Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Chế Lan Viên như tôi biết

BẰNG VIỆT (*)

Ngày 19/11, Hội Nhà văn Việt Nam đã trân trọng tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên.
Các nhà văn đã đọc tham luận: Hà Minh Đức, Lê Thành Nghị, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Bùi Bình Thi, Mai Quốc Liên… Các bài tham luận xoay quanh chủ đề: những đổi mới sáng tạo lớn lao liên tục của nhà thơ Chế Lan Viên trong số phận của dân tộc và số phận của các nhà thơ, nâng nhà thơ lên hàng nhà thơ vĩ đại không chỉ của dân tộc mà của thế kỷ, của khu vực và thế giới.
Đại diện gia đình nhà thơ, ông Phan Trường Định, con trai nhà thơ, xúc động nói lên những kỷ niệm về người cha thân yêu của mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nêu lên vị trí của Chế Lan Viên, tấm gương thơ Chế Lan Viên trong đời sống thơ hiện đại. Buổi lễ cũng xúc động nghe lại tiếng nói của nhà thơ Chế Lan Viên (băng ghi âm - do nhà thơ Trần Đăng Khoa cung cấp), khi ông đọc bài thơ Người thay đổi đời tôi- người thay đổi thơ tôi…
Dưới đây là bài tham luận của nhà thơ Bằng Việt trong Hội thảo này.

Chế Lan Viên đã xa chúng ta 21 năm. Và hôm nay, Anh hoàn toàn có thể đứng trước chúng ta bằng xương bằng thịt để nói một chút gì đó thật sôi nổi và tâm huyết về Thơ và sự cách tân Thơ của 10 năm đầu thế kỷ XXI, vì nếu căn bệnh quái ác không làm Anh phải nói lời chia tay với tất cả chúng ta vào ngày 19 tháng 6 năm 1989, thì hôm nay, chỉ vừa mới bước qua tuổi 90 còn hết sức minh mẫn và uyên bác, với sức cản lướt lừng lững của cảm xúc Thơ, với trí tuệ sắc cạnh và sâu rộng hiếm có trong Thơ, Chế Lan Viên vẫn là một trong những nhà thơ thực sự lớn lao, thực sự có sức ôm trùm và có tiếng nói thuyết phục nhất trong tất cả các nhà thơ đã vụt sáng như ánh lóe một thiên tài từ năm 16 tuổi với Điêu tàn, và bay qua bầu trời thơ Kháng chiến và Cách mạng thế kỷ XX như một dải ngân hà thơ đa sắc với Ánh sáng và Phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Hát theo mùa, Hoa trên đá, Ta gửi cho mình, và 3 tập Di cảo Thơ lung linh kỳ lạ.

Trong bài Tôi viết cho người, như để thay lời Tựa cho Di cảo Thơ III (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1996), Chế Lan Viên đã trực diện nói với tất cả lứa hậu sinh tới tận thời con cháu chúng ta:

“Tôi viết cho một người nào trong thế kỷ mai sau
Nhặt thơ tôi lên từ trong bờ bụi
Phủi hết bao tầng mọt mối
Bỗng gặp tôi lòe chói ở đôi câu
Người kia phủi bụi thêm, đọc lại từ đầu,
Bỗng chốc thương người xưa, rưng giọt lệ,
Tôi đã hóa bọ, dòi, giun, dế,
Hóa vô danh, vô ảnh, vô hình,
Nghe tình thương bỗng lại sinh thành
Trong khoảnh khắc lại là tôi, khoảnh khắc
Nhớ lại câu thơ của mình, quên tắp,
Nhớ lại cuộc đời đã ở trần gian
Một cuộc đời thôi mà biết mấy đa đoan!...”
Cái “biết mấy đa đoan” trong đời thật ấy, Chế Lan Viên cũng đã đủ tỉnh táo và sâu sắc để cười đùa và giễu cợt với cả thế hệ sinh sau:
“Rồi một trăm năm sau, họ diễn kịch về thời ta
Về giá, lương, tiền, về đổi mới tư duy,
Về chúng ta yêu, chúng ta đánh giặc...

Vở kịch có thể bi, có thể hài, ai biết,
Có thể tình ca, có thể hùng ca...
Những nỗi ta đau, họ có thể đau hơn, có thể cười chế nhạo,
Những lý tưởng của chúng mình bây giờ, họ có tin không,
hay chỉ cười xòa!
Ôi! Ta phải sống cho mình, cả cho cha ông, cả cho họ nữa!
Họ là chúng ta, hay không phải chúng ta?
Thế sao anh đòi viết câu thơ cho họ nhỉ?
Thả một con thuyền giữa muôn trùng mà không lường hết nổi phong ba!
Cuộc đời thật của ta bây giờ, với họ là giả,
Họ mặc lại các áo quần của ta không giống lắm,
Yêu, đau khổ, nói ngôn ngữ như ta không giống lắm,
Họ lại đem những nỗi gì của họ, bảo là Ta!...”

Tột cùng tỉnh táo và tột cùng thông minh! Và đó chính là Chế Lan Viên bằng xương bằng thịt, đứng giữa hội trường này và nói những lời đùa cợt tưng tửng đó với chúng ta hôm nay và cả con cháu chúng ta mai sau, hoàn toàn với tư cách đang tham dự vào tất cả mọi công việc, lo toan và cảm xúc của thời ta đang sống, với tầm nhìn xa đến cả thời ta sẽ sống!
Chế Lan Viên có thừa năng lực và thừa thông minh để có thể làm được nhiều việc khác ngoài Thơ. Nhưng Anh yêu Thơ đến tận cùng và coi Thơ là việc cao nhất của tâm linh, không thể nào bỏ được trong đời, Anh sẵn sàng cắn răng lăn lóc, sống chết, vất vả, nghèo khổ, gieo neo vì Thơ, vì Anh vẫn tin vào sức mạnh tẩy rửa của Thơ, sứ mệnh hoàn nguyên những gì cao thượng nhất cho con người nhờ Thơ.
Với một người có tầm hiểu nhiều biết rộng, đầy kinh lịch chua chát và lọc lõi với Đời như Anh, tin được như thế là một thiên lương, tin được như thế là một cách ứng xử dũng cảm, và chính vì tin như thế nên Anh thấy Thơ còn có ích, còn đem cho con người được một chút gì có ý nghĩa thực sự, mà có lẽ chính mỗi người cũng không ngờ hết, không nhận thức thấu đáo được từ bản chất:

“Cho mọi người có trái tim của họ
Mà họ quên đi, không ngờ có nó!
Cho cả người đau nhất
Biết giá của nước mắt,
Và sẽ lấy gì từ nỗi đau!
Cho mỗi người có một cái đầu
Có não hai bán cầu
Thường họ chỉ dùng có một!
Nguyên họ chột
Bảo rằng mắt họ có sao đâu,
Vẫn nguyên vẹn hai con và vẫn sáng lầu lầu!
Thơ là làm cho mỗi người
Tự tin ở họ
Bỏ họ vào trong lửa
Họ không tin rằng họ sẽ thành tro!
Bỏ họ vào hang tiền sử
Họ vẽ con nai lên trên vách...
Mỗi người bình phương
Anh làm cho họ hóa lập phương!”

Chính vì Thơ đối với con người còn có ý nghĩa như thế, nên Anh nguyện dù sinh ra ở đâu và thời nào, kể cả nếu ví dụ như không được sống trong một đất nước yêu Thơ và tràn đầy cảm xúc Thơ như quê hương mình, thì Anh vẫn không thể không làm Thơ, như một sứ mệnh cao cả để tạo ra cho Đời có những giá trị mà như Anh tin tưởng, là nếu đời không Thơ thì không thể có được những ý nghĩa ấy:

“Ví dụ, Anh sinh ra trong miền đất không có hoa văn
Miền biển vắng thủy triều
Khu rừng không có trầm hương, di chỉ,
Trời vắng mây tình yêu,
Thì Anh có làm thơ không đấy?
Có chứ! Càng phải làm nữa chứ!
Anh sẽ là nhà thơ có trái tim nhịp gấp
Có đôi mắt vạn hoa
Có bàn tay tung bắt
Được những câu tình cờ
Anh sáng tạo vì không sao phản ánh
Anh cho Đời những thứ Đời không cho!”...

Đấy thực sự là tâm hồn dâng hiến và tận tụy với Thơ và với Đời của một nhà thơ lớn, một nhà thơ sau bao thử thách và mất mát vẫn biết cách sống hồn nhiên và biết giá trị của những gì mà sự hồn nhiên không tính toán mang lại cho Đời, như những giá trị nhân văn rất gốc gác nhưng cũng rất hồn nhiên của Thơ, hồn nhiên và nhân hậu thế thôi, nhưng lại không có gì có thể thay thế được?
Tầm cao của Chế Lan Viên trong Thơ, vừa rất sâu sắc vừa rất bản ngã, vừa rất suy nghĩ và triết luận vừa rất thực tiễn và gần gũi sát sườn với cuộc đời, chính là ở những khía cạnh đó.
Lứa chúng tôi khi vừa lớn lên đã bắt gặp được một Chế Lan Viên với tất cả những ưu điểm mà chúng tôi đang khao khát, đang chờ đợi trong Thơ, vì thế dễ hiểu là Anh đã chiếm trọn vẹn tình yêu và sự cảm phục của lứa chúng tôi như một thần tượng. Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày, thì Anh lại là một con người cực kỳ nhân ái, giản dị, chăm chút và quan tâm thực sự, chi chút và chu đáo thực sự với anh em trẻ, với những người mới bước vào nghề.
Tôi còn giữ được cả một tập bản thảo đầu tiên của mình, chi chít những chấm, những lời khuyên, những dấu ngoặc lên ngoặc xuống ở từng trang của Chế Lan Viên khi Anh góp ý cho Thơ của anh em trẻ. Thực sự đó là những bài học đầu đời không thể quên đối với một người thầy, một người Anh lớn, một nhà thơ có tầm vóc không chỉ ở đất nước ta, mà tôi có thể nói mạnh dạn là có đủ tầm vóc quốc tế, nhưng lại vô cùng chan hòa, giản dị, vô cùng thân thiết với mọi người xung quanh. Đấy là bài học lớn của Chế Lan Viên mà tôi không bao giờ quên.
________________________________________
(*) Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật toàn quốc.

_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét