Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Từ một tiểu thuyết hậu chiến nghĩ về một không gian hoà giải

Edward O’Connell

Đã có bảo tàng trưng bày chứng tích chiến tranh để ghê sợ chiến tranh, thì những nỗ lực thiện chí hàn gắn vết thương chiến tranh của chính người trong cuộc cũng cần được “trưng bày” để yêu hoà bình và bảo vệ hoà bình.

Tôi nhiều lần đến Việt Nam với mục đích tìm hiểu thực tế giáo dục, và ngẫu nhiên tôi trở thành bạn đọc Mỹ đầu tiên của tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của nhà văn Vĩnh Quyền, sau đó còn là người giới thiệu tiểu thuyết này cho nhà xuất bản Mỹ. Debris of Debris được sáng tác bằng Anh ngữ nên tôi có thể tiếp cận trực tiếp và thấu hiểu. Tiểu thuyết miêu tả nhiều mảnh đời ở miền Nam Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Trong những ngày đầu hòa bình, hậu quả của cuộc chiến còn đeo đẳng vào số phận của không ít thị dân miền Nam, những người nỗ lực trên đường “hội nhập” vào một trật tự chính trị-xã hội mới, xây dựng một cuộc sống mới. Đọc Debris of Debris là dõi theo các nhân vật của nó trên con đường hàn gắn vết thương chiến tranh, hàn gắn những mảnh vỡ ly tán từ trong mỗi gia đình, mỗi người.

Cuốn sách như thế khiến tôi nhớ những cảm nhận-suy nghĩ của tôi trong lần đầu đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh, nơi ký ức cuộc chiến được minh chứng tàn khốc và sống động. Cuộc chiến mà đất nước tôi trong bốn mươi năm qua không ngừng tìm cách lý giải. Rất nhiều người lính Mỹ trước đây đã trở lại Việt Nam để tìm sự khuây khỏa, để gặp gỡ những người từng chiến đấu chống lại họ trên chiến trường. Và đồng thời, trong chừng ấy thời gian, hàng trăm nhà văn, nhà thơ Mỹ, trong đó phần lớn là cựu chiến binh, đã viết hàng trăm tác phẩm mang tính nhân văn về cuộc chiến; nhiều cá nhân và tổ chức phi chính phủ, trong đó có Hội Cựu chiến binh Mỹ và nhiều đoàn y - bác sĩ Mỹ đã đến Việt Nam; tất cả nhằm góp phần xoa dịu đau thương do di chứng chiến tranh, nhằm tìm tiếng nói hòa giải qua hành động thiết thực...

Những nỗ lực thầm lặng, lâu bền ấy theo tôi là đáng ghi nhận. Đã có bảo tàng trưng bày chứng tích chiến tranh để ghê sợ chiến tranh, thì những nỗ lực thiện chí hàn gắn vết thương chiến tranh của chính người trong cuộc cũng cần được “trưng bày” để yêu hòa bình và bảo vệ hòa bình. Sách viết về đề tài chiến tranh, những tập truyện-tập thơ in chung, phim và hình ảnh những buổi gặp mặt thân mật, những đêm đọc thơ bình văn giữa các nhà văn cựu binh Mỹ - Việt; phim tư liệu, hình ảnh về những hợp tác có ý nghĩa trong mọi lĩnh vực của hai hội cựu chiến binh Mỹ - Việt, của các tổ chức phi chính phủ đến từ Mỹ... Tất cả sẽ là bằng chứng của quá trình cải thiện, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, quan trọng hơn, giữa hai dân tộc, mà công chúng Việt, Mỹ và cả thế giới có thể đọc được, xem được, nghe được, sờ vào được...

Trong suốt mười năm qua tôi đến Việt Nam nhiều lần, lưu trú hàng tháng tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, từ đó tôi có niềm kính trọng sâu sắc đối với đất nước này. Và tôi ao ước một ngày nào đó Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sẽ là Bảo tàng Hồi ức chiến tranh và hòa giải, thể hiện tính tích cực hướng về tương lai. Hay ít nhất thì trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sẽ có một không gian mới, không gian trưng bày nỗ lực hàn gắn. Các tổ chức nhà văn, cựu chiến binh của Việt và Mỹ có thể hợp tác cùng ngành bảo tàng làm nên không gian nhân văn này.

Thêm vài năm nữa sẽ là quá muộn để người trong cuộc được tham gia trí tuệ, tài chính vào “không gian hòa giải”, không gian trước hết dành cho họ, để họ được bình tâm, được khuây khỏa. Những người lính 25 tuổi năm 1965, giờ đã 70.

Trần Thanh Liễng dịch

__________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét