Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Dấu ấn hậu hiện đại

Lê Biên Thùy - Bùi Thanh Truyền

Châm biếm, mỉa mai, trào lộng, hài hước là những nhân tố tạo nên sắc thái giễu nhại trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái. Hầu như toàn bộ kinh nghiệm cọ xát của nhà văn với ngôn ngữ đời sống thực tế đều được huy động: lối nói nhại, nói lái, tiếng lóng… thường xuyên hiện diện với tất cả nồng độ bụi bặm phố phường. Sức phê phán của chúng vừa có tính phủ định, công phá mạnh mẽ đối với cái xấu xa, lỗi thời vừa có ý nghĩa khẳng định, xây mới.
Cho đến nay, sau rất nhiều tranh cãi, thậm chí ngờ vực, hậu hiện đại và những ảnh hưởng của nó đã bước đầu được nhìn nhận trong đời sống xã hội Việt Nam nói chung, văn học nói riêng. Với nỗ lực hoàn thiện và phát triển, văn học đương đại, đặc biệt giai đoạn từ 1986 đến nay, đã chuyển mình mạnh mẽ để tham gia vào diễn trình hiện đại và hậu hiện đại của văn học thế giới với những gương mặt tiêu biểu, trong đó có Hồ Anh Thái. Từ khi là một cây bút trẻ, rất nhạy cảm với môi trường công nghiệp hiện đại, tác giả này đã lựa chọn cho mình một phương thức thể hiện rất riêng. Chính sự kết hợp hài hòa giữa cái phương Tây mới lạ và nét phương Đông thuần hậu đã ươm mầm cho cách cảm, cách nghĩ, cách chiêm nghiệm về “cõi người”, “cõi đời” với tất cả sự vô nghĩa và phi lý trong những trang viết sắc sảo của ông. Đứng trước vòng xoáy ghê gớm của đồng tiền, của những bi hài thời kinh tế thị trường, bằng trực cảm và trí tuệ sắc sảo, nhà văn nhận ra con người không còn là chính mình, họ hoài nghi người khác và cả bản thân cùng những thang giá trị truyền thống. Điểm qua gia tài văn học của Hồ Anh Thái, có thể thấy ông là một trong không nhiều cây bút tạo được thành công trong cuộc chạy tiếp sức qua hai thế kỷ. Với lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân và sự bén nhạy, mới mẻ trong lối viết, tác giả đã mang vào tác phẩm của mình cái nhìn toàn diện cùng những đánh giá sâu sắc về những vấn đề nổi cộm trong xã hội cũng như những vỉa sâu tâm hồn đang dậy sóng của con người. Đọc hai tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày(1), Sắp đặt và diễn(2), chúng ta như bước vào một thế giới với muôn ngàn mảnh ghép chằng chịt của cuộc sống mang đậm dấu ấn hậu hiện đại - những dị dạng, méo mó, những quái trạng, lệch lạc, sự nghi ngờ và cả những hoang mang trước cuộc sống. Trong bài viết này, chúng tôi chú trọng tìm hiểu những biểu hiện của văn học hậu hiện đại trong truyện ngắn của nhà văn trên một số phương diện chính: hệ thống đề tài, nhân vật và ngôn từ nghệ thuật.

1. Đề tài - sự âu lo và dự cảm

Trên con đường kiếm tìm và phản ánh hiện thực, đề tài trong các tác phẩm đương đại thường ghi đậm dấu ấn về sự khủng hoảng niềm tin của con người trong bối cảnh đổ vỡ các thang bậc giá trị, sự hỗn loạn của trật tự thường hằng. Những tình huống bi hài, nghịch dị trở nên phổ biến. Cái đẹp, cái thiện dần vắng bóng, thay vào đó là cái xấu, cái ác, cái thô kệch… Cán cân thăng bằng giữa các cực xấu - tốt, hài hòa - kệch cỡm, thiên thần - ác quỷ… bị phá vỡ trong xã hội hậu công nghiệp, dẫn đến sự bời rối không chỉ trong đời sống vật chất mà còn kéo theo cả niềm tin, lẽ sống, lý tưởng. Không phải là sự phó mặc, nhưng có lẽ Hồ Anh Thái cũng như không ít nhà văn đương đại khác đều tin rằng cuộc sống vốn không thể khác một khi đồng tiền, địa vị, sự xấu xa, độc ác vẫn đang hiện hữu và bành trướng, làm tha hóa con người, đưa họ xa rời những giá trị đạo đức tốt đẹp, khiến cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy của quy luật mạnh được yếu thua.
31 truyện ngắn trong hai tập truyện Sắp đặt và diễn, Tự sự 265 ngày là 31 mảnh vỡ chắp nối thành cuộc sống với nhiều đường vân dị hình, nhếch nhác, thể hiện tinh vi nỗi hoang mang, ngắc ngoải, đánh mất phương hướng, bản ngã của con người khi đứng trước xã hội lộn xộn, bất an. Thật khó có thể tin được trong bộ máy công quyền lại tồn tại một hệ thống công chức sai lệch giữa học vị và việc làm đến thế: giáo sư văn lại là chuyên gia phân tích xác ướp người, giáo sư sử làm nghề “nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mỹ và lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới. Thứ ngôn ngữ tệ hại của vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được”. Với điểm đến là Phòng khách, Hồ Anh Thái đã miêu tả sự nhếch nhác, lộn xộn, nhố nhăng của những vị mũ cao áo dài. Họ tìm mọi thủ đoạn để tồn tại, thăng tiến, giẫm đạp lên nhau hòng đạt mục đích. Hiện thực hỗn loạn, trớ trêu, bê tha, con người đánh mất niềm tin vào cuộc sống và vào tất cả được bày ra trần trụi: “Cái nôi văn minh của loài người đã gửi sang châu âu rặt những kẻ mắt một mí đưa đẩy, gian xảo, ngứa ngáy tắt mắt giữa choáng váng đèn màu châu Âu”.
Không dừng lại ở đó, truyện ngắn Hồ Anh Thái còn miêu tả lối sống nhỏ nhen, ích kỷ, tàn nhẫn, thói vô lương tâm của con người hiện đại mà đa số họ thuộc đẳng cấp danh giá trong xã hội. Đố kỵ cả từ sở thích riêng tư, vặt vãnh như “sưu tập chim trong lồng” (Chim anh chim em). Hậu quả là, khi Diệu sở hữu con yểng hót được bài My heart will go on thì ông Thiển, vì quá uất hận, đã biến thành một “con chim” lớn rơi từ cửa sổ tầng năm xuống. Trong Sân bay, Tờ khai visa, những soi mói, ghen tị của những người gọi nhau đồng nghiệp, chung một công sở được tái hiện sống động, đầy tính chất u-mua đen (black humour). Ở đó, người ta nghĩ ra trăm phương nghìn kế, dùng mọi thủ đoạn, âm mưu để đạt được mục đích tiến thân: thằng phụ hồ, do được nâng đỡ, bỗng chốc trở thành nghiên cứu viên một viện danh giá, nhưng trí lực hắn vẫn mãi dừng lại ở thời điểm của một tên ma cà bông mười bảy tuổi; một gã bảo vệ, vì đặt trộm máy quay trong phòng ông viện phó, mà vừa được xem phim con heo miễn phí, vừa có “vũ khí” để tiến thân; thằng nhân tình của cô viện sĩ trẻ vô học, đi lên nhờ thói côn đồ… Con người đã phải trả giá cho những thói tật nhỏ nhen, thảm hại của mình. Cái chết của Mai trong Bóng ma trên hành lang, của ông Thiển trong Chim anh chim em là những minh chứng. Không thảng thốt cũng chẳng giật mình trước những quái trạng của hiện tồn, Hồ Anh Thái chỉ thấy nhói đau như vừa đánh mất cái gì quan trọng. Phải chăng đó là sự âu lo trong dự cảm những giá trị chân – thiện – mỹ truyền thống đã và sẽ tiếp tục bị bóp méo, thậm chí hủy diệt?

2. Nhân vật – rất nhiều điều “không”

Truyện ngắn của Hồ Anh Thái, như đã khái lược ở phần đề tài, thường tập trung xoáy sâu vào câu chuyện về một thế giới vô nghĩa, vô hồn, phi lý tương ứng với nó là hệ thống những nhân vật nghịch dị, quái đản. Nhà văn có biệt tài trong việc sử dụng các chất liệu dân gian để xây dựng nhân vật với tất cả sự dung tục, thanh cao, hoang tưởng, những bộ mặt phàm tục tầm thường, thậm chí ti tiện, những trạng thái nhân thế đảo điên, thiếu vắng chuẩn mực giá trị, điểm tựa tinh thần và từ đó cảm thấy vô nghĩa trước cuộc sống.
Thủ pháp dân gian hóa nhân vật được cụ thể hóa ở phương thức đặt tên, lai lịch và diện mạo. Người viết thường dựng chân dung con người bằng kỹ xảo làm mờ, làm nhòe, tẩy trắng tính cách hệt như trong truyện cổ. Nhân vật được tái hiện khá giản đơn, mang tính chất phiếm chỉ rất rõ. Qua khảo sát 31 truyện ngắn của tác giả, chúng tôi thấy, 21 truyện nhân vật không có tên, chiếm 68%. Trong 10 truyện còn lại, bên cạnh số ít nhân vật được nhận mặt đặt tên vẫn hiện hữu một số lượng lớn nhân vật chức năng, được nhà văn đưa vào như những thanh công cụ, có tác dụng trợ giúp đắc lực nhằm hiển thị tính đa diện của vấn đề như nhân vật đám đông, nhân vật phân thân. Họ hiện lên như một khối hỗn tạp, xen lẫn thực ảo. Đó là điểm chung của những sáng tác ít nhiều chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hậu hiện đại: xu hướng nhạt hóa, mờ hóa nhân vật, con người từ sự nỗ lực khẳng định mình như một “nhân vị” đúng nghĩa ở giai đoạn trước giờ trở nên mờ mờ nhân ảnh. Điều này là một tất yếu, bởi nó tạo ra sự hòa kết giữa nhân vật với “hiện thực trương nở” (hyper reality) đương đại: “Cuộc sống hoàn toàn không diễn ra theo kiểu đậm đặc, các sự kiện của một đời người hiếm khi chồng chất, và nói chung, cuộc đời trôi đi vu vơ, bình thản, tẻ nhạt hơn nhiều. Làm gì có số phận nào được mở đầu, phát triển và kết thúc chu đáo như trong văn chương, làm gì có tình thế điển hình, đẩy người ta đến các quyết định vượt tầm nhân thế, làm gì có các trạng thái tâm lý mấp mé bờ vực hay chót vót đỉnh cao, và nhất là làm gì có sự hội tụ đầy run rủi của các nhân vật, nhân vật nào cũng đại diện cho một cái gì như vậy. Độc giả chân thành của chúng ta cứ thế mà chờ đợi” (Phạm Thị Hoài - Một truyện cổ điển).
Cố ý xóa bỏ dấu hiệu nhận biết trong tái tạo hình tượng nhân vật cũng là đặc điểm nổi bật trong thi pháp truyện ngắn của nhà văn này. Tác phẩm của ông thường gây ấn tượng bởi những cái tên không ra tên. Nhan nhản trong truyện ngắn Hồ Anh Thái là hàng trăm nhân vật không tên, không tuổi, không nguồn cội. Tác giả làm “giấy khai sinh” cho họ bằng nhiều hình thức: gắn với nghề nghiệp, địa vị, chức tước: ông giám đốc, võ sư, ông sử, bà viện phó, gã chuyên viên, ông viện trưởng, chị nhà văn, ông Việt kiều, chàng thư ký tòa soạn, ông tổng biên tập, họa sĩ… Vật chất hóa tên gọi con người: “Người yêu được trả chín triệu. Hai cô bạn, một cô ba triệu, một cô hai triệu. Cả ba cô sẽ trở thành những diễn viên nổi tiếng. Ta chẳng nên gọi tên thật của họ làm gì. Cứ đơn giản gọi họ là Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu, mặc dù dùng tiền nong để đặt tên nhân vật đâu có gì hay” (Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ). Nhân vật đôi lúc chỉ được xác định bằng hành động, dáng dấp, thói quen, dung mạo: thằng Rú, thằng Phập, thằng Bạo, Cá Sấu 1, Cá Sấu 2… Cách số hóa, ký hiệu hóa nhân vật cũng thường xuyên xuất hiện: ông Số Một, bà Số Hai, cô Số Ba, Số Bốn (Tờ khai Visa), cô Nhất, cô Nhị, cô Tam, cô Tứ (Bến Ôsin), ông A, bà B, chú C (Lọt sàng xuống nia), Trạng 1, Trạng 2, Trạng 3, Trạng 4, Trạng 5 (Tin thật lòng)… Bằng những cách ấy, các nhân vật bị xóa nhòe lai lịch. Họ xuất hiện đột ngột, không xuất xứ, hệt như bị vô tình ném ra giữa cuộc đời - những thân phận vô danh trong vòng quay bất tận của cuộc sống. Cách định danh như thế làm cho con người có nguy cơ bị hủy hoại, thủ tiêu bản sắc cá nhân, đánh mất quan hệ với đồng loại – nhân tố cốt lõi làm nên chân giá trị của mỗi cá thể như quan niệm về thế giới và con người của văn chương truyền thống. Với thủ pháp này, người viết buộc người đọc tiếp xúc với hình tượng bằng điểm nhìn từ phía bên ngoài. Nhân vật dường như chỉ là cái bóng của hiện thực, là những khuôn mặt tượng trưng cho một loại người trong xã hội: vô lương tâm, vô tình, bàng quan, vật dục, lố bịch, hợm hĩnh… Ở họ luôn tiềm tàng nỗi cô đơn, lạc loài, tâm trạng hoài nghi trước cuộc sống, mất khả năng giao tiếp, khó hòa hợp với thế giới xung quanh.
Vô nghĩa và trống rỗng - những trạng thái tâm hồn thường thấy ở văn học hậu hiện đại – cũng được thể hiện khá rõ qua các nhân vật mang đậm tính nghịch dị (grotesque) trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. Nhân vật không có chiều dài vật chất, thực thể mà chỉ giống như những giọng nói, những hình dung, những biểu tượng, là những đối tượng siêu thực, ít có khả năng hiện hữu và hành động không thể nắm bắt, không thể giải thích bằng lý trí thông thường. Ông Thiển trong Chim anh chim em có những hành vi lập dị, thậm chí quái đản với ham muốn thủ dâm tư tưởng: “Trong tưởng tượng, ông lưỡi vờn răng ước ao vờn vã sấp ngửa với đám đàn bà, con gái trong phòng. Ông mơ ông ngủ với suốt lượt, từ bà phó tiến sĩ mua bằng trong nước sắp về hưu đến cô sinh viên Tổng hợp năm cuối đang thực tập. Từ cô đánh máy bàn tay búp măng đến cô tạp vụ thay giấy vệ sinh trong toilet cũng tay búp măng. Cơm nguội cơm sốt, hạt mảy hạt tấm ông xơi hết”. Tác giả đã chú ý bơm phồng một vài nét hiện thực, biến nó thành một tồn tại bất bình thường, một sự lộ liễu quá mức hình dung sẵn có về đối tượng. Chính từ những nhân vật nghịch dị này, nhà văn đưa chúng ta vào những phạm vi hoạt động xã hội cũng đầy những quái trạng. Các tình huống đó tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ về một đời sống lệch chuẩn, thậm chí mất chuẩn: những chân giá trị và ngụy giá trị xâm thực, chồng chéo, che phủ lẫn nhau, người ta không có cách nào phân biệt rạch ròi. Thường kết thúc bằng những sự thật trớ trêu, ê chề, truyện ngắn của Hồ Anh Thái, do vậy, thấm đẫm tâm trạng hoài nghi tồn tại. Điều này đã đưa sáng tác của tác giả xích lại gần với quan niệm hiện sinh - hậu hiện đại.
Từ phương thức khắc chạm hệ thống hình tượng nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái, có thể nói, trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, sự vong thân, vong bản của con người thời kim tiền, kỹ trị là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với nghệ sĩ này. Những yếu tố hoang đường, phi lý giúp cho trí tưởng tượng của nhà văn và của người đọc chắp cánh bay xa. Đây là liều vắc xin hữu hiệu để đặc trị bệnh chai sạn của tâm hồn con người trong sự phát triển, đổi thay chóng mặt của đời sống đương đại đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi lớn về ý nghĩa thật sự của tồn tại, của thang bậc giá trị xã hội, nhân sinh.

3. Ngôn từ nghệ thuật – hoàn cảnh hóa và giễu nhại

Ý thức nổi loạn, tung phá, không chịu đóng gông vào một chuẩn mực nào của ngôn ngữ đã trở thành lực đẩy giúp Hồ Anh Thái tái tạo những hình tượng nghệ thuật mà không phải mọi công chúng đều có thể đọc, hiểu và đồng cảm, nhất là đối với “những ai quen đóng chặt cửa, những ai chưa quen gió máy, hoặc ít được thấy những vùng không gian thoáng đãng”(3) thì càng dễ dị ứng. Ở tác giả này, văn bản nghệ thuật trở thành một mê trận ngôn từ với những đường gấp khúc, dích dắc không thể dễ dàng tìm ra mắt xích khởi nguyên.
Thường gặp nhất trong kỹ thuật dụng ngôn của nhà văn là cách thức hoàn cảnh hóa ngôn ngữ văn học. Những sinh ngữ được tác giả khai thác theo chiều kích mới không còn tuân theo chuẩn từ điển mà gắn chặt với bối cảnh sinh ra chúng; một khi tách khỏi ngữ cảnh, chúng trở nên vô nghĩa và không thể giải thích. Đứng trước thực trạng xã hội bị khoa học hóa, công nghệ hóa, vi tính hóa, nhu cầu đối thoại trực tiếp dường như giảm sút đến mức tối thiểu, con người giao tiếp với nhau thông qua những máy móc trung gian. Đó là cơ sở hình thành một “hố thẳm” ngày càng nới rộng chiều kích giữa các cá thể trong cộng đồng – một thứ a xít có nguy cơ hủy hoại cuộc sống tinh thần của con người. Trong Nham!, tác giả đã cho thấy sự hiện diện của ngôn ngữ mạng đã phần nào thủ tiêu vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt và cũng thiêu trụi bản chất của sự thật sau những con chữ vô âm sắc, vô tình điệu: “Lao Viet Nam nhan tin bang dien thoai di dong, dai loai: anh dai loan oi, anh ra cho lon mua buoi cho em an, an xong roi mang xe deo em cho vui nhe”; “Noi that voi em, tieng Viet khong co dau chi con la cai xac khong hon. That bat tien! Thu tieng giau va dep ay gan nhu bi sat thuong khi dem viet ra khong co danh dau nhu the nay”. Từ bề sâu con chữ vang vọng lời cảnh tỉnh khẩn thiết của người viết: Ngôn ngữ - kết tinh văn hóa cao nhất của loài người, niềm tự hào của mỗi dân tộc – đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt bởi mặt trái của sự phát triển khoa học kỹ thuật.
Cũng như văn chương hậu hiện đại, trong truyện ngắn của mình, Hồ Anh Thái không hề che giấu khát vọng tạo sinh một trật tự ngôn ngữ mới, trong đó tất cả mọi trò chơi ngôn ngữ, kể cả ngộ luận (paralogie), đều có quyền hiện diện. Điều này thể hiện rõ nhất ở hệ thống các thuật ngữ thời hiện đại được nhà văn khai thác và đưa vào tác phẩm: “nát một đời hoa”, “lụn ba đời chuối”, “gã tráng men”, “gã ăn ốc đổ vỏ”, “lực điền tối dạ”, “học giả yếu tim”, “ám mùi hệ tiêu hóa”, “mốt đảo ngói”,... Cách thức sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn theo kiểu tính từ giữ vai trò của động từ, danh từ riêng lại đảm nhận vị thế tính từ, động từ cũng xuất hiện với tần số cao: “Bảo với chúng nó nhá, chúng nó cặp nhiệt độ nhau thì phải kiếm chỗ cho bất khuất, đừng có Nghĩa Lộ quá trước mắt bà, bà Lũng Cú lên, bà thịt băm cho mấy nhát thì anh ả đứt phựt dây đàn” (Trại cá sấu); “Anh không thích bạo liệt và gạo cội thì cứ dịu dàng xe chỉ luồn kim” (Vẫn tin vào chuyện thần tiên),… Những hình thức ngôn ngữ này mang đầy đủ tính chất của một xã hội thô nhám, bề bộn. Phần lớn ngôn từ truyện ngắn Hồ Anh Thái tồn tại ở dạng song kết và chuyển hóa linh hoạt giữa hai dạng nói và viết. Hệ thống ngôn ngữ chuẩn mực không còn phát huy tác dụng tuyệt đối mà xen lẫn vào đó là ngôn ngữ thông tục, suồng sã, những biệt ngữ của thời kinh tế thị trường… Điều này góp phần hé lộ sự bất đồng, đứt gãy, thậm chí khủng hoảng của ngôn ngữ trước thực tại.
Hình thức giễu nhại - một trong những đặc trưng nổi bật của phong cách sáng tác hậu hiện đại - đang càng ngày càng phổ biến trong đời sống văn học Việt Nam thời đổi mới. Lắng nghe kỹ, người đọc sẽ thấy, mỗi truyện ngắn của Hồ Anh Thái đều ít nhiều vang lên âm giọng này. Bằng cách ấy, nhà văn công khai bày tỏ thái độ của mình đối với sự rối ren, phi lý, bất công trong cuộc sống. Phát hiện rất nhanh nhạy cái lố bịch trong thực tại, tác giả đã khai thác đến cùng phương diện gây cười của chúng để đưa vào tuyến vận động của cốt truyện. Châm biếm, mỉa mai, trào lộng, hài hước là những nhân tố tạo nên sắc thái giễu nhại trong truyện ngắn của ông. Hầu như toàn bộ kinh nghiệm cọ xát của nhà văn với ngôn ngữ đời sống thực tế đều được huy động: lối nói nhại, nói lái, tiếng lóng… thường xuyên hiện diện với tất cả nồng độ bụi bặm phố phường. Sức phê phán của chúng vừa có tính phủ định, công phá mạnh mẽ đối với cái xấu xa, lỗi thời vừa có ý nghĩa khẳng định, xây mới. Dám nhìn thẳng vào những cái - hài - đời với đầy những trật khớp, vênh lệch của cuộc sống thời tiền và hậu đổi mới rồi thể hiện nó bằng một thứ ngôn ngữ tương xứng để tự cười và chọc cười thiên hạ là một sự dũng cảm, một hướng đi gập ghềnh nhưng hữu dụng, cấp thiết; và chính phương diện này đã bộc lộ rõ sở trường, phong cách độc đáo và tạo ra cái gọi là “cảm quan hậu hiện đại” trong tác phẩm của ông.
Ngôn ngữ dung tục xuất hiện như là sự “nhại” đến tận cùng ngôn ngữ đời sống. Dạng thức này thường gắn liền với việc tố cáo, đả kích, phủ định thói hư tật xấu của thế thái nhân tình giữa thời buổi những thang bậc giá trị đang thay đổi. Đó là những dục vọng vô độ trong sự đồng lõa của môi trường văn hóa xuống cấp, thói học đòi, khoe mẽ: giáo sư viết lịch sử nước Mỹ thì chưa tới Mỹ một lần, ngoại ngữ cũng mù tịt, lại còn mắc căn bệnh ăn cắp vặt: “Cái ly pha lê theo ông giáo sư về làm con nuôi. Bộ ly tan đàn chỉ còn năm” (Phòng khách); những thói rởm đời của giới văn nghệ sĩ: “Ca sĩ lạm dụng luyến láy, hát một nốt thành bảy nốt, hát theo lối rất mất vệ sinh môi trường Anh Trương Chi anh đừng đi anh đừng đi í ì…ị” (Trại cá sấu); “Nàng đi tắt qua thơ ca nước ngoài, dịch thơ Pháp thành lục bát không vần, thơ lãng mạn bị dịch thành câu Giấc mộng kê vàng sùng sục đồng quê… Thơ dịch gì mà miêu tả cảnh đau bụng đi đồng ban đêm. Đấy thôi, những là sôi sùng sục, những là vàng khè, những là gió đồng nổi lên” (Lọt sàng xuống nia). Sự giễu nhại tìm đến tận cùng những cái phi lý, vô nghĩa, ngớ ngẩn của hiện thực xã hội. Văn bản tác phẩm, vì thế, dường như được tạo nên nhờ những chồng xếp, ghép nối của những cái vụn vỡ thật – giả, chỗ nào cũng có thể bắt gặp hiện tượng đứt mạch, gãy mạch của lôgic ngữ nghĩa, kết cấu truyện hóa thành kết cấu của tùy bút, tản văn.
Thiên về tạo hình và tạo động tính, ngôn ngữ truyện ngắn Hồ Anh Thái có sức nặng bởi lối miêu tả bạo liệt về cái phi lý tồn tại trong cuộc sống, lộ rõ dục tính tầm thường của con người: “Đấy, chính là gã. To cao, mặt to, chân tay to. Một thứ trẻ con tồ tồ tẹt tẹt, lớn xác 1 mét 82 nhưng đầu óc vĩnh viễn là của một thằng phụ hồ mất dạy mười bảy tuổi” và “gã nổi danh hơn ở viện khi tự rêu rao mình là một con đực hoàn hảo… Gã bô bô cả trăm phần trăm chị em viện sĩ đã qua tay gã. Cô nào đanh đá cong cớn chống nạnh chửi gã làm mất danh dự, gã xông tới tát luôn” (Sân bay). Lối sống giả dối kiểu “rắn giả lươn” cũng được người viết dùng sức mạnh của trò diễn ngôn từ phanh phui: “Đám viện sĩ hàn lâm có mặt vợ xuýt xoa khen chuyện chồng, có mặt chồng tấm tắc đề cao vợ. Không có cả vợ cả chồng, quay ngoắt, chỉ thương cho thằng ấy sống với con trăm thằng ấy mà mù dở, sờ sờ trước mắt chả trông thấy gì” (Sân bay). Để thúc đẩy sự vận động liền mạch của diễn ngôn, đôi lúc Hồ Anh Thái cũng không ngần ngại “lắp ghép” và thổi hồn cho ngôn ngữ dân gian hiện đại: “càng già càng dẻo càng dai, bế cháu kêu nặng cõng trai trèo tường”, “đào mỏ sẽ chết vì sập hầm”, “trẻ không xông pha già ân hận”… Việc làm ấy cũng như một chất phụ gia, một sự kích thích để chạm khắc thực trạng xô bồ của xã hội, những bấp bênh, vô thường của đời sống, sự hồ nghi tồn tại - những loại hình tâm trạng làm nên cảm quan của thời đại mới.
Giọng giễu nhại, bỡn cợt vì thế trở thành yếu tố thẩm mỹ nổi bật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái, thành phương tiện mổ xẻ những ung nhọt, quái trạng của xã hội. Từ cuộc sống thường nhật của giới công chức, giới khoa học, đến lối sống buông thả của lớp văn nghệ sĩ... tất cả đều bị tác giả lật tẩy qua chất giọng “tưng tửng” đặc biệt này. Các câu chuyện đều được kể lại từ ngôi thứ ba số ít với sắc thái hoài nghi, tra vấn trong điểm nhìn nghệ thuật. Với lối trần thuật hỗn độn, diễn ngôn đứt đoạn cùng thủ pháp cắt mảnh hiện thực, lắp ghép ngôn từ, Hồ Anh Thái đã tái hiện một thế giới đánh mất ý nghĩa và trật tự. Phá vỡ những gì đang bền vững như một xác tín trong nhận thức, tâm cảm con người hiện đại, người viết, bằng thuật phù phép câu chữ, đã dựng lên một thế giới đa phương, nhiều chiều trong một bầu không khí bất tín đầy ma thuật. Tính trào lộng, suồng sã hết nước các sự kiện, các chi tiết được kể lại trong truyện là một cách tiếp xúc với thế giới không hoàn kết hôm nay.
* *
*
Những gì trình bày ở trên cho thấy rõ sự thể hiện cũng như hiệu ứng thẩm mỹ của hậu hiện đại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. Thể hiện rõ nhất của nhận định này, theo chúng tôi, là “tham vọng thực hiện được ước mơ bao đời của các nhà văn: kết hợp được tính bình dân, dân chủ với tính tinh tuyển, “bác học” của văn chương”(4). Cùng với tiểu thuyết, mảng truyện ngắn cũng đã bộc lộ khá thường trực ý thức, nỗ lực tái tạo hiện thực dưới góc nhìn mới, khác lạ, lệch dòng truyền thống ở nhà văn luôn trăn trở với sự tồn sinh của nhân thế, khôn nguôi tìm kiếm câu trả lời cho bài toán hóc búa về sự hòa giải giữa quá khứ truyền thống, ổn định và hiện tại hiện đại, không ngừng biến chuyển.
Trên tinh thần đó, không quá võ đoán khi cho rằng, Hồ Anh Thái là một gương mặt tiêu biểu đã góp công cho sự tìm tòi, thể nghiệm, tạo dựng một thứ văn học mới có khả năng lật trở, soi chiếu nhiều phương diện của thực tại hôm nay. Nhân vật trong tác phẩm của ông thường ở trong tâm thế phòng thủ trước xã hội và chính bản thân mình, vì thế mà trở nên cô đơn giữa đồng loại, không thể nhận ra giá trị của cuộc sống. Đó là cái chết về tinh thần của con người. Mỗi truyện ngắn của nhà văn, do đó, như một hồi chuông đang dóng diết cảnh tỉnh cho tương lai nhân loại. Với tư cách là một người tiên phong trong việc tận dụng ưu thế của văn học hậu hiện đại để tạo ra sự mới mẻ, đột phá cho văn xuôi Việt Nam đương đại, hiện tượng Hồ Anh Thái và những nhà văn cùng chí hướng với ông cần phải được nhìn nhận trên tinh thần cởi mở, dân chủ; có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong quá trình tiếp biến văn học thế giới để định hướng, điều chỉnh sự vận động, phát triển hợp lý của văn học nước nhà.

_______________________________________________

1. Hồ Anh Thái: Tự sự 265 ngày, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001.
2. Hồ Anh Thái: Sắp đặt và diễn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005. Các trích dẫn tác phẩm đều từ hai tập truyện ngắn này.
3. Phong Lê: 20 năm sự nghiệp đổi mới và những vấn đề hôm nay của lý luận - phê bình văn học, Nghiên cứu văn học, Số 4 - 2006, trang 29 - 41
4. Đào Tuấn Ảnh: Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại, Nghiên cứu văn học, Số 8 - 2005, trang 43 - 59

____________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét