Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Kể chuyện vui: Ăn miếng trả miếng

Nguyễn Vinh Phúc, tác giả của nhiều sách biên soạn về Hà Nội, được gọi là nhà “Hà Nội học”. Nhà Hà Nội học! Thì cũng như Nhà Việt Nam học, Nhà Puskin học... là những danh hiệu bình thường.

Vậy nên, trước nhà mình, nếu Nguyễn Vinh Phúc gắn một tấm biển đồng có khắc chìm một dòng xưng danh Nhà Hà Nội học, thì cũng là hợp lý chứ sao!
ấy vậy mà có lúc bạn đồng nghiệp của ông, những kẻ lắm chữ và hay đùa tai quái, lại đem chuyện ấy ra làm đầu đề cho thơ phú lỡm cợt, trêu chọc.

Quý báu gì đâu cái chữ nhà
Có nhà thổ ế, có nhà pha
Nhà Hà Nội học, riêng ông ấy
Tấm biển đồng treo chướng bỏ bà!

Bốn câu thơ đùa tai ác của nhà thơ châm biếm Yên Thao đáp ứng nhu cầu chọc ngoáy của giới có chữ, nên lập tức được phát hành miệng rộng rãi. Và người hăng hái nhất trong việc này, không ai khác là giáo sư sử học Trần Quốc Vượng tài danh vốn là người rất thích đùa.

Đúng lúc ấy, giáo sử học họ Trần lấy vợ. Chà, giáo sư, một ông lão đầu hói trọc, đỉnh đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc, cưới một phụ nữ trẻ hơn mình cả mấy chục tuổi. Chi tiết nọ không thoát được thói trêu đùa ác hiểm của nhà thơ châm Yên Thao. Và thế là ăn miếng trả miếng, hai câu thơ sau đây của Yên Thao được nhà Hà Nội học rất thích thú:

Lơ thơ tơ liễu sọ dừa
Đánh đu cỏ rậm mu rùa chóng toi!

Biết là bị trả đũa đích đáng, giáo sư sử học tỉnh bơ, lập tức áp dụng chiến thuật tương kế tựu kế, vui vẻ góp phần truyền bá hai câu thơ nọ với chút cải biên có lợi cho mình:

Lơ thơ tơ liễu sọ dừa
Đánh đu cỏ rậm mu rùa sống lâu!

Đám bạn bè đồng nghiệp chứng kiến, ai cũng thấy là hai vị “một - đều”.
Thế mới rõ giới học giả và văn chương là những kẻ lắm chữ nghĩa, và vì quá giầu chữ nên có lúc sinh ra ngộ chữ, cuồng chữ, chỉ nhăm nhăm đem chữ ra đùa tếu, trêu chọc nhau.

Hoàng An st
(Theo lời kể của Yên Thao)
_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét