Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Thể loại bi kịch trong văn học (Phần 1)

"Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng sáng tạo một bi kịch hiện đại ở Việt Nam” - một nhà nghiên cứu văn học lão thành của chúng ta viết về vở kịch những năm gần đây đang được dư luận xã hội nước ta rất quan tâm của nhà văn quá cố Nguyễn Huy Tưởng. Giả dụ lời khẳng định này là đúng, nó sẽ có thêm nhiều ý nghĩa, chỉ cần chúng ta nhớ lại trong phút giây, bi kịch là gì trong lịch sử văn học thế giới và rộng hơn, trong lịch sử văn hoá tinh thần của xã hội loài người.

Thể loại văn học và sân khấu này có quá nhiều nét ngoại biệt, không thấy ở các thể loại khác. Nét đặc biệt đầu tiên ở ngay sự ra đời của nó. Không như các thể loại khác, hình thành và phát triển từ ngàn xưa trong nhiều nền hoặc khu vực văn hoá không biết đến nhau, bi kịch ra đời ở một địa điểm và thời điểm lịch sử rất xác định - ở Hi Lạp vào cuối thế kỉ VI tr.CN.

Và mấy trăm năm liền, nó chỉ tồn tại trong nền văn hoá Hi Lạp. Nhưng trong nền văn hoá ấy, nó đã rất sớm đạt được những đỉnh cao chót vót đánh dấu độ phát triển hoàn chỉnh không thể vượt qua và sớm chiếm lĩnh vị trí thượng đẳng trong ý thức văn hoá của dân tộc đã sản sinh ra nó.

Điều này ta có thể thấy rất rõ qua Thi pháp học của Aristotle - tác phẩm lí luận văn học cổ nhất của người Hi Lạp còn lưu truyền đến ngày nay.

Với Aristotle (mà ý kiến của ông có giá trị cho người châu Âu cho đến tận hôm nay) bi kịch, mà những mẫu mực là những kiệt tác của Eschile, Sophocle, Euripide, là loại hình nghệ thuật khó nhất, cao quý nhất, đáng phát triển nhất - không phải ngẫu nhiên ông dành một phần lớn đến thế của tác phẩm của mình để xây dựng lí thuyết bi kịch, xác định những đặc điểm cấu thành, tìm ra những quy luật, yêu cầu của thể loại này.

Và cứ như thế, đối với người Hi Lạp cổ đại, cũng như đối với người La Mã sau này học tập và tiếp thụ văn hoá Hi Lạp, bi kịch luôn luôn được xem là một thể loại tinh hoa, một biểu tượng của sự nhận chân sâu sắc cuộc sống và của sự toàn bích nghệ thuật, niềm tự hào của văn minh phương Tây (quan niệm Đông - Tây như hai thực thể khác biệt hình thành chính trong văn hoá Hi Lạp, vào thời cực thịnh của nó, trùng với thời đại hoàng kim của bi kịch Hi Lạp và được thể hiện rất rõ trong vở kịch cổ nhất còn lưu giữ được - Những người Ba Tư của Eschile).

Sau mười thế kỉ Trung đại, vào thời Phục hưng, cùng với sự phát hiện lại văn hoá Hi - La, châu Âu chứng kiến sự hồi sinh và phát triển huy hoàng của một thể loại tưởng chừng đã chết vĩnh viễn từ lâu: trong vòng gần 100 năm, trên sâu khấu Anh, Tây Ban Nha, Pháp lần lượt xuất hiện những kiệt tác bi kịch của những nhà soạn kịch mà ngày nay vẫn giữ vị trí không chuyển lay trong hàng những tác giả lớn nhất của văn học thế giới: Marlowe và Shakespeare, Lope de Vega và Caldéron, Corneille và Racine. Bi kịch uy nghi chiếm lại vị trí “chúa tể” trong ý thức văn học của các dân tộc châu Âu, thu hút sự quan tâm ưu tiên của lí luận và phê bình văn học - nghệ thuật trong các thế kỉ XVII-XVIII và cả XIX

Nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời và phát triển mạnh mẽ, nhiều trào lưu sáng tác thay thế nhau làm mưa làm gió trên văn đàn châu Âu trong ba thế kỉ này, song sáng tác bi kịch vẫn tiếp tục là mơ ước và tham vọng của rất nhiều người cầm bút và của nhiều nền văn học chưa có những cống hiến trong lĩnh vực này.

Cùng với Byron và Shelley ở Anh, Hugo và Maeterlinck ở Pháp - Bỉ, Schiller, Goethe, Kleist, Grillparzer, Heblel ở Đức-Áo, Pushkin, Ostrovski, A.Tolstoi và L.Tolstoi ở Nga, Ibsen, Strindberg, Hamsun ở Na Uy - Thụy Điển (nếu chỉ kể những tác gia lớn nhất) bằng những bi kịch cách tân xuất sắc đã tiếp sức sống mới và gia cố vị thế cho thể loại “anh chị” này trong cuộc cạnh tranh với một đối thủ mới, sung sức - tiểu thuyết.

Thế kỉ XIX ở châu Âu cũng chứng kiến sự ra đời những kiệt tác bi kịch ở một loại hình sân khấu lân cận - nhạc kịch (Wagner, Verdi, Mussorgski).

Và cả tiểu thuyết trong đà phát triển đầy thắng lợi cũng hấp thụ sáng tạo thi pháp bi kịch, tạo nên một biến thể sáng giá của mình - tiểu thuyết - bi kịch, mà những mẫu mực điển hình ta tìm thấy trong sáng tác của Dostoievski.

Cùng với cuộc sống mới của một loại hình nghệ thuật rất cổ này, từ nửa sau thế kỉ XVIII, với sự ra đời của mĩ học như một khoa học độc lập, các triết gia đua nhau xông vào khai phá địa hạt bi kịch. Schelling, Hegel, Schopenhauer, Kierkegaard, Nietzsche (nếu lại chỉ gọi những tên tuổi lừng lẫy nhất), mỗi người từ điểm nhìn của mình, đã làm sáng tỏ hơn trước, giúp công chúng thưởng thức nghệ thuật ý thức rõ hơn trước ý nghĩa toàn nhân loại của các tác phẩm bi kịch từ cổ đến kim, quan hệ máu thịt của chúng với những vấn đề cốt tử, những vấn đề “cuối cùng” của cuộc sống con người.

Chính trên cơ sở phân tích và kiến giải những tác phẩm bi kịch điển hình mà một trong những phạm trù cơ bản nhất của mĩ học đã được xây dựng - cái bi[i], phạm trù này trong ý thức của con người ngày nay đã vượt xa ra ngoài phạm vi của văn học và nghệ thuật, của mĩ học và triết học, đã chiếm quy chế bản thể luận, trở thành một thông số gốc của cảm quan về sinh tồn hay là hữu thể.

Sang thế kỉ XX - thế kỉ của những biến cố lịch sử long trời lở đất trên phạm vi toàn thế giới - bi kịch bước vào một giai đoạn mới. Nếu ở phương Tây, xứ sở của nó, ta thấy những nỗ lực liên tục (nhưng không phải lúc nào cũng thành công) sáng tạo những bi kịch hiện đại (trong đó có cả bằng cách viết lại những bi kịch cổ) thì ở phương Đông, như là một trong những kết quả của cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây, ta chứng kiến bi kịch bắt rễ và đơm hoa kết trái trong một số nền văn học xưa kia chưa biết đến nó như một loại hình nghệ thuật độc lập hay thậm chí còn cấm đoán nó[ii].

Đi đầu tiến trình này là văn học Ấn Độ. Ở đây, từ những kịch bản đầu tiên xuất hiện trong nửa sau thế kỉ XIX bắt chước có ý thức nhưng chưa nhuần nhuyễn bi kịch cổ điển châu Âu, con đường đã dẫn đến những tác phẩm xứng đáng được gọi là những bi kịch phương Đông của một tác gia thiên tài và có ý thức thi tài với các tác gia phương Tây - Rabindranath Tagore.

Có thể quan sát những khuynh hướng tương tự, tuy không đạt những thành quả cao như ở Ấn Độ, trong văn học Nhật Bản và Trung Quốc những thập niên đầu thế kỉ XX.

Cái đích chung và cảm hứng chung trong những nỗ lực canh tân của các nhà viết kịch phương Đông trong giai đoạn này là học tập nghệ thuật kịch, đặc biệt nghệ thuật bi kịch của phương Tây để khám phá cuộc sống, lịch sử, tâm hồn dân tộc mình, sáng tạo nên những giá trị thẩm mĩ mới cấp cao, có thể sánh ngang với những giá trị được tôn vinh ở phương Tây.

Và khi những giá trị ấy được tạo nên, chúng trực tiếp làm giàu cho văn hoá cả phương Đông lẫn phương Tây, nhờ giao lưu, tương tác mà ngày càng trở thành những bộ phận khăng khít của một nền văn hoá chung của một nhân loại.

Trong lịch sử bi kịch như một thể loại lớn của văn học thế giới - mà chúng ta nhớ lời Bakhtin nói rằng thể loại, chứ không phải trào lưu hay trường phái sáng tác, mới là nhân vật chính của tấn kịch phát triển văn học - cống hiến của Tagore rõ ràng không nhỏ hơn, nếu không lớn hơn cống hiến của Lorca và Yeats, những thi hào Tây Âu hoạt động cùng thời với ông và cũng sáng tác bi kịch.

Văn học Việt Nam ta trong thế kỉ vừa qua, như tất cả chúng ta đều nhận thức giống nhau, đã gặt hái được rất nhiều, đã đạt được những bước tiến quan trọng, có ý nghĩa quyết định, cũng trong quá trình giao lưu văn hoá với phương Tây ấy, quá trình hội nhập với thế giới ấy.

Đánh giá thật đúng những thành tựu và những vấn đề tồn tại của văn học nước nhà trong thế kỉ qua còn là một nhiệm vụ lớn của khoa học văn học và, rộng hơn, khoa học xã hội - nhân văn của nước ta. Trong bài viết này, chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ khảo cứu, điều tra vấn đề tồn tại của thể loại bi kịch trong văn học Việt Nam cận - hiện đại.

Vấn đề này được đặt ra một cách tất yếu và tự nhiên sau khi một số nhà nghiên cứu, trong đó có chúng tôi, đã cố gắng chứng minh rằng kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là một bi kịch thực thụ, một tác phẩm đáng tự hào của văn học nước nhà.

Song Vũ Như Tô là một trước tác ngoại lệ vô tiền khoáng hậu, hay là trước nó và cùng thời với nó còn có những hiện tượng tương tự, thể hiện một hướng tìm tòi sáng tạo cao quý, đảm trách của văn học nước nhà trong thời đại mới? Và nếu đã có thì những tìm kiếm ấy được tiếp tục thế nào từ sau cách mạng tháng Tám? Bài viết của chúng tôi, được chia thành hai phần, sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi ấy.

Chú giải:

[i] Trong các ngôn ngữ châu Âu ngữ, từ le tragique, the tragic, das tragisch...(cái bi) có sau và phối sinh từ tragédie, tragedy, tragôdie,...mà trong tiếng Hán và tiếng Việt đã quen dịch là bi kịch. Tất cả các từ ấy đều có một gốc chung ở một từ Hi Lạp tragèdia (ngữ nghĩa của nó khá tối tăm, khoa học đến nay vẫn chưa giải được) chỉ một trong hai thể loại chính của sân khấu cổ Hi Lạp. Để giữ được quan hệ thiết yếu giữa một phạm trù mĩ học với một thể loại văn học đã phát sinh ra nó, thiết tưởng nên sửa đổi từ cái bi thành cái bi kịch.

[ii] Sân khấu cổ Trung Hoa và Nhật Bản không né tránh chất bi thống và một số kịch bản của các nhà soạn kịch lớn như Bạch Phác, Mã Trí Viễn ở Trung Quốc đời Nguyên hay Tikamatsu ở Nhật thế kỉ XVII được các nhà nghiên cứu so sánh với bi kịch phương Tây.
Song ở những nước ấy, chúng không bao giờ được xem là những mô hình của một thể loại sân khấu riêng biệt. Còn ở Ấn Độ – mà văn hoá Ấn Độ có thời tiếp xúc chặt chẽ với văn hoá, trong đó có nghệ thuật sân khấu Hi Lạp – thì mĩ học điển phạm hoá ngăn cấm đưa yếu tố bi kịch lên sân khấu.

(Còn tiếp)
Theo Phạm Vĩnh Cư (VieTimes)
____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét