Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Những chấn động nhục cảm trong văn học gần đây

Đoàn Minh Tâm

Sau năm 1975, khi hoàn thành sứ mệnh cao cả trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nền văn học Việt Nam đã có những bước chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới. Những đề tài, nhân vật, lối viết… trước kia vốn thuộc vùng “ngoại biên” nay có điều kiện xích lại dần vào “trung tâm” của đời sống văn học, trong đó những yếu tố liên quan đến tình dục, nhục cảm có bước dịch chuyển mạnh mẽ nhất. Nếu như ở những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước – thời điểm đánh dấu sự đổi mới tiểu thuyết Việt Nam, những yếu tố này còn xuất hiện một cách khá dè dặt trong các tác phẩm của Bảo Ninh, Lê Lựu… thì tại thời điểm này nó đã phát triển với tất cả những gì đáng kinh ngạc nhất, tạo nên không ít những cú sốc tâm lý cho những độc giả vẫn giữ tâm lý tiếp nhận văn học hình thành từ thời văn học chống Mỹ. Sau khi xuất bản năm 2005, tập truyện ngắn Bóng đècủa nhà văn Đỗ Hoàng Diệu đã gây nên nhiều cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nhà chuyên môn, các bạn đọc về những trang viết về sex có tính chất loạn luân. Tiếp theo Bóng đè, văn đàn Việt liên tiếp chứng kiến sự đổ bộ ào ạt của các nhà văn trẻ vào địa hạt nhạy cảm này. Các tiểu thuyết Blogger của Phong Điệp, Họ vẫn chưa về của Nguyễn Thế Hùng, Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy, Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thụy…đều có những trường đoạn miêu tả cảnh ái ân, nhục cảm trực diện và táo bạo. Nhưng nổi đình nổi đám hơn cả trong số tiểu thuyết viết về sex của các cây bút trẻ phải kể đến Nháp của Nguyễn Đình Tú và Song song của Vũ Đình Giang. Ở Nháp có những đoạn miêu tả cụ thể, tỉ mỉ đến mức sống sượng về dụng cụ khoái cảm của con người, đầy rẫy những cảnh phòng the. Những suy nghĩ, mặc cảm, dằn vặt của các nhân vật trong Nháp phần lớn cũng xoay quanh vấn đề tình dục… Tất cả làm cho không ít bạn đọc bị ngợp trong một bầu không khí toàn những da những thịt, những ái ân, dục vọng mà quên khuấy mệnh đề tư tưởng “Cuộc đời nháp tôi bằng những số phận” xuyên xuốt tác phẩm được tác giả khéo léo gợi ý ngay ở câu đề từ. Song Song lại gây sốc cho độc giả vì những câu chuyện xoay quanh đề tài đồng tính được kể lại bằng một giọng văn lạnh lùng như muốn chạm đến giới hạn tột cùng của sự vô cảm. Tuy nhiên các nhà văn trẻ không phải là những người duy nhất tạo nên những chấn động nhục cảm trong văn học thời gian gần đây. Những bậc tiền bối, đàn anh của họ cũng không hề thua kém ở lĩnh vực này.

Cách đây hai ba năm, nhà văn Nguyễn Bình Phương trình làng cuốn tiểu thuyết thứ 5 có cái tên là lạ Ngồi. Sách vừa ra nhiều bạn đọc cũng choáng vì thay cho một Nguyễn Bình Phương huyền ảo đến quái dị trong Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, một Nguyễn Bình Phương mơ màng, lãng mạn trong Trí nhớ suy tàn, một Nguyễn Bình Phương chặt chẽ, khúc triết trong Người đi vắng là một Nguyễn Bình Phương đầy nhục cảm bản năng trong Ngồi. Cùng độ tuổi với Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Đình Chính cho xuất bản cuốn Ba lô online. Sách được đăng tải từng phần trên mạng và bạn đọc nhiều phen mướt mát với những trường đoạn mô tả tội lỗi nguyên thủy của loài người. Gần đây nhất, lão nhà văn Bùi Bình Thi vừa xuất hiện với tiểu thuyết Dại tìnhviết về đời sống tình dục của những cô gái trẻ. Cuốn tiểu thuyết có những cảnh nóng “ác liệt” đến mức không chỉ bạn đọc mà cả cơ quan chức năng cũng phải lên tiếng. Với sự “đồng hành” của mấy thế hệ cầm bút rõ ràng đây không còn là những sự kiện mang tính chất cá nhân mà đã là một trào lưu viết của một bộ phận cộng đồng văn chương Việt.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trào lưu trên? Theo chúng tôi còn có nhiều nguyên nhân khác đến từ yếu tố văn học và phi văn học. Theo nhiều chuyên gia xã hội học và tình dục học, xã hội Việt Nam đang ngấm ngầm diễn ra một cuộc cách mạng tình dục. ÔngNguyễn Thiện Trưởng, Phó chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn[1] đã cho biết, thanh niên có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên của thanh niên Việt Nam hiện là 17,8 tuổi (kết quả điều tra cách đây 5 năm cho thấy, tuổi quan hệ tình dục là 19,6 tuổi). Mặt khác, quan niệm của xã hội đối với vấn đề này không còn khe khắt như trước. Những diễn đàn giới tính, những cuốn sách nói về kiến thức tình dục xuất hiện ngày càng nhiều. Mọi người đã bước đầu cởi mở và nghiêm túc hơn trong những câu chuyện liên quan đến tình dục. Và khi xã hội đã có sự chuyển mình như vậy, văn học – vốn nhạy cảm với những thay đổi trong xã hội – viết nhiều về tình dục cũng việc dễ hiểu. Tuy nhiên nguyên nhân chính theo chúng tôi nằm ở sự phát triển nội tại của đời sống văn học. Những nguyên nhân này có thể tóm lược như sau.

Thứ nhất, về tâm lý sáng tác. Sau một thời gian dài không được và không nên nói đến tính dục, khi được sáng tác trong bầu không khí thoải mái hơn, không ít nhà văn có tâm lý viết bù, viết cho thỏa thích những điều trước kia mình muốn nhưng chưa viết được, trong đó có vấn đề tính dục. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập như hiện nay, có không ít các nhà văn – nhất là các nhà văn trẻ - chịu ảnh hưởng từ các cây bút nước ngoài, trong đó có những tác giả viết về tính dục với mật độ dày đặc như Michel Houellebecq, Elfriede Jelinek, Murakami Haruk… Bên cạnh đó, dòng văn học trẻ lingleng và những tác phẩm vừa đậm chất sử thi vừa đậm chất tính dục của Mạc Ngôn, Giả Bình Ao ở Trung Quốc kề bên cũng có tác động ít nhiều đến giới cầm bút Việt Nam. Do đó, viết về tính dục vừa nằm trong nhu cầu giải tỏa sự bức xúc kìm nén bấy lâu nay vừa như một cách thể hiện sự hội nhập vào văn học thế giới của một bộ phận nhà văn Việt Nam.

Thứ hai, về tiếp nhận văn học. Không thể phủ nhận một thực tế rằng với việc viết về tính dục, nhà văn dễ “lôi kéo” được bạn đọc đến với tác phẩm của mình hơn. Độc giả muôn đời vẫn luôn tò mò và hào hứng với những câu chuyện liên quan đến tính dục. Với tầng lớp bạn đọc phổ thông, không ít người chỉ chịu bỏ tiền ra mua sách khi nghe biết rằng tác phẩm này đề cập tới vấn đề “nhạy cảm” nhiều lắm, hay lắm. Tầng lớp bạn đọc này chiếm số đông trong số bạn đọc và khi họ đã thích, đã tìm đọc nhiều thì “nấc thang lên thiên đường” của nhà văn chẳng mấy chốc mà thành hiện thực. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng số nhà văn có suy nghĩ như vậy không nhiều.

Thứ ba, và cũng là nguyên nhân chính yếu nhất, nằm ở yếu tố nghệ thuật.
Như đã trình bày ở trên, tuy xã hội ta hiện tại đã cởi mở hơn về chuyện tính dục, tình dục đã được “giải thiêng”, được nghiên cứu dưới ánh sáng của khoa học, nhưng chúng tôi cho rằng trong “vô thức tập thể” của mỗi người dân Việt Nam tính dục vẫn là một điều gì đó vừa thiêng liêng, cao cả, vừa trần tục, thô thiển; vừa là một đặc ân vừa là một tội lỗi; vừa đem lại khoái cảm bậc nhất vừa đem lại mặc cảm lớn lao nhất. Đến giờ, mặc ngày thường phóng túng thế nào nhưng trước những ngày trọng đại, người Việt Nam thường vẫn không (dám) quan hệ để giữ gìn thân thể và tinh thần được trong sạch. Đến giờ không ít người Việt vẫn có quan niệm giải đen, giải xui, chữa bệnh bằng việc quan hệ với trinh nữ…Đối với người Việt tính dục không đơn thuần chỉ là tính dục. Nó còn ẩn chứa trong đó nhiều giá trị văn hoá, tinh thần, quan niệm về đạo đức, cuộc sống... Và các nhà văn - bằng sự nhảy cảm thiên bẩm – đã ý thức được vị trí đó của tính dục trong vô thức người Việt. Vậy nên họ không ngừng khai thác tối đa tính dục với tư cách mộtcông cụ nghệ thuật tiện ích và hiệu quả. Tính tiện ích thể hiện ở chỗ chỉ với một hành vi tính giao tùy từng ý đồ sáng tác nhà văn có thể lồng trong đó nhiều tư tưởng khác nhau, một kiểu n trong 1. Ở khía cạnh này, tính dục được nhà văn sử dụng với tư cách cái biểu đạt. Mỗi hành vi tính giao được quan niệm như một đoạn mã nơi các nhà văn gửi gắm vào đó những tư tưởng sâu kín nhất mình muốn chia sẻ cùng người đọc. Đằng sau hành vi khoái lạc có thể là mặc cảm giống nòi, mặc cảm thân phận, những chấn thương tinh thần tuổi ấu thơ, hoặc giả là sự đê tiện, những toan tính của con người, là hạnh phúc, là tình yêu hoặc thậm chí là sự trống rỗng, vô định hoang hoải….Dường như tất cả các trạng huống cảm xúc của con người đều được các nhà văn dồn nén trong hành động nguyên sơ bản năng nhất này. Tính dục như một giọt nước để qua đó người ta nhìn thấy cả biển cả tâm hồn.

Tính hiệu quả thể hiện ở chỗ các tư tưởng không chỉ được truyền đạt đến độc giả bằng hình thức quyến rũ nhất mà còn tác động mạnh mẽ đến họ trên dải tình cảm rộng lớn trải dài từ hiện tại đến những xúc cảm ngủ vùi trong chốn sâu thẳm xa xưa. Sức mạnh đó không phải một công cụ nghệ thuật nào cũng có được. Và để tăng thêm tính hấp dẫn, tính hiệu quả, nhiều nhà văn cũng đã khai thác tính dục ở khía cạnh cái được biểu đạt. Tính dục được họ coi là một đối tượng nghệ thuật cần phải chinh phục. Việc miêu tả tính dục sao cho hay, khéo được xem như một trong những thước đo tài năng của nhà văn. Có thể thấy, các nhà văn đã huy động đến mức tối đa vốn từ vựng của mình vào việc miêu tả hành vi tính dục và chúng ta có thể bắt gặp tất cả sự phong phú, đa dạng, tinh tế, linh hoạt, biểu cảm của ngôn ngữ Việt trong việc miêu tả này.

Về mặt lý thuyết, khi cả hai phương diện cái biểu đạt và cái được biểu đạt của tính dục được nhà văn miêu tả hài hòa, ăn khớp tạo nên một nhịp hô ứng cộng hưởng thì lúc đó hiệu quả nghệ thuật sẽ đạt đến mức tối đa, có sức ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng. Ngược lại, nếu có độ vênh giữa hai yếu tố trên sẽ tạo ra những nghi vấn, hoài nghi và dẫn đến những tranh cãi liên miên không có hồi kết xung quanh tính dục như nghệ thuật hay khiêu dâm; truyền đạt “tư tưởng” hay “câu khách rẻ tiền”, có tác động xấu hay tốt đến hưởng đến thẩm mỹ bạn đọc, có làm băng hoại đến đạo đức, truyền thống dân tộc hay không… Những tranh cãi tạo nên sự mệt mỏi cho người được và bị tranh luận, gây hoang mang cho số đông bạn đọc vì không rõ mình đang đọc cái gì.

Dù chưa có điều kiện khảo sát kỹ lưỡng, toàn bộ nhưng chúng tôi cho rằng nhiều tác phẩm văn học đương đại chưa đạt được sự toàn bích nên những cuộc tranh luận như trên trong tương lai vẫn sẽ diễn ra dài dài. Do vậy, điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là các nhà văn khi viết về tính dục hãy cân nhắc kỹ càng, hãy để tác phẩm của mình khi ra đời là một “chấn động nghệ thuật” chứ đừng là một “chấn động nhục cảm”.

(Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ)
______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét