Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Nhà văn Dạ Ngân: "Tết Mậu Thân, Tết đáng nhớ của đời tôi"

- Tết ấy, tôi vào tuổi 16, bắt đầu tham gia Tiểu ban Thông tin báo chí trong căn cứ Phụng Hiệp (Hậu Giang). Tất cả chúng tôi, bằng trực cảm và linh cảm đều nhận thấy một điều gì đó thật trọng đại sắp diễn ra.

Trước Giao thừa, trên nền đất của căn cứ, mọi người ngồi uống trà là nước gạo rang, thủ trưởng đơn vị thì bồn chồn đi lại nhìn đồng hồ. Đúng 12 giờ, ông bảo, cả miền Nam đang đồng loạt tấn công. Chúng tôi bật dậy, có người leo cả lên cây, nhìn ra xa xa phía chân trời, nghe tiếng pháo nổ đì đùng. Mọi người đứng ngồi không yên. Các chú trong ban bảo tôi “Cháu múa đi”. Và tôi đã múa điệu Hoa Chămpa. Cái Tết năm 1968 ấy sâu đậm trong ký ức tôi vì từ Tết đó, tôi hiểu ra chính trị và chiến tranh là như thế nào, những quãng trong một cuộc chiến có tầm ảnh hưởng ra sao. Phải có quãng đó - cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 - mới có Hiệp định Paris 1973. Tôi cũng nhớ Tết đó vì đơn vị có hai người thanh niên - hai chàng trai hào sảng và dũng cảm, những người tôi tin cậy, yêu quý - đã ra trận và ra đi mãi mãi…

Tết Ất Mão 1975 vào tháng Hai, mùa khô, mùi vị chiến thắng người ta đã có thể ngửi thấy rất đậm trong không khí. Gánh nặng chiến tranh đã vơi nhẹ đi nhiều. Tết Bính Thìn 1976, là cái Tết bản lề, cái Tết thống nhất đầu tiên của dân tộc. Những chính sách của thời hậu chiến bắt đầu đi vào thực tế. Đất nước lúc đó, đã thống nhất về mặt hành chính, nhưng tình người thì chưa…

Tôi đã sống 15 năm ở Hà Nội. Ăn Tết Bắc và không quên Tết Nam. Ngày Tết bây giờ, Hà Nội hay Sài Gòn, đều giống nhau ở chỗ: các thành phố đều rỗng rang. Một trong những lý do đó là giới trẻ bây giờ vui Tết, chơi Tết bằng những chuyến đi xa. Tôi nghĩ, khó nói cách chơi Tết như thế này là được hay không được. Nhưng đây là một hiện tượng xã hội cần suy nghĩ. Người già, thôi thì, “chịu phép” ở nhà để người trẻ đi chơi. Anh Thân chồng tôi (nhà văn Nguyễn Quang Thân) là con trưởng, nên Tết nhất, vợ chồng tôi chẳng dám đi đâu. Nếu còn trẻ, có khi chúng tôi cũng đóng cửa đi chơi…
Dù muốn hay không, trong lòng các bạn trẻ bây giờ, Tết cũng phai nhạt đi ít nhiều. Một hiện tượng xã hội không cưỡng lại được. Điều này cũng có phần đúng vì trong nhiều công đoạn của Tết có nhiều điều phiền toái, ví dụ chuyện những ngày giáp Tết người người mang gói quà đi biếu Tết - nặng tính hình thức lại còn làm tắc nghẽn giao thông. Tôi nghĩ, một số thủ tục của Tết giờ nên phiên phiến cho nhau.

Tôi là nhà văn, hay nghĩ bao đồng, không nghĩ chuyện mình mà hay nghĩ về chuyện người. Nhìn vào những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, Tết Tân Mão năm nay, tôi nghĩ là một cái Tết trầm lắng của người dân.

Lâm Tuyền (ghi)
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét