Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Nhập hồn (tiếp theo và hết)

Truyện ngắn của Đoàn Lê


Đêm ấy Huệ tựa vai ông mà ngủ sau những hoảng loạn căng thẳng khiến cả hai đều mệt nhoài. Nhưng đó là đêm tuyệt vời kỳ lạ. Ông cố nằm yên phía ngoài chăn, chỉ thi thoảng vỗ về nhè nhẹ mỗi khi nàng giật mình ú ớ. Cũng là lần đầu tiên ông ôm ấp một người đàn bà, trong lòng không hề bợn chút dục tình, không một ý nghĩ bậy bạ. Con người yếu đuối này đang cậy nhờ ông che chở như một đứa trẻ thơ dại tội nghiệp. Ông chỉ dám khẽ hít hà trên tóc nàng mùi hương nhu thơm đằm. Và khi cơn bão đã lặng, ông mới hơi nhỏm dậy ngắm khuôn mặt nàng đang say ngủ trong ánh sáng ban mai xám lạnh.
Vô cớ ông nhớ lại những mối tình thoảng qua, những cuộc ân ái đôi khi mặn nồng với những người đàn bà. Dăm ba trong số mười mấy gương mặt vẫn thường trở lại trong những giấc ngủ của ông, những gương mặt để lại ấn tượng sâu sắc, dễ chịu nhất. Ông nhớ tới người đàn bà cuối cùng cách đây gần hai chục năm, cô hiệu phó một trường cấp ba, người ông ngỡ sẽ trao gửi quãng đời còn lại cho cô. Bốn lăm tuổi chưa cùng ai, cô giáo đón nhận vòng tay ông trong sự lúng túng ngượng ngùng không kém một em nữ sinh mới lớn. Nhưng năm sau cô lại lên xe hoa với một vị quan chức trên thành phố, góa vợ. Ông chán nản thề chấm dứt mọi sự từ đó.

Liệu người ta có thể đến với tình yêu không chút tính toán không nhỉ? Đến tận khi sắp xuống mồ ông vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Cho tới dịp lão Hiệng phải về quê đưa vợ đi bệnh viện chữa khớp gối, lão nhờ Huệ thay lão ở đây ít lâu. Bất thình lình cả ông lẫn nàng bị cuốn vào tiếng sét không cưỡng lại được trong đêm trăng sáng tết Trung Thu. Một bàn trà, đĩa bánh nướng bày trên sân gác với hai con người cô đơn... Giữa mênh mông ánh trăng sáng lạnh, sự cô đơn đẩy họ đến với nhau. Và bỗng chốc trời đất say cuồng mê mẩn. Tưởng chừng đây là dịp cuối cùng họ được sống. Nói đúng hơn ông là dịp cuối cùng, nàng là dịp đầu tiên, có lẽ thế. Với người chồng gả bán từ tấm bé, chờ đợi ngần ấy năm chiến tranh, rồi anh lính nông dân trở về từ trại thương bệnh binh, mang theo chứng điên điên khùng khùng, hình như Huệ chưa bao giờ được thực sự sống trong niềm hạnh phúc hoan lạc đàn bà. Vì vậy từng chút một ông đưa dắt nàng đi hết sức ân cần âu yếm, tựa hồ ông muốn thay mặt cả thế gian đền bù cho nàng. Nàng cũng hồ hởi đón nhận tình yêu ấy với lòng biết ơn, lẫn cái nồng nàn lần đầu tiên được khơi dậy.

Nhưng sau những giây phút ngọt ngào không kiềm chế được, cả hai đều sửng sốt nhận ra ranh giới khắc nghiệt mình vừa vượt qua.
- Tôi xin lỗi em. Lẽ ra tôi lớn tuổi hơn tôi phải giữ lý trí, không được phép cuốn em vào tình yêu này.
- Tại em, tại em yêu ông chứ. Xin ông đừng nói thế để em thấy mình có lỗi. Trời ơi... thực ra, em không hiểu tại sao nữa.
Nàng khóc lặng lẽ trong đêm. Ông đau thắt ngực lại, vuốt ve nhè nhẹ lên vai nàng an ủi như trong đêm bão gió lần trước. Họ biết đã vượt qua ranh giới là không bao giờ trở lại đường vạch bên kia được nữa.
Ông muốn quên hết để sống trọn vẹn cho nàng. Dù vậy ông đoán nàng vẫn canh cánh lo việc ở quê nhà với nỗi khắc khoải không nói ra. Ngày cuối tuần ông ngượng ngùng đưa ít tiền, giục nàng về Chũ.
- Em yên tâm, mọi chuyện ở đây tôi khắc lo được.
Nàng do dự nhìn xấp tiền, rồi rầu rĩ nhìn ông, rồi lẳng lặng cầm lấy hấp tấp đi mua sắm mọi thứ cho chồng con. Cả ông với nàng cùng đang muốn cách gì đó làm vơi nhẹ nỗi áy náy ân hận.
Trước khi nàng ra đi, ông giữ nàng lại bên cửa, hôn lên trán nàng, khẽ nói:
- Em trở lại đây nữa không là tùy em. Tôi không ràng buộc em điều gì. Nhưng tôi sẽ rất đau khổ, em biết đấy...
Huệ cúi gằm mặt không nhìn ông cũng không trả lời. Nàng chỉ vội quay đi để giấu nước mắt.
Nàng đi rồi nỗi cô đơn trống hoác thật khủng khiếp. Ông vội lôi tấm toan khá lớn ra phác họa những gì ông nhớ về nàng. Phải rồi, tấm lưng nhỏ nhắn này, bờ vai xuôi này, mái tóc dài óng mướt này... Ông trút tất cả nỗi nhớ nhung da diết vào ngọn bút.
Ba ngày sau ông nghe tiếng chuông gọi cổng. Huệ trở về, nét mặt dịu dàng của nàng hân hoan khi thấy ông. Ông kịp giữ sự thổn thức yếu đuối của tuổi già để ghì siết lấy nàng, vừa kinh ngạc vừa nôn nao sung sướng.
Lên gác, nàng ngạc nhiên nhìn ngay bức tranh ông đang vẽ dở dang.
- Ông... Chả lẽ ông vẽ em đây sao?
- Em thấy giống em chứ? Chưa xong đâu.
- Vâng. Sao ông không đợi em về, em sẽ đứng làm mẫu cho ông? Em có thể đứng thế này được mà.
Ông cảm động ghì chặt nàng hôn lên đôi mắt hiền dịu ấy.
- Cảm ơn em. Tôi không ngờ mình hạnh phúc quá thể. Tôi sẽ hoàn tất bức tranh thật đẹp, nếu có em giúp. Tin tôi đi.
Ngày hôm sau nàng cố thắng sự ngượng ngập đứng cho ông vẽ nốt bức tranh. Ông biết ơn nàng và mê mải lăn vào công việc đến quên cả thời gian. Đã lâu lắm sự say sưa sáng tạo lại dâng trào. Đây sẽ là bức tranh khỏa thân cuối cùng ông vẽ, ông thầm nhủ. Chọn khóm ngọc trâm đặt dưới chân người đàn bà trong tranh, ông như muốn gợi lên sự tinh khiết của tâm hồn nàng, mộc mạc, đằm thắm.
Và mỗi đêm ông đều khám phá từng chút một những bí ẩn của tâm hồn ấy.
- Em không đẹp bằng trong tranh, nhưng ông vẽ giống đấy ông nhỉ. Ông hãy giữ bức tranh treo ở đây đừng bán, để làm kỷ niệm ông nhé. Không nhìn thấy mặt sẽ không ai nhận ra em đâu. Sau này chết, em sẽ nhập hồn vào bức tranh này... Bà ngoại em bảo người chết thường trở lại chốn cũ yêu thích để nhập hồn vào, lấy làm nơi đi về.
Rõ trẻ con. Ông không hề tin nhưng ông thích lắng nghe những lời nhỏ nhẹ của nàng trong đêm.
- Sao em nghĩ đến cái chết sớm vậy? Chết không dễ đâu.
Nàng nằm im một chút rồi áp má sát tai ông ngập ngừng:
- Ông không thấy cứ thế này em cũng đến chết mất ư? Thỉnh thoảng em lại giật mình tự hỏi rồi chuyện chúng ta đi tới đâu... Ông không thấy em không thể sống thiếu ông nữa à? Cứ day dứt kéo dài thế này đau đớn biết mấy.

Rõ ràng không gì có thể biện minh cho tình yêu của họ. Người chồng tâm thần trên Vĩnh Yên luôn khiến ông mặc cảm tội lỗi. Ông thừa hiểu Huệ cố giữ cuộc sống chung với anh ta vì tấm lòng nhân hậu xót thương, vì chữ nghĩa hơn là chữ tình. Còn ông, ông nỡ giằng bớt chút lẽ sống của một người như thế?

Rồi lão Hiệng trở về. Họ chia tay trong ngơ ngẩn bất lực.

Bẵng hai tháng liền không thấy bóng dáng Huệ qua lại. Một bữa ông chịu không nổi, vờ bâng quơ hỏi lão Hiệng:
- Cô Huệ lâu không lại chơi nhỉ?
- Cháu nó về quê rồi thưa ông. Chồng nó giở bệnh, phải có người trông nom thường xuyên. Giờ nghe đâu cháu buôn bán nhăng nhít ngay chợ Chũ ấy.

Ông hụt hẫng. Có phải đấy là cái cớ để Huệ dứt bỏ quan hệ rắc rối với ông? Đành vậy. Cầu cho nàng yên ổn.

Vào một tối khuya ông bỗng nhận ra tiếng Huệ gọi trong máy điện thoại di động của ông. Giọng nàng thì thào hối hả như sợ ai nghe được.
“Em đang gọi cho ông từ bưu điện Chũ. Ngày đêm em nhớ ông đến thắt cả lòng dạ. Nhưng em không thể đi đâu được, dù nhà rất bấn ông ạ. Thằng cháu mới vào học trung cấp cơ điện tận Bắc Giang, nhà chỉ có mình em với bố cháu. May sao hôm nay một bà cô chồng còn khỏe mạnh đến chơi, nhận lời trông nom mọi việc giúp em, chỉ cần có tiền để lại nhà. Bà ấy sống một mình cũng buồn ông ạ. Giá như... em...”

Nàng ngập ngừng dừng lại. Ông hiểu ngay.
“Vậy em cần bao nhiêu tiền?”
“Tính ra phải mất những gần hai triệu cả ăn lẫn công trông nom cơ”.
“Được rồi. Sáng mai tôi sẽ gửi tiền về”.
Nàng đọc cho ông ghi địa chỉ nhà và số chứng minh.

Ông khấp khởi suốt đêm không ngủ. Ông sắp được gặp nàng rồi. Sáng sớm hôm sau quầy tiết kiệm vừa mở cửa ông đã chầu chực rút hai triệu. Gửi tiền cho Huệ xong ông lại nôn nóng chờ đợi thời gian trôi đi. Suốt một ngày ông sải những bước dài dọc bờ biển với cái điện thoại di động trong tay giống một lão già tâm thần.

Mãi tối hôm thứ hai ông mới nhận được tin của Huệ. Em đã nhận được tiền. Em vừa mua sắm lương thực thực phẩm dự trữ đầy đủ rồi. Sớm mai em ra.

Lại thêm một đêm nữa ông mất ngủ.

Tất nhiên thấy Huệ lão Hiệng mừng cuống lên. Ông cho ngay lão về quê thăm vợ khiến lão rối rít biết ơn sự thông cảm của ông. Ông hơi ngượng.

Đó là lần thứ hai họ được sống với nhau đầy đủ trọn vẹn. Một tuần sau lão Hiệng trở về với một bị khoai lang làm quà, giống tím lòng ngọt như mật. Huệ lại quẩy gánh chè chai lông vịt đi rong. Nàng thường dành ít phút hẹn gặp ông mỗi chiều bên bờ biển. Chỉ cần nhìn thấy nàng, nghe giọng nói nhỏ nhẹ của nàng đủ cho lòng ông dịu lại nỗi khắc khoải mong nhớ.

Nhưng chưa đầy hai tuần lễ, nàng lại phải bỏ quang gánh trở về Chũ. Chồng nàng ngã gãy chân. Trời ạ, sao lắm bất hạnh đổ xuống đầu người đàn bà tội nghiệp này thế hả trời?

Sau khi người chồng được chữa chạy đã đi đứng bình thường, ông lặng lẽ gửi về hai triệu nữa để nàng thu xếp việc nhà ra với ông.

Cũng chỉ vừa nửa tháng, chồng nàng nhắn lão Hiệng bão tốc mái nhà, nàng không thể trì hoãn, phải về ngay.

Rồi thêm một lần nữa ông lại gửi hai triệu cho nàng thoát khỏi Chũ. Lần thứ ba này bà cô nhắn: bà bị thằng cháu lên cơn đánh suýt vỡ đầu, bà sợ, nhất quyết gọi Huệ trao trả.
“Em rất ngượng, sợ ông hiểu lầm, nhưng...”

Nàng bỏ máy giữa chừng. Đó là lần cuối cùng ông nghe được giọng nói của nàng.

Ông hoang mang. Hết cách xoay xỏa. Hình như ông đang đi lầm vào mê cung. Gửi được mươi triệu dành dụm phòng ốm đau, ông nào tiếc gì nàng. Hai triệu, rồi hai triệu, hai triệu... Nhưng rút cuộc đâu vẫn hoàn đấy. Ông chợt tự hỏi liệu có điều gì uẩn khúc chăng? Liệu ông chưa hiểu hết Huệ chăng? Liệu ông đang bị lợi dụng, đưa đầu vào cái tròng vô hình ngu xuẩn nào chăng?

Rất có thể như thế chứ. Nào, ông thực sự đã biết gì về Huệ? Ông nhắm mắt yêu nàng bằng tất cả tâm hồn ông thôi. Nàng là ai sau lớp vỏ hiền lành chân chất? Nàng đến với ông vì lý do gì? Rõ ràng nàng không phải miếng hạnh phúc trời dành cho ông. Ông chỉ cướp trộm của một kẻ khốn khó. Ông tham lam quá. Trong lúc ông như chiếc lá chờ rụng, nàng thì ở cái tuổi đi chưa trọn nửa đường đời, số phận chắc chắn dành cho nàng những người đàn ông trẻ trung hơn, phong độ hơn, nếu nàng muốn... Rồi chắc chắn nàng sẽ quên ông. Biết đâu ngay chính lúc này nàng đã kịp thổ lộ cùng gã đàn ông nào đó về một lão già khờ khạo dại gái... Chả thế nàng không một lời nhắn gửi nào nữa.
Nghĩ vậy lòng ông nguội ngắt. Ông tắt điện thoại, quẳng nó vào góc tủ cùng với nỗi hờn tủi âm thầm.

Ba tháng trôi qua, không một tin tức nào của nàng đến tai ông. Chiều chiều ông vẫn ra bờ biển, qua lại nơi họ thường gặp nhau. Dù quyết gạt bỏ hình ảnh người đàn bà ấy nhưng trong thẳm sâu ông vẫn thầm mong một lần đột ngột được thấy lại nàng.

Cách đây dăm ngày, lòng ông nóng như lửa đốt. Không đừng được, ông lôi cái điện thoại di động trong tủ, mở máy chờ đợi.

Thế rồi mọi việc xảy ra. Thế rồi xuống bến xe Chũ rẽ trái. Thế rồi khi tìm đến nhà nàng, căn nhà cấp bốn cũ kỹ cửa đóng im ỉm. Hàng xóm cho biết Huệ đã mồ yên mả đẹp được tuần nay. Anh chồng người ta đưa vào bệnh viện tâm thần. Nàng bị ung thư dạ dày, khi vào bệnh viện mới phát hiện, họ trả về nhà nửa tháng thì chết. Người ta phàn nàn thương hại, rằng nàng quá lao tâm khổ tứ thu vén nuôi người chồng bệnh tật mới nên nông nỗi ấy. Chỉ thiếu nước cô ta xẻ thịt mình cho chồng ăn thôi!

Ông ngồi ngây trước cái thềm gạch long lở. Cảnh nghèo túng hiện ra ở mọi xó xỉnh. Ông mường tượng Huệ vẫn qua lại căn bếp trống hoác kia, vẫn ngồi trên cái thềm gạch này, phe phẩy quạt những đêm mất ngủ, tính toán mưu sinh. Quanh ông như còn váng vất tiếng thở dài của nàng.

Ông bải hoải cả người. Ông nghĩ tới gói tiền năm triệu trong túi. Có thể vào lúc cấp bách nhất, không cầu cứu ai được, Huệ đánh liều gọi điện cho ông. Nhưng cái điện thoại câm lặng. Nàng đau khổ đoán biết ông giận, ông không muốn trả lời. Kể cả lời nhắn nhủ vĩnh biệt.

Giậu mướp hoa vàng rực bỗng lay động bởi cơn gió quẩn, phảng phất đưa tới mùi hương nhu khiến ông giật mình.

Ông bỗng thổn thức khóc. Xin trời đất nguyền rủa ông đã dám có lúc nghi ngờ nàng lừa gạt. “Ngày đêm em nhớ ông đến đau thắt cả lòng dạ...” Em ơi, xin em hãy nhập hồn vào bức tranh Thiếu nữ với hoa ngọc trâm ấy mà trừng phạt tâm hồn tôi tan nát tới giây phút nhắm mắt lìa đời. Tôi ngàn lần đáng tội như thế!

__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét