Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Hoàng Cầm - những Tết cuối cùng

Nguyễn Thuỵ Kha

- Tết 2008, nhà thơ Hoàng Cầm đã yếu nhiều. Mặc dù nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán rất kiên nhẫn nhắc và đợi, nhưng những bài viết và thơ Tết của Hoàng Cầm đã thưa vắng hẳn trên các báo. Chúng tôi không ai bảo ai, đều tự cảm thấy “Ông Hoàng thơ tình” đã đến thời kỳ chuẩn bị chuyển cõi.

Thường cứ đến đêm 12 tháng Giêng trước hội Lim, anh em thân với Hoàng Cầm đều tới tụ tập trên căn gác cao nhất của nhà 43 Lý Quốc Sư (Hà Nội) để mừng sinh nhật ông. Năm ấy, Hoàng Cầm đã 87 tuổi ta. Anh em lại quây quần. Bỗng xuất hiện một ca sĩ trẻ măng. Tuy là người Yên Bái nhưng cô gái lại được người ông nội của mình dạy hát quan họ từ nhỏ. Bởi vậy, khi nghe thấy Hoàng Cầm là người xứ quan họ, cô đã hát nhiều làn điệu quan họ để mừng sinh nhật nhà thơ. Nghe cái giọng trong trẻo cất lên: “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng” sao cứ thấy nghèn nghẹn trong ngực. Cô gái đang còn quá duyên, còn chúng tôi và cả Hoàng Cầm hình như đã sắp hết duyên. Hết duyên thì hết duyên, cứ hát, cứ cụng chén cho say nồng ngày xuân. Tôi vừa nghe vừa ngẫu hứng ngay mấy câu thơ tặng ông:

Đêm quan họ trước hội Lim / Mình liền chị trẻ là em bất ngờ / Liền anh già ngắc già ngơ / Đêm sinh nhật lạ như thơ Hoàng Cầm / Vang, rền, nền, nảy duyên thầm / Cứ nỉ non những bổng trầm ối a.
Tết 2009, Hoàng Cầm càng yếu hơn. Nhà thơ Vân Đình Hùng có sáng kiến mời nhóm ca trù Hải Phòng lên hát mừng sinh nhật ông. Chị Lưu Nga từ Mỹ về cũng đến dự. Giữa Hoàng Cầm với nữ nghệ sĩ ngâm thơ (mẹ ca sĩ Bằng Kiều) Lưu Nga thì khỏi nói. Chị đã ngâm những bài thơ Hoàng Cầm hay đến xé lòng, đến thành tuyệt phẩm. Nhìn Hoàng Cầm ngồi nghe ca trù say sưa, chợt nghĩ đến những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân… Lại tưởng tượng ra những buổi ca trù với Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Văn Cao… Bao vui buồn của văn nghệ Việt Nam đôi khi cũng chỉ còn đọng lại long lanh, mong manh trên tiếng đàn đáy mơ hồ và day dứt. Hoàng Cầm khẽ đưa tay gạt ngang mắt. Ông vốn là người hay xúc động. Nhưng càng già, niềm xúc động càng mau hơn thì phải. “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách ...” sao có gì cứ nứt dần, cứ vỡ dần ngăn cách giữa tuổi tác và hy vọng. Lưu Nga lại như lên đồng. “Quả vườn ổi” vút lên thắt ngang đêm một nỗi niềm quặn lòng: “Chị xoạc cành ngang em gốc cây”. Chị bây giờ đã ở phương nao? Mắt Hoàng Cầm lại long lanh. Hình như những Tết cũ khốn khó đang vởn lên trong trí nhớ già nua của ông. Có Tết, đến gần Giao thừa, nhà Hoàng Cầm vẫn chưa có cành đào vì không có tiền mua. Chừng tuyệt vọng thì tự nhiên ông nhận được một món quà do một cố nhân gửi tặng. Ở đáy của niềm tuyệt vọng, con người thi sĩ Hoàng Cầm vụt đứng lên. Ông vội ra chợ hoa Hàng Lược mang về một cành đào to tướng cho... bõ thèm.
Tết 2010, Hoàng Cầm yếu hẳn. Ông đã nửa nhớ, nửa quên, nửa âm, nửa dương. Vào giữa 2009, Hoàng Cầm được tin bà Tuyết Khanh - người vợ thứ hai, mẹ của con gái Kiều Loan của ông - đã từ trần. Một thương buồn dâng lên khôn nguôi. Dù gần đây, vở “Kiều Loan” đã được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng lại qua đạo diễn Anh Tú và người vào vai Kiều Loan rất đạt là Quách Thu Phương, nhưng quan hệ giữa ông và bà Tuyết Khanh vẫn không được cải thiện. Từ ngày ông không theo bà về Hà Nội để cùng nuôi nấng Kiều Loan, mà vẫn rong ruổi dọc đường trường kỳ kháng chiến, bà đã giận ông. Đến ngày thống nhất, bà ở Sài Gòn ít năm nhưng vẫn không chịu cho ông xin lỗi làm lành. Vết thương chẳng bao giờ kín miệng. Cứ thế nhói nhức trong lòng cả hai người.
Những ngày gần Tết, có bữa ông chợt tỉnh. Ông thèm nói chuyện với một ai đó thật vu vơ, thật lỏng lơi. Tôi đã gọi máy cho một người hâm mộ thơ ông ở Đaklak, Hoàng Cầm cứ thế vui vẻ, đọc thơ, trò chuyện những điều không nghĩ trước tới chừng hai giờ đồng hồ. Tôi ngồi bên vừa nghe ông nói chuyện qua máy di động vừa thương cảm tận đáy lòng. Rồi sắp đến lúc ông sẽ phải rời xa tất cả những người thân yêu nhập vào cõi vô vi của thế giới bên kia.
Lại đến đêm 12 tháng Giêng trước Hội Lim. Có vẻ như Hoàng Cầm chợt cháy lên những ngày cuối. Ông tươi cười mệt mỏi giữa anh em. Lúc thì khoác vai nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Lúc thì nắm tay nhà phê bình Ngô Thảo. Lúc thì đùa cợt với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Anh nào là anh Tạo ấy nhỉ? Anh ở đâu rồi. Sao tôi không thấy anh”, mặc dù Nguyễn Trọng Tạo ngồi ngay bên, nghe ông đùa mà thấy lòng đắng lại. Không khí quây quần có vẻ trầm lắng hơn mọi năm. Bà Lưu Nga cũng không về được. Tôi bấm máy cho ông gặp nhạc sĩ Phạm Duy. Ông không nói được. Một cơn mệt dâng lên đột ngột.
Vài tháng sau, đầu mùa hè. Một tối, tôi nghe điện thoại nhà reo lên. Cậu con trai ông thông báo ông mệt nặng. Tôi vội vã chạy từ Hàng Bông sang nhà ông ở 43 Lý Quốc Sư. Gia đình và bạn bè đưa ông vào bệnh viện Hữu Nghị. Gần một tuần sau, Hoàng Cầm ra đi giữa bao niềm thương tiếc. Trước ông vài tháng, nhà thơ Hữu Loan cũng mất ở Nga Sơn, Thanh Hoá.
Thời gian trôi thật nhanh. Mùa xuân 2011 đã về bên ngưỡng cửa. Theo hẹn ước, đêm 12 tháng Giêng, chúng tôi cùng gia đình vẫn quây quần đón sinh nhật lần thứ 90 như ông vẫn đang còn trên dương thế. Chỉ là “như” thôi, nhưng sự thật là tất cả chúng ta sẽ có một Tết đầu tiên vắng Hoàng Cầm. Đúng là Tết đầu tiên vắng Hữu Loan và Hoàng Cầm. Có lẽ chỉ gặp nhau qua làn hương khói thơm phức nhớ thương. Nhớ vô cùng ngày nào rong ruổi Kinh Bắc làm phim chân dung về ông vào dịp Hội Lim 1993. Cuộc rong ruổi để tôi vẽ ra ông:
Xe ngựa hoàng hôn lọc cọc bình minh / Men thương, lơ thơ Cầu, nghiêng Đuống / Ba con sông bồi đắp Luy Lâu / Những mối tình suốt đời luống cuống / Chỗ nào cũng gặp em ruộng sâu / Khom lưng cấy gặt / Chỗ nào cũng Kinh Bắc ngọt ngào / Nuôi dưỡng thơ và bắt ta phải chết / Và từ từ hồi sinh ...

_________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét