Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Người nhẹ vía

Truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng

Chẳng biết tự khi nào và ai là người đầu tiên phát hiện ra thằng cu Còi con nhà Cọc là người nhẹ vía nhất trong làng, chỉ biết rằng cứ mỗi buổi chợ phiên, là thằng Còi cứ giả đò thơ thẩn trước cổng làng, quang gánh hàng chợ của các bà, các chị đi qua là thằng Còi cũng phải giả đò chạm vào, hai bên đều giả đò nhưng đầy chủ ý như thế, như thế và cứ như thế đã nhiều năm nay thế mà ai cũng mua may bán đắt cả. Cũng có nhiều buổi sáng mùa đông giá rét, vợ chồng nhà Cọc không cho con ra đầu làng hay do thằng cu Còi ngủ nướng trong giường quên dậy thì buổi chợ mất hẳn phần tự tin, trưa chợ thể nào cũng có vài người phải thất thểu gánh rau ế với chè héo về nhà. Thế là cũng chả biết tự khi nào và là sáng kiến của ai, cứ mỗi đợt đông về, người ta lại mang đến tặng cho thằng cu Còi con nhà Cọc những bộ quần áo ấm và rồi dặn như thế, như thế và như thế. Ngày ấy, ngày ấy và ngày ấy cháu nhớ giả bộ ra đứng thơ thẩn đầu làng và cứ như thế, như thế và như thế nhé. Người đi chợ đông, quần áo Còi mặc không hết, vợ chồng nhà Cọc bán bớt cho tiệm buôn đầu làng và cứ như thế, như thế và như thế, rất nhiều bộ quần áo cứ chạy vòng tròn từ nhà vợ chồng nhà Cọc ra tiệm buôn rồi từ tiệm buôn đến tay người đi chợ từ người đi chợ lại quay về nhà vợ chồng Cọc. Khi tiếng tăm thằng Còi con nhà Cọc nhẹ vía đã lan khắp làng trên xóm dưới thì hàng ngày Còi không chỉ sờ vào quanh gánh người đi chợ nữa mà trong làng ai muốn bán con trâu, con bò hay con lợn cho mau, cho được giá đều mời Còi đến rồi Còi lại giả đò khen con vật cần bán một câu, thế là hôm sau y như rằng sẽ có người đến hỏi mua và gia chủ bán được món hời. Từ bột phát đã trở thành nghề, có thằng con nhẹ vía, vợ chồng nhà Cọc từ đó đời sống cũng đỡ vất vả hơn.
Năm lên tám tuổi, thằng Còi gặp một ca khó, khó nhất từ trước đến nay, khó đến nỗi người nhờ và người được nhờ tưởng đã phải bó tay. Số là xóm trên có o Hường con bà cháu Hòe ngồi cồn đã ba mươi năm nay mà chưa ai chịu rước. Ở làng ba mươi tuổi chưa chồng coi như ế, từ được gọi bằng em rồi lên chị chuyển sang o coi như cầm chắc cái ế. Không nỡ để tuổi xuân con ra đi vĩnh viễn và mang theo cái sướng muôn đời đi theo, bà Hòe đánh đường xuống nhà vợ chồng Cọc, ba săn bảy sóc nhờ bằng được cu Còi về nhà mình. Nể tình, Còi lên, tay vuốt má o Hường, miệng khen o Hường đẹp dù trong con mắt của đứa trẻ trai lên tám vẫn biết là mình đã nói dối, đã nói không thật, đẹp thì đã có người rước từ lâu chứ đâu cần đến tay vuốt với miệng khen của cu Còi. Nghề mà, nghề thì phải khen thôi, đã ra tay giúp thì phải giúp cho đến nơi đến chốn. Nhưng cho dù cu Còi đã nhiệt tình hết cỡ nhưng o Hườâng phòng không vẫn hoàn phòng không, ngồi cồn vẫn kiếp ngồi cồn. Đôi mắt già đã qua một thời cháy rực lửa ân ái của bà Hòe lộ rõ sự âm u, ai oán, hoang mang và thất vọng. Bà buồn thay cho con gái, đã đành là xấu nhưng cũng đầy đủ một dưới hai trên, đứa nào lấy nó cũng có cái xỏ cái vò, lắm lúc bà phải than thở với lũ trai làng “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tức đất, tức vàng bấy nhiêu”. Đã hết cách vậy mà cái sướng ngàn đời vẫn còn rong chơi ở tận đẩu tận đâu. Nhưng không lẽ đành bất lực bó tay ngồi nhìn cái tuổi nó đuổi xuân đi nơi con gái. Và rồi đã quyết, lần này bà Hòe không dám đến nhà vợ chồng Cọc nhờ cu Còi nữa mà đợi lúc cu Còi dắt bò ra bãi soi thả, làm như vô tình mẹ con bà chắt Hòe cũng xống áo ra sông tắm. Trưa hè nắng gắt, mẹ con bà và thằng cu Còi đội cả trời nắng trưa để ra sông. Vấn tóc dắt tai rồi bà chắt Hòe khoan thai cởi yếm, hai trái mướp già trước ngực bà được dịp xổ ra lơi lả cùng nước sông mát như thạch. Trên nắng, dưới nước, ở giữa có đôi mắt thằng cu Còi. Cởi yếm mình xong, bà chắt Hòe nhìn sang con gái vẫn còn đầy đủ áo xống đứng trân trân mặc cho nước lả lơi vơi vít hai ống quần. Điên tiết, bà nhay con qua hai kẽ răng:
- Đồ thối thây, có mau cởi ra không thì bảo.
- Con ngượng lắm người ta thấy, công lao giữ gìn ba mươi năm nay - O chắt Hường thẹn thùng tính không nói chỉ nam mô A Di Đà nhưng sợ mẹ nhay nên đành trả lời vậy.
- Đồ ngu, có phải mả tổ đâu mà giữ rịt như thế, làm hoa để người ta hái, làm gái để thiên hạ người ta nó vần vò con ạ, ba mươi tuổi mà chưa có thằng nào nó vần vò coi như là chưa sống, chưa sống thì sẽ không lớn nổi thành người. Không thành người vậy mà không biết nhục hả con. Tôi đây lấy chồng từ thuở mười ba, đến năm mười tám em đà năm con, ra đường em hãy còn son, về nhà em đã năm con cùng chàng. Đến giờ tôi vẫn còn hận bố cô đấy, hương lửa đang mặn nồng thì tự dưng một ngày lập xuân mưa rơi thế mà ông ấy trốn xuống âm phủ. Lấy chồng từ thuở mười ba, mười ba tuổi đã biết vậy mà vẫn tiếc, biết thế còn sớm hơn. Cởi mau không thằng Còi đuổi bò về bay giờ.
Vừa sợ mẹ, vừa cũng muốn sớm được biết cái sướng chưa một lần biết mà luôn nghe qua mấy cái mồm thêu dệt của mẹ, của mấy bà nạ dòng, của đám đàn ông có bộ râu dê, o chắt Hường tần mần tỉ mẩn lần từng cúc áo một. Đôi mắt đàn ông trên khuôn mặt của thằng bé tám tuổi chuyển từ hai quả mướp già sang hai cái bánh bao có lẽ người làm bánh lơ đãng cho vào quá nhiều bột nở. Lại còn sông, còn nước, còn mái tóc o Hường nửa như e nửa như ấp, còn một nửa lý lơi làm cho khuôn mặt o đỏ tứng lựng lên. Lạ, đàn bà dù có xấu đến đâu khi ướt cũng nhìn thấy xinh. Lạ, đàn bà dù xấu đến đâu khi thẹn nhìn cũng thấy có duyên. Thằng cu Còi cứ đứng đực mặt như ngỗng ỉa, dớt dãi chảy đầy ngực, nó không thể lý giải nổi, để làm gì thì nó cũng không thể biết nhưng mắt nó không thể rời ra được nữa rồi. Hai cái bánh bao đó chắc chắn không thể làm nó no bụng, nhưng con mắt thì no, con mắt thì cứ muốn nhìn, hai tay cứ muốn ngọ nguậy, muốn nắm, mấy ngón cứ muốn duỗi ra rồi lại co vào. Nó đánh rơi cái roi chăn bò khi nào không hay không biết, nó bóp nát cái nón mê đội đầu khi nào không biết không hay. Phải đến một lúc lâu sau, lâu là bao lâu thì thằng cu Còi cũng không biết, nó bỗng giật mình khi nghe tiếng kêu: “Con nhà Cọc mải chơi đâu để bò ăn hết ngô rồi này”. Hóa ra trong lúc Còi bận nhìn hai cặp vú thả rông thì con bò cũng được thả rông đi tìm ngô non để ăn. Nghe tiếng kêu cu Còi mới giật mình ù té chạy đi tìm bò trả lại hai cặp vú thả rông cho dòng sông đang thơ thới chảy.
Thằng cu Còi đã chạy đi nhưng o Hường vẫn cứ đứng phô phang hai trái bánh bao có quá nhiều bột nở ở đó. Và hình như ánh mắt, ánh mắt hồi nãy không phải là của đứa bé chăn bò mới tám tuổi đầu? Ánh mắt đó hình như vẫn còn, vẫn còn đọng lại trên da thịt nhạy cảm, thơ thới, thẩm thỉ của o Hường. Anh mắt đó đã có mấy bận đậu lại trên da thịt o trong những lần hiếm hoi o trễ nải áo xống đi qua đám đàn ông chán vợ. Và o vẫn đứng mặc cho nước lý lơi bơi sấp ngửa giữa hai ống chân quần. Mãi đến lúc bà Hòe lên tiếng: “Đồ thối thây, giờ thì khép lại được rồi, khi bảo cởi thì không cởi, lỡ cởi ra rồi không muốn đậy lại nữa à” thì o mới lại giật mình nhưng không mặc lại áo, o nhảy đổng lên rồi lặn ùm xuống sông, ngực miết miên man vào cát. Nước, cá và cát làm người o nóng lên, nước chỗ o lặn sôi sung sùng sục, cá dại dột nổi bụng chết trắng sông. Được một lúc, nước bớt sôi o cũng trồi lên, trồi lên, trồi lên rồi nây nẩy, nhấp nhô lượn theo sóng sông o thả trôi mình theo dòng đang ỡm ờ chảy xuôi. Bà Hòe đứng nhìn, ánh mắt vừa thương cảm vừa ganh tị với sự phô phang, phập phồng, phốp pháp, phơi phới, phì phạch có phần phờ phạc của con gái.

*
* *

Sau lần ấy, thật là trái khoáy, người về nhà chồng lại là bà Hòe. Còn o Hường thì vẫn luôn phập phồng, nhấp nha nhấp nhổm như ngồi phải cọc mỗi lần thấy bóng đàn ông đi gần đến ngõ nhà mình. Vậy mà không vẫn tịnh không, phòng o vẫn trơ vẫn trống. Sau lần đó, thằng cu Còi hay chăn bò ở bờ sông hơn, sông vẫn đầy sóng mà o Hường thì đã thôi giặt áo ở bờ sông. Chiều muộn thơ thẩn buồn chờ mãi mà người không đến, cu Còi ngồi buồn rồi phủi đít đuổi bò đi vòng xóm trên về chuồng. Đường gần Còi cứ đi vòng cho xa, lối này lắm bưởi nhiều hoa (đi vòng là để qua nhà đó thôi)(*). Nhưng qua nhà để làm gì thì chính cu Còi cũng không biết nữa. Cho đến một buổi chiều muộn, như mọi bận, khi qua ngõ nhà o Hường, cu Còi lại thơ thẩn nhìn vào thấy o Hường đang thấp thoáng sau rào râm bụt, tim cu Còi như ngừng đập, phút giây này trái đất cũng ngừng quay, chỉ còn sự đắm say mải mê nhìn của cu Còi, nước miếng lại ướt đẫm ngực áo mục đồng. O Hường biết, o Hường thấy và o Hường gọi Còi vào nhà. Một lần nữa con bò nhà cu Còi được dịp thả rông lại lẻn vào đám khoai lang lá xanh mươn mướt mỡ đang trên vồng của nhà o Hường. Mặc, cu Còi đang bận theo đuổi cặp ngực thả rông của o. Căn mình lớn, vía mình cao, ao mình cạn nên lần trước nó chỉ nhìn thôi thì chưa thể chưa linh nghiệm, lần này cho nó thoa may ra có người đến (chắc là o Hường nghĩ thế). O Hường bảo thoa, ban đầu thì cu Còi sợ lắm, sợ đến vãi cả mồ hôi hột, nhưng khi cu Còi bắt đầu thấy thinh thích thì o Hường chộp vội tay cu Còi ấn xuống. Hết hồn, hết vía như bị điện giật, cu Còi vội giật tay lại rồi hớt ha hớt hải chạy ra khỏi nhà o Hường. Vừa chạy Còi vừa lẩm bẩm: “Quý báu gì cái bàn chải, lạ gì cái bàn chải mà phải giấu trong quần…”
Liều vậy mà được, sau lần ấy thì: “Một năm có lắm là ngày/ Mùa hoa mùa cốm vào ngay mùa hồng/ Từ ngày cô đi lấy chồng/ Gớm sao một quãng đường đồng mà xa/ Bờ rào cây bưởi không hoa/ Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo/ Lợn không nuôi đặc ao bèo/ Gàu không dây chẳng buồn treo vào giàn/ Giếng khơi mưa đọng nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”(*) Cu Còi không về qua ngõ nhà o Hường nữa một phần vì o Hường đã đi lấy chồng và một phần là do cu Còi sợ. Cái sợ của cu Còi giống như cái sợ của đứa trẻ con hiếu động tinh nghịch, một lần nghịch dại bị điện giật, dù chưa đến nỗi chết nhưng đã khiếp mất vía, khiếp đến cả con đường đi qua ngõ nhà o Hường.

*
* *

Hình như cái nhẹ vía của cu Còi chỉ giúp ích được cho người khác, còn bản thân mình thì lại khá hẩm hiu. Tốt nghiệp đại học đã mấy tháng nhưng chẳng ma nào nhận vào làm, đang xắm nắm tính về quê lấy đuôi trâu làm thước ngắm thì có người đến tìm. Khi Còi đang xắm nắm để trưng ra nào là lý lịch ba đời ăn củ chuối, nào là trong họ hàng hang hốc chưa có ai lỡ xỏ nhầm giầy Tây, nào là sinh viên nghèo vượt khó vân vân và vân vân thì ông giám đốc, lấy tay gạt tất cả sang một bên và phán:
- Tất cả những thứ đó cậu giữ lấy làm kỷ niệm.
- Thế ông gọi tôi đến để làm gì?
- Đơn giản thế này, hàng ngày, đúng bảy giờ sáng, anh đến đứng thơ thẩn trước cửa nhà tôi, đợi khi xe tôi đi qua, anh làm như vô tình sờ vào xe tôi một cái, thế là được, hàng tháng tôi trả anh đủ tiền ở trọ và tiền ăn. Bước đầu cứ như thế đã, sau này nếu anh làm tốt, tôi sẽ nhận anh vào công ty làm việc, khi đó lương bổng sẽ tốt hơn.
Hóa ra công lao, tiền của đổ vào mười sáu năm học của cu Còi chẳng là cái đinh gỉ gì nên chẳng ai thèm ngó ngàng tới, cuối cùng họ cần đến cu Còi cũng chỉ là cần đến cái vốn tự có, vốn trời cho của Còi mà thôi.
Thế là từ đó dù trời mưa hay trời nắng, như một cái đồng hồ chuẩn, đúng bảy giờ sáng là cu Còi có mặt trước cửa nhà ông giám đốc. Và cũng từ ngày có cu Còi đứng trước ngõ công việc làm ăn của ông giám đốc phất lên hẳn, ông có nhiều chuyến đi công tác hơn, sau mỗi chuyến đi công tác về mặt mày ông rạng rỡ hơn đồng nghĩa với việc cu Còi cũng được thưởng nhiều hơn. Sau hơn ba tháng làm việc, một ngày như thường lệ, khi xe của ông giám đốc đã đi khuất, cu Còi chuẩn bị về nhà trọ thì bà giám đốc cho người gọi Còi vào. Khi cửa đã đóng then đã cài, trong phòng chỉ còn Còi với bà giám đốc thì bầu tâm sự của người đàn bà đang độ mặn mòi được dịp xổ ra, và như thế, như thế, và còi biết mình phải như thế, như thế và như thế. Hóa ra cái gì cũng có hai mặt của nó, công ty làm ăn phát đạt đồng nghĩa với việc ông giám đốc phải thường xuyên đi sớm về muộn, thế là mảnh ruộng ba bờ nhà ông lâu quá chả được thăm viếng cày bừa tưới tắm gì. Nói vậy cũng hơi quá, thỉnh thoảng ông cũng có quấy quá ghé qua, ghé quá quấy để nhắc chính ông rằng ông đang còn một đám ruộng bỏ hoang cỏ đã mọc lút bờ. Nhưng trò đời thà rằng cứ để cho nó nắng hạn triền miên còn hơn là thỉnh thoảng lắc rắc vài hạt mưa rồi ngừng đất đai như thế sượng sùng cả lên. Chuyện là vậy, hôm nay bà cho gọi Còi lên cũng là vì việc ruộng đồng nhà bà. Bà muốn như thế, như thế và như thế để ông thường xuyên về thăm viếng ruộng nhà hơn. Và cu Còi ngày nay không còn là cậu bé tám tuổi để phải sợ mất vía khi o Hường nhờ lấy cái bàn chải trong quần ra. Vốn con nhà nông dân luôn yêu quý đất đai ruộng đồng, trong lúc làm việc bên tai cu Còi lại văng vẳng câu nhắc nhở của bà Hòe: “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang…” Lần trước thì như bị điện giật, còn lần này như bị nam châm hút, cu Còi không thể rút tay ra được nữa. Đúng là nắng hạn mưa rào, đến gần trưa cu Còi mới được thả tã tượi đi về nhà trọ.

*
* *

Sáng hôm sau vẫn như thường lệ, đúng bảy giờ cu Còi đến và bảy giờ hơn thì chiếc xe bóng loáng của ông giám đốc trườn ra khỏi cổng. Không vội về ngay, ăn quen bén mùi, Còi chần chờ nấn ná thêm mấy phút trước cổng nhà ông giám đốc. Y như rằng, chỉ mấy phút sau, cu Còi lại được bà giám đốc mời vào. Nhưng hôm nay hơi khác với hôm qua, khi cu Còi đang thay ông giám đốc hì hục cày bừa cho kịp vụ cấy thì chuông điện thoại để đầu giường của bà giám đốc reo vang. Còi tạm được nghỉ giữa buổi cày để bà giám đốc nói chuyện.
Nhưng mới nói được có mấy câu thì chiếc điện thoại của bà đốc rơi đánh bốp xuống nền nhà, đồng thời cu Còi cũng bị đạp văng ra khỏi ruộng đồng nhà bà.
Ông giám đốc bị bắt vì một phi vụ làm ăn, công ty bị tịch biên, cu Còi cũng từ đó mất việc làm. Thôi thì quê hương chốn thanh bình mà thẳng tiến, nhưng khác với ngày xưa, giờ đây mỗi sáng ai lỡ gặp phải cu Còi thì hàng ế sưng ế sỉa không tài nào bán được, đốt vía cũng không xong, lấy nước giải bôi vào cũng chẳng được.
__________________________
(*) Thơ Nguyễn Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét