Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Văn học Việt Nam có quá tự ti?

Tại sao văn học chúng ta không có tác phẩm lớn? Đó là câu hỏi và cũng là trăn trờ của các văn gia nước nhà.

Nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội thảo nhân 100 năm ngày mất của Tolstoi đã phân tích về quá trình tìm “đường sống” trong tiểu thuyết của đại văn hào Nga và cho rằng, sở dĩ Chiến tranh và Hòa bình đạt tới tầm mức vĩ đại như thế vì nó may mắn được Tolstoi sáng tạo không như một pho sử thi, một bản hùng ca về cuộc kháng chiến 1812, mà như một tác phẩm về nhân dân, một nhân dân không theo nghĩa xã hội học, mà theo nghĩa tự nhiên học, bản thể học.
Và ông đi đến một kết luận “hiển nhiên” rằng, chúng ta chưa có tác phẩm lớn vì vẫn xem văn học về hai cuộc kháng chiến là văn học sử thi (theo ông chỉ Nỗi buồn chiến tranh thoát khỏi phạm trù này). Và chúng ta chưa thể hi vọng chừng nào chưa tự nâng mình lên, chưa dấn thân vào cuộc tìm kiếm cao quí “tìm cách “làm người”” cho đến khi gục xuống tại một ga xép, như Tolstoi.
Trong nghệ thuật không thể có một cách hiểu duy nhất đúng, như ông nhiều lần tuyên bố. Vì thế tuy là kẻ ngoại đạo, nhưng tôi cũng mạo muội đưa ra quan điểm riêng về việc thiếu vắng các tác phẩm văn nghệ xứng tầm với hai cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc. Có thể hiện nay nhiều người không muốn nhắc tới sự thần kì, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, sự tồn tại của người Lạc Việt trước sự Hán hóa trước kia và sự thực dân hóa mới đây thực sự là một kì tích có một không hai trên thế giới. Xin hỏi các tộc Việt khác trong Bách Việt xưa, từng chiếm lĩnh cả lưu vực rộng lớn phía nam sông Dương Tử, nay ở đâu?
Để trao đổi với Nguyên Ngọc, tôi xin trình bày một số lập luận có thể là thô thiển dưới đây, rất mong bạn đọc cho ý kiến.

1. Nhân dân theo nghĩa nào, xã hội học hay tự nhiên học?

Xin nhắc lại chuyện cũ hơn 20 năm trước, khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Khi đó nhiều nhà văn cho rằng, nghệ thuật cùng ở thượng tầng kiến trúc như chính trị, nên không thể bị chính trị chi phối. Rõ ràng là có sự nhầm lẫn giữa chính trị và tư tưởng chính trị. Chính trị không chỉ là hệ tư tưởng, mà còn là các thiết chế vật chất và tinh thần để hiện thực hóa hệ tư tưởng đó. Vì thế chính trị chi phối toàn bộ hoạt động của con người, tuy mức độ khác nhau đối với từng giai tầng hay từng cá thể. Nguyễn Khải từng viết rằng, với số rất ít, chính trị là quyền lực, với số rất đông, chính trị là thái độ.
Theo tôi những ai băn khoăn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị nên tìm đọc Trần Đức Thảo. Theo triết gia số một của chúng ta, bản chất sinh học của con người là nhân bản. Tuy nhiên từ khi chính trị xuất hiện, con người nhân bản lặn sâu xuống hàng thứ hai, nhường hàng thứ nhất cho con người chính trị. Một nhà hiền triết phương Tây cổ đại, hình như là Socrate, cũng xem con người là một động vật chính trị. Và khi cố gắng tách văn chương khỏi chính trị, chính con người chính trị của chúng ta đang lên tiếng.
Nguyên Ngọc cho rằng, Chiến tranh và Hòa bình không phải là pho sử thi hay bản anh hùng ca về chiến tranh, mà là một tác phẩm về nhân dân, một nhân dân không theo nghĩa xã hội, mà theo nghĩa tự nhiên hay bản thể. Nhận xét đó có nhiều điểm đáng bàn. Phải chăng nhà văn quan niệm, sử thi hay các bản hùng ca không phải là tác phẩm về nhân dân? Và tại sao chỉ khía cạnh tự nhiên, chứ không phải phạm trù xã hội, mới thuộc bản thể con người?
Về quan niệm văn chương viết về hai cuộc kháng chiến là văn chương sử thi, nên không thể có tác phẩm lớn, vì là kẻ ngoại đạo, tôi xin nhường lời cho giới nghiên cứu văn học. Tôi chỉ bàn xem phạm trù xã hội có thuộc về bản chất con người hay không.
Dường như sau xu hướng tách con người chính trị trước kia, nay lại xuất hiện xu hướng muốn tách con người xã hội khỏi văn chương? Tôi thực sự không hiểu tại sao lại có xu hướng đó. Phải chăng nhiều người không đồng ý với Marx, khi ông xem con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội? Có thể Marx quá nhấn mạnh khía cạnh xã hội của con người, nhưng bác bỏ quan niệm đó là một sai lầm lớn, như khoa học cuối thế kỉ XX chứng tỏ. Không nên quên rằng, một số giới khoa học tinh hoa tại Mỹ xem Marx là nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất tới tư duy hiện đại, cùng Einstein (về tiến hóa vũ trụ), Darwin (về tiến hóa sự sống) và Freud (về tiến hóa tâm trí).
Bản chất con người là gì, tự nhiên hay xã hội? Đó là câu hỏi từng gây tranh luận gay gắt trong suối tiến trình lịch sử nhận thức nhân loại, vì những hệ lụy khoa học, tôn giáo, xã hội, thậm chí cả chính trị của nó. Không nên quên rằng, quyết định luận sinh học từng dẫn dắt Hitler tới tội diệt chủng, còn quyết định luận xã hội đã kìm hãm ngành sinh học Xô Viết một thời gian dài. Trong một hội nghị quốc tế tại Mỹ năm 1975, một nhà khoa học ủng hộ quan niệm sinh học quan trọng hơn xã hội trong các loài linh trưởng đã bị đổ nước lên đầu!
Thật may mắn là đến nay nhân loại đã có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta đang là chứng nhân của thời đại chung sống hòa bình (và không hòa bình?) giữa những quan niệm từng không đội trời chung, như phân tích hay tổng hợp trong nhận thức học, ý thức hay vô thức trong tâm trí học, tự nhiên hay xã hội trong sinh học (về bản chất sự sống và tâm trí)… Và chúng ta đã hiểu ra rằng, con người do các yếu tố tự nhiên (hay sinh học) và xã hội (hay môi trường) đồng thời quyết định, với phần đóng góp 50% cho mỗi bên.
Nguyên Ngọc cho rằng, chiến tranh là một công việc kinh tởm, tàn ác đến mức dã thú và chúng ta làm công việc đó thật thiện chiến cốt để khôi phục cuộc sống bình dị của nhân dân, như vị tiểu thư Natasha kiều diễm trở thành một bà mẹ sồ sề nhất định tự mình cho con bú chứ không nhờ đến vú nuôi. Đây là điểm tôi đồng cảm với ông. Có thể tôi dự cảm sai, nhưng dường như một số nhà văn cho rằng, bản chất con người là thiện tính, và chính sự xã hội hóa đã khiến con người trở nên hiếu chiến, với các cuộc chiến tranh bất tận, trong đó ai thắng ai thua thì nhân dân cũng thất bại? Vì thế cần loại bỏ chiến tranh và do đó loại bỏ khía cạnh xã hội, chỉ xem phạm trù tự nhiên thuộc bản thể con người?
Nếu đúng có quan niệm như vậy thì xin thưa rằng, nó hoàn toàn sai xét từ bản chất sinh học và văn hóa của con người. Người nguyên thủy xưa rất hiếu chiến, với các cuộc chiến triền miên giữa các nhóm săn bắt - hái lượm. Vì chỉ có thể nuôi dưỡng không quá vài trăm người, nên các nhóm săn bắt - hái lượm tìm mọi cách tiêu diệt người lạ, mà giọng nói và cách phát âm là cách tốt nhất để phát hiện những kẻ không mong muốn ngay khi họ vừa mở miệng. Và cuộc cách mạng nông nghiệp cùng sự định cư (khởi nguồn của văn minh) chỉ có thể bắt đầu khi các nhóm người hiếu chiến đó tìm được cách chung sống hòa bình với nhau. Nói cách khác, chính quá trình xã hội hóa đã thuần hóa bản năng “hoang dã” của con người. Cùng với số ít loài như ong hay kiến, con người là loài động vật xã hội. Loại bỏ các khía cạnh xã hội trong văn chương chính là loại bỏ bản tính cao quí và độc đáo của con người. Cái cần loại bỏ có lẽ là sự dung tục hóa và tầm thường hóa, như đã từng xẩy ra trong quá khứ.

2. Điều kiện cần và đủ để có tác phẩm lớn?

Cơm áo không đùa với khách thơ, chúng ta đều biết thực tế khắc nghiệt đó. Tuy nhiên mối quan hệ giữa các nhu cầu vật chất và đời sống tinh thần của con người là bài toán không được giải quyết thỏa đáng cho đến khi xuất hiện tháp nhu cầu Maslow trong các lý thuyết về sự phát triển con người.
Được đưa ra từ lâu, tháp Maslow vẫn thường xuyên được trích dẫn. Theo đó, nhu cầu con người xếp thành năm bậc, bậc dưới làm nền cho bậc trên. Dưới cùng là các nhu cầu sinh học như ăn uống, hô hấp, bài tiết… Tiếp theo là nhu cầu an ninh (sức khỏe và sự an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng). Thứ ba là các nhu cầu xã hội (của cải và sở hữu, nhu cầu giao tiếp, mong muốn được thừa nhận, yêu và được yêu…). Tiếp theo là nhu cầu nhận thức và thẩm mĩ (sự hiểu biết, cái đẹp…). Và trên cùng là nhu cầu tự hoàn thiện, khi từng cá nhân cố gắng phát lộ và khai thác đến tận cùng mọi khả năng có thể có.
Cho đến rất gần đây mới có vài phê phán đối với tháp Maslow. Chúng bao gồm: 1) Tháp được xây dựng cho các xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân (phương Tây); vì thế khi áp dụng cho các xã hội đề cao tính cộng đồng (phương Đông), nó có thể không chính xác. Chẳng hạn nhu cầu được cộng đồng thừa nhận tại các xã hội Khổng giáo có thể mạnh hơn các nhu cầu thẩm mĩ hay tự hoàn thiện; 2) Một vài nghiên cứu hơn 20 năm trước cho thấy, các nhu cầu có thể xuất hiện đồng thời, chứ không xếp thành các bậc như Maslow giả định.
Mặc dù vậy, tháp Maslow vẫn là một hệ tham chiếu tốt để khảo sát các nhu cầu con người, nhất là khi lưu tâm đúng mức tới các phản biện.
Là người theo chủ nghĩa duy vật, xem tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cá nhân người viết bài này cho rằng, tháp Maslow khá hữu ích để khảo sát đời sống tinh thần và hoạt động nghệ thuật của một xã hội. Khi một xã hội chưa đảm bảo các nhu cầu sinh lí và an ninh tối thiểu cho các thành viên, không thể hi vọng một cuộc sống tinh thần lành mạnh cho toàn xã hội và các hoạt động sáng tạo sôi nổi cho mỗi cá nhân. Trong một xã hội như thế, nhân tài hiếm như lá mùa thu và xuất hiện hoàn toàn ngẫu nhiên, mang tính tự phát. Đó là lí do sau thời Bách gia chư tử, các xã hội chuyên chế Trung Hoa không thể tạo được các lý thuyết gia đúng nghĩa, khi nhu cầu an ninh của giới trí thức bị vi phạm nghiêm trọng (chẳng hạn chỉ viết một câu thơ trái ý Hoàng đế là có thể mắc tội chết).
Như vậy theo Maslow, các nhu cầu sinh học và an ninh cần được thỏa mãn để làm nền cho các nhu cầu xã hội, thẩm mĩ và tự hoàn thiện. Đó là điều kiện cần để sáng tạo. Vậy điều kiện đủ là gì? Tiếc thay là chúng ta không biết. Chính xác hơn, điều kiển đủ để các tác phẩm lớn xuất hiện hoàn toàn phụ thuộc vào sự may mắn. Tại sao như vậy?
Câu trả lời là vũ trụ của chúng ta vận hành không chỉ theo các qui luật khách quan của tự nhiên, mà còn theo các qui luật xác suất của sự ngẫu nhiên. Đó là lí do Gell-Mall, nhà vật lí đoạt giải Nobel vì mô hình quark của các hạt cơ bản, phát biểu: “Các ngẫu nhiên và các quark giải thích vũ trụ, sự sống và mọi thứ khác”. Khi Đặng Thành Tâm, người giầu thứ ba thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 tuyên bố, 50% thành công là do may mắn, ông đã chạm tới chân lí (một cách vô thức?).

3. Tại sao Lev Tolstoi thành công?

Để lí giải sự thành công của đại văn hào Nga, cần lưu tâm tới các yếu tố cá nhân và cộng đồng trong sự thăng hoa của Lev Tolstoi. Trên phương diện cá nhân, là đại quí tộc, nên ông dễ dàng vượt qua các nhu cầu sinh lí, an ninh và xã hội để vươn tới các nhu cầu thẩm mĩ và tự hoàn thiện, điều kiện lí tưởng để thăng hoa trong sáng tạo. Và hiển nhiên ông có tài năng kiệt xuất, do sự may mắn ngẫu nhiên của số phận (người Việt thường nói là trời cho). Nói cách khác Lev Tolstoi là sự kết hợp vi diệu giữa cái tất định (có điều kiện lí tưởng để sáng tạo) và cái ngẫu nhiên (sở hữu tài năng thiên phú), như một minh chứng điển hình cho một cặp phạm trù nổi tiếng của triết học biện chứng về cách thức vận hành vũ trụ!
Trên phương diện cộng đồng, không nên quên thế kỉ XIX là thế kỉ vàng của văn học Nga, với nhiều tác gia và tác phẩm kiệt xuất. Trong bức tranh toàn cảnh đó, Chiến tranh và Hòa bình xuất hiện như một dấu ấn tận mĩ cho một giai đoạn huy hoàng, hầu như không thể lặp lại, của văn chương Nga, một trong những nền văn chương vĩ đại nhất lịch sử loài người.

4. Tại sao người Việt thiếu dấu ấn sáng tạo lớn?

Nhiều người đã đề cập tới đặc trưng này một cách bi quan. Cá nhân tôi cho rằng, điều đó hoàn toàn dễ hiểu trên tinh thần duy vật hay lý thuyết Maslow. Với điều kiện đất hẹp người thưa, với các cuộc chiến chống ngoại xâm và thiên tai liên miên trong suốt tiến trình lịch sử, toàn bộ tinh hoa của người Lạc Việt phải tập trung cho sự tồn tại của giống nòi. Vì thế chúng ta không còn đủ tinh thần và vật lực cho các hoạt động sáng tạo. Khi mỗi người đàn ông Lạc Việt phải vừa là nông dân vừa là chiến sĩ theo chính sách “ngụ binh ư nông”, vắt kiệt mình cho nhu cầu sinh học và an ninh, họ làm gì còn thời gian, nhiệt huyết và sức lực để theo đuổi các giấc mơ nhận thức, thẩm mĩ hay tự hoàn thiện? Viết trong các cơn đói thắt gan thắt ruột giữa các đợt bom B52 rải thảm, nếu tác phẩm của chúng ta đạt tới tầm Tội ác và Trừng phạt hay Chiến tranh và Hòa bình thì mới là chuyện lạ.
So sánh với người láng giềng phương Bắc có thể giúp hiểu thêm bài toán nan giải nói trên. Với điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi (đất rộng người đông), nền nông nghiệp Trung Hoa tạo được nhiều đại địa chủ, là những người có thể nuôi hàng ngàn thực khách trong nhà, mà Mạnh Thường Quân là một điển hình. Đội ngũ trí thức đông đảo đó có điều kiện hơn hẳn chúng ta để theo đuổi các nhu cầu sáng tạo. Thế mà sau thời Bách gia chư tử, người Hán cũng không có các sáng tạo đáng kể, nói gì đến chúng ta!

5. Tại sao chưa có tác phẩm văn chương xứng tầm với hai cuộc kháng chiến vĩ đại?

Đến đây tôi tin bạn đọc đã có câu trả lời cho riêng mình. Các tác phẩm lớn chưa xuất hiện vì các nhà văn Việt Nam chưa bao giờ có các điều kiện vật chất và tinh thần như Lev Tolstoi đã có. Chúng ta cũng chưa có đội ngũ tác gia hùng hậu mà nước Nga đã có, một đội ngũ làm nền cho ngôi sao Lev Tolstoi tỏa sáng rực rỡ. Ngay cả khi các điều kiện cần thiết đó được thỏa mãn, chúng ta vẫn phải trông chờ vào sự may mắn của số phận để có bộ Chiến tranh và Hòa bình viết bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên các nhà văn của chúng ta không có gì phải mặc cảm. Họ đã cống hiến đến tận cùng khả năng và nhiệt huyết của mình cho sự tồn vong của bản thân và dân tộc. Nhà văn Nguyên Ngọc có quyền đòi hỏi các tác phẩm tầm cỡ Chiến tranh và Hòa bình, nhưng với Rừng xà nu, Đường chúng ta đi cùng nhiều tác phẩm khác, Nguyễn Trung Thành và các nhà văn cùng thế hệ hoàn toàn có thể tự hào về những đóng góp của mình vào truyền thống nghệ thuật nước nhà.

theo Đỗ Kiên Cường
TP Hồ Chí Minh, ngày 1-1-2011
_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét