Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Nhiều tác phẩm bị chìm bóng dưới bụi thời gian

Xuân Nguyên

Mặc dù bản thảo Sống Mòn đã được nhà văn Nam Cao hoàn thành từ trước Cách Mạng nhưng phải đợi tới sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc cuốn tiểu thuyết mới lần đầu ra mắt độc giả.

Có lẽ là vì thế, vì được xuất bản khi thời đại đã chuyển nên Sống Mòn như bị lỡ mất nhịp, không làm thành một sự kiện lớn trong dư luận văn học hồi bấy giờ. Rồi liên tiếp sau đó là những biến động lớn lao và không ngừng cho tới tận năm 1975 của đất nước khiến cuốn tiểu thuyết có chiều nội tâm quá sâu và quá nặng ưu tư ấy vốn đã không thể có đông người đọc càng ít người đọc hơn, vốn đã quá kín đáo và kín tiếng lại càng bị chìm tiếng đi giữa một thời đại văn học bừng bừng hào khí và đầy những tiếng động vang dội.

Ngày nay, Sống Mòn đã được nhắc tới nhiều hơn, nhưng vẫn có vẻ là được nhắc tới một cách lớt phớt. Dường như chính tầm cỡ những truyện ngắn của Nam Cao đã tạo nên một định kiến rằng Nam Cao là tác gia truyện ngắn, sự nghiệp để đời bằng truyện ngắn, chỉ truyện ngắn.

Tuy nhiên khi độc giả chịu chấp nhận thách thức của sự khó đọc và không hấp dẫn của một tiểu thuyết không trọng cốt truyện, không trọng tình huống, không trọng hành động, không trọng đối thoại, chỉ những miên man nghĩ và nghĩ mà thôi, sẽ thấy rằng sự nghiệp Nam Cao không thể sống mãi nếu vắng Sống Mòn.

Xét riêng thời kỳ tiểu thuyết trước năm 1945, tức là buổi đương thời thực sự của Sống Mòn, thì Sống Mòn không phải là tác phẩm tiêu biểu. Không tiêu biểu, bởi vì Sống Mòn là một hiện tượng đơn nhất, duy nhất, là một cái gì đấy khác biệt và cách biệt hẳn về chất so với mọi tác phẩm được coi là tiêu biểu của tiểu thuyết thời kỳ đó. Cả của những thời kỳ sau, cả của bây giờ. Bút pháp tiểu thuyết của Nam Cao vượt xa bút pháp đương thời của không chỉ tiểu thuyết Việt Nam.

Cho đến ngày hôm nay Sống Mòn vẫn xứng đáng được coi là một trong những tác phẩm hàng đầu của tiểu thuyết VN. Thậm chí nếu được yêu cầu chỉ kể tên một tác giả và một cuốn thôi chắc chắn sẽ có không ít độc giả nói rằng đó là Nam Cao, đó là Sống Mòn.

Thế nhưng, dù vậy, thành tựu hết sức đáng tự hào và đáng để kiêu hãnh ấy của tiểu thuyết VN cho đến nay vẫn thực sự là đang “sống mòn”. Đây có thể là trường hợp tiêu biểu cho tình trạng các kiệt tác bị chìm bóng dưới bụi thời gian.

Trong thời kỳ văn xuôi trước 1945 còn có nhiều tác phẩm tuy không ở tầm cỡ của Số Đỏ và Sống Mòn nhưng vẫn rất đáng đọc đối với đọc giả thời nay, cũng đang bị chìm bóng dần đi một cách đáng tiếc như thế. Chẳng hạn như Những ngày thơ ấu, tiểu thuyết hồi ký của Nguyên Hồng. Không nổi tiếng và quan trọng trong sự nghiệp của Nguyên Hồng bằng Bỉ Vỏ, nhưng Những ngày thơ ấu lại dường như là hay hơn, cho đến ngày hôm nay, vẫn là một tác phẩm cực hay.

Hoặc, các tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Trương. Không hiểu vì sao tới bây giờ vẫn chưa nhà sách nào tiến hành tái bản tác phẩm của nhà văn này? Phải chăng vì những đánh giá nghiệt ngã của một số nhà phê bình của cả thời đó lẫn thời nay, rõ ràng là có mang màu sắc “cao đạo trí thức” xem thường những tác giả được hâm mộ ở tầng lớp dưới, những tác giả viết nhanh, viết không cầu kỳ câu chữ, viết có vẻ vì miếng cơm manh áo, mà hình thành nên một định kiến sự thực là rất quan cách và cổ hủ ngăn trở độc giả ngày nay đọc Lê Văn Trương.

Bản thân tôi và có lẽ chẳng riêng tôi thì lại thấy các tiểu thuyết Lê Văn Trương là rất thú vị và không phải là không hấp dẫn. Một bút pháp bình dân đáng nể, nhất là có thể học được nhiều ở ông trong cách dẫn truyện, trong cách bộc bạch tâm sự của tác giả một cách tuỳ hứng, ngẫu hứng, không bị câu chữ và cấu trúc gò bó mất cảm hứng và sự sảng khoái của ngòi bút.

Có thể nhiều độc giả trẻ hiện nay khi đọc xong Lê Văn Trương sẽ không thích, nhưng không hề đọc ông thì vẫn là một sự bỏ lỡ rất đáng tiếc. Dĩ nhiên, không chỉ có Lê Văn Trương. Còn nhiều tác giả và tác phẩm trong những năm vang bóng một thời ấy của tiểu thuyết đã bị mất bóng theo năm tháng.

Để mai một tác phẩm của mình, dù chỉ là một cuốn thôi, nên tiểu thuyết VN cũng đã tự làm phí hoài đi một phần năng lượng của mình.

Theo Văn Nghệ Trẻ

______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét