Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Đời sống đang giục giã

Hà Dương

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua, Hội đồng Lý luận phê bình (LLPB) Văn học nghệ thuật (VHNT) TƯ đã có buổi làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam về các vấn đề liên quan đến LLPB văn học thời gian gần đây. Sáng tác văn học đang bung ra mạnh mẽ, nhưng tình trạng "thiếu, yếu" của lý luận và phê bình đang tạo nên thế mất cân bằng trong đời sống VHNT…

Lúng túng "hệ điều hành"?

Tại buổi làm việc với Hội đồng LLPB VHNT TƯ, Hội đồng LLPB Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam kiến nghị: "Cần đặt công tác LLPB đúng vị trí của nền văn học, xem đó là ý thức, là hệ điều hành của đời sống văn học". Nếu chiếu theo tinh thần này thì "hệ điều hành" ấy đang có sự lúng túng nhất định.
Trước hết, cần khẳng định trong mười năm đầu của thế kỷ này, văn học tiếp tục con đường đổi mới và ngày càng tạo ra bầu không khí cởi mở hơn cho sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hàng loạt lý thuyết văn chương nước ngoài được phổ biến trên báo chí, các công trình nghiên cứu góp phần mở rộng kiến văn của nhà phê bình. Bên cạnh những cây bút gạo cội, giới nghiên cứu bắt gặp nỗ lực đáng ghi nhận của giới trẻ như Ngô Tự Lập, Nguyễn Thị Từ Huy… Tuy nhiên, trước một khoảng cách khá lớn về độ cập nhật tình hình lý luận (LL) thế giới thì những kết quả đó chưa thỏa mãn được người làm nghề. Hội Nhà văn nhận định "các thứ lý thuyết văn chương này có thứ xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, muộn nhất cũng đã mấy chục năm nay". TS Nguyễn Thị Từ Huy đã có lần bày tỏ: Nhiều tư tưởng triết học, văn chương đã được phổ biến ở nhiều nước châu Á cả thế kỷ nay rồi nhưng dường như vẫn còn là điều xa lạ ở nước ta. Đó là cái khó đối với các nhà LLPB, không phải "nhập cảng" những lý thuyết đó để bê nguyên xi, mà là để phân tích, đối chiếu, giải mã các hiện tượng văn học trong nước.

Giải quyết vấn đề này đòi hỏi chiến lược lâu dài cộng với nguồn đầu tư không nhỏ. Vài năm gần đây, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch danh dự, quy tụ nhiều trí thức đã và đang làm một công việc ý nghĩa là xuất bản các đầu sách về tri thức cơ bản của nhân loại, trong đó có nhiều cuốn liên quan đến văn chương.

Bên cạnh vấn đề "nhập cảng" lý thuyết văn chương một cách hệ thống, chọn lọc thì Hội đồng LLPB văn học của Hội Nhà văn Việt Nam cũng nêu rõ một khía cạnh khác, là tình trạng "chân không" của LL trong nước, khi vài chục năm nay vấn đề "tư tưởng nghệ thuật" chưa được quan tâm đúng mức. "Một thuật ngữ mới thay thế để định hướng tư tưởng nghệ thuật cho văn học giai đoạn này là hết sức cần thiết"- nhà phê bình Lê Thành Nghị khẳng định. Còn nhà phê bình Chu Sơn thì nêu rõ: Không thiếu tâm huyết, cũng không thiếu điều kiện mà cái thiếu là LL về giá trị của thời đại. LL về giá trị của thời đại không đi trước thì khó thúc đẩy xã hội phát triển, trong đó có vấn đề văn học.

Im ắng phê bình

Nhà thơ, cây bút phê bình sắc sảo Trần Đăng Khoa cho rằng "văn chương sôi động, nhưng phê bình thì im ắng". Rõ ràng, trong bối cảnh ấy, người ta thấy sự hụt hẫng, sự thiếu vắng. Hàng loạt hiện tượng trong đời sống văn học xuất hiện không được giới nghề nghiệp phân tích, nghiên cứu. Nhiều tác phẩm văn học dịch được coi là "hiện tượng" của nước ngoài, nhưng khi vào Việt Nam thì thiếu sự hướng dẫn nhất định của các cây bút LLPB. Bạn đọc nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ, khi tiếp cận một tác phẩm rất cần có sự hỗ trợ từ phía các nhà LLPB văn học. "Rừng Nauy" là một ví dụ. Năm 2009, Viện Văn học Việt Nam đã đăng tải một bài nghiên cứu về sự tiếp nhận và phản ứng của bạn đọc với tác phẩm này, cũng như yếu tố sex được đề cập trong đó. Tuy nhiên, còn rất nhiều tác phẩm, hiện tượng văn học khác cần sự lên tiếng của các nhà LLPB, đặc biệt là "phê bình trực chiến" trên báo chí để kịp thời tác động tới sự tiếp nhận của bạn đọc.

Còn nhớ vài năm trước, khi "Hồi ký Lê Vân" được xuất bản, có rất nhiều ý kiến "phê" ở quan điểm về gia đình, nhưng đã có ý kiến nào phân tích sâu hơn ở góc độ xã hội học mà cuốn sách phản ánh?

Gần đây nhất, vấn đề văn học 7x, 8x, 9x rồi sex trong văn học cũng chưa được các nhà LLPB quan tâm, nghiên cứu thấu đáo. Hội đồng LLPB của Hội Nhà văn Việt Nam thẳng thắn thừa nhận "những vấn đề nổi cộm trên chưa được hội đồng nghiên cứu thảo luận". Trong khi đó, khuynh hướng sex trong văn học đang có xu thế lan rộng, không chỉ ở các cây bút trẻ mà còn thu hút nhiều nhà văn lão làng. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nói trong một cuộc "tiếp xúc hành lang" của Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, rằng: "Dùng sex để giải mã mọi vấn đề của đời sống, tâm tư con người thì thật không phải. Tất cả những câu hỏi, băn khoăn này cần được nhìn nhận, phân tích thấu đáo bởi xét ở một góc độ nào đó, LLPB còn có vai trò thúc đẩy sáng tác".

Xin lấy ý kiến của nhà phê bình Chu Sơn, đã được Hội đồng LLPB VHNT TƯ tán thành, để tạm kết thúc bài viết này: Cả phê bình và sáng tác đều cần có sự băn khoăn triết học trước thực tại đời sống để viết. Phê bình và sáng tác đều cần tìm cảm hứng và truyền cảm hứng cho nhau.

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét