Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Không có "vùng cấm" trong tiểu thuyết trẻ

Bùi Việt Thắng

1.
Cách đây chưa lâu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người thành danh nhờ truyện ngắn - đã kêu gọi: "Tôi cũng ngờ ngợ như nhiều cây bút khác khi cảm thấy tiểu thuyết hiện nay có vẻ như một trong phục hợp cách với văn học Việt Nam (…). Phải là tiểu thuyết. Đó là một nhu cầu của thời đại". (Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, 2005, trang 224, 228). Có vẻ như lời kêu gọi ấy được các nhà văn trẻ hưởng ứng nhiệt liệt. Trong vòng dăm năm qua, tiểu thuyết trẻ chiếm thế thượng phong trên văn đàn. Nói cách khác "thời của tiểu thuyết" bây giờ là thời tung hoành của các nhà văn trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X (dưới 40 tuổi theo cách định danh lâu nay mọi người vẫn chấp thuận). Một số quan sát sau đây của tôi phần nào minh hoạ nhận định trên.

Trước hết phải kể đến Nguyễn Đình Tú, một cái tên nay đã thành "thương hiệu" với bốn cuốn tiểu thuyết chững chạc in liền trong vòng 4 năm: Hồ sơ một tử tù (2006), Bên dòng Sầu Diện (2007), Nháp (2008) và Phiên bản (2009). Ngay khi Nguyễn Đình Tú in tập truyện ngắn thứ hai, nhà văn Chu Lai đã nhận xét khá tinh tường: "Qua một vài truyện đã le lói hơi thở của tiểu thuyết cụ cựa bên trong. Tú hoàn toàn có đủ năng lực đi dài hơi vào những mảng sống nóng nhất". Phiên bản làm nóng văn đàn cũng như Nháp trước đó. Nhà văn Ma Văn Kháng ưu ái nhận xét: "Điều đáng kể hơn, sâu sắc hơn còn là, sau cái nhu cầu được nhìn thấy, được hình dung ra nhân vật trong diễn tiến của các sự kiện nối tiếp, người đọc tiểu thuyết còn cái khát khao là được lặn ngụp trong cái vùng còn đang vô cùng mung lung, bí ẩn, mơ hồ của suy tưởng". Trong hai cuốn tiểu thuyết sau của Nguyễn Đình Tú, người đọc thấy rõ nỗ lực của nhà văn trong việc đi sâu khám phá thế giới tâm linh của con người. Đọc Phiên bản và Nháp của Nguyễn Đình Tú tôi chợt liên hệ đến ý kiến của nhà văn Bùi Hiển (1919-2009): "Cái chốn mung lung cần phải soi rọi ấy, lại chính là tâm hồn, tâm thức, tâm linh, là những điều gì diễn ra trong tầng sâu ý thức, trong bộ não, trái tim con người trước khi thể hiện ra ngoài (mà cũng có thể không thể hiện) bằng cử chỉ và hành động" (Hướng về đâu văn học? Nxb Hội Nhà văn, 1996, trang 175).

Viết tiểu thuyết theo hướng này có thể kể đến Nguyễn Thế Hùng với Họ vẫn chưa về (2009). Cuốn tiểu thuyết này được đồng nghiệp đánh giá cao: "Đọc xong Họ vẫn chưa về tôi cứ nghĩ Nguyễn Thế Hùng cũng xứng đáng là người thợ bắt đầu trong văn chương. Anh đã chững chạc, vững chãi và trưởng thành ngay lần đầu ra quân với thể loại tiểu thuyết" (Khuất Quang Thuỵ). Cuốn tiểu thuyết thứ hai sắp hoàn thành của Nguyễn Thế Hùng có nhan đề nghe như thơ Lối nho nhỏ sẽ ra mắt bạn đọc trong một ngày không xa. Cùng thế hệ 7X nhưng Đỗ Tiến Thuỵ có vẻ già dặn hơn trong trường đời và trường văn. Sau tập truyện ngắn khá bắt mắt Gió đồng se sắt (2005), Đỗ Tiến Thuỵ xông ngay vào tiểu thuyết với tâm thế "Không thoả mãn. Đó là cảm giác của tôi mỗi khi viết xong một cái truyện ngắn. Thì viết tiểu thuyết". Màu rừng ruộng (2006) của Đỗ Tiến Thuỵ là cuốn tiểu thuyết dày dặn (gần 400 trang) được viết theo lối truyền thống, bề thế mà không thiếu uyển chuyển, linh hoạt.

Nếu nhìn vào số đầu sách tiểu thuyết sẽ thấy các tác giả thế hệ 7X "áp đảo" hơn 8X - đó là Nguyễn Đình Tú, Vũ Đình Giang, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai, Phong Điệp, Dương Thuỵ, Đặng Thiều Quang, DiLi…

Thế hệ 8X viết tiểu thuyết tuy nhiên cũng không kém cạnh - đó là Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Thu Trang, Thuỷ Anna, Vũ Phương Nghi, Nguyễn Quỳnh Trang, Vũ Quỳnh Hương… Trong thế hệ 8X, Nguyễn Thế Hoàng Linh là một "hiện tượng văn chương". Sinh năm 1982, làm thơ từ lúc còn rất trẻ (có cả nghìn bài đưa lên mạng, rồi bỏ dở đại học Ngoại thương để viết tiểu thuyết Chuyện của thiên tài (2005). Bây giờ thì tác giả trẻ này lại muốn sống chậm hơn và "chầm chậm viết một tiểu thuyết khác"…

Một vài dẫn chứng trên cũng đủ cơ sở để tin vào nội lực của các tác giả tiểu thuyết trẻ thế hệ 7X và 8X.

2.
Dường như là không có "vùng cấm" trong tiểu thuyết trẻ. Có đủ tất cả cung bậc, màu sắc, mùi vị của cuộc đời vốn đa sự. Có chuyện về điếm nữ (trong Gái điếm của Nguyễn Văn Học) thì cũng có chuyện điếm trai (trong Lạc giới của Thuỷ Anna). Có chuyện đồng tính trong Song song của Vũ Đình Giang, Chuyện lan man đầu thế kỷ của Vũ Phương Nghi thì cũng có chuyện "không sex" trong Trái tim của Sói của Vũ Quỳnh Hương. Có chuyện bỗng dưng muốn trở thành thiên tài (nhưng "thiên tài đang bị mắc lưới bùng nhùng của những điều vặt vãnh nhỏ mọn bình thường") trong Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh thì cũng có chuyện tan rữa của các nhân trong Bờ xám của Vũ Đình Giang.

Đọc Hư Thực của Phùng Văn Khai lại thấy "cái hư vô" của đời sống như đang bao bọc con người. Nhưng có lẽ phổ biến nhất trong tiểu thuyết trẻ là chuyện tình cảm muôn thuở mà Nguyễn Quỳnh Trang đã thể hiện khéo léo trong 1981 hay Trần Thu Trang rất nồng nàn khi viết Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu…

Thật là "mỗi người một vẻ", còn chuyện "mười phân vẹn mười" hay không lại là chuyện khác. Có người nhận xét về tính chất "thị trường", "thương mại" trong tiểu thuyết trẻ. Tôi nghĩ điều ấy không tránh khỏi. Nhưng phải công bằng mà nói rằng nếu thị trường, thương mại mà hay, mà "bán" được hàng (tức là sách) thì không có gì là không tốt (chẳng hạn Bờ xám của Vũ Đình Giang trở thành sách Best-seller tại Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh tháng 3-2010, với số lượng bán ra khiến nhiều nhà văn khác phải "ghen tị").

Lại có ý kiến cho rằng tiểu thuyết trẻ nhẹ các luận đề xã hội kiểu như "nỗi buồn chiến tranh" hay "thiên thần sám hối". Cũng không có gì lạ khi các tác giả trẻ đều chú ý khai thác tình trạng khủng hoảng về bản sắc cá nhân; tình trạng cô đơn và bế tắc của cá nhân trong một đời sống thời hiện đại với quá nhiều cạm bẫy cũng như cám dỗ. Rõ ràng với người trẻ viết là một cách để giải mã chính bản thân mình.

3.
Nhà văn trẻ và kỹ thuật viết tiểu thuyết, thiết nghĩ là một vấn đề lý thú. Nhận xét đầu tiên tôi muốn nêu lên là liệu chất "báo" có xâm thực chất "văn" trong sáng tác của các tác giả trẻ? Nếu đọc lý lịch trích ngang sẽ thấy đa số các tác giả được nêu trên đều làm báo đồng thời với làm văn như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thuỵ, Phong Điệp, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Văn Học, Trần Thu Trang… Làm báo nên thường nhanh nhạy với các sự kiện. Và nếu là một sự kiện "nóng" thì rất có thể là cái cớ để nhà văn "đeo bám" trong quá trình viết. Nguyễn Đình Tú trong tiểu thuyết Nháp đã dựa vào vụ án ở hồ Thành Công, đôi trai gái đang tâm sự bị bọn nghiện đến xin đều "và hành hung". Câu chuyện cứ thế được "tháo gỡ" ra, triển khai dần. Tác giả Thuỷ Anna thì bật mí về cái cớ viết Lạc giới là "sau khi đọc mẩu tin về cái chết của một mụ "nạ dòng" vì tấn công tình cảm một cậu trai trẻ, tôi bắt đầu viết. Trong sáu tháng trời tôi viết xong Lạc giới". Từ dẫn giải trên tôi nghĩ tiểu thuyết của các tác giả trẻ có thể gọi là "tiểu thuyết - phóng sự" (một hình thức thể loại rất hữu hiệu đối với tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng trước năm 1945).

Các tác giả trẻ rất có ý thức làm mới tiểu thuyết, đặc biệt tìm tòi cách thể hiện qua những cuộc cách mạng về câu chữ. Cuốn tiểu thuyết Bờ xám (2010) của Vũ Đình Giang được coi như là một minh chứng về cái gọi là những "thác chữ" mạnh mẽ, mới mẻ (thậm chí có người còn gọi Bờ xám là những "vũ điệu chữ"). Thật ra thì "chữ" luôn đi liền với "nghĩa" trong cái gọi là "chữ nghĩa". Xưa nay đổi mới văn chương thực sự chưa bao giờ bắt đầu từ làm mới chữ nghĩa.

Viết về các tác giả tiểu thuyết trẻ, tôi rất muốn mượn cách nói của nhà văn Lê Minh Khuê để đánh giá họ: "Văn chương như thể thảo. Mỗi lần nhảy qua được xà, nhà văn muốn đạt kỷ lục cao hơn chút nữa. Nhưng tôi lại mong người ta cư xử với nhà văn như một ngôi sao sáng trong thể thao. Anh ta có thể dừng lại ở mức nào đấy và hãy xem anh ta đã đạt được chiến công".

Một cái nhìn về hiện trạng tiểu thuyết trẻ, có thể là rất khác nhau: Có người nói "tiểu thuyết trẻ chưa có thương hiệu"; lại có người nói "chẳng qua là cuộc chơi chữ nghĩa"… Riêng người viết bài này cảm nhận rằng tiểu thuyết trẻ đã đạt tới cái "mức xà" như họ đã vượt qua. Có thể coi đấy là một cố gắng và có thể là một kỷ lục chưa được phá.

Hà Nội, 6-2010
__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét