Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Lưu Quang Vũ và khuynh hướng cách tân xa rời ẩn dụ thơ ca (Phần 2)

Khánh Phương

Sự tuôn chảy của hình ảnh thơ theo lối tự sự khách thể trong thơ Lưu Quang Vũ, tuy chưa ở mức độ hoàn toàn trả lại cho mỗi đơn vị từ tính chất biểu tượng đậm đặc, nhưng là sự bùng nổ những khả thể mới của tâm thức.

Tự sự khách thể hóa hoàn toàn khác với mượn hồi tưởng trữ tình để kể chuyện, theo lối của Nguyễn Nhược Pháp hay xa hơn là Nguyễn Du, Đặng Trần Côn… và về mặt tư duy, bỏ xa kiểu ghi những cảm hứng ngắn theo lối tức cảnh sinh tình, mặc dầu có thể về miêu tả văn bản thì không quá khác nhau. Tự sự khách thể hóa trong thơ không mô tả thế giới “khách quan” theo định hướng tâm lý, cảm xúc, mà chỉ thông báo, nhiều lúc khô khan, cộc lốc, nhằm loại bỏ khả năng biểu cảm thông thường, xác định (vui, buồn, hờn giận, nhớ nhung, luyến tiếc, phẫn nộ…); hướng tới chiều kích “biểu cảm” mới của cái “chủ thể”- không- xác- định, mông lung, không tham vọng nắm bắt, diễn giải, định hướng. Nó là sự chối từ đối với thực tại được nhìn bằng con mắt luận lý của trật tự sẵn có, đòi hỏi một thực tại văn chương mới. Quan trọng hơn, trần thuật khách thể trả lại cho ngôn từ tính chất biểu tượng nguyên sơ, một thời gian quá dài bị biến thành phương tiện để mô tả thông qua tu từ, mà ẩn dụ là nguyên lý căn bản. Khác với lối tư duy ẩn dụ, biểu tượng là ý nghĩa nguyên phiến, cái không thể bị xuyên tạc, đưa đẩy, thổi phồng, nén chứa nhiều nội hàm, trong đó những ẩn dụ chỉ là một phần nhỏ. Mỗi từ nguyên đều có thể trở lại là một đơn vị biểu tượng, mà tài năng của người thực hiện ngôn ngữ ở đây không còn căn cứ trên việc tạo ra những ẩn dụ mới từ cái nền những phóng chiếu sẵn có, mà dựa trên việc làm sống dậy những chiều kích khác của mỗi từ. Chưa nói tới thực hành những trò chơi ngôn ngữ, chỉ riêng việc thông báo khô khan thuần tuý, cũng là một cánh cửa Mở đối với khả năng biểu đạt vô hạn được cung cấp cho từng từ. Ví dụ, từ “biển”, khi vượt thoát khỏi ý nghĩa ẩn dụ quen thuộc, sáo mòn của “ biển khổ” hay “bể ái”, tức khắc xuất hiện năng lực hàm chứa muôn vàn khả năng ngữ nghĩa khác nhau.

Sự tuôn chảy của hình ảnh thơ theo lối tự sự khách thể trong thơ Lưu Quang Vũ, tuy chưa ở mức độ hoàn toàn trả lại cho mỗi đơn vị từ tính chất biểu tượng đậm đặc, nhưng là sự bùng nổ những khả thể mới của tâm thức.

Thường xuyên trở lại trong thơ ông là trạng thái kinh hoàng, điên rồ, bất ổn và không thể lý giải, của cả cái “ bên ngoài” và “bên trong”. Các hình dung từ xuất hiện với mật độ dày đặc đều biểu đạt trạng thái bất thường, nhiễu loạn, mê hoặc. Biểu tượng người điên trở đi trở lại với nhiều dạng thức:

… Thời gian như bà điên ngoài chợ Sắt
tóc trắng ôm hoa te tái mỉm cười
đám người bán máu xanh gầy
co ro chờ ngoài cổng viện
những sự thật buồn cười mà khủng khiếp

Hay:

… Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta
trước ngưỡng cửa cuộc đời mênh mông khu rừng tối
vừa quyến rũ vừa phập phồng lo ngại
như anh điên trước quán tóc bù xù
cứ mỉm cười bí hiểm dõi nhìn ta…
… Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường
Thân tiều tuỵ ôm mặt cười lặng lẽ
… Lão bán chim lưng gù râu bạc thếch
Anh kẹo bông rách rưới ngố nghê cười…
… Hồn em bé chết đuối
hồn Ophelia điên dại…

Biểu tượng người điên không còn đơn thuần là sự quy chiếu cho tính vô nghĩa của cuộc đời hay trạng thái chủ quan trượt khỏi sự kiểm soát, cân bằng. “Người điên” có thể mang nội hàm thức tỉnh hay bí mật...

Sự xuất hiện mang ý nghĩa quan trọng trong tư duy thơ của Lưu Quang Vũ thời kỳ này, biểu tượng “em”, có khi được gọi là “người đàn bà không có tên”. “Em” khác xa với đối tượng trữ tình phiếm định trong thơ truyền thống, một đối tượng giả định cho những ký thác của kiểu chủ thể truyền thống. Cũng không đơn giản là một phân thân của chính “cái tôi” nhà thơ, từ quan hệ phóng chiếu, hay còn được gọi máy móc là sự “lưỡng phân”. “Em” là một tồn tại khác, vừa được hiển hiện theo lối khách quan (Em mua về cho anh khuôn tượng dân gian), vừa đại diện cho sự hồ nghi về nhận thức (Em tới làm gì có phải đúng em không), “em” gần gũi với điều mà “cái tôi” không thể ngay lập tức nhận biết, định hình; vừa cần được nâng niu yên ủi, vừa dửng dưng thoái thác, vừa bao bọc cứu rỗi vừa hắt hủi phũ phàng. “Em” vừa thế chỗ cho sự nhận thức khách quan về “cái tôi”, còn gọi cái tôi nhìn từ một chiều kích đối lập khác, vừa là điều không thể nào nhận biết rõ ràng. “Em” hiện trong (và bao hàm) bí ẩn và hỗn độn của nhiều không gian, thời gian, nhiều kiểu thực tại khác nhau (Em / con tàu về cảng mưa đêm / ngã tư ngô đồng rụng lá / con sông mờ thân cầu đổ / dẫy nhà hoang ống khói âm thầm…/…những bài thơ ngày chưa có em / Ngày đó em đâu mùa đông ấy mưa phùn / hắn không có vẻ gì là thuỷ thủ nhưng hắn gợi cho người ta nhớ đến biển / câu văn trong một cuốn sách cũ / quán rượu Đô đốc Billbouve / Vị chúa tàu ngồi cô đơn / trong tuổi nhỏ…

Tương tự như vậy, mỗi biểu tượng khách thể hoá, dù không được nhắc lại nhiều lần, cũng là một chiều kích khách quan của trải nghiệm “chủ quan”: …người hoạ sĩ nay giả điên hay Người thiếu phụ đợi ai trên bậc cửa đen ngòm / cái miệng lạnh lẽo của con quỷ nào / đã thổi tắt nến của cô ta / làm sao người lính biết đường về / ăn tối trên chiếc bàn quen thuộc / vứt súng đạn ngoài hành lang lăn lóc / Người thiếu phụ già nua…

Trạng thái oà vỡ cảm giác khách thể, xuất phát từ chấn động nội tâm, rõ rệt, mãnh liệt, loang xa: … Anh đi bên dòng Tam Bạc / Thuỷ triều lên thao thức / con sông giống cuộc đời anh / Anh là chú bé nhặt than / là ông già buông câu im lặng / là quả dưa tròn trên khoang nắng / là lá sú vàng trôi ở cửa sông…

Người ta có thể có cách lý giải khác yếu tố tự sự trong thơ Lưu Quang Vũ, ví dụ đó là sự “rập khuôn” bi kịch của chiến tranh hay những đổ vỡ, bất bình của đời sống, hoặc tình yêu không thoả nguyện. Tuy nhiên, dòng tâm tưởng siêu thực - tượng trưng của Lưu Quang Vũ bộc lộ ở dạng thức tràn đầy, rất khó có thể được tiếp nối bởi cảm quan “tả thực” ấu trĩ.

Loạt thơ sáng tác trong vòng những năm 1970 - 1975 của Lưu Quang Vũ ít sử dụng những ẩn dụ phổ biến với thơ ca miền Bắc đương thời. Sự dồn nén, xô lệch của nội tâm khiến nhà thơ trước hết nhìn ra mối bất hoà giữa những quy chiếu nền tảng sẵn có với thực tại - “ bên ngoài” và nội tâm.

Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ xoá nhoà hết những điều em hứa…
… Ngã tư mưa/ oà lên vài gương mặt đẹp/ nhà cửa như quần áo rách/ xích lô lầm lụi lên cầu…
… Xứ sở mưa rào gai ngút mắt/ vải dù rách dưới máu đen
Có khi nhà thơ dùng lại hình thức của một ẩn dụ quen thuộc: Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh / hoa cúc vàng nở trên cánh tay, nhưng trong tương quan với dòng cảm thức siêu thực, nó không còn là ẩn dụ đơn nghĩa quy chiếu về một kết thúc tốt lành, mà mở ra vùng cảm giác xa rộng.
***
Với thơ Lưu Quang Vũ, có thể xoá bỏ đơn vị “ bài thơ”, bởi nó không còn là phạm vi cảm hứng ngắn được bộc phát khơi lên từ tác động trực tiếp nào đó tới tâm thức. Toàn bộ là một dòng liền mạch của cảm giác, liên tưởng, tương hợp, khách thể hoá, trong thế giới- tâm thức mênh mông bí ẩn, đầy sự bùng nổ. Mặc dầu những loạt bài kiểu Thơ tình viết về người đàn bà không có tên hay Giờ anh như con thuyền, không phải là hiện tượng lấn át trên toàn thể văn bản, nhưng hoàn toàn có thể rút hết những nhan đề thơ trong, ví dụ, tập Bầy ong trong đêm sâu, hay phần III của Tuyển thơ Lưu Quang Vũ, Viết cho em từ cửa biển, biến nó thành một trường ca.

Không thể chối từ âm vang của cuộc đời lịch sử trong những trang viết này của Lưu Quang Vũ, nhưng nếu như có một gương mặt lịch sử của một thời nào đó hiện lên, thì nó cũng không đơn thuần và dễ dãi được cảm nhận như hiện tượng đổ vỡ, chán chường, tiêu cực (một cách riêng lẻ, lạc điệu (!)). Điều mà Lưu Quang Vũ làm hiển hiện cao lớn hơn nhiều lần một trạng thái đau.

Những điều mà nhà thơ bận tâm, cũng không có gì quá xa lạ, phi phàm- Giấc mơ người tù / trên đá lạnh gặp bầy chim cánh trắng/ kẻ tăm tối suốt đời không ngẩng mặt / bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời/ Arlequin khổ nghèo / thổi ống sáo dưới màn nhung đỏ thắm… , chiếm lấy quan tâm của ông là giấc mộng lớn của tâm hồn, lãnh địa mênh mông đã cho người đọc những kinh nghiệm lạ lùng đến thế, chỉ từ việc viết thơ…

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét