Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Nhà thơ Quách Tấn: Mấy chục năm qua giấc mộng dài

Phạm Khải

Trong nhóm thơ Bình Định mà thiên hạ suy tôn là nhóm "Long, lân, qui, phụng", nếu như Hàn Mặc Tử được ví với "long" (rồng), Yến Lan được ví với "lân", Chế Lan Viên được ví với phụng (phượng hoàng) thì Quách Tấn được ví với "qui" (tức rùa).

Quả thật, khó tìm loài vật nào trong nhóm "tứ linh" nói trên ứng với đời thơ Quách Tấn hơn loài rùa. Rùa vừa là biểu tượng của sự trường thọ, vừa của sự lặng lẽ, trầm tích chiêm nghiệm, mà về điểm này, Quách Tấn xem chừng "nổi trội" hơn các bạn thơ cùng nhóm. Sinh năm 1910, mất năm 1992, Quách Tấn là người thọ nhất trong nhóm thơ Bình Định, cũng lại là người có phong cách ổn định, giọng thơ thâm trầm, kín đáo, ít thay đổi hơn cả.

Quách Tấn bắt đầu làm thơ khi trên mặt bể thi ca chưa hề cuộn lên ngọn sóng báo hiệu phong trào Thơ Mới sắp ập tới. Cùng với Hàn Mặc Tử, ông chỉ chuyên làm thơ Đường luật. Cả hai thi nhân, mặc dù ở "đuôi thơ" cũng đã quẫy lên cái ánh của Thơ Mới, song nếu như sau này, con tằm Hàn Mặc Tử đã chịu thoát xác thành một cánh bướm tài hoa của phong trào Thơ Mới thì con tằm Quách Tấn vẫn giam mình trong cái kén, bền bỉ nhả ra những sợi tơ óng chuốt mang đậm sắc thái cổ điển. Hàn Mặc Tử từng nhiều lần thúc giục Quách Tấn làm Thơ Mới. Về việc này, Quách Tấn có quan điểm riêng. Ông ví mình như con tuấn mã và nói với Hàn Mặc Tử: "Con linh dương phải thả nơi gò rộng rừng thẳm, để được chạy nhảy tự do thì trông mới đẹp. Còn con tuấn mã phải có cương vế vững vàng mới có những nước phi nước kiệu tuyệt luân và chạy một ngày nghìn dặm. Cho nên không nên thắng yên cương vào con linh dương, và buông lưng con tuấn mã" (theo "Bóng ngày qua" - tập hồi ký của Quách Tấn, NXB Hội Nhà văn, 1998).

Thời gian đầu đến với thơ, Quách Tấn đã lọt được vào "mắt xanh" của thi sĩ Tản Đà (khi ấy đang là chủ biên An Nam tạp chí). Năm 1939, Quách Tấn cho xuất bản tập thơ đầu tay "Một tấm lòng", Tản Đà đã kịp viết cho nhà thơ đàn em lời tựa trước khi tiên sinh qui tiên, trong đó tiên sinh không ngần ngại buông lời nhận xét: "Thật là tài tình đủ vẻ. Ngoài ra nhiều bài mới thấy trong tập này, cũng có nhiều câu giai tác".

Không thể nói Quách Tấn tài thơ thâm hậu, bút lực dồi dào và gây được ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng hơn Tản Đà. Song ông may mắn hơn Tản Đà ở chỗ: Tản Đà từng bị coi là đại diện cho "thành lũy" của lối thơ cũ cần phải công phá, còn Quách Tấn - khi cho xuất bản tập thơ đầu tay, cuộc chiến đã ngã ngũ với phần thắng vang dội thuộc về các đại diện của phong trào Thơ Mới. Những người chiến thắng cũng bắt đầu tỏ ra có cái nhìn "đại lượng" hơn trước sự xuất hiện của "người chiến binh đơn độc" là Quách Tấn lúc bấy giờ. Vả chăng, cái chết của Tản Đà trước đó ít tháng cũng khiến nhiều người từng có thái độ quyết liệt, thậm chí tàn nhẫn với ông trước kia nay bỗng thấy ân hận và muốn bày tỏ niềm cảm thương… Bởi thế mà "Một tiếng lòng" xuất hiện, phái Thơ Mới không còn mấy người hào hứng lên tiếng bỉ bác, trong khi tập thơ cũng thu lượm được không ít lời biểu dương từ những người còn nặng nợ với thơ cũ. Việc thi sĩ Hàn Mặc Tử viết lời bạt cũng được xem là… lá bùa cần thiết để "Một tấm lòng" có được chỗ ngồi yên ổn trên thi đàn.

"Đầu xuôi đuôi lọt", chỉ hai năm sau, Quách Tấn tiếp tục cho trình làng một tập thơ làm theo "lối cũ" - lần này ông đặt thẳng tưng cái tên "Mùa cổ điển" và - cũng như "Một tấm lòng" - tập thơ đã được một trong những chủ tướng của phong trào Thơ Mới là Chế Lan Viên viết lời tựa. Nếu như với "Một tấm lòng", những người yêu thích Thơ Mới thể hiện thái độ "ưu ái" của mình bằng sự… im lặng, thì với "Mùa cổ điển", họ bắt đầu tấm tắc cất tiếng khen.

Tất nhiên, để cả thi đàn không ác cảm, thậm chí còn có động thái nghênh đón hai tập thơ vốn dĩ được xem là "lạc điệu" với thời đại cũng còn bởi người ta đã ít nhiều tìm thấy trong đó một chút gì như thể hồn xưa dân tộc. Đi kèm với đó là thái độ làm nghề nghiêm túc của tác giả, thể hiện qua những câu thơ được mài giũa công phu, luôn ánh lên nét đẹp cao sang, hoàn mỹ:

Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
(Bài "Đá vọng phu").

Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng?
(Bài "Đêm thu nghe quạ kêu").

Cung quế im lìm mây ấp nguyệt
Song đào âu yếm gió hôn hoa
(Bài "Trời khuya")

Hồ im vẻ ngọc mơ duyên lá
Sân vén rèm hoa đón ý xuân
(Bài "Đêm mơ")

Vì là người làm thơ theo lối cũ nên Quách Tấn rất quan tâm tới sự đăng đối. Như nhiều người, ông mê bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan, song với hai câu trác tuyệt: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" của nữ sĩ, ông vẫn có điều chưa thuần phục. Ông viết: "Chữ bóng mà đối với chữ hồn thì thật là chỉnh, song bóng tịch dương đối không xứng với hồn thu thảo. Bởi chữ hồn chứa đựng không biết bao tình ý, làm cho thu thảo trở thành vật linh thiêng. Còn chữ bóng chỉ làm anh hầu điếu trắp chớ không thêm uy lực gì cho tịch dương cả". Có thể không mấy người tán thành cách nhìn nhận của Quách thi sĩ trong trường hợp nêu trên, song không thể không thừa nhận hai câu "Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp/ Tóc thề mây núi bạc phơ phơ" của ông là hai câu đối rất chỉnh, có thể xếp vào hàng mẫu mực. Chưa kể, về mặt liên tưởng, nó rất mới mẻ, độc đáo, giàu sức biểu cảm. Chế Lan Viên từng có lúc muốn đánh đổi cả tập thơ "Điều tàn" lấy hai câu thơ này và xem đó là "những câu thơ đẹp nhất mà văn chương Việt Nam có thể có".

Sau "Một tấm lòng" và "Mùa cổ điển", Quách Tấn lần lượt cho xuất bản các tập: "Đọng bóng chiều" (1961), "Mộng Ngân Sơn" (1966), "Giọt trăng" (1973). Sau khi thi nhân tạ thế, có hai bản thảo thơ của ông tiếp tục ra mắt bạn đọc, đó là tập thơ viết cho thiếu nhi "Vui với trẻ em" (1994) và "Trăng hoàng hôn" (1999), ngoài ra là một số tập được in gộp trong cuốn "Quách Tấn - tuyển tập thơ" do ông Quách Giao - con trai của Quách thi sĩ tuyển chọn (NXB Văn học ấn hành năm 2006).

Hầu như ở tập thơ nào của Quách Tấn, độc giả cũng có thể tìm thấy những bài ý tứ hàm súc, giai điệu trau chuốt, nói như cách của Xuân Diệu là đọc thơ mà có cảm giác như ngậm bạc trong miệng:

Thương hoa không nỡ hái
Hoa rụng lòng thêm thương
Vén cỏ chiêu hồn lại
Ngàn xanh hiu gió sương
(bài "Tình hoa")

Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa
(Bài "Một mai")

Người nay còn chửa hiểu mình
Người sau đâu dễ thấy tình người nay
Bụi đường khi phủi đôi tay
Nghìn thu tâm sự dấu giày rêu phong
(Bài "Tâm sự")

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là trong việc làm thơ, Quách Tấn quá chú trọng tới việc gọt câu tỉa chữ. Điều này dễ dẫn tới việc thơ Quách Tấn có thể "ngâm ngợi cho sướng tai" chứ ít có sức lay động tâm can. Đã vậy, thơ Quách Tấn lại quẩn quanh với những thể thơ như ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; các đề tài cũng quen thuộc, lắm khi trùng lặp, và điệu thơ, ngôn ngữ, hình ảnh không những quá… cổ mà còn thường xuyên trở đi trở lại (như ánh tà huy, giọt thu sa, sương mai, bóng mây, viễn mộng, phong trần, bóng chim hồng…). Nếu như với Hàn Mặc Tử, từ những bài thơ Đường luật "ngay ngắn nghiêm trang" viết lúc còn niên thiếu đến những bài thơ đầy ngẫu hứng và tung phá trong "Máu thơm và hồn điên" là cả một diễn biến tâm lý phức tạp thì ở Quách Tấn không hề có hiện tượng như vậy. Nếu như vào những năm ba mươi (của thế kỷ trước), ông từng viết: "Sương buông màn lượt phủ bao la/ Non nước chìm sâu trong giấc mơ/ Cung quế im lìm mây ấp nguyệt/ Song đào âu yếm gió hôn hoa" thì 50 năm sau, ông vẫn viết: "Sông sâu thắm đậm bóng non chiều/ Ăm ắp bờ lau ngập tiếng tiêu/ Thuyền ngược nước thu mây nặng nặng/ Sư về am vắng gió hiu hiu". Không ai nhìn thấy dấu vết thời gian giữa hai khổ thơ nói trên. Quách Tấn từng có câu thơ: "Mấy chục năm qua giấc mộng dài". Quả là với Quách Tấn, thơ ca như một giấc mộng dài mà suốt cả một đời ông vẫn chưa qua hết.

Không chỉ lặp lại mình, đã có lúc âm hưởng (và cả tình ý) trong thơ Quách Tấn đã khiến người đọc không thể không liên hệ tới những câu thơ của người đi trước. Như khi ông viết: "Trong giấc say hoa gặp gỡ người/ Chuyện lòng đương thắm giọt hoa rơi/ Giật mình trở gối hương còn thoảng/ Người đã xa rồi mộng có lui?/ Đời lắm phôi pha mong thấy mộng/ Mộng sao ngắn ngủi nghĩ thương đời/ Bâng khuâng nghĩ nhớ người trong mộng/ Gan ruột chàng Lưu cũng thế thôi" (bài "Tình mộng"), người đọc bất giác nhớ tới bài "Nhớ mộng" của Tản Đà: "Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi/ Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi/ Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng/ Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời/ Những lúc canh gà ba cốc rượu/ Vài khi cánh điệp bốn phương trời/ Tìm đâu cho thấy người trong mộng/ Mộng cũ mê đường biết hỏi ai?". Chế Lan Viên từng có hai câu thơ rất chí lý: "Sợi chỉ lòng anh chỉ có một màu/ Xe với cái đa sắc của cuộc đời mà thành ra chói lọi". Việc một thi nhân luôn sống thu mình, tránh né mọi biến thiên thời cuộc, chỉ biết bạn bầu cùng sách vở và chìm đắm trong những khúc thức cũ, với những hình ảnh ước lệ cùng dày đặc các điển tích… như Quách Tấn thì việc thơ ca chỗ này chỗ nọ có rơi vào vòng tù túng, trì đọng, thậm chí mòn sáo, nhàm tẻ, âu cũng là lẽ thường. Chẳng thế mà không ít người khuyên khi đọc thơ Quách Tấn, nên đọc thật chậm, và chỉ đọc khi thật tĩnh tâm, đặc biệt không nên đọc nhiều bài liên tiếp…

Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, trong bộ "Nhà văn hiện đại" đã nhận xét về thơ Quách Tấn: "Thơ ông đẹp thì đẹp thật, nhưng không cảm người ta mấy". Tác giả Tam Ích nói một cách hình tượng: "Tấn lạ lắm: cứng đầu, cứng cổ nhất định không chịu thua thế lực khủng khiếp của thời trang, thời gian trong lịch sử (tức vẫn làm theo lối thơ cũ - PK) mà vẫn cứ có mặt, có lẽ chỉ có mình Tấn". Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì làm thơ khen tác phẩm "Một tấm lòng" của Quách Tấn: "Ngọc thốt vàng reo chen lẫn tiếng/ Sa thêu gấm dệt rỡ ràng bông". Ý kiến ngỡ khác nhau mà xem chừng đều đúng cả. Bởi có thể đây đó, thơ Quách Tấn chưa nhiều bài gây được sự đồng điệu trong tâm hồn độc giả đương đại, song như một thứ đồ trang sức được chế tác công phu, tinh xảo, nó có thể tạo nên sự hào hứng với những độc giả thích được nghe, được ngắm thứ ngôn ngữ trang hoàng, chuốt lọc ấy. Và vì là thứ ngôn ngữ của "ngọc thốt, vàng reo" nên hiển nhiên nó ít bị hoen gỉ bởi thời gian…

____________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét