Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Đi tìm tác phẩm văn học đoạt giải

Thi Thi

(HNM)- Giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (2006-2010) vừa công bố với 14 tác phẩm đoạt giải, được đánh giá là thành công ở nhiều mặt. Tác phẩm, tác giả có giải được giới thiệu trang trọng bằng panô lớn tại buổi lễ ấm cúng. Tuy nhiên, một đời sống thực của tác phẩm, sức ảnh hưởng của tiểu thuyết đoạt giải trên thị trường lại vẫn là điều còn phải băn khoăn…

Sự cảm phục dành cho người viết


Phải nói rằng, giải thưởng tiểu thuyết này đã mang đến cho người quan tâm tới văn học một cảm nhận rất "định lượng" về một đội ngũ còn nặng lòng với tiểu thuyết ở nước ta. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh là: "Trong lúc văn hóa đọc đang chịu nhiều áp lực, thị phần văn học đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, thì số người trụ lại với tiểu thuyết không những không cạn đi mà ngày càng được bổ sung những tên tuổi mới. Thực tiễn đó bác bỏ những dự báo nản lòng cho rằng "tiểu thuyết đã chết".

Nhìn riêng qua 3 cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cũng thấy rõ điều này: từ 176 tác phẩm trong lần đầu, con số này đã tăng lên 200 tác phẩm lần thi thứ hai và 247 tác phẩm ở lần thi thứ ba. Đương nhiên, số lượng không phản ánh hết diện mạo một nền tiểu thuyết, nhưng trong thời điểm như đã nói ở trên khi văn hóa đọc đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi văn học dịch chiếm lĩnh thị trường, thì cái "số đông" ấy là một dấu hiệu đáng mừng.

Khách quan hơn, nhìn ở ngoài cuộc thi cũng thấp thoáng thấy những cây bút nhiều lứa tuổi nặng lòng cho tiểu thuyết. Nhà văn áo lính Nguyễn Xuân Thủy vừa công bố "Sát thủ online" - dường như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về tội phạm mạng internet. Rồi Phong Điệp, Đình Kính và nhiều nhà văn khác cũng đang ấp ủ dự định với những trang viết dài hơi.

Cho dù được đánh giá thế nào, cho dù chất lượng đã đạt tới tầm mong muốn hay chưa, song sự vào cuộc và đi tới cùng mỗi tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn chân chính đều đáng cảm phục. Đó thực sự là những cuộc trải nghiệm dữ dội và cô đơn như cách nói của nữ tiểu thuyết gia người Pháp Marguerite Duras.

Một thế giới tiểu thuyết rộng mở

Thành công đáng kể nữa trong cuộc thi tiểu thuyết nói trên theo đánh giá của Hội Nhà văn Việt Nam chính là "độ mở về không gian nghệ thuật". Nhiều tác phẩm hàng ngàn trang, bao quát cả một giai đoạn lịch sử khá dài với bao biến cố dồn dập. Ở đó tác giả xây dựng cả một đội ngũ nhân vật đông đảo, vận động trong một không gian nghệ thuật phức hợp. Tiêu biểu cho hướng đi này là "Xiêng Khoảng mù sương" của Bùi Bình Thi, "Dưới chín tầng trời" của Dương Hướng và "Cuồng phong" của Nguyễn Phan Hách. Bên cạnh đó là dòng tiểu thuyết lịch sử với những đại diện như "Mạc Đăng Dung" của Lưu Văn Khuê, "Đêm Sài Gòn không ngủ" của Trầm Hương, "Lý Công Uẩn" của Ngô Văn Phú, "Nguyễn Thị Lộ" của Hà Văn Thùy. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Sự phóng khoáng, táo bạo trong tư duy tiểu thuyết ở cuộc thi này là một biểu hiện sinh động tiến trình đổi mới của văn học ta". Và "Tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết thế sự, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết chiến tranh… đã tạo nên những kênh riêng, những lợi thế riêng để tiếp cận nhiều tầng vỉa của đời sống".

Đi tìm tiểu thuyết đoạt giải

Nếu cộng tất cả những trải nghiệm của hơn 200 tác giả, cộng khoảng thời gian đổ tâm huyết dựng nên hình tượng trong mỗi tác phẩm thì sẽ thấy một hiện thực ngồn ngộn, khổng lồ đã được tinh lọc. Khối thông điệp này sẽ hiện diện trong đời sống thế nào là điều hết sức quan trọng, có lẽ hơn cả giải thưởng. Nó sẽ "va đập" vào mỗi ngóc ngách trong đời sống con người làm con người sống trong hơn, thiện hơn ra sao mới thực là đích đến của tác phẩm.

Ấy vậy mà, tác phẩm đoạt giải trong đời sống còn khá lặng lẽ. Giống như nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng sách khác ở nước ta, tác phẩm rất im ắng ngoài hiệu sách. Đành rằng, do đã xuất bản từ lâu trước khi có giải nhưng ngay cả khi còn ngoài hiệu sách, các tác phẩm này cũng chưa được nhà sách chú ý. Tin tức về tác phẩm đoạt giải văn học trong nước hình như chưa trở thành sự chờ đón của những nhà phát hành. Việc tái bản sau khi tác phẩm đã có giải cũng không có gì mới mẻ. Nơi bày tác phẩm "hot" nhất của mỗi nhà sách tràn ngập tác phẩm dịch hoặc sách của các cây bút "teen". Vậy vị trí nào cho tác phẩm văn học đoạt giải ngoài thị trường trong khi công nghệ quảng bá yếu ớt như vậy? Và ai sẽ đứng ra làm công việc này?

Nhà văn Thiên Sơn, cây bút trẻ nhất đoạt giải trong cuộc thi tiểu thuyết nói trên cho rằng: Văn xuôi nước ta trong thế kỷ vừa qua có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhưng văn xuôi trong nước cũng đang phải chịu nhiều áp lực trước các giải thưởng lớn có uy tín như Nobel, Goncourt… hoặc những tác phẩm nước ngoài đi theo tập đoàn xuất bản lớn, được các đơn vị làm sách trong nước quảng bá rầm rộ. Trong khi đó văn xuôi trong nước có nhiều tác phẩm chất lượng, gần gũi với người Việt Nam lại gần như bị lãng quên.

Cũng theo nhà văn Thiên Sơn, để khắc phục tình trạng này về lâu dài Hội Nhà văn Việt Nam cần nâng cao chất lượng giải bằng việc ghi nhận những nhân tố mới, những tìm tòi mới. Tự thân những đổi mới này sẽ tạo sức hấp dẫn cho giải. Cùng với đó là tập hợp đội ngũ phê bình uy tín hướng người đọc vào những tác phẩm chất lượng. Và trước mắt, mỗi khi có giải thì chuyện quảng bá nên chăng cũng cần mạnh mẽ hơn.

Chưa biết những mong muốn trên của Thiên Sơn cũng như nhiều nhà văn khác sẽ được thực hiện đến đâu. Xong, riêng vấn đề quảng bá về cuộc thi nói chung, tác phẩm dự thi nói riêng (chưa nói đến tác phẩm đoạt giải) thì quả là Hội Nhà văn Việt Nam đã quá "kín tiếng".

_________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét