Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

9 tác giả “ăn nên làm ra” năm 2010

Việc đánh giá được thực hiện vào kết quả khảo sát với các tác giả dưới 40, và căn cứ vào các tiêu chí: giải thưởng họ đạt được, lượng sách xuất bản và phản hồi của dư luận.

Nguyễn Ngọc Tư – lộc văn chương bất tận?

Kể từ lần giải thưởng văn học Tuổi hai mươi lần thứ II với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, hình như “lộc” văn chương đã mở cánh cửa thần kì ra cho Nguyễn Ngọc Tư. Hiếm tác giả nào dưới 40 tuổi liên tiếp nhận được các giải thưởng văn học quốc gia và quốc tế như chị (một trường hợp khác có thể kể đến là Nguyễn Ngọc Thuần). “Cơn sốt” mang tên Nguyễn Ngọc Tư chính thức vào giai đoạn cao trào khi Cánh đồng bất tận ra mắt, và tác giả thì ngậm ngùi nhận án kỉ luật ở địa phương, bắt đầu cho làn sóng bảo vệ tác giả được lan rộng toàn quốc. Trong lĩnh vực văn học, Nguyễn Ngọc Tư là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2008. “Cơn sốt” Nguyễn Ngọc Tư ngỡ đã tới đỉnh điểm và ắt phải thoái trào. Thế nhưng liên tiếp các năm sau, sách của Nguyễn Ngọc Tư luôn là những cuốn sách bán chạy nhất trong năm . Và năm 2010 với sự ra mắt của bộ phim Cánh đồng bất tận, “cơn sốt” Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục dấy lên một làn sóng mới. Lượng tái bản Cánh đồng bất tận – đưa cuốn sách trở thành tác phẩm bán chạy nhất Việt Nam. Nhưng dường như chừng ấy vẫn chưa đủ làm cho độc giả thỏa mãn. Đúng lúc đó, việc ra mắt tập truyện ngắn Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư đã đánh trúng tâm lý của thị trường.

Trước khi cuốn sách được phát hành, nữ nhà văn của Cà Mau đã lên mạng tự quảng cáo tác phẩm của mình. Đoạn quảng cáo gây bất ngờ với nhiều người, nhưng cũng chính vì thế càng khiến người ta tò mò hơn. Chị viết:

“Bạn có thể không thích em í ngay bây giờ nhưng vào một cơn gió nào đó khiến bạn bỗng dưng muốn sến, em í rất hợp với tâm trạng bạn lúc đó. Sến pha chút quê quê và dịu dàng thủ thỉ i ỉ ì i.

Bạn có thể bị những cô nàng (hoặc những anh chàng) bỏ bạn mà đi, em í ở lại với bạn tới chừng nào bạn muốn. Bạn được trao quyền chủ động phụ rẫy còn em í chỉ biết cúc cung chung thủy và chung thủy đến hết đời. Do đó bạn có thể tặng em í lại cho bạn bè em trai chị gái, sau khi đã vui vẻ với em í xong, và khi nhớ có thể đến lấy lại, em í trước sau vẫn ngọt ngào.

Và không cần biết bạn có yêu em í hay không, nhưng em í đã yêu bạn từ cái nhìn đầu tiên, cho đi mà không hề toan tính. Đấy, em í đang ở trên kệ và hết sức gọi mời, “nào, hãy cưới tôi đi” .

Cuối cùng, hãy cảm thụ em í và nhớ mãi cảm giác đó, để sau này lấy em í ra mà đập vài cái fim mà người ta sắp làm nay mai, hỏi rằng fim hong giống truyện là sao là sao là sao?”

Đoạn quảng cáo có phần gây sốc này có lẽ là một trong những lý do khiến cho buổi ra mắt sách ngày 12- 11 - 2010 đã nhanh chóng trở thành sự kiện . Mặc dù chưa tới giờ khai mạc buổi nhưng đã có hàng trăm độc giả kéo đến, ngồi chật cứng căn phòng khá lớn của quán cà phê .

Khói trời lộng lẫy cũng đã được Hãng phim truyện Việt Nam mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Dự báo khi bộ phim được ra mắt khán giả, sẽ lại có một cơn sốt mới về tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư. Có người đã đùa rằng: bây giờ Nguyễn Ngọc Tư viết gì cũng đắt khách. Điều này cho thấy “lộc văn chương” của nữ nhà văn này càng ngày càng phát. Xin chúc mừng chị!

Nguyễn Phan Quế Mai – “sao nguyệt quế” chiếu mệnh?

Không hiểu trong các kiểu sau chiếu mệnh, thì liệu có sao nguyệt quế hay không ? Nếu có thì rõ ràng nó ứng với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Bằng chứng là trong cùng một năm, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai hai lần đứng ở ngôi vị cao nhất để nhận các giải thưởng văn chương. Đó là giải nhất cuộc thi Thơ viết về Hà nội do Tuần báo Văn nghệ và Đài phát thanh truyền hình Hà nội tổ chức, chào mừng Đại lễ Thăng Long – Hà Nội. Nhận giải nhất vừa được một tuần, chị tiếp tục có mặt ở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội để nhận Giải thưởng văn học năm 2010 với tập thơ Cởi gió .
Đánh giá của Hội đồng thẩm định dành cho tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai đó là: Một giọng thơ biết tiết chế để khi chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào vụn vặt. Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc. Tác giả cũng chứng tỏ một bản lĩnh thơ trẻ, không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không sa vào ngôn từ dễ dãi, cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm. Những bài thơ về Hà Nội dễ nhận được sự chia sẻ nhờ một cách nhìn hiện đại, một cách nghĩ, cách cảm trẻ trung và khá mới lạ. Đồng thời người đọc cũng mong chờ sự bứt phá của tác giả trong thời gian tới, trên cơ sở gia tăng độ mỹ cảm cho ngôn ngữ, nghiêm khắc hơn trong kỹ thuật và nghệ thuật thơ.

Không say sưa mê mải “trong ánh hào quang”, Nguyễn Phan Quế Mai âm thầm biên soạn, chuyển ngữ tác phẩm thơ và hồi kí của nhà thơ Mỹ Bruce Weigl , tác phẩm Sau mưa thôi nã đạn. Sau nửa năm làm việc miệt mài, tác phẩm đã ra mắt bạn đọc đúng vào dịp 22- 12, và trở thành một sự kiện văn học đáng ghi nhận trong năm. Sau mưa thôi nã đạn cũng nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy trong tháng.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ về cuốn sách vừa ra mắt: “Tôi phải chạy đua với thời gian vì tôi biết rằng Bruce Weigl đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Trong 6 tháng qua, ông đã phải hóa trị, xạ trị và trải qua 3 lần phẫu thuật. Tôi hy vọng tình cảm của bạn đọc Việt Nam sẽ là động lực để Bruce Weigl có thể chiến thắng căn bệnh ung thư của mình.Mặc dù rất bận, nhưng thơ ca đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Thơ ca giúp tôi cân bằng áp lực cuộc sống, và đang giúp tôi có một cuộc sống ý nghĩa hơn, sẻ chia hơn.”

Nguyễn Xuân Thuỷ hay Sát thủ được tìm kiếm?

Trong cùng một năm 2010, Nguyễn Xuân Thuỷ ra mắt 3 tập sách: Kì thú Trường Sa(sách cho thiếu nhi); Độc ca không lời (tản văn) và tiểu thuyết Sát thủ online.
Ba đầu sách, nhưng cuốn khiến cho Nguyễn Xuân Thuỷ trở nên “hot” trên nhiều diễn đàn, liên tục được bạn đọc tìm kiếm là Sát thủ online.

Nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm nhận xét: Sát thủ online là câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của một games thủ có nickname Hiệp sĩ đen. Khi lật giở từng trang sách, bạn đọc sẽ được Nguyễn Xuân Thủy dẫn dụ vào một thế giới tiểu thuyết có nhiều điều thú vị đáng để khám phá. So với Biển xanh màu lá, lối viết của Nguyễn Xuân Thủy trong Sát thủ online đã bớt sự “hồn nhiên”, già dặn và chững chạc hơn nhiều. Kết cấu tiểu thuyết chắc chắn, tính trinh thám, hình sự cuốn hút, bao chứa những vấn đề xã hội nóng bỏng,Sát thủ online là bước đi đúng hướng trên văn nghiệp của Nguyễn Xuân Thủy. Giới phê bình chuyên nghiệp hay bạn đọc phổ thông đều sẽ tìm kiếm được điều mình cần tìm trong tiểu thuyết này.

Lý do đầu tiên khiến Sát thủ online được chú ý là bởi đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam chuyên về tội phạm mạng với bối cảnh là môi trường Internet. Toàn bộ tiểu thuyết gồm 13 chương với cách thể hiện khá đặc biệt, trước mỗi chương đều có đề dẫn và sau mỗi chương là một box thông tin trong đó đăng một phóng sự trên truyền hình quốc gia về đời sống mạng Internet trong nước và thế giới. 13 bản tin từ 12 giờ đến 0 giờ như một cách đếm ngược mang tính thúc bách cần có những ngăn chặn, những rào chắn, những bức tường lửa thanh lọc môi trường Internet với những bộ quy tắc ứng xử cho một lớp công dân mới sinh ra từ Internet.

Sức hấp dẫn của cuốn sách còn bởi tác giả đã tạo dựng một không khí truyện biến ảo, lôi cuốn và hồi hộp đến nghẹn thở.

Thế nhưng - nếu như chỉ đơn thuần dựng lại một vụ án, bạn đọc hiếu kì có lẽ sẽ tìm đến các phim hành động hay các bản tin vụ án trên báo chí, đăng tải mỗi ngày. Sát thủ online nằm lại trong lòng bạn đọc bởi chất nhân văn đằm sâu trong từng trang viết. Kẻ tội phạm dù tha hoá đến đâu, cũng còn một chút nhân tính ở trong mình. Điều ấy khiến chúng ta giữ được niềm tin ở cuộc đời này.

Chính vì lẽ đó, tác phẩm đã vượt lên 165 tác phẩm truyện, ký tham gia dự thi viết "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong 3 năm 2007-2010 để giành giải nhất một cách ngoạn mục .

Với Sát thủ online - Nguyễn Xuân Thuỷ chứng tỏ khả năng đa dạng trong ngòi bút của mình. Trước đây, anh từng để lại ấn tượng với bạn đọc bởi trang viết về người lính (tiểu thuyết Biển xanh mầu lá - năm 2007, giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng), về vùng núi phía Bắc (truyện ngắn Rừng mã sa hoa đỏ - giải 3 cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2009)

Nhắm mắt lại cũng thấy … sách tái bản!

Nói về những cuốn sách văn học bán chạy trong năm, không thể bỏ qua cuốn Nhắm mắt thấy Paris của Dương Thụy. Đã có 4.470 cuốn sách đã được bán chỉ trong hai ngày đầu diễn ra Hội sách thành phố Hồ Chí Minh 2010. Lượng bán sách “trong mơ” này là niềm mơ ước của nhiều người, khi mà sách văn học hiện nay thường vẫn chỉ khiêm tốn ở mức 1000 – 1500 cuốn/ đầu sách. Lượng khiêm tốn này của nhiều đầu sách có khi cũng không được tiêu thụ hết trong vòng một năm, trong khi dân số Việt Nam hơn 80 triệu người. Chẳng lẽ số người quan tâm đến văn học chỉ ít ỏi đến thế. Vậy tại sao gần 5.000 cuốn sách Nhắm mắt thấy Paris đã được tiêu thụ chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày? Tạm gạt sang bên những thắc mắc, trăn trở về văn hoá đọc, chúng ta phải thừa nhận rằng văn học vẫn còn độc giả. Thậm chí nhiều. Chính vì thế, sau thành công của Nhắm mắt thấy Paris tại Hội sách, NXB Trẻ quyết định in nối bản thêm 5.000 cuốn để kịp chuyển đến bạn đọc.

Giải thích về nhan đề cuốn sách, nhà văn Dương Thuỵ cho biết : Khi nhắm mắt, là khi người ta không còn thấy gì nữa hết. Nhưng đó cũng là lúc hiện lên những khoảnh khắc hoài ghi dấu trong cuộc đời mình.“Nhắm mắt thấy Paris”, Paris của quá khứ đã qua hayParis của tương lai đầy hứa hẹn. Tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết này đều có một lý do riêng để nhớ về Paris và hẹn gặp lại tại đây. Bản thân tôi cũng thường nhắm mắt thấy Paris và Paris từ lâu với tôi đã là một chốn đi về đầy yêu thương. Riêng đối với độc giả, tôi tự thuyết phục mình rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, mọi người cũng tìm được cho mình một lý do để “thấy Paris”. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó!

Dù Nhắm mắt để thấy … gì đi chăng nữa thì rõ ràng tác giả của nó cũng thấy hạnh phúc vì cuốn sách được nhiều người chào đón và lung mua bằng được.
Dương Thuỵ cũng là tác giả của những cuốn sách bán chạy như: Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm, Cáo già gái già và tiểu thuyết diễm tình, Venise và những cuộc tình Gondola …

Trương Anh Quốc – “nam vương” đầu tiên của cuộc thi Văn học tuổi 20

Phải đợi đến lần thứ 4, ngôi vị đầu bảng của cuộc thi Văn học tuổi 20 mới chính thức thuộc về một tác giả nam- chàng thủ thuỷ Trương Anh Quốc, với tiểu tuyết Biển.
Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá:

“Quả tác giả đã rất khéo tự nhốt mình trong cái khoảng không gian cực kỳ hẹp kín và khắc nghiệt này để cho tất cả các nhân vật của anh buộc phải tự bộc lộ hết, từng người, và do vậy mà cũng là một bức tranh rậm rạp và khá đậm nét về nhân quần. Hơn thế nữa, là cái nhân quần rất hôm nay, rất thời sự, của thời con người dù bất cứ ở đâu, bằng cách này hay cách khác, đều buộc phải đi ra thế giới, đối mặt với những thách thức của cái thế giới và thời đại vừa mới mẻ, nhiều hứa hẹn, lại nhiều hiểm họa và nguy cơ này.”

Súc tích, sinh động và tràn ngập hơi thở cuộc sống là những gì khiến cho Biển cùng tác giả của nó là cây bút Trương Anh Quốc được vinh danh ở một cuộc thi văn học lớn như Văn học Tuổi 20.

Trương Anh Quốc không phải là người mới của cuộc thi Văn học tuổi hai mươi. Năm 2005 anh đã đạt giải nhì với tác phẩm Sóng biển rì rào.
Dù khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều về việc đánh giá tác phẩm, nhưng với giải nhất cuộc thi lần này đã giúp Biển là một trong những cuốn sách nên đọc trong năm 2010.

Thụy Anh – người ôm đồm đáng yêu

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không biết nên gọi Thụy Anh là nhà thơ, nhà văn, dịch giả hay một chuyên gia giáo dục. Bởi chị cùng lúc làm tất cả những công việc ấy. Không chỉ có thế, ở các lĩnh vực, chị đều gặt hái được thành công. Với văn xuôi, tác phẩm của Thụy Anh từng vào top truyện ngắn hay của Tuần báo Văn nghệ năm 2008, 2009; giải ba cuộc thi truyện ngắn của của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2009- 2010. Với thơ, Thụy Anh là một trong những gương mặt trẻ tạo được dấu ấn thời gian qua bởi giọng thơ đằm thắm, hồn hậu và tha thiết đến độ đắm say. Đặc biệt, với dịch thuật, chị đã được tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh (Viện Văn học) đánh giá là đã đạt gần đến "người dịch lý tưởng" bởi đạt đến 3 trong 1: vừa là nhà thơ, vừa là dịch giả, vừa là nhà nghiên cứu.

Năm 2010, Thuỵ Anh cho ra mắt ba cuốn sách: tập truyện ngắn Gió trắng (NXB Văn học), Tuần đêm (tác phẩm dịch tiểu thuyết đương đại Nga của tác giả chuyên viết tiểu thuyết kỳ ảo Sergei Lukianenko), Olga Berggoltz của tôi ( tiểu luận và dịch thơ của Olga Berggoltz).

Tiến sĩ giáo dục Thuỵ Anh cũng là một thành viên trong nhóm Cánh buồm biên soạn bộ sách “Chào lớp 1” thực hiện nhiều cải cách táo bạo, được dư luận chú ý.

Di Li - một bước chuyển mới?

Năm 2010 – “người đẹp kinh dị” Di Li đã giành giải ba cuộc thi "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức – dành cho tiểu thuyết Trại hoa đỏ. Trong cùng năm cuốn sách cũng đã được tái bản với số lượng lớn.

Tuy nhiên đến tập truyện ngắn mới của mình có nhan đề Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng (NXB Văn học, năm 2010), Di Li đã khiến nhiều người thấy ngỡ ngàng bởi họ nhận ra một gương mặt khác, một bước ngoặt mới, chuyển biến nghệ thuật rất rõ nét từ kinh dị - trinh thám đến hiện thực tâm lý và lãng mạn trong hành trình lao động sáng tạo của nhà văn Di Li.

Trước sự thay đổi này, có người đã bình luận: Di Li đã tránh được lối viết giản đơn, hoặc sướt mướt, sến, hoặc đào sâu tính dục bản năng một cách trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa của một số cây bút trẻ hiện nay. Văn của chị toát lên một sự thông minh, sang trọng, không ồn ào mà thâm hậu với sức tưởng tượng phong phú, bay bổng. Đọc văn Di Li, có cảm giác chị viết rất nhẹ nhàng, tựa hồ cứ viết là chữ nghĩa tuôn ra dào dạt, cuộn chảy. Những người sáng tác văn xuôi như lực điền vã mồ hôi cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa, như mang nặng đẻ đau, như nặn từng con chữ sẽ cảm thấy thèm thuồng với lao động nhà văn nhẹ tênh, thung thăng, nhàn hạ của chị. Đó là tạng người viết, là trời cho, nhưng cũng là phẩm chất chung của những nhà văn biết mười viết một, không phải biết một viết mười.

Năm 2010 Di Li còn cho xuất bản cuốn sách thứ 2 với tư cách là dịch giả. Đó là tiểu thuyết Rừng Răng - tay của nữ tác giả người Mỹ Carrie Ryan - một trong những sách best-seller của The New York Times và đã khiến một tên tuổi mới toanh trên văn đàn Mỹ trở nên nổi tiếng với cả ba đầu sách luôn được độc giả trẻ săn tìm. Người đọc Di Li đã phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi tiếp xúc với Di Li – trinh thám, đầy biến ảo và Di Li – dịch giả, nhạy bén và ma mị.

Ngô Thị Giáng Uyên - lặng lẽ đi và viết

Không bài PR rầm rộ, không đăng đàn phát biểu, thế nhưng Bánh mì thơm, cà phê đắng - tập tản văn du kí của Ngô Thị Giáng Uyên đã lọt vào danh sách những tác phẩm văn học trong nước bán chạy nhất năm 2010.

Ngô Thị Giáng Uyên từng được độc giả nhắc nhớ đến ngay khi cuốn sách đầu tiên của chị ra mắt lần đầu năm 2006 – Ngón tay mình thơm mùi oải hương. Cuối năm 2010, cuốn sách cũng đang được NXB Trẻ lên kế hoạch tái bản lần thứ 3.

Đọc văn của Ngô Thị Giáng Uyên, người ta có một hình dung rõ ràng về một thế hệ cầm bút mới: trẻ trung, tự tin và học vấn cao, dám ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Cho đến nay, số nước mà Uyên đã đi qua còn nhiều hơn cả số tuổi của cô. Trên hành trình khám phá thế giới, Uyên đã ghi lại những cảm nhận của mình về văn hóa, lối sống cũng như về ẩm thực… của các quốc gia một cách tinh tế với một văn phong riêng biệt, ấn tượng.

Sự khác biệt của Ngô Thị Giáng Uyên còn ở chỗ, trong khi nhiều cây bút cùng lứa tuổi tại Việt Nam lựa chọn những đề tài theo thị hiếu: văn học mạng, sex, đồng tính…; với các chiêu PR rầm rộ thì cô vẫn miên man với những chuyến đi và trung thành với những trang du ký và lối viết văn giản dị nhưng giàu hình ảnh.

Lý giải vì sao một cuốn tản văn du kí lại có thể gây “sốt” trong độc giả, có lẽ cách tốt nhất là trích đăng những ý kiến đánh giá từ các báo :

“ Uyên không chỉ kể chuyện theo kiểu mắt thấy tai nghe mà lôi cuốn, dẫn dắt người đọc qua mắt nhìn náo nức, say sưa khám phá và những cảm nhận tinh tế trước vẻ đẹp muôn màu của nơi chốn cô qua.” (Đỗ Ngọc, Báo Phụ Nữ Chủ Nhật)
“Thật thú vị nhận ra đằng sau ngôn từ giàu chất văn học, các bài viết của Uyên còn chứa đựng nhiều nhận xét sâu sắc, nét đẹp tế nhị mà dưới mắt người khác tưởng chừng như bình thường.” (Trần Trọng Thức, Báo Doanh Nhân Sài Gòn- Cuối Tuần).
“Những trang viết của Uyên thể hiện rất rõ hai mảng đối lập - điều gì đó rất trẻ thơ và cái trăn trở nghĩ suy của người lớn” (Nguyên Trần – Báo Thể thao văn hóa).
Một chuyến du lịch qua hình ảnh lãng mạn, đầy chất thơ và câu chữ bay bổng… Cứ như thể bạn đang mơ… Những giấc mơ chưa hết ngay cả khi bạn gấp lại trang cuối cùng. (Tủ sách tuổi trẻ)

Uông Triều- "nhìn lịch sử bằng con mắt khác"

Tác giả của những truyện ngắn từng đoạt giải thưởng Văn học trẻ của Báo Hạ Long và giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu năm 2010 đã cho ra mắt tập truyện đầu tay của mình. Tác phẩm "Đôi mắt Đông Hoàng".

Tuy mới bắt đầu viết văn nhưng Uông Triều đã sớm định hình được phong cách riêng. Anh đặc biệt gây ấn tượng ở mảng đề tài truyện lịch sử vì đã biết “nhìn lịch sử bằng con mắt khác” và thổi vào đó dòng cảm xúc tươi mới, trẻ trung khiến những câu chuyện cũ gần hơn với đời sống hôm nay, tiêu biểu là Nàng Điểm Bích, Nước mắt sông Cầm, Kiếm sắc và hoa đào, Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân…

Các truyện ngắn của Uông Triều thường có câu ngắn, ngắt quãng và liên tục xuống dòng để bạn đọc cảm nhận câu chuyện bằng cả âm thanh và hình ảnh. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy nhận xét: "Kiểu viết tiếp thu có chọn lọc từ dòng văn học hậu hiện đại này không chấp nhận lối “đọc lười” chỉ nhìn vào văn bản. Nó đòi hỏi độc giả phải có vốn văn hoá, lịch sử và một khối lượng sách đã đọc đủ để “thế chấp” cho một hành trình liên văn bản cùng tác giả".

Cũng trong năm 2010, Uông Triều đã cho ra mắt tập tiểu luận - khảo cứu Những pho tượng đá ở Yên Tử. Đây là tập sách viết về con người, phong tục tập quán, lễ hội, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử … vùng đất Quảng Ninh. Đây có thể xem là cuốn cẩm nang cho những ai muốn khám phá nét độc đáo, vẻ đẹp trầm tích văn hóa của vùng đất địa đầu Tổ quốc. Tuy mới chỉ dừng lại ở những bài viết mang tính giới thiệu khái quát cùng cảm nhận riêng tư dựa trên tư liệu lịch sử, văn hóa và điền dã nhưng đây là nỗ lực đáng ghi nhận của một người viết trẻ. Kế hoạch ra tiểu thuyết đầu tay cũng được anh gấp rút thực hiện vào những ngày cuối năm 2010.


Theo Văn nghệ Trẻ

________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét