Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Dấu vết chiến tranh trong ký ức nhà văn

Theo Nguyễn Khắc Phục, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3 năm 1975 có lẽ là bước ngoặt chiến lược quyết định dẫn tới Đại Thắng Mùa Xuân sau đó hơn 1 tháng, ngày 30 tháng tư.… Chả hiểu trời đất run rủi thế nào, ông lúc ấy chỉ là một anh viết văn quèn mà lại được tham dự những cuộc họp quan trọng tại Sở Chỉ huy chiến dịch Buôn Ma Thuột, liên quan đến việc theo dõi những sự kiện đầy kịch tính đến thót tim...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và những câu thơ còn sót lại

Khi tôi đến, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang ngồi trước màn hình máy tính, sử dụng Google để tìm lại tài liệu về ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông đang viết bộ tiểu thuyết mới và nội dung có liên quan đến những ngày tháng lịch sử ấy của dân tộc.
Như một cái cớ, tôi hỏi ông về những kỷ niệm đã gắn liền với những ngày tháng ông có mặt tại chiến trường khu 5. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, sau một ngụm cà phê đen, khẳng định: Đó là những ngày tháng trọng đại đối với cuộc đời ông. Nó đẹp đẽ và phong phú hơn hẳn quãng đời còn lại của ông.

Theo Nguyễn Khắc Phục, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10 / 3 năm 1975 có lẽ là bước ngoặt chiến lược quyết định dẫn tới Đại Thắng Mùa Xuân sau đó hơn 1 tháng, ngày 30 tháng tư.… Chả hiểu trời đất run rủi thế nào, ông lúc ấy chỉ là một anh viết văn quèn mà lại được tham dự những cuộc họp quan trọng tại Sở Chỉ huy chiến dịch Buôn Ma Thuột, liên quan đến việc theo dõi những sự kiện đầy kịch tính đến thót tim xung quanh chiến thuật đánh nghi binh của Quân Giải phóng.

Nói tới đây, ông đứng dậy, lục trong ngăn tủ cũ hai cuốn sổ tay bé màu nâu đã ố màu theo thời gian nhưng nét chữ vẫn còn nguyên vẹn. Ông giở lại những trang ghi chép, lẫn trong cuốn sổ ấy là những bài thơ ông làm trong những ngày ở rừng. Rồi ông đọc to cho tôi nghe, những câu thơ man mác buồn, hướng về hậu phương:

Tự do xưa cướp của trời
Tự do nay lấy máu người lọc ra
Trả Con Người chữ viết hoa
Trả tình yêu chỗ đôi ta ngẩng đầu
Nếu anh chết, có sao đâu
Người thủy thủ trên chuyến tàu ra khơi…
Rồi:
Cái thời mỗi cuộc lên đường
Ba lô chất cả mái trường mang theo…

Và nhà văn Nguyễn Khắc Phục hạ giọng, như thì thầm: "Làm anh lính Giải phóng, con người ta trở nên sống tốt hơn, biết yêu thương, trân trọng hơn những kỷ niệm".
Giờ thì ông chỉ sợ không kịp làm những gì mà cả một thời trai trẻ đã ôm ấp, khao khát. Đó là thời:

Bấy giờ nước mắt còn trong
Bấy giờ yêu cũng mơ mòng thế thôi
Bấy giờ sim tím trên đồi
Bấy giờ mắt biếc nhìn ai cũng hiền
Bấy giờ thắp một que diêm
Cũng trông thấy cả trăm miền mộng mơ…
Nhà văn Chu Lai: "Si tình" cả giữa đạn bom

Trở về sau chiến tranh, nhà văn Chu Lai có lẽ là một trong những người nặng lòng, đau đáu nhất với đề tài chiến tranh cách mạng. Điều khiến độc giả quan tâm là trong những trang văn học đi vào đề tài tưởng chừng khô khan ấy, nhà văn Chu Lai đã không hề né tránh những câu chuyện tình yêu thời chiến. Ông từng tâm sự: "Phụ nữ bao giờ cũng là cảm hứng sáng tạo khi cầm bút của tôi. Đi nhiều, lăn lộn trong chiến tranh tôi nhận ra rằng, người phụ nữ trong chiến trận là điểm tựa cho hầu hết các anh lính mới bước ra chiến trường như chúng tôi, "trai thời loạn, gái thời bình" mà".

Bởi vậy mà hình ảnh các cô thanh niên xung phong, các cô giao liên, các chị y tá… trên chiến trường bom đạn đã đi vào hầu hết những tác phẩm của Chu Lai. Ông cho rằng, cuộc chiến tranh này sẽ "nghèo" đi nhiều lắm nếu không có những cô gái lẩn khuất trong rừng già. Bóng dáng mềm mại của các cô làm mềm đi cả chết chóc. Nó làm tươi xanh lại những cánh rừng bom đạn. Các cô gái pháo binh 16, 17 tuổi trẻ trung, đeo khẩu pháo cối trên vai đi trong cánh rừng hoàng hôn đẹp như cinema. Đêm về bên ngọn đèn dầu, các anh lính đặc công và các cô gái trò chuyện cùng nhau, trong sáng không xảy ra điều gì. Có lần đi theo đoàn quân của ông có một cô bác sĩ. Một buổi trưa thấy bắp chân cô gái cứ xanh dần theo màu lá rừng vì thiếu chất, khi đó ông chỉ muốn cúi xuống hôn những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên bắp chân đó. Qua một trận ốm sốt rét nằm li bì hai ngày, tỉnh dậy ông đuổi theo đơn vị, hỏi cô bác sĩ ấy đâu. Được tin, cô ấy rẽ về miền Trung rồi, bỗng chốc Chu Lai cảm thấy cuộc đời tan nát. Sau này, ông xuống Lái Thiêu, Thủ Đức tiếp xúc những cô gái giao liên du kích, y tế, kể cả đặc công… Hình ảnh họ, những người phụ nữ trong chiến trận đã làm cho ông "vỡ ra một mảng văn chương".

Nhà văn Chu Lai là một người đa tình. Ông bảo rằng, ông biết yêu thời còn phổ thông. Vượt Trường Sơn ra trận, ngoài tâm thế của một đấng nam nhi trước thời loạn lạc, ông còn vì một lý do: Ông có một tình yêu đẹp kiểu học trò trong những năm đại học. Ông ra đi để thoả chí trai và đi để cho đôi mắt cô người yêu ngày ngày nhìn vào ông bớt phần xem thường. Hành trang gió bụi ông mang theo là lời thề non hẹn biển về sự đợi chờ của cô Hoa khôi trường Trưng Vương vào một ngày trở về chiến thắng. Nhưng khi ông trở về, mọi sự đổi thay, cuộc đời không bao giờ giống như trong sách, sự đợi chờ báo đáp bằng việc nàng đã mang… con của người khác đến thăm ông. Ông tặc lưỡi, mười năm ra đi không một mẩu thư để người con gái đẹp ở nhà thì khác gì để chiếc xe đạp Pơ-zô không khóa ở Bờ Hồ. Ông không đau đớn vì đó chỉ là một "mất mát" nhỏ của ông trong những mất mát chung của cả dân tộc. Sau này, ông đã gặp, đã yêu và kết hôn với nhà văn Vũ Thị Hồng, người phụ nữ vốn là một phóng viên chiến trường xinh đẹp, đảm đang, người đã có một sức hút mãnh liệt đối với Chu Lai. Họ là hai cá tính mạnh, tưởng là sẽ "đẩy" nhau ra, song lại có quá nhiều điểm chung: cùng chiến trường, cùng cấp bậc quân hàm, cùng nghề nghiệp… Và, như nhà văn Chu Lai nói đùa sau lần đưa vợ đi mổ ở viện về, đây bắt đầu giai đoạn hai người tựa lưng vào nhau chống đỡ bệnh tật của tuổi già…

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Vì chiến tranh, suýt… ế vợ

Những ngày tháng tư này, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm về tác phẩm "Đối chiến" của nhà văn Khuất Quang Thụy, cuốn tiểu thuyết giúp người đọc có một cái nhìn nhân văn hơn về chiến tranh, về cuộc sống, về con người trong chiến tranh.
Nhà văn Khuất Quang Thụy được bạn bè gọi là người đa năng vì ông viết đủ các thể loại. Là nhà văn của những cuốn tiểu thuyết bề thế nhưng ông lại giật 3 giải nhất dành cho… thơ, kịch bản chèo và truyện ngắn trong cùng một năm. Trong những năm chiến tranh, duyên số thế nào mà ông chưa có lấy một "mảnh tình vắt vai". Sau khi chiến tranh kết thúc, ông mới trở về quê tìm… vợ để mẹ già ở quê có cháu bế bồng.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy có lần kể lại câu chuyện tìm vợ của bậc đàn anh Khuất Quang Thụy như sau: Khi chiến tranh kết thúc, nhà văn Khuất Quang Thụy trở về quê tìm vợ. Liền một lúc ông đã bị 4 cô gái ở Phúc Thọ, Hà Tây (nay là Hà Nội) từ chối bởi 3 lý do: Thứ nhất Khuất Quang Thụy mới chỉ là… Thượng sĩ (gần chục năm chiến đấu mà chưa lên úy nghĩa là chậm tiến bộ rồi). Thứ hai, họ chê anh "quê mùa" hơn cả những gã… nhà quê, vì sau chục năm chiến chinh nếm đủ mùi đói khát, đạn bom, sốt rét…, "nhan sắc" Khuất Quang Thụy bị "xuống cấp", gầy, đen chứ không được "vượng" như bây giờ. Thứ 3, bà mẹ Khuất Quang Thụy sau bao nhiêu năm mòn mỏi ngóng con đã sinh đau ốm liên miên, sẽ là một gánh nặng đáng sợ, nhất là sau ngày cưới, chồng sẽ lại vác ba lô lên vai ra đi chưa biết lúc nào về. Giữa lúc Khuất Quang Thụy đang thất vọng não nề vì chuyện đại sự không thành thì có một cô gái xinh đẹp tên Liên tình nguyện lấy chàng "thượng sĩ quèn". Chỉ đúng một năm sau ngày cưới vợ, tiểu thuyết "Trong cơn gió lốc" được in với số lượng 5.000 bản thì cái tên Khuất Quang Thụy đã vang khắp nước. Đến lúc ấy thì 4 cô gái kia (đều đã lấy chồng là thợ cày) mới giật mình tiếc nuối vì đã đánh mất cơ hội ngàn vàng làm vợ nhà văn. Một lần, chia sẻ với các bạn, chị Liên đã an ủi họ rằng: "Đừng có tiếc! Thực sự thì làm vợ nhà văn, mà lại là nhà văn - người lính thì không sướng như các bạn tưởng đâu… Chồng người ta hết việc cơ quan là về nhà quần đùi áo may ô cuốc đất trồng rau, chăn gà nuôi lợn, còn chồng tôi thì… nhìn kìa, mỗi tuần về thăm nhà được có một ngày, mà chỉ biết ăn xong là nằm khểnh đọc sách! Thơ mới văn mà làm gì. Cứ như anh X, anh Y kia, chủ nhật nào cũng đạp xe vào rừng chặt củi, đỡ được cho vợ cái khoản tiền phải mua chất đốt, đằng này…".

Bây giờ cuộc sống đã khấm khá, nhà văn Khuất Quang Thụy cũng đã trở thành một tên tuổi trong làng văn, song, nhắc về những kỷ niệm những ngày chiến tranh ấy, bao giờ ông cũng thấy mới như ngày hôm qua…

___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét