Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

VAI TRÒ CỦA VĂN HỌC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ

Trần Thị Trâm

Vẫn biết ảnh hưởng qua lại giữa văn học và báo chí là ảnh hưởng song phương, đa chiều nhưng là một môn khoa học cơ bản với bề dày lịch sử lâu đời nên văn học đã trở thành cái gốc, là dòng sữa mẹ trong lành nuôi dưỡng báo chí phát triển và tất nhiên hướng tác động từ văn học tới báo chí mới là hướng tác động thuận chiều: vừa mạnh mẽ hơn vừa sâu sắc hơn. Những đóng góp của văn học cho sự phát triển của báo chí có thể khái quát thành các luận điểm cơ bản sau đây:

1.Văn học đã cung cấp cho báo chí một đội ngũ đông đảo những nhà báo tài năng, tâm huyết

Khảo sát đội ngũ nhà báo Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều thú vị: hầu như tất cả những nhà báo lúc bấy giờ đều là nhà văn và trong mỗi nhà báo dường như đều có một nhà văn. Cho đến hôm nay báo chí vẫn không ngừng toả ra một từ trường lớn thu hút ngày càng nhiều những người từ địa hạt văn chương(và cả những người từ nhiều lĩnh vực khác) ra nhập vào làng báo. Dĩ nhiên, muốn làm ký giả thì đầu tiên phải biết viết văn, tức là phải có một năng lực văn chương nhất định và phần lớn những nhà báo có được những trang viết ám ảnh bạn đọc, thường là người dấn thân vào nghề bắt đầu từ niềm mê say văn chương.
Rất nhiều nhà báo trẻ đang là những cây bút đầy triển vọng như: Đinh Thu Hiền, Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Diệu Linh, Vi Thuỳ Linh, Bình Nguyên Trang, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Thị Châu Giang… trước khi được đào tạo nghề, họ đã từng được giải thưởng văn nghệ trên báo chí.

Đâu phải chỉ 3 trung tâm đào tạo nhà báo lớn: Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, khoa Báo chí của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, khoa Báo chí và Văn học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, mới cung cấp các nhà báo cho gần 700 trung tâm báo chí của đất nước mà chính các khoa Ngữ Văn của các trường đại học hàng năm cũng luôn bổ sung cho báo chí một nguồn nhân lực dồi dào, một số lượng không nhỏ các nhà báo với một chất lượng rất đáng tin cậy.

Quá trình làm báo đã giúp người nghệ sĩ đánh thức tận độ năng lực văn chương nên có thể đạt được một bút lực lớn. Còn những trầm tích văn hoá quý báu lại giúp họ phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống không chỉ dừng lại ở cái chân, cái thiện của báo chí mà đã có một cách biểu đạt tối ưu thông qua cái mỹ của văn chương, nhờ sự cộng hưởng đó mà sức mạnh của mỗi tác phẩm báo chí có thể được nhân lên.

Số lượng nhà văn đi làm báo thời nào cũng rất đông. Các bậc tiền bối của làng báo trước cách mạng: ngoài tứ anh tài đất Hà thành: Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh), Quỳnh (Phạm Quỳnh), Tố (Nguyễn Văn Tố), Tốn (Phạm Duy Tốn), còn phải kể đến: ông chủ bút An Nam tạp chí Tản Đà; lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Vũ Bằng, Thiếu Sơn, Nguyễn Tuân… Sau cách mạng đội ngũ nhà văn đi làm báo vẫn điệp điệp trùng trùng: Trần Bạch Đằng, Sơn Nam, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Thanh Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Thân, Minh Chuyên, Trần Đăng Khoa,Y Ban, Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư .

Có thể nói, hầu hết nhà văn Việt Nam đều ít nhiều có tham gia làm báo .

Rõ ràng sự gặp gỡ của văn chương và báo chí đã tạo ra một nguồn năng lượng rất lớn để có thể bùng nổ những tài năng nghệ sĩ.
Càng ngày các loại hình báo chí hiện đại càng dung nạp vào đội ngũ của mình một lực lượng đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên đầy năng lực. Từ mọi nẻo đường của địa hạt văn chương họ bước sang làm báo một cách rất tự nhiên. Nhiều vị đã trở thành tổng biên tập của những tờ báo danh tiếng, quan trọng: Tô Hoài, Hà Minh Đức, Hồng Vinh, Phong Lê, Phan Trọng Thưởng,Dương Kỳ Anh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Hữu Ước, Đoàn Công Huynh …
Nhiều nhà văn, nhà thơ đã trở thành nhà báo có tên tuổi được bạn đọc xa gần yêu mến: Giang Nam, Hoài Vũ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Hoà Bình, Minh Chuyên, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồng Thanh Quang, Trầm Hương… Cũng rất nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học đã ra nhập làng báo. Dù không chuyên nhưng họ viết rất có nghề và bút lực thường khá dồi dào, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình: Trần Thanh Đạm, Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Phương Lựu, Đặng Anh Đào,Nguyễn Thi Minh Thái, Đoàn Thị Đặng Hương, Bích Thu, Phạm Xuân Nguyên, Hữu Sơn, Nguyễn Việt Thắng, Lưu Khánh Thơ, Văn Giá, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn…

Chỉ trên tờ An ninh thế giới, một tờ báo ăn khách vào bậc nhất hiện nay thường xuyên có tới 6 hội viên hội nhà văn Viêt Nam: Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Phan Quế, Trương Nam Hương, Phạm Khải, Như Bình. Cùng nhiều cây bút trẻ đầy triển vọng: Nguyễn Hồng Lam, Vũ Cao, Đặng Huyền, Đinh Thu Hiền, Bình Nguyên Trang… Và rất nhiều cộng tác viên gạo cội đều là những nhà thơ, nhà văn có tiếng tăm và sung sức: Nguyễn Quang Thiều, Xuân Ba, Lê Hoàng… Thành công của An ninh thế giới “là nhờ có những nhà văn, nhà thơ đã và đang làm báo An ninh thế giới” (1). Họ đã “góp phần làm cho những trang báo không chỉ có thông tin với những con số, sự kiện đơn thuần mà còn thấm đẫm chất văn và tình người” (1)

Văn chương đã nâng cánh cho tài năng, đã đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí, đã không chỉ nâng cao bút lực mà còn góp phần quan trọng vào việc tăng cường bút hồn cho mỗi bài báo.

Trên thực tế: có một đội ngũ đông đảo các nhà văn đang tích cực tham gia làm báo, trong số đó không ít những người tài năng, tâm huyết. Mà sự tồn tại và phát triển của báo chí trước hết thuộc về những người cầm bút.

2. Văn học cung cấp cho báo chí một khối lượng tác phẩm văn chương rất lớn

Vẫn biết rằng: thời sự là yếu tố quan trọng nhất của báo chí nhưng sức hấp dẫn của một tờ báo đối với đa số người đọc lại chưa hẳn đã là những tin tức thời sự mà nhiều khi người ta tìm mua bằng được một tờ báo, muốn xem một chương trình truyền hình lại đơn giản chỉ vì muốn theo dõi một bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn chương nào đó.

Trước cách mạng có rất nhiều văn trên báo. Cũng có thể là vì ở buổi đầu, lý thuyết về thể loại chưa rõ ràng, ranh giới giữa báo và văn còn chưa tách bạch; yêu cầu về tin tức thời sự của xã hội lúc đó cũng chưa thật bức xúc. Mặt khác cánh ký giả bấy giờ lưng vốn thường chỉ là những kiến thức văn chương mà công chúng lúc đó thì cũng chỉ quen lối tiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ theo kiểu thả thơ đố chữ….

Cho nên không phải chỉ có những tờ báo văn như Đông Dương, Nam Phong, An Nam tạp chí, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Phong hoá, Ngày nay… mới có hiện tượng báo chí phải cầu cứu tới sự hỗ trợ to lớn của văn chương mà ngay những tờ công báo như: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, rồi Tân Dân, Thanh nghị, Trung Bắc chủ nhật, Hữu ích…cũng đăng rất nhiều tác phẩm văn học. Thậm chí có tờ như Phổ thông bán nguyệt san mỗi số còn đăng trọn hẳn một cuốn tiểu thuyết.

Hiện nay tác phẩm văn chương vẫn cứ là một phần quan trọng của tất cả mọi loại hình báo chí. Không chỉ trên các báo văn mà ngay trên các báo lớn như: Nhân dân, Lao động, Sài Gòn giải phóng… trên các báo ngành như: Công an, Giáo dục và Thời đại, Phụ nữ, Tiền phong, Heritage; trên các báo tưởng như không liên quan gì tới văn nhưng vẫn rất cần tới văn chương: Tài chính, Toán học tuổi trẻ, Thế giới vi tính…. Điều thú vị là càng ở những số báo đặc biệt như báo tết, báo xuân hay những số báo ra vào những thời điểm lịch sử đặc biệt hoặc những báo cuối tháng, cuối tuần - những ấn phẩm mà độc giả mong ngóng đợi chờ, số lượng phát hành rất lớn, bán rất chạy- đều là những báo chuyển tải rất nhiều tác phẩm văn học.

Đó là chưa kể nhiều lần tác phẩm văn học còn giúp cho những tờ báo kịp dàn trang, lên khuôn, giúp nhà đài có thể phát tin 24/24 trong ngày mà khỏi lo cháy bài vở!

Vẫn biết, những tin tức chính trị mang tính toàn cầu hay những thông tin thời sự cập nhật có ảnh hưởng rất lớn tới sự sống còn của một quốc gia bao giờ cũng là những tin tức quan trọng nhất. Nhưng xã hội càng phát triển thì nhu cầu giao lưu văn hoá của con người càng cao, cuộc sống càng phức tạp, căng thẳng thì con người càng ngày càng cần có nhu cầu giải toả, thư giãn bằng con đường nghệ thuật. Đó chính là phương thức nghỉ ngơi, thư giãn tích cực và hữu hiệu, phù hợp đối với số đông công chúng. Mà “Văn hoá Việt Nam cơ bản là văn học, thậm chí có khi chỉ là văn học mà thôi” (1).

Cho nên, việc cho đăng tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… trên nhật báo ngay cả báo chuyên ngành là một yếu tố tối cần thiết để duy trì và tăng số lượng độc giả. Thậm chí theo Echere: “Số phận một tờ nhật báo tuỳ ở những cây bút viết tiểu thuyết” (2).

Ví dụ năm 1887 tờ Petit journal đăng tiểu thuyết Monsier le coq của Emile Gaborian, lập tức lượng độc giả tăng gấp đôi.

Hay năm 1953, tờ tạp chí Life, đăng tác phẩm Ông già và biển cả của E. Hêmingwây, chỉ trong 48 tiếng đồng hồ đã bán hết 4 triệu bản, tái bản lần thứ 2 là 5 triệu bản mà vẫn bán rất chạy.

Ở Việt Nam cũng có trường hợp tương tự. Những năm trước cách mạng, tờ báo ăn khách nhất là Trung lập báo mà nguyên nhân cơ bản vẫn là do đăng Tiểu thuyết. Năm 1925- 1926, nhờ đăng tiểu thuyết Châu về hợp phố của Phú Đức mà số lượng báo phát hành tăng lên rất lớn. Khi Phú Đức chuyển sang Công lập báo, mang theo cả tiểu thuyết này thì Trung lập báo mất gần hết độc giả. Hai mươi năm sau, ông cho đăng lại tác phẩm trên báo Văn thì báo Văn lập tức lại thu hút được số đông độc giả.

Hay trường hợp báo Thần Chung: năm 1952 báo đăng tiểu thuyết Cô Bạch Mai nên đã lôi cuốn được số đông bạn đọc. Những tác phẩm văn học luôn là món hàng câu khách nhất, chúng thật sự đã góp phần không nhỏ để làm tăng thêm uy tín và sức hút của một tờ báo.

Nên để nâng cao chất lượng báo chí, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo bạn đọc, càng ngày càng có nhiều báo văn ra đời. Địa phương nào cũng có tờ văn nghệ. Mỗi báo mở thêm những chuyên san, đặc san mà nội dung chủ yếu là những nội dung văn học nghệ thuật. Mỗi tờ báo đều có trang văn hóa văn nghệ...

Điều đó lại tạo thêm nhiều cơ hội để các nhà văn đi làm báo và càng khẳng định vai trò to lớn của văn học đối với sự phát triển của báo chí.

Ngoài những tác phẩm trực tiếp in trên báo viết, truyền đi trên báo phát thanh còn có hiện tượng đáng chú ý là: càng ngày báo chí càng có nhu cầu vay mượn những tác phẩm văn học để chuyển thể thành các kịch bản truyền thanh, truyền hình, các phim truyền hình nhiều tập.

Thậm chí từ một bài thơ như Núi đôi cũng có thể chuyển thành một bộ phim truyền hình đầy hấp dẫn. Trung bình, mỗi năm báo hình cũng phải chuyển thể khoảng vài trăm tác phẩm văn học.

Có thể nói rằng: phim truyền hình Việt Nam cơ bản là được chuyển thể từ những tác phẩm văn học. Nhờ thế mà rất nhiều vở kịch, những tác phẩm văn chương trong và ngoài nước đã dễ dàng đến được với công chúng.

Ngoài những sáng tác, văn học còn cung cấp cho báo chí những bài thuộc lĩnh vực: lý luận nghiên cứu, phê bình, dịch thuật… Qua đó báo chí đã thực hiện tốt được một nhiệm vụ rất quan trọng của mình là: định hướng văn hoá cho đông đảo quần chúng.

3. Văn học mang đến cho báo chí một hệ thống đề tài phong phú và hấp dẫn

Đội ngũ nhà văn không chỉ mang đến cho báo chí những tác phẩm văn chương mà còn tận hiến cho công chúng chính cuộc đời mình. Với báo chí, nghề văn và người văn - bao giờ cũng là mảng đề tài hấp dẫn, độc đáo với những kiểu nhân vật kỳ và lạ, những số phận hết sức đa đoan, vừa bí ẩn vừa chân thật.

Bao nhiêu truyện xưa tích cũ, bao nhiêu tác phẩm và cuộc đời của các thi nhân cổ kim Đông Tây đã trở thành nguồn đề tài bất tận cho báo chí bởi lịch sử của một tác phẩm văn chương chính là lịch sử của các cách đọc khác nhau. Chỉ riêng quyển Tố Tâm(Hoàng Ngọc Phách) chưa đầy trăm trang đã có tới hàng trăm bài viết đã được đăng tải trên báo!

Cuộc đời đầy cá tính của những nhà văn đã giúp báo chí có được thể loại chân dung và nhiều thể ký văn học có giá trị khác khác. Trong mỗi tác phẩm ấy các nhà văn đã thực sự trở thành nhân vật và đối tượng phản ánh của báo chí. Riêng Đài truyền hình Hà Nội cũng đã sản xuất tới hàng trăm bộ phim về chân dung các nhà văn và hôm 21/5/2010, nhà đài đã tặng những tư liệu quý này cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

4.Văn học đã cung cấp những thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu và rất nhiều chất liệu văn chương quý báu trong sáng tạo tác phẩm báo chí
Đâu phải chỉ có văn trên báo mà càng ngày càng có nhiều văn trong báo. Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa báo chí và văn chương đã chuyển sang một chiều sâu mới: tinh tế và hiệu quả. Sau khi đã thật sự trưởng thành, chúng đã nhanh chóng thu hút tinh hoa của nhau xuyên thấm vào nhau để tạo cho mỗi thể loại một chất lượng mới. Nếu báo trong văn sẽ làm cho văn chương trở nên hiện đại ở tốc độ; con mắt sự kiện sẽ giúp nhà văn áp sát cuộc sống, xoá bỏ khoảng cách với đời sống, làm văn học mang tính thời sự, làm cho văn chương sắc sảo hơn, linh hoạt hơn, bút lực của nhà văn sẽ lớn hơn … Ngược lại, văn trong báo lại giúp nhà báo thêm nhiệt huyết, thêm hưng phấn trong sáng tạo, giúp người viết nhìn cuộc sống dưới nhiều chiều kích, đặc biệt trong chiều sâu văn hoá, nhờ thế mà các tác phẩm báo chí sẽ đậm chất nhân văn hơn, làm cho tác phẩm có thể vượt qua số phận của một bài báo thông thường.

Việc vận dụng những ưu thế của văn học vào tác phẩm báo chí rất đa dạng. Vấn đề tuỳ thuộc ở cái phông kiến thức và sự linh hoạt của ngòi bút ký giả. Dung lượng văn chương thế nào, hình thức tiếp nhận ra sao, đưa vào đâu cho đắc địa… là ở nghệ thuật sự lựa chọn của nhà báo, tuỳ vào tôn chỉ của tờ báo, tuỳ từng thể loại, tuỳ trong từng điều kiện cụ thể mà có sự vận dụng một cách sáng tạo.

Để nâng cao hiệu quả của tác phẩm báo chí, người ta đã sử dụng rất nhiều dạng thức văn học khác nhau. Khi là sử dụng đắc địa ngôn ngữ văn học, khi là một câu ca dao, một câu văn hay một câu thơ, khi là những điển tích, điển cố; khi là thi tứ, thi liệu; khi là những hình ảnh nghệ thuật, khi là cách kết cấu tác phẩm… để sáng tạo ở những cấp độ khác nhau. Có thể chỉ dừng lại ở sáng tạo một thành phần cụ thể nào đó của bài báo. Cũng có thể từ khai thác vận dụng tri thức văn học để có được một tác phẩm báo chí trọn vẹn.

Phổ biến nhất và dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng chất liệu văn học vào nghệ thuật rút tít. Việc dùng những yếu tố văn học để đặt tên một tạp chí: Cánh buồm ( ngành Giao thông đường thuỷ), đặt tên chuyên mục: Mua vui cũng được một vài trống canh (ANTG cuối tháng), một chương trình:Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn(Chương trình kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Bác Hồ của ngành dầu khí 19/ 5/2010) luôn được mọi loại hình báo chí quan tâm. Nhiều nhất là sử dụng triệt để những chất liệu văn chương để đặt tên các tác phẩm báo chí nhờ thế mà đã gây được ấn tượng mạnh trong lòng độc giả.

Ví dụ: Đi tìm thời gian đã mất (Xuân Ba,Văn nghệ số 31 ngày 3/ 8 /2002), Mơ khách đường xa (Khắc Sơn, báo Bóng đá 19/1/2009),Có một chàng Sọ Dừa thời nay (Minh Tiến, ANTG, 15/5/2010)...

Trên báo hình những người làm chương trình thường sử dụng rất nhiều chất liệu văn học dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Nhờ hút nhuỵ của văn chương mà báo chí có được sức sống bền lâu trong lòng bạn đọc. Sở dĩ: Bản án chế độ thực dân Pháp, Việc làng, Vụ án cái đình, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Tre Việt Nam, Tuỳ bút Sông Đà… đã có thể đàng hoàng đồng hành cùng năm tháng một phần quan trọng là vì trong chúng thấm đẫm chất văn chương.
Rõ ràng giữa văn học và báo chí luôn có một cuộc giao lưu rất ngoạn mục.Với tư cách là hạt nhân quan trọng nhất của văn hoá, văn học không chỉ có vai trò quan trọng- quyết định sự thành công của một cây bút ký giả mà còn có ảnh hưởng hết sức to lớn và sâu sắc tới sự phát triển của nền báo chí Việt Nam.

________________________________________
(1) Đặng Vương Hưng - Văn nghệ góp phần thành công của báo An ninh thế giới, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 10 năm 2001, tr. 70-71
(1) Đặng Vương Hưng, Sđd
(1) Phan Ngọc - Vấn đề văn hoá và cách tiếp cận, Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội 1993, tr. 46.
(2) Dẫn theo Tế Xuyên - Nghề báo, Tủ sách gia đình, Sài Gòn 1969 tr. 110

Bài đã đăng báo Văn nghệ

____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét