Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Nhà văn của những cảnh đời trần trụi

Nhà văn Ngọc Giao sinh năm 1911 và mất năm 1997. Nổi danh trên văn đàn từ thời kỳ 1930-1945, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 và là tác giả của một số lượng lớn các tác phẩm đa dạng, từ phóng sự, bút ký, tản văn đến truyện viết cho thiếu nhi, truyện ngắn và tiểu thuyết. Ðó là một nhà văn của những cảnh đời trần trụi.

Nhà văn – nhà báo tài năng

Ngọc Giao bắt đầu nghiệp văn chương vào những ngày đầu giai đoạn 1930 - 1945, một trong những giai đoạn đạt tới thành công đỉnh cao trong lịch sử văn chương nước nhà. Thời kỳ này, tờ báo văn chương có uy tín bậc nhất là tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy (TTTB), quy tụ những cây bút được bạn đọc đương thời rất mến mộ, nhiều người sau này đã được lịch sử văn học ghi nhận là những tác gia tiêu biểu của nền văn chương Việt Nam hiện đại. Ngọc Giao là tác giả trụ cột của TTTB, ông vừa là Thư ký toà soạn, vừa là nhà văn thường xuyên có tác phẩm đăng trên chuyên mục Truyện ngắn. Hầu như tuần nào ông cũng viết được một truyện ngắn. Ðó là chưa kể, ông còn có nhiều tác phẩm đăng trên các báo khác, như Ngọ báo, Tao đàn, Tri tân, Phổ thông...
Tiểu thuyết thứ bảy” tồn tại hơn 10 năm trước Cách mạng Tháng Tám, đã có sức “cạnh tranh” với “Phong hoá” và “Ngày nay” của Tự Lực Văn Đoàn, đủ thấy người thư ký toà soạn (TKTS) của tờ tuần báo này là một nhà báo xuất sắc. Vừa thẩm định, biên tập những tác phẩm của các cây viết nổi tiếng cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Tam Lang, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng... Ngọc Giao lại vừa viết trên dưới 300 truyện ngắn cho báo nhà cũng như vài tờ báo khác là “Ngọ báo”, “Tri tân”, “Phổ thông”... đủ thấy sức lao động của ông thật đáng kính nể.

Vì là TKTS, Ngọc Giao có truyện viết bằng cảm xúc tự nhiên, có truyện đương nhiên phải viết chữa cháy cho tuần báo của mình bằng tư duy nhà nghề. Ngoài viết truyện, ông còn phải viết ký, tạp văn. Ông có một vị trí đáng kể trong lịch sử văn học thời trước Cách mạng Tháng Tám. Nhưng bên cạnh đó, cái độc đáo tạc nên những nét riêng ở chân dung Ngọc Giao cũng như Vũ Bằng, Tam Lang, Nguyễn Vỹ... là những bài ký và tạp văn rất riêng của ông. Đọc tuyển tập “Quan báo” và “Hà Nội xưa nằm đây” xuất bản nhân 100 năm ngày sinh ông (5.5.1911 – 5.5.2011) thấy thật quý trọng những bài báo của ông. Nhờ ông mà ta biết chân dung người đưa thư ngày xưa, nghề in ấn ngày xưa, bóng đá VN ngày xưa... và rất nhiều, rất nhiều nét xưa qua ngòi bút linh hoạt, sống động và nghiêm cẩn của ông.

Ông đã viết báo ở tầm cỡ một TKTS có tay nghề đẳng cấp. Bởi thế, ông đã viết về những nhà văn cùng thời bằng niềm thông cảm, sự chia sẻ rất riêng về số phận trắc trở của họ.

Qua “Một thời làm báo”, ta biết thêm những dâng hiến đầu kháng chiến khi Ngọc Giao một mình xoay xở làm TKTS cho tờ báo “Bạn dân” của công an Cao - Bắc - Lạng (khu 12): “Bàn giấy của tôi – văn phòng toà soạn tạp chí “Bạn dân”, báo của Chiến khu 12 thiết lập ở hàng hiên dưới mái đền cụ Hoàng Hoa Thám. Còn bàn giấy ông chủ bút “Bạn dân” là cái chõng tre rệu rạo gần gãy nát.

Ngọc Giao nhớ lại: “Tôi bắt đầu làm việc. Chõng là bàn, ngồi mặt đất. Trên mặt chõng chỉ có một lọ mực tím, một quản bút tre cắm ngòi bút “ma la” (một loại ngòi bút thời ấy – N.T.K). Không có một mảnh giấy tư liệu, tài liệu! Đầu óc tôi bốc lửa. Thế rồi thì con ma nghề nghiệp cuối cùng cũng thương tôi. Nó hiện ra, nó nhập vào tôi. Tôi cầm bút viết. Hồi ấy, tôi mới 36 tuổi, còn khoẻ sức, còn nhanh trí, còn sáng tạo, còn vắt chất xám ra nặn lên những việc kỳ lạ ở anh công an, chị công an, kháng chiến đánh Tây. Viết ngày này sang ngày khác. Viết như cuốc đất, bổ củi, không ngủ, ít ăn. Viết đủ các mục do khả năng sáng tác quen nghề của một cây bút viết tiểu thuyết (chắc chỗ này cụ phóng bút, phải viết là: Của một cây bút quen làm TKTS báo - N.T.K). Đủ món: Xã luận, lời chào ra mắt của ban biên tập (có mình tôi), truyện dài, truyện ngắn, mục khôi hài, thư tình cảm, thơ vui cười, chế giễu, mục đố vui...”.

Trong một tuần, tờ “Bạn dân” số 1 đã làm xong. Tờ “Bạn dân” ra được 3 số rồi dừng vì chiến sự. Ngọc Giao hồi cư về quê cha Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau Thuận Thành, Ngọc Giao về lại Hà Nội. Những ngày Hà Nội tạm bị chiếm, một người bạn là Tam Lang Vũ Ðình Chí đã mời ông cùng làm tờ báo Lẽ sống. Chỉ thời gian ngắn, Lẽ sống bị đóng cửa; các ông lại xin ra tờ Lên đường. Rồi Lên đường cũng bị buộc đình bản; các ông tiếp tục xin ra báo Công tội... Trong lưới kiểm duyệt khắc nghiệt, thậm chí chính quyền bù nhìn có thể đàn áp, Ngọc Giao vẫn viết. Những truyện ngắn tả thực của ông như Cát bụi, Cụ Quận ăn tết vui rất đậm tính phê phán. Ông viết một loạt phóng sự như Buôn xác, Ông chọc tiết, Hoang thai, Ông Kễnh, Cuội già...với cách tả thực, phê phán hết sức sắc nhọn. Cùng lúc đó, ông vẫn viết cho tờ “Tiểu thuyết thứ bảy”. Những phóng sự của ông gần với hiện thực hơn mặc dù trong lưới kiểm duyệt ngặt nghèo của vùng bị tạm chiếm. Sau ngày giải phóng thủ đô, tên tuổi Ngọc Giao chìm dần vào quên lãng.

Thời kỳ đổi mới đã phục sinh bút danh Ngọc Giao. Cùng với những truyện ngắn, tiểu thuyết được ấn hành trở lại, sau năm 80 tuổi, khi bài viết của tôi do một tờ tạp chí Sài Gòn đặt viết “Ngọc Giao – tâm sự từ quên lãng”, Ngọc Giao vui hẳn lên. Bằng giọng văn rất riêng của mình, ông lại tiếp tục viết bài cộng tác với các báo.

Nhà văn theo ‘khuynh hướng tả thực’

Sau rất nhiều năm kể từ khi những tác phẩm của Ngọc Giao ra đời, đến nay đọc lại, chúng ta vẫn thấy bồi hồi thương cảm những phận người nơi một cái ga xép chơ vơ giữa cánh đồng và trong dăm bảy cái lều là những người nhà quê sống như cỏ cây (truyện Ga xép). Những truyện Phấn hương, Tết cô đầu, Kim Dung, đến nay vẫn khiến chúng ta xót xa cho những kiếp nghệ sĩ nghèo, những đào nương, kép hát trong cảnh sống cô đơn, tàn tạ buổi cuối đời. Những cảnh đời được lột tả sắc nét đến trần trụi trong Ra tỉnh, Xóm nghèo ăn Tết chó, còn khiến chúng ta đau lòng... Ðánh giá tài năng văn chương cũng như vị trí của nhà văn Ngọc Giao trong giai đoạn văn học 1930 - 1945, nhà văn Phong Lê nhận định: 'Phấn hương (Tân Dân xuất bản 1939) và Cô gái làng Sơn Hạ (Tân Dân xuất bản 1942) là hai tập truyện đủ đưa Ngọc Giao vào hàng ngũ thành danh trước năm 1945, giống như Thạch Lam với Gió đầu mùa, Nắng trong vườn; Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời; Thanh Tịnh với Quê mẹ; Hồ Dzếnh với Chân trời cũ; Bùi Hiển với Nằm vạ; Tô Hoài với O chuột, Nhà nghèo...' - (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 472).

Nhận định về những sáng tác của Ngọc Giao, người thì cho ông là nhà văn lãng mạn, người thì coi ông là nhà văn hiện thực. Nhưng một nhà nghiên cứu có uy tín lớn đã nhận xét: 'Gọi ông là hiện thực hoặc lãng mạn đều không thật sát hợp, vì dường như ông đứng ở chỗ giáp ranh hoặc trong ông có cả hai'. Tuy nhiên, đến những năm hai mươi của thế kỷ 20, văn chương lãng mạn và văn chương hiện thực châu Âu hầu như cùng lúc tràn vào đời sống văn hóa xã hội nước ta, trở thành một trong những tác nhân mạnh nhất khiến văn chương Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Bởi tâm trạng của dân ta, nhất là tâm trạng của các tầng lớp dân chúng thành thị rất nhiều trăn trở, bức xúc trước thực trạng đất nước, nên hầu hết các nhà văn có tài và tâm huyết với đời, đều viết theo 'khuynh hướng tả thực', như đương thời người ta đã gọi. Cũng như các tài năng văn chương khác cùng thời, Ngọc Giao tiếp thu những giá trị văn hóa trong văn chương châu Âu, và làm nhà văn của cuộc sống Việt Nam, cuộc sống có cội nguồn quá khứ từ ông bà cha mẹ, và cuộc sống ngổn ngang trăm mối mà thật nhiều nỗi khổ đau, chua xót, diễn ra hằng ngày, ngay trước mắt ông. Trong cuộc sống ấy, có người thuộc dòng tôn thất giàu sang, danh vọng ở Huế đã sa sút, ra tá túc ở một xó nhỏ phố Khâm Thiên, làm nghề dạy đàn, nhưng suốt ngày nằm mọp bên bàn đèn thuốc phiện, cô con gái tên Hương đẹp như hương như hoa hầu hạ. Kết cục, để có tiền cho cha sống, Hương phải bán thân cho nhà thổ... (truyện Ông thầy đờn). Chỉ là một truyện ngắn, nhưng nó đủ hé mở cho người đọc thấy cảnh suy sụp tang thương của một thời đại cũ kỹ già nua. Trong cuộc sống ấy, có những kẻ háo danh thèm được gọi là văn sĩ, đã dấn thân vào nghiệp văn chương để rồi bị ăn những quả lừa của đám người nhốn nháo trong cái chợ văn chương ê ẩm (các truyện Quan báo, Tôi là thi sĩ). Cái xã hội thuộc địa ấy, đầy những nghịch cảnh, nhất là những nghịch cảnh của loại người sống dưới đáy. Ngọc Giao nhìn rõ bản chất sự đời, do bị xô đẩy đến hết đường sống, con người đã mất hết sự trong sạch và đã làm những việc bất lương, như các nhân vật trong Ông thầy đờn, Tội lỗi ngoài ngưỡng cửa, Người cha...

Bộ tiểu thuyết gồm hai tập, tập đầu là Ðất, xuất bản năm 1940, tập tiếp theo là Xã Bèo - người của đất, Ngọc Giao viết trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Nội dung bộ tiểu thuyết tâm lý xã hội này ông ấp ủ nhiều năm trời: người nông dân dù gì cũng gắn bó sống chết với quê cha đất tổ, với làng mạc ruộng đồng.


Nhà văn của những số phận đắng cay

Nếu như Vũ Trọng Phụng có tài tả thực vô cùng sắc sảo, có khi sắc nhọn đến tàn nhẫn và Nguyễn Công Hoan coa tài lột tả hết cái xấu của con người ra và cười thật chua cay, thì Ngọc Giao có tài phơi bày trên trang sách những số phận đắng cay của các kỹ nữ, gái điếm với một sự xót thương; mô tả thân phận của anh mõ làng, người đưa thư, cô gái muộn chồng...với một sự cảm thông, chia sẻ. Ngọc Giao viết không ít truyện tình ái, nhiều nhân vật nữ bị sa vào giang hồ, trụy lạc. Nhưng ông không đặc tả các cảnh trụy lạc, mà dùng một lối diễn tả tinh tế đủ để người đọc hiểu được trạng huống trụy lạc. Có thể nói, đó là tình thương của ông đối với nhân vật của mình, cũng là đối với người đời. Ðọc Ngọc Giao, chúng ta cảm thấy ông luôn khát khao một cuộc sống trong sạch và lương thiện cho mỗi người, cho xã hội con người!
Trong nhiều tác phẩm của Ngọc Giao còn có một miền cuộc sống nằm thật sâu trong tâm khảm nhà văn, đó là ký ức của riêng ông. Ông viết về nó, như Nguyên Hồng viết Những ngày thơ ấu; lại như Hồ Dzếnh viết Chân trời cũ. Trong miền cuộc sống này, rất đậm hình bóng một người mẹ qua đời quá sớm, để lại trên quê nhà quạnh quẽ một đứa con cô đơn với tuổi thơ nhiều buồn tủi. Bà nhập vào nhiều nhân vật người mẹ, hoặc người vợ trong các tác phẩm Một chuyện của lòng, Những hình bóng cũ, Những ngày thơ ấu, Ðiêu tàn... Nhà văn viết về ký ức của riêng ông, nhưng khi thành tác phẩm, nó như là ký ức của xã hội đương thời. Bởi, không ít người trong xã hội đang sống với tâm trạng không tìm thấy hạnh phúc trong thực tại; họ muốn dựa vào quá khứ, nhưng quá khứ cũng đầy thương đau, xa xót. Ở những tác phẩm nặng về hoài niệm này, văn chương Ngọc Giao hay lạ lùng. Những trang văn của một tâm hồn có chút yếu đuối, nhưng thật giàu mỹ cảm, viết về mẹ, cha, về những người thân yêu, đã làm nên một Ngọc Giao đặc sắc, hơn người!...

Trút hết tình yêu cho Hà Nội

Với tài năng nắm bắt tâm lý nhân vật, Ngọc Giao viết nhiều nhất về những kiểu người chỉ Hà Nội mới có. Ðó là ông Lâm, chủ quán cà-phê chuyên sưu tầm tranh và chữ ký của các nghệ sĩ. Ðó là Vũ Ðình Long, chủ nhà in Tân Dân mà ông gọi là 'tiên ông'. Ðó là Lan Khai si mê sách một cách kỳ khu... Với giọng văn trữ tình và tinh tế, Ngọc Giao viết nhiều bài ký về đời sống người Hà Nội xưa và nay, như những 'đặc sản' riêng Hà Nội mới có. Ðó là thú chơi cây cảnh, là chuyện sân khấu với biết mấy vui buồn, là nghề in ấn, là chuyện những hành khất - thi nhân dân gian cứ đêm Ba mươi là gõ ống nứa và đọc vè chúc Tết các chủ nhà để xin ăn... Dường như không nhà văn nào viết về Hà Nội với lối văn phong tục mà hay thấm thía như ông. Trong lần nở hoa thứ hai, cây lão mai Ngọc Giao dường như dâng cả cho Hà Nội, mảnh đất thân yêu đã nuôi dưỡng mình suốt đời. Bài ký ‘Hà Nội cũ’ viết vào tháng 5-1996, một năm trước khi nhà văn qua đời, là tác phẩm chứa đựng những tâm sự cuối cùng, nặng nỗi quan hoài của ông với bãi An Dương nơi ông cùng Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính... từng nương náu một thời gian.

(tổng hợp)
_________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét