Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Được yêu, biết yêu, sau là thất vọng

- Tôi đã bao giờ dám nhận mình là “nhà thơ tình yêu” đâu! Tôi chỉ viết về những gì tôi thực sự xúc động, ví dụ, về mẹ, về quê hương, về bạn bè, về em trai em gái, và về người yêu (khi mà tôi còn đang yêu họ hoặc khi nhìn lại mà thất vọng vô cùng!) Còn nói tôi chỉ làm thơ thất tình là nói vui thôi, ví dụ Hương thầm, Đám cưới ngày mùa, Plopđíp… đâu phải là thơ thất tình? Phải được yêu và biết yêu thì sau đó mới thất vọng chứ! - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

* Ai cũng có một thời tuổi trẻ, để yêu thương, để đắm say, và để đau đớn vì nó, tuổi trẻ của chị đã trải qua cùng tình yêu như thế nào?

- Tuổi trẻ của tôi, có thể nói từ năm 18 tuổi đến ngoài tuổi 50, và có thể cho đến tận bây giờ, vẫn thường xuyên… thất vọng về những người đàn ông “tỏ tình” với mình! Số tôi đen thế chứ! Ví dụ nhé, để tôi “thổ lộ” chút… Chả là tôi rất ngại và sợ người nào tỏ ra yêu mến mà lại nhờ đọc rồi nhờ tôi nhận xét thơ của họ, sau đó lại còn nhờ tôi gửi đăng báo nữa chứ! Mà ông bạn này, sau chừng hơn chục năm quen biết, bỗng Tết năm 2010, đem ô tô đến, tha thiết nhờ tôi cho được gặp nhà thơ này, nhà văn nọ. Ngày Tết, tôi đành vui lòng dẫn ông đi, và vì lịch sự, một nhà thơ đưa ông cái giấy mời dự họp thơ! Thế là từ đó, ông bỗng mơ thành nhà thơ và liên tục đưa thơ nhờ tôi đọc. Đến một lần, ông bắt tôi phải tìm cách đăng cho ông một bài thơ, còn đề nghị tôi đưa đến gặp Tổng biên tập tờ báo này hoặc người phụ trách trang văn nghệ của tờ báo kia giúp ông làm quen và giới thiệu họ đăng thơ! Tôi kinh hãi quá, giờ cứ nghĩ đến lại giật mình như thể ông ấy sắp gọi điện hoặc đến thăm! Đành chào vậy.
Đó là nói vui về sự khốn khổ của một người làm thơ gặp phải một người cứ tưởng là yêu mình, hóa ra yêu sự nổi tiếng của thơ và mơ trở thành nhà thơ!
Nói vậy nhưng tôi cũng đã được yêu rất trong trẻo và đắm say. Yêu trong trẻo là hồi tôi học lớp báo chí, còn chàng thì học ngoại giao. Chàng tâm sự là cùng lớp có một nàng rất thông minh và xinh đẹp, chàng ngỏ lời nhưng bị nàng từ chối. Tôi thương cảm và tò mò, tìm gặp nàng tận nhà. Dạo đó tôi là phóng viên nên cũng hơi… liều! Thái độ lạnh lùng và trịch thượng của nàng khiến tôi… tức giận hộ chàng. Thế là đi chơi và dù nhận ra chàng rất “đánh bóng” bản thân bằng cách chép tặng tôi những bài thơ tình rất hay mà tôi đã biết là của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, hoặc của các nhà thơ nước ngoài nhưng chàng cứ ỡm ờ không ký tên tác giả bên dưới. Tôi cũng chỉ khen thơ hay mà không “bóc mẽ ” làm gì. Tình yêu đó chưa có gì “xâm phạm” nhau, chỉ là những kỷ niệm đẹp của thời còn đi học, nên tôi rất trân trọng và lưu giữ. Còn đắm say (nói cho oai) chính là ông xã tôi, mà nói thực lòng, thì có lẽ anh say là chính, còn tôi, đến tuổi lấy chồng là lấy. Hồi đó, anh công tác trên Tây Bắc, mà tôi thì học xong lớp báo chí, cứ một mực đòi lên Tây Bắc (lúc đó bài thơ Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc được thanh niên Hà Nội thuộc lòng và hầu như ai ra trường cũng mơ được đi xa!). Ông xã, có thể nói, là một phần mơ mộng tuổi trẻ của tôi. Nhưng chúng tôi chỉ cùng sống được 12 năm thì anh bệnh nặng và qua đời, khi tôi mới ngoài 30. Sau khi nhà tôi mất, cho đến bây giờ là hơn 30 năm, tôi đã... thử yêu và không ngừng thất vọng!

* Thử yêu?

- Có một mối tình có lẽ là đẹp nhất, mà tôi đã lặn lội sang tận Bulgaria để gặp và làm bài thơ Plop đíptrong đó có mấy câu: Khi chia tay em đã khóc/Anh còn ở lại một năm/Plopđíp bây giờ tuyết trắng/Và anh cũng thành xa xăm…/Nơi ấy bao giờ em trở lại?/Tay em bao giờ anh lại cầm?... Nhưng giờ tôi không có quyền nhắc đến chàng, vì dạo đó chàng chưa lấy vợ, còn bây giờ thì chàng đang có một gia đình hình như hạnh phúc. Tôi sẽ nhắc đến một người có vẻ như yêu tôi mà không nói ra, song cho đến nay, có lẽ đó là một trong những người đàn ông thông minh nhất, hào hoa phong nhã nhất, lém lỉnh nhất và… đáng yêu nhất, người duy nhất tôi dám “chưng” tên dù có lẽ đã hơn 30 năm không gặp. Đó là anh Lã Xuân Thành, một kỹ sư dầu khí ở Vũng Tàu. Nếu anh Thành đọc bài báo này, không hiểu bây giờ anh đã có vợ mới chưa, tôi hy vọng anh cũng sẽ mỉm cười, nhớ lại dạo tôi vô tình gặp anh trong cuộc đón tiếp của công ty dầu khí với đoàn nhà văn Hà Nội mà sau đó anh đã rất nhiệt tình săn sóc.
Anh có hai con gái, vợ đã mất. Anh cùng hai con rủ tôi ra biển bơi cả buổi chiều, rồi ba bố con và tôi đi ăn tối. Anh gọi nhiều món quá, lúc ăn xong trên bàn còn nào cua biển, cá, tôm… Tôi nhắc các con anh: - Ba cô cháu mình cố ăn cho hết nhé, ai lại bỏ phí thế này. Ở ngoài Hà Nội (hồi đó còn bao cấp) chẳng có mà ăn đâu các cháu ạ. Anh cười lớn: - Bà nhà quê quá cơ, không ăn thì bỏ chứ ai lại ép con cái ăn bằng hết hả trời! Lúc ăn, anh chỉ ngồi nhìn tôi. Hơi ngượng, tôi ngẩng lên cười: - Cứ làm như đang ngồi ăn với người đẹp không bằng! Anh lại cười lớn: - Trời ơi, tuổi tôi với bà bây giờ thì còn đẹp với ai nữa chứ, khỏe mạnh và có duyên là may lắm rồi!
Một lần sau đó, tôi vào Sài Gòn, anh nghe tin, từ Vũng Tàu đi ô tô ra, tìm tôi và đưa đi chơi. Anh mua gì tôi cũng kêu đắt, vì anh chẳng khi nào mặc cả, người bán nói bao nhiêu là trả tiền ngay. Anh hỏi cần mua gì, tôi cũng không. Váy áo, không. Nhẫn vòng, không. Đồ kỷ niệm, không. Cuối cùng, anh tỏ ra cáu kỉnh: - Đừng có vớ vẩn, không chịu mua gì là anh tự mua tặng đó, chịu không? Tôi đành dắt anh ra quán bán văn phòng phẩm và chỉ vào mấy cái chặn giấy xinh xinh có vẽ con cá, bông hoa trông cũng đẹp. Anh hỏi mua cả chục và trả tiền luôn.
Tôi phải mở ngoặc ở đây là chàng kém tôi khoảng 3 tuổi. Mà anh chàng bắt tôi đọc thơ rồi đăng thơ cũng cứ xưng “anh” ngon lành. Còn chàng ở Bun thì lại trẻ hơn nữa! Trong cuộc họp ban chung khảo cuộc thi thơ về Hà Nội, chúng tôi đến sớm và ngồi tán dóc, nhà thơ Trần Đăng Khoa cười chỉ tay vào tôi: - Bà này có “nội thất sang trọng “ sao đó nên toàn bọn trẻ hơn mê… như điếu đổ! Lúc đó đang tán láo nên tôi không thanh minh, nhưng có lần nhà thơ Vũ Quần Phương đùa về chuyện tôi lúc nào cũng tươi cười như chưa hề đau khổ, tôi chép cho vị ấy mấy câu thơ: Có đôi lúc buồn tôi đã định tự tử/Có kẻ bảo ta là đồ ngu, coi ta như đứa ở/Có người sàm sỡ như ta là cave/Có đứa khen ta bốc trời như ta là con ngốc/Có thằng nói yêu ta rồi đem gái đến khoe. Tôi còn có thể trích ra đây nhiều câu thơ… thảm thương khác, như “Bây giờ tóc bạc, tuổi cao-thơ mình mình đọc, câu nào cũng thương”, “Người yêu ngày ấy đâu rồi? chỉ câu thơ sống cùng tôi, tuổi già”…

* Những câu chuyện tình của chị thật lãng mạn, có lẽ bởi vì chị là một nhà thơ. Phải chăng tình yêu của những người làm văn chương, đặc biệt là những nhà thơ/ nhà văn nữ thường đặc biệt?

- Tôi nghĩ là tình yêu thì muôn mặt, các nhà văn nhà thơ nữ khi yêu, theo tôi, thường rất… cực đoan. Như Xuân Quỳnh, đã yêu là bỏ chồng dù biết người mình yêu chưa chắc đã bỏ vợ để sống với mình! Và khi đã không yêu là không thèm nhìn mặt! Tôi nhớ có lần, ở lớp học tiếng Pháp, Quỳnh nhất định không học nữa nếu trong lớp có anh chàng mà Quỳnh đã từng yêu. Và thế là anh chàng đành thôi học trước. Còn hiện nay, tôi có vài bạn gái trẻ nhất định không lấy chồng, vì “chưa gặp được người mà mình vừa yêu vừa kính trọng”. Tôi ra sức “cứu vãn tình hình”:
- Trời ơi, tìm đâu ra người hoàn hảo bây giờ? Mà bản thân mình đâu có phải là người hoàn hảo? Tương đối thôi các mẹ ơi!
Thế đó, cuộc đời vô cùng ngắn ngủi và ai cũng có nhược điểm này khác. Hãy cố gắng chấp nhận nhau và nhìn nhau ở những khía cạnh đẹp. Tôi giờ dù đã già và các chàng mà mình từng có lúc mến mộ giờ hình như không còn được như xưa, nhưng tôi vẫn giữ những kỷ niệm đẹp và vẫn trân trọng những gì mình và họ đã ban tặng cho nhau khi còn trong sáng và mơ màng yêu đương…

Việt Quỳnh (Thực hiện)
______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét