Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Tác giả 'Miền xanh thẳm' đã qua đời!

Chiều 8/5, giới văn chương Sài Gòn bàng hoàng khi nghe tin tác giả 'Miền xanh thẳm' đã qua đời tại nhà riêng ở TP HCM. Ông mất từ ngày 6/5 nhưng đến gần 2 ngày sau mới được phát hiện.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8-11-1943 ở TP Hải Dương.

Tác phẩm chính đã xuất bản: các tập truyện ngắn: Em bé và bông hồng (1963), Cây lá đỏ (1971), Cuộc phiêu lưu của những con chữ (1975), Con đường nhỏ (1976), Lá non (1981), Những ngôi sao trong mưa (1988), Nắng phương Nam (1998)...; các truyện dài: Hoa của biển (1976), Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo (1979), Mầm đước (1994), Miền xanh thẳm (2000)... và tiểu thuyết Bên ngoài mái trường (1983).

Giải thưởng văn học: giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên và nhi đồng trung ương năm 1968 với tác phẩm Cuộc phiêu lưu của những con chữ, giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩm Miền xanh thẳm.

Từ giã cõi đời trong cô độc

Nhà văn Trần Hoài Dương là cha của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh - người sáng tác ca khúc Chân tình nổi tiếng, đang sống và làm việc tại Anh. Từ nhiều năm nay, ông Trần Hoài Dương sống một mình tại nhà riêng ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TP HCM. Tuổi cao, sống một mình nên tình hình sức khỏe của ông ít được mọi người nắm được. Ông đã ra đi về Miền xanh thẳm mà không có bất cứ một người thân nào bên cạnh. Một con người đã đi đến cuối một đời người trong cô độc.

Trên một trang web, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh trước khi về nước để lo tang lễ đã viết vài dòng nói về sự ra đi đột ngột của cha anh. Nhạc sĩ Chân tình nói, ngày 7/5, nhiều lần anh liên lạc với bố nhưng không được nên gọi nhờ người quen đến nhà. Khi phá cửa vào trong nhà mọi người phát hiện ông đã ra đi nhiều giờ trước đó.
Thi thể nhà văn được đưa đi giám định để tìm hiểu nguyên nhân qua đời. Sau đó, hội đồng pháp y kết luận: Nhà văn Trần Hoài Dương đột tử do nhồi máu cơ tim.
Nhà văn Trần Thanh Giao cho biết: "Từ rất nhiều năm nay, Trần Hoài Dương sống một mình trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn, gọn gàng ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Nhà chứa toàn sách là sách vì Dương đọc nhiều. Mỗi khi ra sách mới Dương đều tặng cho tôi. Tôi cũng đến nhà Dương chơi hoặc anh em ra quán để chuyện trò. Không ngờ Dương lại đi đột ngột như thế...", Trần Thanh Giao nói.

Một con người tử tế

Nhà văn Trần Thanh Giao nhận xét: tác giả Miền xanh thẳm là một con người tử tế, hiền lành và rất có trách nhiệm với ngòi bút của mình. "Có một cuốn tiểu thuyết của anh Dương rất hay mà tôi thấy hiện nay ít được nhắc đến là cuốn Bên ngoài mái trường (1983), viết về những đứa trẻ hư ở một ngôi trường lao động ở vùng Trung du miền Bắc. Tôi nghĩ đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay khi viết về con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc ngày ấy", ông nói.
Trần Hoài Dương đã có công rất nhiều trong việc nâng đỡ các cây bút trẻ, mới. Nhiều người đến nay vẫn kể lại những câu chuyện nhờ ông mà có được biết đến trong làng văn.
"Trần Hoài Dương có cá tính rất thẳng thắn, yêu ghét rạch ròi, thậm chí đôi khi cực đoan. Nếu không thích điều gì anh có thể phản đối đến cùng, ngay cả khi việc đó có thể ảnh đến quyền lợi của mình. Anh em văn chương từ Nam ra Bắc đều hết sức thương tiếc khi hay Dương ra đi...", nhà văn Trần Thanh Giao nói.
“Trần Hoài Dương cả đời viết cho thiếu nhi”, đó là nhận định của nhiều người. Nhưng theo nhà văn Trần Ðức Tiến (cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài trẻ em) thì chính Trần Hoài Dương lại thừa nhận mình không chỉ viết cho thiếu nhi. Ông có ý thức viết cho cả người lớn đọc.
Dẫu vậy, “Trần Hoài Dương là người cực đoan. Cực đoan trong cách nhìn nhận mình. Cực đoan trong nghệ thuật. Một bức minh họa đẹp vẽ chú sâu cuộn mình êm ấm trong chiếc lá được ông nâng niu gìn giữ trong nhiều năm, thỉnh thoảng lại giở ra khoe bạn bè rưng rưng cảm động, nhưng một câu văn dở có thể khiến ông sổ toẹt cả một cuốn sách, thậm chí một tác giả. Nhưng thái độ cực đoan đáng kính trọng nhất ở ông, đó là sự khinh bỉ sâu sắc những thói tật xấu xa, bẩn thỉu ở con người” - nhà văn Trần Ðức Tiến nhận định như thế về Trần Hoài Dương.

Nhà văn của người không có tuổi

Nhà văn Như Thuần cho biết, trong câu chuyện miên man lúc ngà ngà say, nhà văn Trần Hải Dương hào hứng kể về thời niên thiếu gian khổ của mình, những năm tháng làm phụ trách tại trường giáo dưỡng thanh thiếu niên hư hỏng ở miền Bắc, những mùa đông đi mò cá bắt còng, đi vớt củi trên sông suýt chết… Tuổi trẻ cơ cực và thiếu thốn nhưng bên trong Trần Hoài Dương lại đầy ắp nhiệt huyết và tình yêu văn chương. Ông kể mình đã từng mê Paven Corsaghin đến độ chép tay toàn bộ quyển Thép đã tôi thế đấy, hay bản tiếng Pháp Thời thơ ấu của M. Gorky về để nhờ cha dịch sang tiếng Việt.
Một trong những tác phẩm được Trần Hoài Dương yêu thích nhất là truyện ngắn Bông hồng vàng của Paustovsky, nhưng nhà văn được ông chọn lựa như kim chỉ nam cho xu hướng sáng tác lại là người chuyên kể chuyện cổ tích H.C. Andersen. Trong một tập truyện ngắn cho thiếu nhi, ông “thay lời tâm sự của người viết” bằng một câu của Andersen: “Tôi đã phải trả bằng một giá đắt, có thể nói là đắt vô cùng, những truyện cổ tích của tôi. Vì chúng, tôi đã từ chối hạnh phúc mà đáng lẽ tôi được hưởng và bỏ qua thời gian mà đáng lẽ sức tưởng tượng, mặc dù mạnh mẽ và sáng láng, phải nhường chỗ cho thực tế. Anh hãy gắng sao cho có được óc tưởng tượng, không phải để tạo ra đau buồn, mà để mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho anh”. Chấp nhận cô đơn, Trần Hoài Dương đã sẵn sàng từ bỏ những nơi chốn đông đúc ồn ào, sống lặng lẽ và cặm cụi sáng tác vì tình yêu đối với cuộc đời, với trẻ thơ.
Có lẽ còn lâu, rất lâu về sau nữa, sẽ còn có bao nhiêu thế hệ trẻ con và người lớn bỗng quên tuổi của mình khi đọc những trang văn của ông.

Viết cho cả trẻ em và người lớn

Về văn Trần Hoài Dương, cây đại thụ của làng văn dành cho thiếu nhi Việt Nam – nhà văn Tô Hoài viết: “Ở quê tôi, giêng hai là những tháng yêu kiều nhất trong một năm! Thinh không bảng lảng, mơ màng, chẳng phải sương mù, cũng không mưa thành hạt, bóng nước li ti dây dợ loăng quăng phả ấm mặt người giữa đường đi lành lạnh. Cả đêm không nghe mưa, nhưng sáng ra, ngoài vườn thấy lưng tàu lá cải xanh mọng, những giọt nước đọng ủ hơi sương đêm viền quanh mép lá, từng chuỗi hạt nước sương long lanh đậu trên lá. Chợt một đàn chim khuyên bay lướt qua, tiếng ríu rít vút xa xa không gì sáng trong hơn.
Không hiểu sao, đọc truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung ra một thoáng tháng giêng, tháng hai đẹp đơn sơ như thế. Không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi đã là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến cho người đọc đánh mất tuổi như vậy”.
Hầu hết truyện của ông là một thế giới được nhìn bằng con mắt hồn nhiên, trong trẻo và lời kể thầm thì dịu dàng như chính con người ông: hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, luôn cảm nhận cuộc sống một cách trân trọng và sâu sắc. Nhà văn Triệu Xuân nhận xét, Trần Hoài Dương “diễn đạt câu chữ trong sáng. Thế mạnh của anh là miêu tả. Văn tả cảnh tả người của anh giàu hình ảnh, lời ít, ý nhiều”. Đó cũng chính là điểm đặc biệt trong sáng tác của ông: kiệm lời, giáo dục mà không hề dạy dỗ, lên lớp. Văn ông cuốn hút trẻ thơ ở thái độ trân trọng, tin cậy, nâng niu những vẻ đẹp dù nhỏ nhoi hay những ước mơ giản dị. Nhiều truyện ngắn đạt tới mức tạo rung cảm sâu sắc có tác dụng nâng đỡ tâm hồn con người vượt qua những nỗi bất hạnh.
Truyện Cô tiên miêu tả một câu chuyện bình thường: một em bé được mẹ dặn đi dặn lại bao lần là không được sang bên kia đường một mình. “Bé đành đứng bên hè, thèm thuồng nhìn bạn bè chạy nhảy reo hò ở bên kia. Ước gì có tấm thảm bay nhỉ? Bé sẽ ngồi trên tấm thảm đó, chỉ nháy mắt là đã đỗ bình yên ở bờ bên kia…”. Và rồi, điều ước giản dị đó xảy ra: “Nhà bé ở bên kia đường à? Muốn sang không, chị đưa sang? Bé giật mình, chợt ngước lên, một chị vẻ hiền lành đang cúi xuống nhìn bé mỉm cười. Chị đưa tay, bé nắm lấy, ngoan ngoãn bước theo chị. Những dòng người, dòng xe vẫn loang loáng lướt qua”. Trần Hoài Dương nào biết rằng có nhiều độc giả trẻ con cho đến lúc đã trở thành người lớn vẫn in đậm cốt truyện trong lòng để thốt lên: “Tôi đã vượt qua mấy con đường? Cảm ơn những người đã dìu dắt tôi đi bằng lòng tốt và tình thương. Bố mẹ, thầy cô, bạn bè và người, những người không quen biết mà vẫn nắm tay ân cần “nào, chúng ta sang đường nhé.” Đường đời mênh mông, nhiều bất trắc, khổ đau, tôi luôn luôn mơ ước một bàn tay ân cần như thế” (blogger Vĩnh Hải)
Những mộng mơ về tấm thảm bay rồi sẽ phai nhạt, trẻ con nào cũng phải đến lúc rời khỏi Con đường nhỏ để bước vào thế giới rộng lớn, Tiếng mùa xuân rồi sẽ bị trộn lẫn trong bao nhiêu âm thanh cuộc đời đầy náo nhiệt, nhưng chắc chắn ký ức tuổi thơ tuyệt vời về những Cô tiên, về Tích Chu, hoàng tử Cóc và những Miền xanh thẳm bất tận vẫn còn đó trong tâm thức chúng. Bởi có một người lớn tên Trần Hoài Dương đã “gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất” để gìn giữ cho tuổi thơ một vùng trời trong trẻo, thần tiên bằng vào những truyện ngắn nhỏ của mình. Như ông từng hy vọng “những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện”.

(tổng hợp)
_______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét