Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Bạn văn ở chiến trường

Hồi ức của Khổng Minh Dụ

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba mươi sáu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi viết bài này để nhắc lại kỷ niệm của lớp chúng tôi, những người đã từng sống chiến đấu và công tác ở chiến trường đồng bằng Nam Bộ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dùng từ bạn văn, e rằng không chuẩn. Bởi thời đó, giai đoạn trước Mậu Thân (1968) giới văn chương ở chiến trường hiếm lắm, gặp họ còn khó hơn gặp nguyên thủ quốc gia bây giờ. Lớp chúng tôi, những người viết nghiệp dư thì đâu dám xếp vào hàng bạn với họ. Song, cũng xin thưa, còn một cách biện minh mà ngày nay chúng ta vẫn thường nghe: Bạn nghe đài, bạn xem truyền hình, bạn viết… chẳng hạn. Cố nhiên sau này có nhiều người trong số đó như Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thanh Giang, Thu Bồn, Thạch Cương… trở thành bạn vong niên của tôi; những Phạm Tiến Duật, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Duy, Nguyễn Ngọc Mộc, Đỗ Kim Cuông… trở thành bạn văn cùng trang lứa.

Nhà văn chiến trường đầu tiên tôi gặp

Tính từ ngày tôi rời miền Bắc, vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, bao năm lang bạt khắp các địa bàn từ Tây tới Đông Bắc Sài Gòn, từ Bến Súc, Bến Cát, Trảng Bàng, Củ Chi, tạt sang Châu Thành, ngược lên Bình Cơ, Bình Mỹ cửa ngõ chiến khu "D", rồi vòng trở lại, cho tới khi tất cả những miền quê yêu dấu ấy đã tan hoang, bình địa do cái kế hoạch hủy diệt của Mỹ - ngụy bằng tất cả các loại bom, pháo, xe tăng, xe ủi, tới chất độc hóa học, nhằm biến nơi đây thành vùng đất chết, thành vành đai trắng để bảo vệ vững chắc đô thành Sài Gòn.
Để bảo tồn lực lượng, duy trì liên lạc với các lưới điệp báo nội thành, đơn vị H67 chúng tôi (Cụm Tình báo chiến lược thuộc J22, Cục Tình báo - Bộ Quốc phòng, có bí số là H67) được lệnh của cấp trên, chuyển địa bàn hoạt động về xứ dừa Bến Tre thuộc miền Trung Nam Bộ (khu 8) để đánh lạc hướng kẻ địch. Tính tới thời điểm đó tôi đã có trên 4 năm gắn bó với chiến trường ác liệt. Là người yêu thích văn học, có lúc tôi bần thần suy nghĩ, cả quãng thời gian dài dằng dặc ấy, chúng tôi chưa một lần được gặp ai gọi là nhà văn, nhà thơ.
Duy nhất một lần, khoảng đầu năm 1969 tại căn cứ Cụm Tình báo B49 ở khu vực Bến Chùa, Thanh An được tiếp xúc 2 vị khách trong đoàn văn nghệ địa phương, trong đó có một người quê miền Bắc. Anh giới thiệu tên là Cương, quê ở Hải Phòng, tuổi lớn hơn tôi cả nửa con giáp, hiện làm công tác văn hóa, văn nghệ ở khu Sài Gòn - Gia Định. Tôi reo lên "Trời ơi! Mấy năm mới gặp được một người đồng hương. Mong sao còn sống tới ngày đất nước hòa bình, nhất định tôi sẽ tìm về thành phố Cảng quê anh. Tôi có ông chú công tác ở đó" - "Ở cơ quan nào vậy?" - "Công ty hợp doanh Thống nhất. Địa chỉ ở 122 phố Ngô Quyền. Tên là Đặng Hữu Trí".
Thạch Cương mở bòng rút ra một tờ báo Văn nghệ đưa cho tôi: "Tặng cậu cái này làm kỷ niệm". Tôi vồ lấy tờ báo, khẽ reo lên: "Trời ơi! Hơn 3 năm nay mới nhìn thấy, mới được cầm một tờ báo như thế này". Tôi vội mở từng trang, lướt qua tít bài, tên tác giả và dừng lại ở trang truyện ngắn có cái tên thật dân dã: "Xóm Bàu" của tác giả Thạch Cương. Tôi ngước nhìn anh, ngập ngừng: “Anh ơi! Có phải cái này…" - "Ờ… Cái đó mình viết từ dạo đầu năm. Vòng vèo thế nào mà gần đây mới tới tòa soạn". Tôi vội đứng dậy, nắm chặt tay anh, lại thốt reo lên: "Trời ơi! Thật may mắn, thật không ngờ lại được gặp nhà văn ở đây! Tiếc quá, nếu được gặp anh sớm hơn để… nhờ thầy đọc và sửa giúp mấy cái…" - "Cha! Vậy là Thái Dương (tên thường dùng của tôi ở chiến trường, đồng thời cũng là bút danh) cũng làm công tác văn nghệ?" - "Dạ không, làm công tác nghiệp vụ, nhưng thích văn nghệ, viết được mấy cái truyện, nhưng èo uột lắm, chả dám đưa ai đọc, chả dám gửi đi đâu. Giá được gần anh thì hay quá…" - "Cứ viết đi, viết những cái đang diễn ra ở chiến trường. Đừng tự ty với mình. Ngày mới cầm bút, mình cũng thế".
Cuộc tiếp xúc quá ngắn ngủi rồi phải chia tay anh. Mấy tuần sau, tôi nhận được quyết định đi triển khai một cụm mới, trở lại chiến trường Đông Bắc Sài Gòn, phía cửa ngõ chiến khu "D". Phải dừng lại ở An Phú, Củ Chi mấy ngày, chờ vượt sông Sài Gòn về Nam Bến Cát. Tình cờ gặp một cán bộ khu Sài Gòn - Gia Định, hỏi về nhà văn Thạch Cương, người đó quá rành, kể rất chi tiết: "Ông này viết hay và viết khỏe lắm. Ở chiến trường bom đạn tối ngày mà viết và in tới mấy tập truyện rồi đó. Thạch Cương quê miền Bắc. Hình như ở Hưng Yên, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn ở Hà Nội, rồi về dạy học ở Hải Phòng. Năm 1965 vô chiến trường. Đã công tác ở Báo Văn nghệ Quân giải phóng, rồi về đây…".
Chiến trường Đông Bắc quá căng thẳng, không tìm được địa bàn bám trụ, toàn đơn vị lại chuyển về Tây Bắc. Do yêu cầu đột xuất, tôi lại nhận quyết định về cụm H67, căn cứ bám trụ tại rừng Bời Lời - Tây Ninh, thay nhiệm vụ của một cán bộ nghiệp vụ bị thương phải chuyển về "R". Cuối năm đó đơn vị chuyển vùng hoạt động về Bến Tre. Tôi xa chiến trường miền Đông Nam Bộ từ đó. Cũng có nghĩa là xa người đồng chí, người anh - một nhà văn đồng hương vừa quen biết mà không hy vọng có ngày gặp lại.

Dọc đường hành quân

Từ căn cứ Bời Lời về Bến Tre, đường chim bay chẳng bao xa, nếu đi đường bộ bằng xe đò (khách) cũng chỉ hơn một trăm cây số. Cao lắm cũng chỉ hết 4 giờ đồng hồ, kể cả qua Bắc (phà) Rạch Miễu. Ấy vậy mà chúng tôi phải đi mất hơn 1 tháng. Số là phải đi vòng vèo, phải "mua" thêm nhiều quãng đường hết sức phi lý. Rồi thêm cái nạn tắc đường giao liên do địch càn quét.
Từ Bời Lời, phải vượt qua mấy huyện của tỉnh Tây Ninh để lên biên giới Campuchia, rồi cập theo biên giới xuôi phía Nam về Ba Thu, Tăng Lèo. Dừng chân ở đó tới gần 2 tuần lễ để chờ chuyến giao liên. Đó là một vùng an toàn trên đất Campuchia, cách xa biên giới Việt Nam. Thời đó, dọc theo biên giới từ Sa Mát, Thiên Ngôn tới Ba Thu, Tăng Lèo… là vùng an toàn, yên tĩnh, nên rất nhiều cơ quan, đơn vị của ta tạm lánh lên đây. Đối với tôi, đó là những ngày thanh thản nhất sau bao năm căng thẳng ở chiến trường.
Một chiều Tăng Lèo yên ả. Chúng tôi đang ngồi uống trà trước lán nghỉ thì có một vị khách "không hẹn mà tới". Đó là một trung niên, tầm thước, da mai mái, tóc hớt cao, tướng mạo dễ gần. Chúng tôi mừng quýnh, chắc là lãnh đạo đơn vị giao liên tới thông báo chuyến đi. Nhưng rồi không phải.
Khách tự giới thiệu là thành viên trong đoàn cán bộ Cục Chính trị đi thực tế. Tôi thốt reo lên: "A! Chắc các anh cùng về chiến trường Bến Tre" - "Không! Mình ở Văn nghệ Quân giải phóng. Chỉ được về tới đây thôi. Mình là Thanh Giang". Tôi như muốn reo lên: "Vậy anh là nhà thơ, tác giả bài "Cô em gái". Khách khẽ gật đầu, ngước nhìn tôi: "Cha!... Ở chiến trường ác liệt vậy mà theo dõi tình hình văn nghệ kỹ đó". Đối với tôi, thật không ngờ lại có một cuộc gặp gỡ tình cờ như thế.
Nghe tôi nói rất mê văn nghệ, đang tập tọe viết, gương mặt khách rạng ngời: "Tốt, tốt lắm! Trên này rất cần những bài viết sôi động từ chiến trường gởi về. Cho coi mấy cái đi". Đắn đo giây phút, tôi mở bòng, lôi ra một mớ thập cẩm bản thảo gồm truyện ngắn, ký sự, thơ, lựa mãi mới "liều mạng" rút ra cái truyện "Cu Tèo và cái giàn thun" đưa cho anh. Lướt qua bản thảo, khách gật gật khen: "Tốt! Viết tốt đó, đúng là "giặc vẫn còn, trẻ con cũng đánh". Vậy mà không gởi về. Cái này có thể in ngay được".
Biết đoàn tôi đi Bến Tre, nhà thơ Thanh Giang bùi ngùi tâm sự: "Mấy anh về đúng quê mình đó. Thèm về chiến trường lắm mà không được đi. Trên Ban, chỉ có 2 người, mình làm phó cho anh Nguyễn Thành Vân (Nguyễn Trọng Oánh), nên có muốn cũng kẹt. Thái Dương về Bến Tre nhớ viết được cái gì cứ gởi về trên này. Cái nào chưa in thì bọn mình giữ hộ. Chiến trường sông nước, bom đạn ác liệt, để mất mát thì uổng lắm".
Lời khuyên của 2 nhà văn bậc đàn anh, trở thành nguồn cổ vũ, động viên tôi trên bước đường sáng tác của mình. Về Bến Tre, đơn vị chúng tôi tạm thời tập kết tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Ba ngày sau, tôi được phân công cùng một tổ trinh sát, do cụ Phó Năm Tuyến phụ trách, tìm đường về xã An Phước, huyện Châu Thành, để xây dựng căn cứ bám trụ. Đó là một địa bàn nằm phía Đông - Bắc thị xã Bến Tre. Đường chim bay từ Giồng Trôm sang chắc cũng chỉ mười mấy cây số. Vậy mà phải 4 đêm hành quân mới tới nơi. Phải sọc về xã Châu Bình thuộc Giồng Trôm, từ đây, cặp sông Ba Lai, đi ngược lên qua Phong Mỹ, Phong Mẫm, rồi vượt kênh Chẹt Sậy mới về được An Phước.
Một chuyến đi với biết bao cảm xúc về tình cảm quân dân, về tinh thần bất khuất kiên trung của đồng bào, đồng chí chúng ta. Ở Châu Bình, tôi đã ghi lại tư liệu để viết truyện ngắn "Vùng tử địa", in trên Văn nghệ Quân giải phóng năm 1972. Ngày đầu đặt chân tới An Phước, tôi đã cảm hứng sáng tác bài thơ "Mùa dâu chín", gửi in trên Văn nghệ Đồ Chiểu của tỉnh Bến Tre năm 1970 và Văn nghệ khu 8 năm 1971, cùng nhiều bài viết in trên báo và tạp chí địa phương.
Tôi thầm cảm ơn hai bậc đàn anh văn chương của tôi và vẫn thắc thỏm mong chờ sẽ có ngày... Vậy mà, thăm thẳm mười mấy năm sau tôi mới có may mắn gặp lại. Thật không ngờ, nó diễn ra giữa "Sài Gòn hoa lệ", nơi mà cả 2 anh đều đã trở thành công dân ở đó. Niềm xúc động đối với tôi là cả 2 người đều nhận ra tôi ngay. Hai anh là người thầy của bao lớp học trò. Còn tôi, chỉ là một cậu học trò trong chốc lát, vậy mà...
Ôi! Nghĩa tình đồng đội, đồng chí của một thời máu lửa, nó đậm đà, thiêng liêng, thắm đượm như vậy.

Hà Nội, tháng 4/2011
_________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét