Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Con đường hòa giải Việt - Mỹ bằng văn hóa

Tuần Việt Nam

Con đường hoà giải Việt - Mỹ bằng văn hoá đã được những người như các nhà thơ ở Trung tâm William Joiner và Hội nhà văn Việt Nam khai mở, tiếp bước con đường ấy phải trông chờ vào thế hệ trẻ, những người nắm trong tay tương lai của mối quan hệ hai nước.

Thơ ca sẽ truyền tải thông điệp hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, ông đã có nhiều cuộc hành trình trên đất Mỹ, đã gặp và đối thoại với nhiều người Việt sống ở Mỹ, cũng như nhiều người Mỹ. Vậy trong hành trình của mình từ năm 1995 đến nay, ông nhận thấy vẫn còn điều gì mà người Mỹ chưa hiểu hết về văn hoá Việt Nam. Là một nhà thơ, ông nghĩ mình sẽ làm gì để phá vỡ rào cản cuối cùng đang cản trở sự hiểu biết giữa những người yêu hoà bình của hai dân tộc?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Tôi đã có dịp lang thang ở nước Nga và sau này cũng có dịp lang thang ở nước Mỹ. Tôi thấy một điều là người dân ở châu Âu, châu Mỹ hay Việt Nam đều tốt như nhau, đều có sự cảm thông, chia sẻ, tính nhân loại đằm thắm. Khi con người bị định hướng chính trị lại là chuyện khác, còn là dân thì lúc nào cũng tốt, bản chất con người là giống nhau.
Ở Mỹ, những người đầu tiên tôi tiếp xúc là các cựu chiến binh Mỹ và những nhà văn Việt Nam sang. Tôi thấy tấm lòng của họ, không phải là tất cả nhưng những cựu chiến binh tôi được tiếp xúc, như các nhà thơ Mỹ ở đây, đều rất ấm áp, đúng bản chất con người và đại diện cho nhân dân Mỹ. Bài thơ đầu tiên tôi đọc trên báo Mỹ chính là bài thơ mà Kevin Bowen đã dịch. Tôi vẫn giữ tờ Boston Globe chủ nhật ngày 12/7/1995 đó, với bức hình Bill Clinton rất lớn trên trang nhất nói về quan hệ bình thường hoá giữa Việt Nam và Mỹ còn trang sau in nguyên bài thơ rất dài của tôi. Đó là một bài thơ ca ngợi hoà bình, và kết bài thơ là mong từ nay trở đi trên toàn mặt đất, và mặt báo, chỉ có thơ tình, và tin tức về những người tình. Ít hôm sau Kevin cho tôi xem một mẩu nhỏ cũng in trên tờ báo đó nói về cảm xúc của một người Mỹ về bài thơ. Đó là dấu hiệu tốt lành trong quan hệ Việt- Mỹ.
Qua những buổi đi đọc thơ ở Mỹ, tôi thấy người Mỹ rất quan tâm đến Việt Nam. Những bài thơ của tôi giống như thông điệp, tâm tình của người Việt. Có những lần người ta mời tôi trở lại để ghi âm những bài thơ đó làm tài liệu lưu truyền trong nhà trường, để học sinh Mỹ hiểu được tình cảm của người Việt Nam. Qua tất cả những hoạt động trên đất Mỹ với những cựu chiến binh Mỹ, tôi thấy một điều là cái nhìn về Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ của người Mỹ, tuy vẫn có người cho rằng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là đúng, đặc biệt là những người lính Việt Nam cộng hoà di tản đến Mỹ, vẫn có những cuộc biểu tình chống cả những đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có nhiều bạn đọc băn khoăn liệu văn học nghệ thuật, thi ca có tác động thực sự vào đời sống và nhận thức của người Mỹ không? Tại sao trung tâm William Joiner chọn văn học nghệ thuật làm con đường giới thiệu Việt Nam đến người Mỹ? Ông đã có thể thay đổi mục đích của trung tâm sang các hoạt động xã hội, kinh tế, thương mại, y tế nhưng ông vẫn chọn vũ khí quan trọng nhất của Trung tâm là văn học. Ông Kevin Bowen, ông có thể lý giải điều này?

Nhà thơ Kevin Bowen: Tôi nghĩ với nhiều người lính Mỹ trở về sau chiến tranh, Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh mà là một phần mất mát trong tâm hồn họ. Khi tôi quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1980, tôi cũng đã nhắm vào những mục đích khác để tìm hiểu về Việt Nam như hậu quả chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, chấn thương tâm lý hay người tàn tật do chiến tranh, thương binh liệt sỹ... Lúc đó tôi cũng kiếm tìm những đơn vị hợp tác phía Việt Nam, để tìm hiểu xem những nhà thơ, nhà văn Việt Nam viết về cuộc chiến này như thế nào, vì theo tôi họ sẽ viết về nó theo một góc nhìn rất khác tôi. Và đây sẽ là mảnh ghép tôi cần để hoàn thiện bức tranh về cuộc chiến, mảnh ghép mà chỉ họ có chứ chúng tôi không có.
Khi chúng tôi đến các tỉnh thành từ Bắc tới Nam để tìm hiểu về cuộc chiến, chúng tôi cũng tìm đến những nhà văn, nhà thơ. Tình cờ tôi gặp nhà văn Lê Lựu ở một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông ấy đã tình nguyện dẫn chúng tôi đi thăm khắp nơi trong thành phố và giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều bạn bè của ông và giúp chúng tôi gặp gỡ nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Chính những cuộc tiếp xúc nói chuyện ấy đã giúp chúng tôi hiểu rõ ràng hơn không những về cuộc chiến tranh, mà còn về đất nước Việt Nam và quan trọng hơn cả là về chính bản thân mình.
Cuộc chiến Việt Nam có vai trò rất lớn trong lịch sử nước Mỹ thế kỷ XX, có thể nói đó là chủ đề trung tâm của văn hoá Mỹ, và có lẽ không cách nào để nhìn nhận cuộc chiến này một cách sâu sắc và toàn diện hơn là tìm hiểu qua cách nhìn của chính người Việt Nam. Tôi cũng nghĩ không có cách nào trong cuộc đời mà tôi có thể hiểu về bản thân mình rõ hơn là qua sự tiếp xúc, sự liên kết chúng tôi có khi đến Việt Nam. Và thực sự chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu trong quá trình tìm hiểu chính mình mà thôi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nhà thơ Nguyễn Bá Chung là người Việt, vậy hơn ai hết ông sẽ lắng nghe ảnh hưởng từng bước trong khu vực hẹp và rộng hơn của văn học nghệ thuật Việt Nam sau năm 1945 khi ông cùng những người bạn ở Trung tâm William Joiner truyền bá vào Mỹ. Cho đến giờ, ông đã nghe thấy sự lan toả của văn học Việt Nam vào Mỹ như thế nào? Nó làm cho người Mỹ nhận ra điều gì, hiểu thêm điều gì về dân tộc Việt Nam không?

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung: Tôi đã tham dự gần như tất cả những buổi đọc thơ Việt ở Mỹ, chính tôi cũng xúc động và kinh ngạc rằng tại sao thơ văn Việt Nam lại được người nghe ủng hộ như vậy, như thơ của Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khuyến hay Lâm Thị Mỹ Dạ.
Tôi đã chứng kiến những cựu binh sau buổi đọc thơ lên ôm lấy người cựu binh Việt Nam mà khóc. Trong khi đó có rất nhiều nhà thơ ngoại quốc, những nhà thơ Mỹ nổi tiếng nhưng khi họ đọc thơ, tôi không thấy có những phản ứng như vậy. Rõ ràng là có sự khác biệt nào đó trong văn hoá và thi ca. Thơ Việt dù sao cũng dễ nắm bắt, không hiểm hóc, dễ truyền cảm. Trong khi đó thơ Mỹ có nhiều trường phái rất khó hiểu.
Nhờ tình cảm của các nhà thơ, nhà văn Mỹ tham gia dịch thơ, nước Mỹ đã có một nền tảng để những người thật sự muốn tìm hiểu về văn học, văn hoá Việt Nam có thể tham khảo. Chúng ta không thể đòi hỏi họ đọc Tiếng Việt. Nhờ những tác phẩm dịch của những nhà thơ tâm huyết và tài năng của Mỹ, chúng ta mới có những tác phẩm để người Mỹ đọc và xúc động như vậy.
Đó là điều quan trọng, bởi nước Mỹ bây giờ vẫn còn tranh luận rất dữ dội về cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN và ý nghĩa của nó. Các nhà viết sử của Mỹ đã đi đến kết luận là người Mỹ đáng lẽ không lên tham dự cuộc chiến này. Tôi thấy đó là điểm son mà các nhà làm sử của Mỹ đã có. Nhưng về phương diện chính trị, vẫn có một thiểu số cho rằng cuộc chiến đó là cao thượng, Mỹ đến để giúp đem lại dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Nói đến chính trị nội địa Mỹ, tôi có thể khẳng định rằng không một chính trị gia nào coi cuộc chiến tranh là sai lầm mà có thể đắc cử Tổng thống. Tổng thống Reagan là người đầu tiên tuyên bố cuộc chiến tranh cao thượng nhưng cách thực hiện sai lầm. Nhưng đó là nhu cầu chính trị của một đất nước, do hoàn cảnh kinh tế xã hội của họ.
Vì vậy, về lâu dài, điều cần thiết là tạo nên được một nền tảng để những người thực sự muốn nghiên cứu không thể phủ nhận được tính chất nhân bản của cuộc đấu tranh của người Việt Nam vì đó là cuộc đấu tranh tự vệ. Có những bài thơ, mà khi đọc lên, không ai có thể nói đó là do những kẻ phi nhân viết ra.
Hàng năm ở Mỹ có hàng nghìn cuốn sách viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, một người không có cơ sở tìm hiểu thực sự, nếu đọc những lý luận trong những cuốn sách đó, sẽ không biết đâu là sự thật và có thể bị những lý luận đó thuyết phục. Vì thế, thơ văn Việt Nam ở Mỹ sẽ góp phần giúp những người Mỹ yêu hoà bình, yêu công lý có thể có cơ sở để tin tưởng, để không bị thuyết phục bởi những lý luận đó. Nó cũng là sự đóng góp lâu dài cho chính văn hoá Mỹ.

Nếu John Kerry trở thành tổng thống...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Bá Chung, ông đã lý giải một phần nào những ảnh hưởng mơ hồ nhưng cụ thể của thi ca với tâm hồn con người, những điều có thể tác động đến chính sách.
Thưa nhà thơ Kevin Bowen, ông có một người bạn thân là một chính trị gia rất nổi tiếng ở Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry, một người rất ủng hộ Trung tâm William Joiner và có cảm tình với Việt Nam. Ông có bao giờ nói chuyện với ông Kerry về những vấn đề văn thơ Việt Nam hay ý nghĩa của nó trong việc hoá giải bất đồng, hận thù giữa hai dân tộc không?

Nhà thơ Kevin Bowen: Tất nhiên tôi đã từng nói với ông ấy rất nhiều lần về chủ đề này. Bản thân John Kerry là người ham đọc, sáng suốt và ý thức rất rõ về vai trò của văn thơ. Việc đầu tiên chúng tôi làm khi các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, và Lê Lựu sang Mỹ năm 1988, là đưa họ tới gặp John Kerry và chúng tôi đã đàm đạo trong khoảng một giờ đồng hồ. Trong cuộc nói chuyện, có một phần chúng tôi phải nhờ tới phiên dịch, còn lại thì bằng tiếng Pháp bởi cả John Kerry và Nguyễn Khải đều nói được tiếng Pháp.
Giờ đây chúng tôi cũng vẫn cùng John Kerry và nhân viên của ông ấy làm việc để hướng tới tương lai, bởi chúng tôi cũng ý thức được rằng mình chẳng thể trẻ lại được. Chúng tôi tập hợp những nhóm cố vấn nhỏ để bàn về những việc cần làm, những nguồn lực cần có, những cam kết và hành động cần thúc đẩy để duy trì hoạt động này tới nhiều thế hệ sau nữa. Và đây là điều tôi biết là ông ấy quan tâm rất sâu sắc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi còn giữ lá thư của Kevin Bowen gửi cho tôi khi ông cùng với John Kerry đến Iowa trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông ấy. Theo ông, có phải vì John Kerry đọc quá nhiều thơ mà ông ấy đã thất bại trước George W. Bush trong cuộc tranh cử năm đó không?

Nhà thơ Kevin Bowen: Tôi nghĩ là John Kerry có nhiều cơ hội chiến thắng, chính Bruce Weigl cũng bỏ phiếu cho ông ấy ở bang Ohio dù phải đợi hàng giờ dưới trời mưa. Nhưng tôi nghĩ, để làm tổng thống thì John Kerry quá tốt bụng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hồi đó, tôi cũng gửi email cho Kevin Bowen và nói rằng nếu John Kerry đắc cử tổng thống, tôi sẽ viết một lá thư cho ông ấy đề cử Kevin Bowen làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nghiêm túc đấy. Thế nếu chuyện đó xảy ra, ông sẽ có chính sách gì trong nhiệm kỳ 4 năm làm đại sứ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam?

Nhà thơ Kevin Bowen: Tôi sẽ làm như tất cả các chính trị gia khác, thuê tất cả bạn bè của mình vào làm. Đùa vậy thôi, nhưng một trong những việc tôi sẽ làm và chắc chắn ông John Kerry cũng sẽ ủng hộ là đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động giao lưu văn hoá và dịch thuật. Bên cạnh đó, tôi sẽ thúc đẩy trao đổi giáo dục giữa các thế hệ, ở cả các trường công cũng như tư thục, dạy tiếng Việt, giảng dạy về nhiều nền văn hoá trên thế giới. Việt Nam cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Một việc nữa John Kerry trực tiếp ủng hộ là các chương trình nhận được tài trợ từ Bộ Ngoại giao, là đưa các nhà văn Việt Nam tới tham quan tại các nơi trên nước Mỹ cùng với giới văn nghệ sĩ từ các nước khác. Tôi nghĩ đó là việc cần làm, và nếu John Kerry trở thành tổng thống, ông ấy cũng sẽ quan tâm thực hiện.

Quan hệ Việt - Mỹ: tại sao chưa thể đẩy mạnh?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta sẽ hy vọng một người bạn bè thân thiết của các nhà thơ, nhà văn Mỹ đang ngồi ở đây và Trung tâm Joiner, một người nào đó còn rất trẻ trong tương lai sẽ trở thành tổng thống Mỹ và sẽ làm cho nhịp cầu giữa hai nước trở nên tốt hơn thông qua con đường văn hoá và văn nghệ.
Thưa nhà thơ Fred Marchant, tôi nghĩ rằng hiện nay, trong quan hệ Việt - Mỹ, đây là câu hỏi có thể ngoài lĩnh vực văn chương, ông thấy còn những điều gì bất cập, tại sao hai nước còn chưa làm được trong mối quan hệ của mình.

Nhà thơ Fred Marchant: Đúng là ngoài phạm vi thi ca và trao đổi văn hoá. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề chính không phải là những bất cập, mà là sự thờ ơ và thiếu quan tâm. Trong cuộc nói chuyện của chúng ta sáng nay, tôi nhớ lại một sự kiện của Trung tâm William Joiner, một cuộc tưởng niệm đối với nhà sử học, nhà văn Mỹ Howard Zinn, ông vừa qua đời cách đây vài tháng. Trong những năm tháng chiến tranh, ông ấy đã từng tới Hà Nội. Tham dự buổi lễ đó, tôi nhận ra quá khứ có thể dạy cho chúng ta những gì.
Tôi nói vậy vì chúng tôi đều nhận ra rằng tóc mình đã điểm bạc. Đến lúc này chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, chúng ta phải chống lại sự thờ ơ và thiếu quan tâm. Chúng ta phải học từ những vấn đề nghiêm túc trong quá khứ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cám ơn ông. Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, tôi còn nhớ, sau khi bà Hillary Clinton nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, văn phòng của bà đã viết thư cho những người đã từng đến Mỹ, các nhà văn, nhà thơ, nhờ nói thật cho bà ấy biết điều gì khiếm khuyết trong quan hệ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với nước các bạn, họ có thể nói giấu tên. Tôi nghĩ đó là một bức thư rất ấn tượng. Bản thân tôi đã im lặng, với cảm giác rằng nói mãi mà các nhà cầm quyền vẫn không nghe.
Vậy theo ông, trong quan hệ bang giao giữa hai nước, điều gì đang bất cập nhất, điều gì mà ông muốn nói với chính quyền Mỹ hay với bà Hillary Clinton, nếu nhận được bức thư trên?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Tôi muốn nói một ý thôi: Văn hoá có khả năng hoà giải tất cả.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Còn nhà thơ Bruce Weigl, nếu ông là một trợ lý cho Ngoại trưởng Mỹ, hoặc chính ông là Ngoại trưởng Mỹ, ông cho điều gì cần phải phá bỏ trước mắt để khai thông quan hệ giữa hai nước?

Nhà thơ Bruce Weigl: Nói về vấn đề này thì có lẽ đừng bắt tôi là người nói đầu tiên. Đây là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ Hillary Clinton đang làm một việc rất tuyệt vời. Tôi ngưỡng mộ những gì hai vợ chồng bà đã làm được trong việc phục vụ nhân dân mình.
Nếu tôi có cơ hội nói với một thành viên chính phủ ở cấp cao như vậy, tôi sẽ luôn nhớ phải nói rằng: chiến tranh và sự can thiệp không bao giờ là câu trả lời, không bao giờ là cách giải quyết. Hãy ngồi lại với nhau để hiểu những trải nghiệm, quan điểm của nhau về thế giới, đó là cách giải quyết mọi. Tôi nghĩ đôi khi các chính trị gia đã quên mất điều đó. Thật may mắn, chúng tôi đang có một tổng thống thấu hiểu điều đó hơn ai hết.
Nếu bảo tôi nói điều gì đó với George W. Bush, câu trả lời sẽ dễ hơn nhiều. Chúng tôi rất vui vì có bà Clinton ở vị trí Ngoại trưởng. Bà ấy làm rất tốt. Lời duy nhất tôi muốn nói là bà ấy hãy giữ phong độ hiện tại và đừng lùi bước trước mọi áp lực. Và cuối cùng, nếu bà ấy lắng nghe, tôi cũng sẽ sẵn sàng tới Washington gặp bà ấy.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ một ngày nào đó ông sẽ tới Washington D.C. và bà Hillary Clinton sẽ lắng nghe ông. Thưa nhà thơ Nguyễn Bá Chung, ông là người đôi khi trở nên rất khó xử vì ông mang quốc tịch Mỹ, nhưng là người Việt Nam. Ông yêu đất nước, tổ quốc mình, yêu mảnh đất tổ tiên tươi đẹp của mình, nhưng ông cũng phải sống với trách nhiệm của một công dân Mỹ. Ông không thể nghiêng hẳn về bên này bên kia. Vì thế, ông ở vào một vị trí rất khó.
Nhưng đồng thời ông cũng có thể nhìn thấy rõ hơn hơn ai hết điều gì đang cản trở quan hệ Việt - Mỹ trở nên tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, sâu rộng hơn, trong sáng hơn. Vậy theo ông, quan hệ Mỹ và Việt Nam đang ở giai đoạn nào, có điều gì cản trở nó đi nhanh hơn, thực chất hơn?

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung: Câu hỏi này rất khó trả lời, vì chúng ta là những người làm văn học, làm thơ văn; nhà văn, nhà thơ mà đề nghị chính sách chính trị, tôi sợ là các chính trị gia sẽ vứt vào sọt rác. Họ làm chính trị chứ không làm thơ văn.
Nhưng có thể nói đơn giản, rằng hoàn cảnh hiện thời của Việt Nam đang có nhiều điểm vô cùng thuận lợi. Chúng ta vừa thoát khỏi những cuộc chiến tranh dài chống Pháp rồi chống Mỹ, bây giờ chúng ta đang có triển vọng về một nền hoà bình lâu dài, cùng với những nguồn thông tin tiện lợi khắp thế giới.
Riêng về quan hệ với nước Mỹ, sở dĩ chưa thể đẩy mạnh hơn, đi xa hơn là vì nước Mỹ hiện thời mặc dù vẫn là siêu cường số một thế giới, cũng có rất nhiều vấn đề cực kỳ khó khăn mà chính người Mỹ chưa giải quyết được. Thế nên vấn đề Việt Nam đối với Mỹ tuy là có nhiều thuận lợi, nhưng thực sự không phải là vấn đề lớn nhất của nước Mỹ, không phải điều mà người Mỹ cần tập trung giải quyết.
Thực sự chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ nước Mỹ, một nước trước kia chỉ là thuộc quốc của Anh, chỉ trong vòng 300 năm đã trở thành lãnh đạo toàn thế giới, vượt cả những siêu cường cũ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Nước Mỹ có những chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài rất hay. Chúng ta có thể học họ, bởi quan hệ giữa hai nước với hoàn cảnh lịch sử hiện thời chỉ có thể tốt hơn chứ không thể xấu đi. Đó là điều rất đáng mừng, đáng lạc quan.

Hướng tới thế hệ tương lai

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cám ơn nhà thơ Nguyễn Bá Chung. Thưa nhà thơ Kevin Bowen, ông đã sang Việt Nam nhiều lần, đón tiếp nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam đến Mỹ, và công việc của ông đã kéo dài nhiều năm nay. Cho tới bây giờ, cảm hứng của ông về việc giới thiệu văn học Việt Nam vào nước Mỹ có còn như thuở ban đầu không? Và trong thời gian tới đây, sự hợp tác giữa trung tâm William Joiner với Hội nhà văn Việt Nam và các đối tác khác sẽ như thế nào?

Nhà thơ Kevin Bowen: Tôi có thể nói rằng, cam kết của tôi với mục đích, con đường mà tôi đã chọn vẫn luôn mạnh mẽ và mỗi lần tôi đến Việt Nam, tôi lại hiểu thêm nhiều điều và càng thấy thêm mình còn nhiều việc phải làm.
Một trong những dự án mà tôi đã đề cập tới là dự án tôi đã bàn bạc với Thượng nghị sĩ John Kerry, chương trình kéo dài một năm trong đó chúng tôi gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện với những người quan tâm tích cực tới quan hệ Việt - Mỹ, cố gắng cùng nhau tìm ra phương cách mới để đưa những hoạt động mà chúng tôi đang tiến hành hiện nay đến với thế hệ trẻ, những thế hệ sau này.
Tôi cũng nghĩ rằng mối quan hệ, hợp tác của chúng tôi với Hội nhà văn Việt Nam diễn ra rất tốt đẹp và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng cứ với cái đà này, với sự cố gắng của hai bên, chúng ta sẽ làm được những điều có dấu ấn lịch sử.
Chúng ta cũng đang có một thế hệ trẻ, thế hệ mới, con cháu của chúng ta, những người có điều kiện, cơ hội tìm hiểu nhiểu hơn về mối quan hệ giữa hai quốc gia và họ chính là những người nắm giữ tương lai của mối quan hệ này trong tay. Còn thế hệ chúng tôi thì cố gắng xây dựng và bồi đắp nền tảng vững chắc cho mối quan hệ này và nền tảng đó dựa trên những điều cơ bản như lòng tin, tình yêu thương, sự thấu hiểu, sự thông cảm và sự tôn trọng lẫn nhau.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thưa nhà thơ Fred Marchant, bây giờ để nói một điều gì đó với một người Việt ông chưa quen biết, có thể là trong rất nhiều bạn đọc đang lắng nghe cuộc trò chuyện của chúng ta, trong bối cảnh chúng ta đang nói về văn học, văn hoá và sự bang giao giữa hai nước, ông sẽ nói gì?

Nhà thơ Fred Marchant: Tôi muốn nói một điều đơn giản rằng trong bất cứ nền văn hoá nào, sự trao đổi, đối thoại, tương tác lẫn nhau chính là cách tốt nhất để chúng ta có thể đem lại sự thông cảm và thấu hiểu. Việc chúng tôi - những nhà văn thuộc Trung tâm William Joiner đang làm chính là làm sao để tạo ra những cuộc đối thoại như vậy, không những thế còn phải làm cho những cuộc đối thoại này thực chất và hiệu quả.
Điều mà chúng tôi làm tư cách cá nhân và cũng chỉ mới bắt đầu thôi, cũng là cố gắng tìm hiểu về những điều đã xảy ra trong 40 năm qua, những điều đang xảy ra bây giờ, những điều đã sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng tôi, những người đang ngồi đây, Bruce, Kevin và tôi, đều ít nhiều từng đi dạy học, nên chúng tôi có một điểm tương đồng là luôn nhìn thấy trong thế hệ trẻ một hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ đó là điều mà mọi giáo viên trên thế giới này đều chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Còn nhà thơ Bruce Weigl, ông trở lại Việt Nam sẽ được gặp gỡ những người trẻ hơn, những người có thể không sáng tác văn học. Vậy ông muốn gửi thông điệp gì đến những người trẻ Việt Nam, những người có thể đang học tập ở Việt Nam cũng như ở Mỹ?

Nhà thơ Bruce Weigl: Điều đầu tiên tôi phải nói là khi biết hội thảo lần này có nhiều sinh viên tham gia, tôi cảm thấy rất vui vẻ và hứng thú, có người trẻ tham gia là một điều rất quan trọng. Họ là những người có tâm hồn rộng mở và có nhu cầu muốn tìm hiểu về thế giới, trong đó có nước Mỹ. Tuy nhiên để có một thông điệp gì đến những bạn trẻ này, tôi cần có thời gian nghiên cứu, bởi tôi không phải là người dễ dàng đưa ra những lời khuyên cho những người trẻ tuổi.
Nhưng để có một lời khuyên cơ bản cho những bạn trẻ muốn tìm hiểu, hay học tập ở Mỹ thì tôi muốn các bạn nhìn nhận nước Mỹ là nơi tập hợp nhiều dân tộc và chủng tộc khác nhau, là nơi bạn không dễ dàng phán xét thông qua một số cá nhân, một số hiện tượng. Tôi muốn các bạn mở lòng để cảm nhận về đất nước của chúng tôi.
Một điều cũng không kém phần quan trọng mà tôi muốn nói nếu các bạn đến Mỹ học tập, đó là cố gắng đừng nghiện đồ ăn nhanh và đừng xem truyền hình quá nhiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Kính thưa bạn đọc VietNamnet và các nhà thơ, thời lượng cho cuộc trò chuyện của chúng ta đã hết, mặc dù vấn đề đặt ra rất lớn nhưng chúng ta chỉ nói được những điều rất nhỏ. Hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội bàn trở lại vấn đề này trong tương lai.
Nhưng vấn đề cốt lõi của bàn tròn hôm nay, đó là khẳng định cốt lõi của mối bang giao giữa các dân tộc trên thế giới này chính là con đường văn hoá. Không có con đường đó, không có văn hoá, cụ thể hơn là không có thi ca, âm nhạc, hội hoạ, chúng ta sẽ không phát hiện ra vẻ đẹp, sự bí ẩn của mỗi dân tộc. Khi ấy cuộc sống con người trở lên vô nghĩa.
Quá khứ, sai lầm cũ sẽ đi qua khi chúng ta hướng tới những điều tốt đẹp hơn, khi chúng ta cùng bước trên con đường văn hoá. Chỉ trên con đường đó, chúng ta mới cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của cuộc sống, mới có thể tha thứ cho lỗi làm của chúng ta và những người khác.
Sự hiện diện của các nhà văn Mỹ ở đây, cũng như mối quan hệ của các nhà văn Mỹ ở trung tâm William Joiner và các nhà văn ở Hội nhà văn Việt Nam trong nhiều năm nay, dù không phải kỳ tích nhưng đã xây nên những nhịp cầu quan trọng nối hai dân tộc. Điều đó khẳng định tương lai chúng ta đang cùng đi đến là đúng đắn, vì lợi ích của hai dân tộc.

Một lần nữa cảm ơn bạn đọc của VietNamNet đã lắng nghe chương trình này, và xin lỗi vì không thể đặt hết các câu hỏi của các bạn gửi đến cho các nhà văn, nhà thơ ở đây. Trước khi kết thúc bàn tròn, mời tất cả lắng nghe một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, bài thơ ông muốn tặng các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ đã cùng ông đọc thơ trên đất Mỹ vào tháng 6/1995. Bài thơ có cái tên rất lính - "Bắn":

Các nhà thơ từng một thời là đối thủ
May mắn thay không bao giờ là kẻ thù
Đại bác thơ nã lòng nhau giai điệu nhân ái
Nã đêm đen muôn màu pháo hoa
Tại sao một thời thơ bị bắn giết
Những vùng trời tàn sát, những vùng đời máu me
Những vùng người hận thù, những vùng chết nhiệt đới
Tại sao, tại sao
Những đời con trai bị đánh cắp
Những thời con gái bị cướp đoạt
Những thời thơ ngây bị nướng khét xèo
Tại sao, tại sao
Những con chữ cụt đầu, cụt tay, cụt chân ngoằn nghèo phế binh
Những giọt máu biến hình ngọ nguậy kiến lửa
Bao giờ lành vết thương chiến tranh
Lỗ thủng hồn thơ không thể vá lành
Vết thịt rách cứ tươi rói như mới
Từng giọt đau nhểu xuống trang thơ
Nhắc một thời ngu
Nhắc nhân loại nghỉ chơi trò máu đổ
Cuồng nhiệt nữa hỡi nhà thơ pháo thủ
Đại bác thơ nã đêm đen muôn màu pháo hoa

Boston tháng 6/1995
_____________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét