Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Văn nghẹn!

Tiểu Quyên

Cuộc thi Bút ký đồng bằng sông Cửu Long lần IV-2011 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức đã kết thúc gần một tháng nhưng xem ra những tác phẩm đoạt giải lại không tạo được tiếng vang bằng những ồn ào chỉ trích nhau sau giải thưởng.

Vụ lùm xùm về bài viết Ông vua chân đất của nhà văn Trần Đắc Hiển Khánh (Sóc Trăng), đoạt giải nhất cuộc thi này, được cho là sản phẩm của sự sao chép vụng về từ các bài báo đã đăng tải trên nhiều tờ báo trong nước trước đó, còn chưa được giải quyết thỏa đáng thì đến giải nhì của cuộc thi – bài viết Người phu lục lộ nhân dân của tác giả Trần Dũng (Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng) cũng đang bị lên án là tác phẩm phạm quy mà vẫn đường hoàng có giải.

Thêm vào đó, người nhận giải đặc biệt - nhà báo Trần Thanh Thủy với tác phẩm Chợ biển mênh mông ký cũng không ngần ngại trả giải và lên tiếng vạch trần những khuất tất từ ban tổ chức khiến cuộc thi Bút ký đồng bằng sông Cửu Long để lại một dư âm nhức nhối, “vết chàm khó phai” trong giới văn chương cả nước.

Theo trần tình của nhà báo Trần Thanh Thủy, cuộc thi có quá nhiều khuất tất: Thành viên ban tổ chức cũng được gửi bài dự thi, ban tổ chức tự ý gia hạn nhận bài dự thi cho “người nhà”, nhiều “tác phẩm tiêu biểu” được chọn in thay vì phải giữ bí mật tên tác giả - tác phẩm đoạt giải trước khi công bố giải, công tác chọn lọc cũng như loại bỏ bài dự thi đều tùy tiện, giải đặc biệt của ông cũng là đề xuất bất ngờ chứ không có trong cơ cấu giải thưởng trước đó chỉ vì Chợ biển mênh mông ký viết quá tốt về tỉnh Bạc Liêu…

Chưa hết, ban tổ chức còn có những kiểu lý giải rất ngô nghê: Trong quá trình chấm giải, ban tổ chức loại bỏ một số tác phẩm đã in báo trước đó do bạn đọc phát hiện nhưng thực tế, bài dự thi không hề được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì bạn đọc làm sao phát hiện để phản ánh?

Không chấp nhận những bài báo tác giả tự nâng cấp lên thành ký văn học để dự thi nhưng lại “nhiệt liệt ủng hộ” bài dự thi sao chép hoàn toàn vì “có góc nhìn văn học từ tư liệu báo chí”? Rõ ràng, nhìn lại toàn bộ vụ việc, ai cũng có thể nhận ra sự bất bình thường trong giải thưởng này, chỉ có người trong cuộc là luôn miệng nói rằng “sẽ họp bàn để đi đến quyết định sau cùng”.

Đây không phải là lần đầu tiên “cuộc thi tai tiếng” này gây ra tranh cãi. Năm ngoái, khi bài thơ Trăng nghẹn của tác giả Hoàng Tường Phong (Cần Thơ) không được trao giải nhất vào phút cuối vì lý do không thể vô lý hơn của một số cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Cần Thơ: “Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được”.

Lỗi của nhà thơ chân đất Hoàng Tường Phong là đã viết quá chân thực về hiện thực cuộc sống mà quên mất rằng chính điều đó đã làm phật lòng “cấp trên”. Và khi chiêu dụ lão nông làm thơ tự rút giải không được, ban tổ chức cũng không ngần ngại tước giải một cách trắng trợn.

Đây không còn là vấn đề của cá nhân đoạt giải hay của riêng giải thưởng khu vực mà là một “bi kịch” của văn học địa phương, phải sống lay lắt, nghẹn ngào trong những toan tính cục bộ, tư lợi cá nhân. Cuộc thi mang tính khu vực tạo ra sân chơi lớn cho giới văn nghệ sĩ đồng bằng nhưng ngay cả khi bắt đầu thì đích đến dành cho ai đã được “những người có thẩm quyền” ngắm nghía và chỉ định sẵn.

Và nếu như không muốn tác phẩm bị “xóa sổ” thì tác phẩm phải đi theo đúng “định hướng” – một khuôn mẫu cho kiểu thi đua phong trào, chỉ chạy theo người tốt việc tốt theo kiểu tô hồng và phớt lờ hiện thực như vẫn thường thấy trong văn học nghệ thuật địa phương.

Bày ra cuộc thi để làm gì khi ý nghĩa đích thực của sân chơi đã bị bóp méo? Thi để làm gì khi những giá trị thật sự của văn học dễ dàng bị bỏ quên, còn những mảnh văn sao chép, chắp vá vụng về thì lại được tôn vinh?

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét