Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ TÌNH

Anh Ngọc

Hơn 40 năm qua, trong nền thơ cách mạng của chúng ta, không phải là không có thơ tình, thậm chí còn có một đôi bài khá hay. Tuy nhiên, thơ tình rõ ràng không phải là một trong những dòng thơ chủ đạo trong tình hình đất nước những năm ấy. Cái tình cảm tuy là mạnh mẽ bậc nhất của con người và là đề tài muôn thuở của văn học nghệ thuật này đã phải nhường bước cho những tình cảm công dân, những tình cảm cách mạng lớn lao đang chi phối toàn bộ số phận của nhân dân. Trai gái yêu nhau và nên vợ nên chồng trong khói lửa đạn bom, những đứa trẻ vẫn ra đời, thậm chí dưới hầm sâu địa đạo và thơ tình lẫn vào sau những dòng thơ chiến đấu, thơ sản xuất, thơ nói cái chung. Đấy là những năm mà mỗi nhà thơ chúng ta đều mang trong mình một nhà chính trị và bị nhà chính trị giám sát gắt gao. Khi đứng trước biển thì người ta nghĩ ngay đến chuyện đi đánh cá, chuyện bám biển bám tàu, chứ ít ai nghĩ đến vẻ đẹp thuần tuý của biển như một đối tượng tự thân của nghệ thuật. Cũng như vậy, nói đến rừng là nói đến trồng cây, đốn gỗ, khai hoang... trai gái ngồi bên nhau tình tự nhưng lại toàn nói chuyện phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng, chuyện học hành, chuyện sản xuất v.v. . . và v.v . . . Tình yêu bị chi phối bằng hàng trăm thứ quan tâm khác một cách rất hồn nhiên.
Đó là thứ thơ tình không xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của tình cảm, mà được sử dụng như một vũ khí để tuyên truyền, giáo dục tình cảm cho người đọc. Cũng như nhiều loại tình cảm khác, tình yêu trong những năm này luôn hiện lên trong thơ bằng gương mặt tươi cười, không hề thoáng nét u buồn:

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rười rượi

Có một thời nhiều người trong chúng ta đã thích bài thơ được phổ nhạc này, nhưng bây giờ nghĩ lại, riêng tôi không thấy thích nữa. Phải công nhận bài thơ có ngôn từ, hình ảnh đẹp, nhạc điệu rất du dương, nhưng ý thơ thì còn phải xem 1ại. Đã đành tình yêu chân chính có khả năng chiến thắng cả khoảng cách xa trong không gian và thời gian, nhưng muốn chiến thắng không thể không trả giá - cái giá thông thường nhất, ấy là nỗi buồn. Chí ít thì cũng phải là: Khi xa anh, em không buồn nhưng cũng nhớ như thơ Hoàng Thị Minh Khanh. Đằng này, lẽ nào sự xa cách, biệt ly vốn là tử thù truyền kiếp của mọi cuộc tình lại không gây ra một tác động nào lên những người xa nhau, khiến họ vẫn “bình chân như vại” thế được? Chính vì vậy, trong Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mỹ đã có lý hơn khi anh còn biết nghiền ngẫm nỗi chia xa từ một phía khác:

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời

Có thêm một giọt nước mắt, bài thơ trở nên chân thực hơn và có sức thuyết phục hơn.
Cũng như thế, một số bài thơ của Hữu Loan, Xuân Diệu, Tế Hanh, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… đã cố gắng giữ được cái chân thực đa dạng vừa đơn giản, vừa phức tạp vốn có của tình yêu. Những Màu tím hoa sim, Biển, Vườn xưa, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Sóng, Vườn trong phố... vừa không thoát ly khỏi cái không khí của cuộc sống mới, vừa không chịu đánh mất hết những biểu hiện muôn thuở của tình yêu.
Tiếc rằng, những bài thơ như thế không nhiều. Hiển nhiên, trên giấy trắng mực đen, chưa một ai lên tiếng phủ nhận thơ tình (ngược lại mới đúng), nhưng trong thực tiễn đời sống, tự nhiên hình thành một dư luận kỳ thị thứ thơ này. Người ta dễ dàng chụp ngay cái mũ “tiểu tư sản, uỷ mị” cho những thứ tình cảm riêng tư nào có chiều sâu tinh tế, đa dạng, không dễ mổ xẻ một cách minh bạch - mà tiếc thay, đó lại là bản chất của tình yêu.
Chính vì vậy, khi các nhà xuất bản đua nhau cho ra mắt các tuyển tập thơ tình thì mặc dù có tập cũng thu hút được sự chú ý, nhưng nhìn chung chúng cũng đã nhanh chóng bị công chúng quay lưng hờ hững.
Vậy thơ tình “thứ thiệt” đòi hỏi những điều kiện gì?
Phẩm chất hàng đầu của tình yêu là tính chân thực và mãnh liệt cao độ. Có thể có những bài gọi là thơ “hiếu hỷ”, thơ “phục vụ” ở những đề tài khác, nhưng trong thơ tình thì không thể có như vậy. Về cơ bản, những người làm thơ tình nếu không phải là người đang yêu thì cũng phải là người đã yêu và tình cảm đó vẫn luôn sống trong lòng mình (trong khi thảng hoặc có những người không yêu ai và cũng chẳng được ai yêu những hễ đặt bút là anh anh, em em thì thơ tình của họ thật đáng hồ nghi). Từ cốt lõi, thơ tình là thứ thơ bộc bạch những tình cảm say đắm nhất trong khi yêu để mong tìm một sự cảm thông của người mình yêu, của những người xung quanh, nhưng trước hết là để tự nói với mình. Do đó, nó là thứ thơ riêng tư, kín đáo, thường là viết cho một người, chí ít thì cũng do động lực của một người gây ra, nó rất gần với thứ thơ nhật ký, thơ trao tay, nó rất sợ sự lộ liễu, ồn ào. Bản chất của thơ tình, cũng như bản chất của tình yêu, là không giả dối. Những bài thơ tình riêng tư nhất, chân thực nhất cũng đạt đến tính phổ cập nhất và trở thành tiếng nói của nhiều người. Có những bài thơ tình lý trí rất sâu sắc, rất hay, nhưng thơ tình trước hết là thơ tình cảm. Thậm chí, khi đạt đến tính chân thực tình cảm rất cao, thơ tình bỏ lại đằng sau mọi thủ pháp nghệ thuật, để chỉ còn lại là một tiếng lòng trần trụi:

Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Trời ơi người ấy có buồn không
(T.T . KH)

Hoặc:

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em
(Xuân Diệu)

Những tiếng khóc, tiếng kêu thét ấy lay động đến tận đáy lòng người đọc - cũng là những người đang yêu - giải toả cho họ bao tình cảm dồn ứ trong tim: không ai còn nhớ đây chỉ là những câu thơ và thơ của người nào.
Còn một điều mà không chỉ các bạn đọc mà những người viết cũng đã dần dà nhận ra trong thơ tình không thiếu được cái buồn. Bởi vì, sự thật là trên đời này không có một tình yêu nào bình lặng, không tình yêu nào không kèm theo những đau khổ, dằn vặt, những nỗi buồn to lớn:

Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đang yên
(Xuân Quỳnh)

Và hơn lúc nào hết, chính trong những giây phút ấy con người cần đến sự hỗ trợ của thơ, con người tìm đến thơ. Xử lý thích đáng với cái buồn, nâng đỡ con người trong những giây phút yếu đuối, bất lực của tình cảm, thơ tình sẽ là người bạn tri âm không thể thiếu của con người, của các thế hệ tuổi trẻ. Bởi vì, ở trên đời này có những phút chỉ có thơ mới cứu vớt được trái tim con người. Đúng hơn: thơ và âm nhạc.

5-1989
_______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét