Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Nhập hồn (Phần 1)

Truyện ngắn của Đoàn Lê

Ông uể oải buông màn. Cái giường mỗi ngày như rộng thêm ra. Khi cúi xuống giắt màn, trong một thoáng ông bỗng bắt gặp phảng phất mùi thơm của nước lá gội đầu. Đúng thế, không lẫn được. Cái mùi ấy... quái lạ, mùi hương nhu không sai. Ôi cái mùi... nó khiến ông nôn nao nỗi nhớ.

Ông nằm xuống, thở một hơi dài.

Thế cũng tiêu xong được một ngày!

Từ khi vắng bóng Huệ, ông nhận ra thời gian dài dặc, cố tiêu mãi mới hết. Tiêu là tiêu pha, tiêu tán, tiêu diệt... Tiêu xong một ngày thực rất chật vật. Bởi như lời một bài thơ xa xưa ông còn nhớ: “Ngày dài và đêm cũng dài. Vì ta sống trong cô đơn lạnh lẽo...” Rồi đến lúc nào đó sẽ thấy chuyện phải sống là một cực hình, chẳng sung sướng gì đâu.

Cũng bởi ông cổ hủ, không giống mấy ông bạn ngoài bảy mươi vẫn kéo nhau đi câu lạc bộ nhảy đầm, đi câu cá rồi picnic tại chỗ. Họ kháo nhau những sinh hoạt lành mạnh ấy khiến họ hào hứng sống, trẻ hẳn lại. Thậm chí họ còn hồi xuân, bắt bồ với mấy bà bạn trên sàn nhảy ngon lành nữa kia.

Chậc, mong họ được sống thỏa thích. Từ lâu, đến niềm đam mê hội họa ông theo đuổi suốt đời cũng nguội dần. Ông ngẫm nghĩ tự hỏi: nếu quả thật lẽ sống đời ông đã cạn, ông còn lý do nào để tồn tại?

Ông muốn tắt ngọn đèn đêm. Ánh sáng dù rất dịu cũng khiến ông mất ngủ. Hoàn cảnh đơn độc của ông từ trẻ đến già đã tạo cho ông những thói quen không thể thay đổi. Hình như ánh sáng bắt ông phải ra khỏi giường, tới ngồi trước giá vẽ, mặc dầu đầu óc trống rỗng. Có thể vì cái giường ngủ kê gọn ở góc căn phòng lớn trên gác hai, nơi ông vẽ ban ngày, ngủ ban đêm, hoặc ngược lại ngủ ban ngày, vẽ ban đêm rất thuận tiện, không cần tách bạch.

Nhưng mới chạm vào công tắc, ông bỗng giật mình dừng tay lại. Ánh mắt ông vừa chợt lướt qua bức tranh Thiếu nữ với hoa ngọc trâm treo ngay giữa bức tường đối diện, nơi ông hàng ngày quen nằm dài trên giường ngắm nó. Có cái gì khác lạ thế nhỉ? Cái gì thế?

Ông nhỏm dậy vén màn đi ra, bật ngọn đèn lớn. Chưa tới sát bức tranh ông đã chết sững. Bức tranh này ông vẽ Huệ đứng khỏa thân bên khóm hoa ngọc trâm. Người ta chỉ nhìn thấy nàng từ phía sau, một tấm lưng thiếu nữ trắng ngần vô cùng gợi cảm. Bức tranh ông đã thân thuộc mỗi vết màu, mỗi vùng phớt thẫm dịu dàng, như thể nhắm mắt ông cũng hình dung ra miền da thịt thương nhớ từng run rẩy dưới bàn tay ông... Giờ đây tấm lưng trong bức tranh óng ánh những giọt nước đọng lại, tựa hồ mồ hôi Huệ đang không ngừng túa ra.

Thế là thế nào? Ông biết vùng đất bờ biển ẩm ướt mặn mòi không dễ giữ cho tranh khỏi hư hỏng. Nhưng những ngày này đâu phải gió nồm nam thời điểm mưa xuân dầm dề? Tất cả những bức tranh khác đều khô ráo, ổn định cả đấy thôi. Không, nhất định có chuyện gì không ổn đây.

Loay hoay một lát, ông định tìm khăn thấm nước bức tranh nhưng kịp dừng lại. A, lúc chiều ông ra biển dạo chơi một lát như thường lệ, chả lẽ lão Hiệng dám lau nước lên bức tranh trong khi dọn dẹp ư? Lão dám liều thế ư? Mà không lão thì ai? Rành rành nước vẫn đọng từng giọt đây thôi?

Ông tức giận nhấn chuông.

Không đầy một phút, tiếng bước chân hấp tấp của lão Hiệng chạy lên. Bộ mặt ngái ngủ của lão ngơ ngác xuất hiện.
- Thưa ông, ông gọi cháu đấy ạ?
Dù đã năm mươi tám tuổi nhưng lão Hiệng một mực kính cẩn xưng cháu với ông chủ gần bảy mươi.
- Ông lại gần đây. Đây, ông nhìn xem, thế là thế nào?
- Thưa... thưa, ông nói về những giọt nước ấy ạ?
- Chiều nay ông có lên thu dọn trên gác này không?
- Dạ, cháu có lên thu dọn... Nhưng thưa ông, đời nào cháu dám động vào những bức tranh. Cháu lại chả biết công việc của mình từ vài chục năm nay rồi sao?
- Vậy những giọt nước ở đâu ra?
- Cháu không biết thưa ông.
- Lạ thật. Nhà có ông với tôi, hỏi còn ai vào đây?
- Ông... ông nhìn kỹ xem, có lẽ... tự bức tranh. Nếu bị té nước thì cây cối hoa lá cũng phải ướt chứ ạ. Sao lại...

Lão Hiệng liếc mắt thật nhanh nhìn ông với đầy ẩn ý. Hơn ai hết lão biết ông mới vẽ bức tranh Thiếu nữ với hoa ngọc trâm dăm tháng trước, trong lúc lão về quê chăm vợ ốm. Lão cũng thừa biết người đứng mẫu là Huệ, cháu họ lão, người lão thường nhờ tới đây làm việc thay mình khi bất đắc dĩ phải vắng mặt. Còn ai có mái tóc dài như thế cơ chứ? Nhưng lão tế nhị không bao giờ hé răng đả động tới bức tranh.

Ông chợt nhận thấy lão Hiệng có lý. Phải, nếu bức tranh bị té nước, thể nào cũng có giọt bắn ra chung quanh. Đằng này chỉ thân hình người thiếu nữ ướt át thôi. Ông nhìn kỹ cả khung tranh gỗ phía dưới. Vẫn khô nguyên!
- Thôi được rồi. Để tôi tìm hiểu. Ông xuống đi ngủ đi.

Ông dịu giọng. Lão Hiệng đi xuống sau khi lại liếc nhanh ông một lần nữa.

Dù sao, trước nhất cũng phải lau khô bức tranh đã.

Lấy cái khăn sạch ông khẽ khàng thấm từng giọt nước... như thể ông đang khẽ khàng thấm khô tấm lưng trần của nàng với bao kỷ niệm xót xa tràn về tựa thác lũ. Nào, em hãy để tôi lau những giọt mồ hôi cho em. Bờ vai này tôi hay nhẹ hôn vào đó. Mái tóc hương nhu này tôi thường lặng lẽ hít hà, vùi mặt trong cái mát rười rượi. Eo lưng này tôi ôm chưa khít vòng tay, không dám siết chặt. Có còn một ly da thịt nào tôi chưa đặt môi mình lên trên? Em ơi... em có cảm nhận ra bàn tay tôi âu yếm xoa nhẹ trên lưng em đây không? Tôi đoán giờ này em đã xong mọi việc chăm nom người chồng tâm thần, rồi nhẹ nhàng ngả lưng xuống giường trong lúc chưa dứt lo toan bữa cơm ngày mai. Em vẫn kể đây chính là giây phút em bớt ra sống với khoảng trời riêng của em. Liệu hình ảnh tôi có được lởn vởn chút nào bên em không? Em có nhớ tôi chút nào như tôi vẫn nhớ em quay quắt đây không?

Bức tranh đã khô ráo trở lại. Ông không dám nhìn lâu, vội đi vào giường nằm. Ông biết đêm nay rồi sẽ thức trắng. Vẫn để đèn sáng, ông mở cuốn truyện kinh dị đọc vài trang hy vọng mỏi con mắt. Hừm, xem ra thế giới không còn gì hấp dẫn ngoài những chuyện kinh dị.

Chợt cái điện thoại di động ở đầu giường réo chuông. Ông lại giật mình. Ai gọi giờ này? Đồng hồ trong phòng chỉ nửa đêm rồi. Huệ ư? Đúng là Huệ. Hẳn nàng thừa biết ông mong mỏi tin nàng chừng nào. Ông chợt nghĩ tới chuyện thần giao cách cảm. Tim ông nảy lên.

Nhưng ông chưa kịp cầm lấy điện thoại nó đã im bặt. Quái lạ thật. Bấm xem số máy gọi đến, ông ngạc nhiên nhận ra một dãy số 3 không thể hiểu nổi. Gần đây ông nghe láng máng những kẻ nghịch ngợm thường hay trêu thiên hạ bằng điện thoại di động đủ mọi kiểu. Ai ngờ nó tới với ông bất thình lình cũng chẳng khác một chuyện kinh dị trong đêm. Hừm, đêm nay quỷ ám thật sao?

Tựa hồ trả lời ông, ánh mắt ông bắt gặp những giọt nước li ti không biết từ lúc nào lại mới óng ánh xuất hiện trên bức tranh. Chết chửa, chẳng lẽ ông thấm không được khô? Làm gì có chuyện ấy!

Ông vội tung màn, cứ chân đất đi tới bức tranh. Khẽ lấy ngón tay sờ vào mặt toan, ông nhận biết rành rành nó đang rịn nước thật. Ông thận trọng đưa lên gần mũi. Chao ôi, chỉ thấy phảng phất mùi hương nhu! Huệ ơi, có phải em muốn thầm nhắn với tôi chăng? Đã vậy tôi sẽ không lau đi, để xem em muốn nói điều gì qua những giọt nước này.

Một làn gió lạnh khác thường ào tới. Có cảm giác ai đó vừa lướt qua, khẽ chạm vào da thịt ông. Ông cố ép mình không đưa mắt tới bức tranh nữa, tắt hết đèn, mò mẫm vào giường nằm.

Tất cả chìm trong bóng tối đen mướt.

Ngoài vườn chợt nổi cơn dông đêm rất mạnh. Ông nghe một tàu cau rơi loạt soạt xuống sân gạch. Con chó sủa gay gắt dăm tiếng rồi lặng ngắt. Giờ chỉ còn biển phía xa xa nổi sóng ầm ì. Không hiểu sao ông thoáng nghĩ tới một bàn tay mờ xanh, xoa lên mặt mình cùng cái buốt giá như trong cuốn sách vừa đọc. Chao ôi, bảy mươi tuổi nghĩa là cùng tuổi với những con ma già lão, có gì làm ta rùng mình được nữa?

Một con đom đóm rất to lập lòe từ cửa sổ bay vào, đậu lên lá màn. Chắc gió tạt con vật tí xíu này lọt tới phòng ông. Kìa, nó như hoảng sợ, chấp chới bay, lượn lòng vòng, ánh sáng thoi thóp bất định. Ông nín thở chờ đợi nó đáp xuống đâu đó. Nhưng con đom đóm cứ bay loạn không ngừng.

Một nỗi lo âu mơ hồ xâm chiếm ông. Hay là Huệ làm sao? Có thể Huệ đã gặp chuyện bất hạnh và muốn báo cho ông biết? Nghĩ vậy ông không còn giữ nổi bình tĩnh.
*
* *
Mờ sáng ông chuẩn bị đi chuyến xe lúc sáu giờ lên Chũ. Trước khi đi ông gọi lão Hiệng, trỏ vào bức tranh vẫn long lanh ướt bảo:
- Cứ giữ nguyên thế cho tôi, không được đụng vào nó. Chờ tôi về hãy hay.
- Vâng. Ông đi chừng nào về ạ?
- Tôi đột xuất nhận lời mời của một người bạn ở Vĩnh Yên... Này, tôi muốn tiện thể ghé thăm cô Huệ đấy, ông nhắn gì không?
- Thưa ông... Hay ông đưa giúp cháu ít tiền cho con bé thêm thắt tiêu pha. Thế có được không ạ? Ông cũng hỏi hộ xem lâu nay cháu nó bận việc gì không thấy xuống dưới này đi chợ. Sợ thằng chồng điên khùng giở bệnh nặng, đánh cho không ngóc dậy được thì khổ. Ông xuống bến xe, rẽ tay phải chừng vài trăm mét hỏi thăm nhà cháu khắc ai cũng biết.

Đáng lẽ ông không cầm mấy chục bạc cũ kỹ mà lão Hiệng lôi từ đáy hòm ra. Ông đã rút hết tiết kiệm còn lại trong sổ, chuẩn bị mang theo tất năm triệu tiền mặt đây rồi. Nhưng ông muốn có lý do để tìm đến nhà Huệ.
- Ông nhớ xuống bến xe cứ rẽ tay phải.

Lão Hiệng sợ ông quên, dặn thêm lần nữa.

Lão chẳng cần dặn ông cũng đã nghe Huệ kể. Bao lâu nay ông tâm niệm sẽ đích thân lên thăm nhà Huệ một lần. Để biết ngọn nguồn. Nhưng Huệ luôn ngăn cản. Nàng mặc cảm hoàn cảnh khốn khổ không muốn ông biết quá rõ hay còn vì lý do nào khác?

Thật sự ông gặp nàng từ rất nhiều năm nay, mỗi dịp nàng quẩy gánh chè chai lông vịt ghé thăm lão Hiệng. Lần đầu tiên gặp nàng, ông hơi bất ngờ thấy lão giúp việc có cô cháu họ xinh xắn như vậy, lại thưa gửi rất dịu dàng lễ độ.
- Là cháu rủ rê con bé xuống đây kiếm sống. Ông tính làm cô giáo cấp một đói bục dạ dày chứ bỡn. Đấy, giờ nó kiếm dăm bảy chục một ngày ngon lành. Chai lọ vùng biển du lịch có mà ựa. Tội nghiệp, nó đi thu gom sáu ngày trong tuần thôi, rồi hớt hải mua sắm để hai ngày cuối về chăm thằng chồng thần kinh. Lắm lúc thằng ấy nổi cơn điên đánh cho thâm tím mặt mũi, nó chỉ khóc chứ không bỏ mới tài. May sinh được thằng con trai học hành giỏi giang, lại ngoan lắm ông ạ

Ông xót xa thương một kiếp đàn bà. Nào đui què mẻ sứt cho cam! Cũng muốn có đôi lời an ủi động viên nhưng ông rất ít dịp giáp mặt với Huệ. Kể cả khi lão Hiệng về quê thăm nhà dăm hôm, Huệ phải tới đây giúp lão, đêm đêm nàng ở lại, không về nhà trọ cách bãi biển cả bảy cây số, nhưng nàng cũng chẳng mấy lúc rảnh rỗi trò chuyện với ông.

Đầu tháng tám năm ngoái lão Hiệng xin phép về quê giỗ tổ. Đương nhiên đã có Huệ tới lo công việc hộ lão. Ông không quan tâm nhưng vô cớ thấy mình không vui. Ông ngại ăn ở phải giữ gìn trước mặt người lạ. Đành rằng Huệ kém ông khá nhiều tuổi, đáng tuổi con ông. Nếu ông lấy vợ chắc chắn con ông lớn ngần ấy. Rất tiếc cuộc đời ông chưa từng gắn bó với ai. Giờ ông tự thấy mình thật vụng về trước mặt đàn bà, chỉ lo sơ suất.

Đêm đầu tiên Huệ ở lại lần ấy gặp ngay trận bão khủng khiếp. Gió gầm rú, nhà cửa rung bần bật và sấm sét như giáng thẳng xuống ngôi nhà. Cây cối gãy răng rắc trong vườn, bay quăng lên mái tôn tựa bom nổ. Có tiếng chai lọ bị hất rơi vỡ dưới bếp. Lâu lắm Đồ Sơn mới xảy trận bão dữ dội thế.

Khi ra ngoài xem xét nhà cửa, ông chợt thấy Huệ rúm ró ngồi ngay bậc cầu thang trước phòng gác. Nàng ngước gương mặt lo sợ đầm đìa nước mắt lên nhìn ông. Anh mắt van vỉ cầu cứu thật tội nghiệp. Có thể nàng đã ngồi đây hy vọng ông xuất hiện từ chập tối, lúc cơn bão bắt đầu cũng nên. Ông đặt tay lên vai nàng, dịu dàng trấn an:
- Sao thế? Cô Huệ không ngủ được à? Cứ bình tĩnh, việc gì phải sợ quá vậy?
- Cháu...

Nàng cố nén nức nở. Mãi sau này ông mới biết cả hai bố mẹ nàng đều chết do sét đánh ngay giữa ruộng khi Huệ mới sáu tuổi. Ký ức đau đớn kinh hoàng ấy ám ảnh nàng đến mức bệnh hoạn. Huệ không giữ nổi bình tĩnh mỗi khi ngoài trời dông bão sấm sét, thậm chí nàng bất tỉnh hoặc lên cơn co giật.

Dưới nhà, cửa sổ phòng lão Hiệng kính vỡ loảng xoảng. Hình như mái tôn nhà ai bay vèo xuống khu vực cuối vườn nghe rầm rầm. Chính ông cũng hoảng hồn. Điện phụt tắt ngóm. Hai bàn tay lạnh giá của Huệ níu chặt lấy ông. Ông phải dìu cái thân thể run bần bật của Huệ vào giường mình, lần mò đắp chăn ủ kín cho nàng.

(còn nữa)
___________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét