyên nhân làm cho các cây bút trẻ “không lớn” lên được. Điều này thể hiện rất rõ từ cách tiếp cận cho đến cách giải quyết vấn đề trong các tác phẩm của các cây bút này. Nhìn chung, phần lớn những cây bút trẻ chỉ mới tiếp cận vấn đề mang tính bề nổi, những hiện tượng riêng lẻ chứ chưa thật sự chạm đến cái “cái bản chất sâu xa” để có thể khái quát lên thành những vấn đề mang tầm “dân tộc” và “nhân loại” như các nhà văn tiền bối. Nói cách khác, những cây bút trẻ tuy có cố gắng, có khát khao tìm tòi và thể hiện nhưng tác phẩm của họ phần nào chỉ mới đáp ứng được yêu cầu “phản ánh” chứ chưa cho thấy một sự “nghiền ngẫm” nghiêm túc và sâu sắc hiện thực đời sống đang đầy sôi động và nóng bỏng hiện nay. Hoặc giả cũng có “nghiền ngẫm” nhưng đó chỉ là một sự “nghiền ngẫm” chưa tới, “nghiền ngẫm” chưa ra, “nghiền ngẫm” chưa đến nơi đến chốn…
Cũng Bùi Việt Thắng trong “Truyện ngắn trẻ - văn chương suồng sả của đời” có một nhận định khá chính xác về các cây bút trẻ hiện nay là: “Dường như khi viết họ chỉ cốt bằng mọi cách phô diễn cho hết mọi ý tứ, thậm chí viết làm sao cho lạ, cho mùi mẫn mà không nghĩ rằng nghề chữ cũng lắm công phu. Sự cẩu thả trong cách viết của các cây bút trẻ, tôi nghĩ, không phải do học vấn, văn hóa mà là từ một quan niệm “văn chương suồng sã của đời” nên phải viết làm sao cho nó “bụi bặm”. Hoặc giả từ một quan niệm muốn hiện đại hoá tiếng Việt nên vay mượn, lai căng. Tôi dám chắc các cây bút trẻ có mặt trong cuốn sách này và rộng ra là văn trẻ nói chung, mấy ai đã kì công như Nguyễn Tuân trong lao động nghề nghiệp để luyện chữ.”
Bùi Việt Thắng đã nói rất đúng và đây cũng chính là một trong những khiếm khuyết và hạn chế của các cây bút trẻ hiện nay trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời cũng là biểu hiện hiện rõ nhất cho sự thiếu chiều sâu và tầm nhìn văn hóa trong sáng tạo nghệ thuật của các cây bút trẻ. Điều này cũng đã lý giải vì sao có rất nhiều tác phẩm của những cây bút trẻ đến tay độc giả nhưng rồi họ cũng sẽ “quên ngay sau khi đọc”. Họ - các cây bút trẻ có phần chủ quan, không ý thức cũng như không trang bị cho mình một vốn sống - vốn văn hóa cần thiết để có thể theo nghiệp văn chương vốn rất thiêng liêng và cao quý vì thế, đã đưa đến một hệ lụy là sự“cẩu thả trong cách viết”. Nếu nói rằng ngôn ngữ phản ánh tư duy của con người thì từ đây có thể suy ra “sự cẩu thả trong cách viết” của các cây bút trẻ phần nào cũng nói lên sự cẩu thả trong cách tư duy, cách suy nghĩ của họ. Có thể nêu ra đây hai vấn đề thường gặp nhất trong các sáng tác của các cây bút trẻ hiện nay như sau:
Thứ nhất, như đã đề cập ở phần đầu, tác phẩm của các cây bút trẻ tuy có cố gắng tìm tòi sáng tác nhằm trình bày những suy nghĩ của bản thân về những thay đổi của xã hội và con người Việt Nam trong xu thế mới. Tuy vậy, trong quá trình thể hiện những điều ấy hoặc là các cây bút trẻ sa vào phản ánh hoặc đưa vào tác phẩm tất cả những gì mình thấy không những vụn mà còn khá thô nhưng rồi cuối cùng cũng không khái quát thành vấn đề mang tầm tư tưởng gì một cách rõ ràng; hoặc không thì lại cố tình tạo ra một tâm lý “nổi loạn” ở những “con người mới” với những suy nghĩ phản kháng thậm chí là sẵn sàng cắt đứt mọi sợi dây ràng buột về văn hóa (vốn tồn tại mấy ngàn năm) với thế hệ cha ông. Vì thế, các tác phẩm thường rơi vào tình trạng “chiêu thuyết” cho một lối nghĩ, một cách nghĩ, cách sống nhỏ hẹp, hời hợt của một bộ phận công chúng trong xã hội mà thiếu một cái nhìn mang tính định hướng và dự báo, dự cảm những vấn đề mang “tầm thời đại”…
Thứ hai, do tâm lý nóng vội của tuổi trẻ muốn nhanh chóng khẳng định mình, các cây bút trẻ thường bộc lộ những suy nghĩ khá chủ quan về một vấn đề nào đó của con người và xã hội thông qua cách nói mang tính “triết lý” đôi khi rất tầm ruồng và hời hợt; trong cách viết, cách nghĩ thường rất ham khái quát mọi chuyện lớn nhỏ của cuộc sống thành những “quy luật” này nọ trong khi bản thân mình chưa từng “sống”, chưa từng được trải nghiệm một cách thấu đáo…
Tiêu biểu cho những vấn đề này có thể dẫn ra đây trường hợp của Đỗ Hoàng Diệu với tác phẩm Bóng đè. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu lúc vừa “ra lò” đã được rất nhiều người đánh giá cao và cho rằng nữ văn sĩ trẻ này còn là cây bút đầy tiềm năng và triển vọng trong tương lai. Thế nhưng cho đến nay, có vẻ như Bóng đè và Đỗ Hoàng Diệu chẳng còn mấy ai nhắc tới và những hứa hẹn về “tiềm năng”, về “triển vọng” ở nhà văn này cũng chẳng thấy “phát tiết” ra sao. Vì sao như vậy? Có thể nói Bóng đè là kết quả (hay hậu quả) của những suy nghĩ thiếu sự “nghiền ngẫm” tới nơi nới chốn nên cuối cùng cũng chẳng khái quát được vấn đề gì lớn lao về văn hóa cũng như con người Việt Nam (theo như ý đồ của tác giả); một sự nóng vội và cẩu thả trong cách thể hiện vấn đề sex vào tác phẩm nghệ thuật. Do chưa đủ bản lĩnh và kỹ năng để xử lý vấn đề này, nên sex trong Bóng đè vô tình đã làm che mờ và phủ lắp cái ý tưởng ban đầu của nhà văn. Bóng đè vì thế, chỉ có thể là “những trang viết lạ” chứ chưa mang lại một “thông điệp” gì “to tát” như nhiều người đã nhận xét, càng không thể hiện được một chiều sâu và tầm nhìn tư tưởng gì ghê gớm để có thể “tiếp thị” và quảng bá văn chương cũng như con người Việt Nam đến với bè bạn quốc tế.
Nhìn sang lĩnh vực thi ca, những năm đầu thế kỉ XXI, trên thi đàn nói chung cũng rất xôn xao về “hiện tượng” thơ Vi Thùy Linh. Tương tự như trường hợp của Đỗ Hoàng Diệu, từ khi nữ thi sĩ này xuất hiện có không biết bao nhiêu là bài viết đánh giá và khen ngợi hết lời của không biết bao nhiêu nhà phê bình, nghiên cứu hay các nhà văn, nhà thơ khác (rất may là cũng có không ít nhà phê bình “tỉnh táo” hơn khi viết bài… không ca ngợi). Nào là thơ Vi Thùy Linh “là một biểu tượng giải phóng phụ nữ, là cơn lốc ý tưởng, cơn lốc chữ”; nào là thơ Vi Thùy Linh thể hiện“khát khao về chức năng làm mẹ, và nghĩ một cách thâm trầm, sâu sắc đến không ngờ về thiên chức người mẹ trong thế giới”; rồi nào là “một dòng thi ca rất “Linh” chảy từ đời xưa đến nay để rứt ra một Vi Thùy Linh chuyển cõi bay lên chạm vào khối tinh tú cuồng dại”; nào là “thơ Vi Thùy Linh tạo một dư chấn ám ảnh khôn nguôi”; rồi nào là thơ Vi Thùy Linh là “thơ phóng sinh ý tưởng ra ngoài gông cùm của thành kiến truyền kiếp, đập cánh quyết liệt vào hiện đại. Thơ phá tung cánh cửa vờ vĩnh che chắn trái tim tục lụy, trưng cầu ánh sáng v.v và v.v..[2]
Ấy vậy mà cho đến nay, “hiện tượng thơ” ngày nào cũng chẳng còn mấy ai quan tâm (ngoại trừ một vài người trong giới). Cây bút trẻ này đang bay cao, bay xa tới đâu cũng chẳng còn ai biết, ai hay? Nói điều này không phải để phủ nhận những cố gắng, tìm tòi của Vi Thùy Linh, tuy nhiên rõ ràng đến nay có thể lý giải được vì sao không còn mấy người nhớ đến và nhắc đến thơ Linh phải chăng ít nhiều đã nói lên rằng thơ chị tuy có cố gắng sáng tạo, có cố gắng cách tân trong nhiều phương diện nhưng nhìn chung vẫn thiếu một chiều sâu và tầm nhìn văn hóa? Người ta cho rằng những câu thơ mang yếu tố “sex” trong thơ Vi Thùy Linh là độc đáo, là sáng tạo góp phần thể hiện khát vọng yêu đương rất thực, “rất người”, “rất đời” của con người (đặc biệt là người phụ nữ) trong thời đại mới, đồng thời góp phần tạo nên “thương hiệu” cho thơ chị (đại loại như những câu:“Khỏa thân trong chăn. Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi. Mình ôm lấy anh ôm mình. Biết sự bình yên của mặt đất”) không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, có thể thấy, thơ Vi Thùy Linh vẫn thiếu một “chiều sâu” để bạn đọc có thể đồng cảm với chị một cách dài lâu. Co thể thấy, trong thơ Linh tuy sự chân thành, sự nồng nhiệt thậm chí “cuồng nhiệt” thì có thừa nhưng lại thiếu và đánh mất những đằm thắm, những dịu dàng, những tinh tế của con người (đặc biệt là người phụ nữ Á đông) trong lúc thụ hưởng những phút giây ngọt ngào nhất của yêu đương, của ái ân. Ngoài ra, sự thiếu chiều sâu văn hóa trong thơ Vi Thùy Linh còn thể hiện ở cách “ứng xử” trong tình yêu. Trong tình yêu hay trong cuộc sống nói chung của con người phải biết dung hòa giữa hai việc “cho” và “nhận”, trong sự “đòi hỏi hưởng thụ” và “đức hi sinh”. Có vẻ như thơ Vi Thùy Linh khi đề cập đến vấn đề này thiên về sự “nhận” hơn là “cho”, thiên về “đòi hỏi” một chiều hơn là sẵn sàng “hi sinh”… vì vậy mà người đọc khó đồng cảm, khó nhớ, khó thuộc. Đó là chưa nói đến việc phải có “tay nghề” trong cách sử dụng ngôn từ đẹp khi đề cập đến những vấn đề “tế nhị” nhưng không gây sốc mà vẫn tạo được giá trị thẩm mỹ và cảm xúc cho thơ. Điều này ở Vi Thùy Linh cũng không hẳn đã cao.

Nhân chỗ này, chúng ta thử nhìn lại cách các nhà thơ Mới Việt Nam (1932-1942) viết về vấn đề khát khao yêu đương và “cháy” hết mình trong tình yêu cách đây hơn nửa thế kỷ để có cái nhìn rõ hơn về chiều sâu văn hóa trong thơ:
Đây là những câu thơ của “ông hoàng” thơ tình yêu Xuân Diệu:

Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt
Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng
“Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm”.

(Xa cách – Xuân Diệu)

Và đây là những câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên
Rồi anh sẽ dìu em trên cánh khói
Đưa hồn say về cuối tận trời quên!

(Quên – Vũ Hoàng Chương)

Nên nhớ rằng, các nhà thơ Mới Việt Nam trước 1945 vốn cũng là những trí thức có tuổi đời còn rất trẻ (thậm chí nhiều người còn trẻ hơn các cây bút trẻ hiện nay) lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa và văn học phương Tây (nhất là Pháp) trong hoàn cảnh giao thời của đất nước. Họ chính là những đại diện tiêu biểu trong cuộc “bút chiến” với những trí thức Nho học lúc bấy giờ để đấu tranh cho một cuộc cách mạng trong văn hóa (hay cụ thể hơn là trong văn học nghệ thuật nói chung). Tuy vậy, các nhà văn, nhà thơ trong giai đoạn này không bao giờ cẩu thả và hời hợt trong cách nghĩ, cách viết… Có thể thấy, ở các nhà văn, nhà thơ này một sự cách tân rất táo bạo, rất mạnh mẽ (trên tất cả mọi phương diện của văn chương so với trước đó) tuy nhiên sự cách tân ấy luôn được đặt trong cái nhìn và mối liên hệ với truyền thống văn hóa dân tộc rất sâu sắc và có trách nhiệm. Vì thế, các sáng tác của họ đã thể hiện rất rõ một bản lĩnh và chiều sâu cũng như tầm nhìn văn hóa thông qua những biểu hiện của một “cái tôi” độc đáo không những được công chúng đương thời nồng nhiệt ủng hộ mà còn bất hủ với chúng ta hiện nay. Đọc lại những Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ; Tiếng thu của Lưu Trọng Lư; Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp; Nguyệt cầm, Lời kỹ nữ của Xuân Diệu; Ông đồ của Vũ Đình Liên, Chân quê, Mưa xuân của Nguyễn Bính; Tống biệt hành của Thâm Tâm… chúng ta thấy rất rõ “nội lực” và chiều sâu cũng như tầm nhìn văn hóa của các tác giả này.

4

Trên đây là một vài trường hợp tiêu biểu minh chứng cho cái gọi là thiếu chiều sâu và tầm nhìn văn hóa trong sáng tạo văn chương ở những cây bút trẻ hiện nay. Vẫn còn khá nhiều những cách nghĩ, cách tư duy hời hợt và cách viết cẩu thả của rất nhiều cây bút trẻ khác mà trong cùng lúc không thể nào kể hết ra đây. Tuy vậy nói như thế, không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn những đóng góp của các cây bút trẻ. Cũng rất may cho văn chương Việt Nam, những năm gần đây còn có một vài cây bút trẻ ý thức khá sâu sắc vấn đề này như Nguyễn Ngọc Tư, Dương Bình Nguyên, Di Li… Đặc biệt là với Nguyễn Ngọc Tư, điều này cũng đã lý giải vì sao trong số những cây bút trẻ hiện nay, Nguyễn Ngọc Tư có vẻ nổi trội hơn cả; những sáng tác của chị được đông đảo bạn đọc cũng như các nhà phê bình nghiên cứu đánh giá cao và ít nhiều đã góp phần quảng bá cho văn chương nước nhà đến với bạn bè trong khu vực và thế giới trong thời kì hội nhập. Có thể thấy, một trong những yếu tố làm nên thành công và sự “bứt tốp” của Nguyễn Ngọc Tư so với các cây bút còn lại, nói như nhà văn Dạ Ngân chính là sự “điềm đạm và thấu đáo” của chị trong cách nghĩ, cách viết. Nhìn kĩ sẽ thấy những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng được xây trên “cái nền” khá vững chắc của văn hóa dân tộc (cụ thể ở Nguyễn Ngọc Tư là văn hóa và con người vùng đất Nam bộ). Nguyễn Ngọc Tư đã kết hợp yếu tố hai thời đại và truyền thống để từ đó khái quát lên thành một “cái nhìn khắc khoải” của riêng chị về những vấn đề mang tính thời sự, bức thiết và nhức nhói của đất nước và con người Việt Nam trong những năm đầu hội nhập và toàn cầu hóa. Những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư qua cách đặt tiêu đề thôi cũng cho thấy ở chị một chiều sâu và nội lực văn hóa rất đáng quý, đáng nễ như: Ngọn đèn không tắt, Nước chảy mây trôi, Lý con sáo sang sông, Dòng nhớ, Cuối mùa nhan sắc, Cánh đồng bất tận, Chuồn chuồn đạp nước…

***
5. Thay lời kết

Trước 1945 trong tác phẩm Đời thừa, nhà văn Nam Cao có viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương nhưng sự cẩu thả trong văn chương là một sự đê tiện”. Câu nói thể hiện một ý thức trách nhiệm rất cao của Nam Cao đối với những người theo nghiệp cầm bút. Đồng thời qua đó cũng cho thấy chỉ có những nhà văn có một nội lực, một chiều sâu và tâm nhìn văn hóa mới có thể “nghiền ngẫm” và phát biểu hay như vậy. Nhìn lại các nhà văn trẻ trên văn đàn Việt Nam hiện nay, rõ ràng họ đang có rất nhiều ưu thế để có thể thành công hơn nữa trong sự nghiệp cầm bút của mình so với các thế hệ cha anh trước đây về điều kiện vật chất và tinh thần; nhiều người cầm bút hiện nay có thể nói cũng không bận tâm lắm về vấn đề “cơm áo gạo tiền” như các nhà văn tiền bối. Tuy vậy, các cây bút trẻ cần phải ý thức rằng văn chương không phải là chuyện ai muốn đến là đến, ai muốn đi là đi; văn chương cũng không phải là chuyện “cầu được, ước thấy”; càng không phải là chuyện ra chợ bỏ tiền mua cái “láp-tóp” rồi về nhà gõ chữ là thành. Văn chương, chữ nghĩa vốn rất Thiêng vì thế, rất cần một sự chân thành, một sự chính chắn và nghiêm túc. Nói tóm lại, văn chương rất cần một chiều sâu và tầm nhìn văn hóa của người cầm bút. Những ai đang đùa hay thậm chí là đang “đùa dai” với văn chương xin hãy dừng lại… một phút thôi để tự vấn lương tâm.
________________________________________
[1] Bùi Việt Thắng - “Truyện ngắn trẻ - văn chương suồng sả của đời”. Báo Văn nghệ Trẻ, số 16 ngày 17 tháng 4, năm 2010.
[2] Những nhận xét của các tác giả Thanh Thảo, Dương Tường, Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Trọng Tạo in ở bìa tập thơ “Linh” và tập thơ “Khát” của Vi Thùy Linh – Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét