Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Nguyễn Huy Tưởng qua những trang nhật ký cuối đời

Hoài Nam

Sau này một số người đã viết hồi ký, nhưng quả thực, nếu so với nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng thì độ khả tín của những cuốn hồi ký ấy thấp hơn nhiều.

Trong bộ Nhật ký ba tập của Nguyễn Huy Tưởng (Nguyễn Huy Thắng biên soạn, NXB Thanh Niên, 2006), tập III với cái tên Nghệ sỹ và công dân - là tập rất đáng chú ý. Vì nhiều lẽ. Thứ nhất, tập III được bắt đầu từ ngày 18.9.1954, ngày tác giả lên đường về tiếp quản Thủ đô, kết thúc ngày 21.6.1960, chỉ hơn một tháng trước khi ông mất: về thời gian thì đây là sáu năm cuối đời của Nguyễn Huy Tưởng, trùng với sáu năm đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, sáu năm với nhiều sự kiện sóng to gió lớn của đất nước như cải cách ruộng đất, phong trào chỉnh huấn văn nghệ sỹ trí thức... Thứ hai, Nguyễn Huy Tưởng viết những trang nhật ký này khi ông đã là một tác giả văn học thành danh, một trong những yếu nhân của nền văn nghệ cách mạng, một người có điều kiện để được tham dự và được biết về nhiều chuyện xảy ra trong đời sống văn nghệ và đời sống xã hội nói chung ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc đó. Đọc nhật ký Nghệ sỹ và công dân, người đọc hôm nay nhận được ánh hồi quang về một giai đoạn lịch sử đã qua, mặt khác, cũng là dịp để biết nhiều hơn, sâu hơn về Nguyễn Huy Tưởng, về nhiều phương diện của cái Tôi xã hội mà ông chưa kịp (hoặc không thể) đưa vào trong các tác phẩm của mình. Xuyên suốt, và ngày càng đậm nét trong những trang nhật ký này là một nỗi bất an, một sự hoài nghi, một trạng thái tinh thần đầy bức bối khó chịu khi người viết luôn phải tự đối chiếu cái xác tín nghệ sỹ - người cán bộ cách mạng của mình với những gì đang là thực tế phổ biến trong đời sống và trong nghệ thuật.
Nguyễn Huy Tưởng tham gia hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, trong phong trào Văn hóa cứu quốc. Cách mạng nổ ra, rồi chín năm chống Pháp, suốt quãng thời gian ấy, cũng như nhiều anh em văn nghệ kháng chiến khác, Nguyễn Huy Tưởng đã thực sự làm tròn vai một nghệ sỹ - chiến sỹ. Ông hiểu thế nào là văn nghệ phục vụ cách mạng, thế nào là trách nhiệm của nghệ sỹ cách mạng trước vận mệnh dân tộc, thế nào là sự cần thiết phải thu gọn lại những khả năng đa dạng của nghệ thuật để tập trung sức mạnh cho một vài mục tiêu cấp bách trước mắt. Nhưng giai đoạn 1954 - 1960 về cơ bản đã là thời bình, là bối cảnh của một xã hội dân sự, vì thế cái cách vận hành đời sống văn nghệ sỹ theo tổ chức cơ ngũ chặt chẽ, cái cách lèo lái con thuyền văn nghệ bằng những mệnh lệnh cứng nhắc, duy ý chí khiến Nguyễn Huy Tưởng phải nhận thấy rằng mình đã mất đi niềm hạnh phúc của kẻ vô ưu. Cảm nhận này có lẽ cũng khá phổ biến trong giới văn nghệ lúc đó, nhưng riêng với Nguyễn Huy Tưởng - người mà cả chất nhạy cảm nghệ sỹ, cả chất mẫn cán cán bộ đều rất “nặng căn” - thì nó thực sự là nguồn cơn của những trăn trở giằng xé mang tính bi kịch tinh thần. Con người cán bộ lớn giọng yêu cầu ông phải tuân thủ nhiệm vụ hành chính quan phương một cách vô điều kiện, phải thực hiện nó với một nỗ lực cao nhất. Bởi thế, trong tập nhật ký, ta rất hay bắt gặp một Nguyễn Huy Tưởng đang nghiêm khắc tự kiểm điểm, tự phê phán mình về những suy nghĩ hoặc những tác phong ứng xử không/chưa phù hợp với cương vị người cán bộ quản lý. Từ ngày 1 đến ngày 17.1.1956, ông viết: “Liên hệ với anh em giúp việc vẫn kém (hách với Yến Lan - Phạm Hổ thắc mắc)”. Ngày 1/2/1956: “Cô độc, hẹp hòi. Không gần gũi anh em”. Trên phương diện này, đôi lúc, Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký như một cách tự động viên, tự “lên dây cót” tinh thần cho mình. Nhật ký ngày 17.1.1956 có đoạn: “Bình tĩnh. Bình tĩnh. Liên hệ tốt với anh em, ít thành kiến với mọi người. Đảng và nhân dân tín nhiệm, không có lý do gì mà sợ khó”. Ngày 27.1.1956: “Không thể tự cô độc được. Tỏa ra, tỏa ra. Làm cho anh em văn nghệ sỹ phấn khởi, hàng ngũ vững lên”. Ngày 3 - 5.2.1956: “Vấn đề chính là gần gũi anh em, đỡ lạnh lùng. Gây những cercles (nhóm) nhỏ, tốt. Tranh thủ mà nói chuyện với anh em. Không nặng nề, phơi phới đi lên”. Những dòng nhật ký trên có lẽ đã cho thấy khá rõ ý thức trách nhiệm với “nghề quản lý” của Nguyễn Huy Tưởng, cái tinh thần phải làm đến tốt nhất chức năng định sẵn của một chi tiết trong một cỗ máy, góp phần tích cực sao cho cỗ máy ấy vận hành với hiệu quả cao nhất. Phải chăng như thế là biểu hiện của “tham vọng chính trị” hay “ý chí quyền lực” ở ông, như có nhà nghiên cứu gần đây đã khẳng định?
Thế nhưng, con người cán bộ ấy ở Nguyễn Huy Tưởng luôn phải chịu một sự phản biện - và trong rất nhiều trường hợp là bị lấn át - bởi con người nghệ sỹ. Bản chất nghệ sỹ là yêu sự tự do tự tại, ghét bị ràng buộc câu thúc, và đặc biệt ích kỷ trong những vấn đề liên quan mật thiết tới công việc sáng tác của mình. Ngay ở nhật ký từ ngày 1 đến ngày 17.1.1956 nói trên, sau khi tự phê phán là liên hệ với anh em giúp việc vẫn kém, ông lập tức than phiền: “Công việc hành chính bao giờ cũng thế! Chỉ những đụng chạm là đụng chạm!”. Và đây, một đoạn trong nhật ký ngày 15.5.1956: “Rất đau đớn tin Fadeiev mất. Một lỗ hổng. Bỗng thấy lo lo. Nhớ lại lời Cholokov: Đã cướp mất 15 năm sáng tác của Fadeiev. Thật vậy. Cái bộ máy thơ lại của Hội nhà văn đã hại cả một sự nghiệp sáng tác. Cần mạnh dạn vứt bỏ những công việc sự vụ, mà lo nghĩ về sáng tác”. Rõ ràng hơn nữa là những dòng nhật ký viết ngày 24.7.1956: “Ta muốn lánh xa cuộc đời, không muốn làm nhiệm vụ lãnh đạo, để chuyên chú vào công việc sáng tác”. (Tuy vậy, tiếp ngay sau đó là đoạn: “Đã thực là vì dân vì nước chưa? Người yêu nước không thể tự thu mình vào vỏ ốc, mà phải tỏa ra, ảnh hưởng đến người khác. Yêu nước là đoàn kết được nhiều người, đưa họ vào cuộc chiến đấu vì Tổ quốc”. Con người cán bộ “cãi” lại con người nghệ sỹ! Sự giằng xé, cuộc đấu tranh giữa hai phương diện nhân cách này xuất hiện khá thường trực trong Nguyễn Huy Tưởng giai đoạn sáu năm cuối đời.
Song, đáng nói nhất về bi kịch tinh thần của Nguyễn Huy Tưởng - như được thể hiện trong tập nhật ký - là cuộc đụng độ giữa nhận thức của con người nghệ sỹ - người cán bộ cách mạng trong ông với thực tế đời sống xã hội và đời sống văn nghệ đương thời. (Nói vậy có nghĩa rằng không phải bao giờ nghệ sỹ và người cán bộ cách mạng trong Nguyễn Huy Tưởng cũng đứng ở hai chiến tuyến. Về bản chất, phải khẳng định ông là một người cán bộ cách mạng hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ: ông phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân bằng khả năng mạnh nhất của mình - đó là viết văn). Hãy xem ông nhận định như thế nào về mệnh lệnh “phục vụ kịp thời” mà người ta đang căng ra trước mắt văn nghệ sỹ: “Quan niệm phục vụ kịp thời, nó đã lãng phí bao nhiêu tài năng, dẫn đến biết bao những tác phẩm vô giá trị, những nghệ sỹ cơ hội. Thậm chí cá tính của một người nghệ sỹ không còn. Một thứ nghệ thuật chung chung, giống nhau, không có khía nhìn, khía cảm, khía suy nghĩ của người tác giả. Công thức lạ lùng. Phải vứt những chữ kịp thời tai hại kia đi. Để cho nghệ sỹ có thì giờ mà suy nghĩ, mơ mộng, đuổi theo những đề tài của mình, phát triển cái cá tính của mình, nêu những vấn đề của cuộc sống” (Nhật ký ngày 8.6.1956). Trước cái thực tế “văn học báo chí nói như rồng”, tức là tô hồng hiện thực, là nói vống lên những cái tốt nhỏ nhặt và im bặt, làm ngơ trước những cái xấu đang bén rễ và đang nảy nở tươi mởn trong đời sống, ông phản ứng: “Không thể thế được. Phải thay đổi đường lối tuyên truyền. Phải mạnh dạn nhìn vào cái xấu. Vấn đề là biểu hiện cái xấu như thế nào, đến mức độ nào. Không phải một tác phẩm văn nghệ ra đời là phá cuộc đấu tranh, nếu nó đả kích sai lầm, mà chính là nó góp phần xây dựng vào... Ngòi bút phải sắc bén, phải là một tiếng vang, phải là nhát búa. Khổ cho một xã hội, người ta mới nói vài câu mà đã nhao nhao lên: “Làm mất uy tín chính quyền!” Yếu chứ không phải khỏe đâu” (Nhật ký ngày 5.7.1956). Cũng với tinh thần cách mạng quyết liệt ấy, Nguyễn Huy Tưởng nghĩ về yêu cầu “quần chúng tính” và những biểu hiện tiêu cực của nó trong nền văn nghệ đương thời. Quần chúng - cụ thể là công nhân, nông dân - với tư cách là đối tượng của phản ánh nghệ thuật, đã hiện lên lên trong nhật ký ngày 7.3.1957 của ông, như một vấn nạn: “Rất lo cho tiền đồ văn nghệ. Người ta kỵ không được nói cái xấu của công nhân, nông dân, hình như chế giễu những người ấy là động đến cả chế độ. Nhưng sao lại không được? Họ là những cậu ấm cô chiêu mới không được đả động ư? Không. Không thể dối trá được. Không thể che đậy được. Không thể vì cách mạng mà nuông chiều, gượng nhẹ được. Vấn đề là xây dựng con người, không phải là khách quan tư sản”. Và đây, sự ghi nhận, đánh giá về quần chúng với tư cách là đối tượng phục vụ của những người sáng tạo nghệ thuật, đối tượng tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật: “Hiện nay câu đầu lưỡi là quần chúng. Vì quần chúng. Quần chúng trên hết. Văn viết không hay là để phục vụ quần chúng. Có biết đâu là đối với quần chúng phải cung ứng những cái hay nhất. Không phải quần chúng là cái gì xấu nhất, tồi nhất là cho quần chúng” (Nhật ký ngày 22.5.1957). Là gì, nếu đó không phải sự phản ứng trước cái cách người ta kéo nghệ thuật xuống thấp tới mặt đất, nhân danh “phục vụ quần chúng”?
Căn cứ vào một số đoạn nhật ký trên, dễ nhận thấy một sự bất đồng sâu sắc giữa quan điểm văn nghệ của Nguyễn Huy Tưởng với thực tế đời sống văn nghệ đương thời. Nhưng điều đó không có nghĩa là nghệ sỹ - người cán bộ cách mạng Nguyễn Huy Tưởng phủ nhận nền văn nghệ ấy và phủ nhận tính mục đích của nó. Ông chỉ tư duy về nó theo cách cởi mở hơn, nhân văn hơn, và đặt yêu cầu phải biết tôn trọng hơn trước tính độc lập tương đối của văn nghệ. Nhật ký ngày 20.4.1960 bộc lộ rất rõ điểm này: “Văn học phục tùng chính trị. Văn học phục vụ chiến đấu. Ta đồng ý với tấm lòng chân thành của ta. Vấn đề chỉ là yêu cầu một sự hiểu biết về văn học, về tính chất của văn học. Nó không chịu được một sự ràng buộc. Nó cần tự do như cây cần có không khí để thở, để lớn đẹp”. Về những mặt khác - như hoạt động của các tổ chức văn nghệ, thái độ ứng xử với văn nghệ sỹ... - ông cũng ghi nhận và đánh giá bằng một tinh thần đấu tranh để xây dựng như vậy. (Nếu căn bệnh ung thư quái ác không cướp mất mạng sống của Nguyễn Huy Tưởng ở cái tuổi 49, rất có thể những gì ông đã ghi trong nhật ký sẽ được lấy làm chất liệu cho một épopée (pho sử thi) đồ sộ về Người Mẹ - Tổ quốc Việt Nam qua trường kỳ lịch sử. Ông từng viết rất hứng khởi về dự định này trong nhật ký ngày 22.4.1960). Nói chung, đọc tập nhật ký Nghệ sỹ và công dân của Nguyễn Huy Tưởng - xin nhắc lại rằng đây là nhật ký của một trong những yếu nhân của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, người có điều kiện va chạm nhiều với thực tế, biết nhiều chuyện mà không phải ai cũng biết - ít nhất, người đọc hôm nay cũng nhận thấy một điều: thì ra trong thời kỳ 1954 - 1960, không phải chỉ những nghệ sỹ bị coi là “có vấn đề” thì mới là “có vấn đề”! Phản ứng, suy nghĩ, tâm trạng của các văn nghệ sỹ thời ấy chắc chắn sẽ nhiều hơn những gì chúng ta đã biết. Nhưng trở ngại ở chỗ là rất hiếm “chứng nhân lịch sử” có thói quen ghi chép lại những gì mình quan sát thấy, những gì mình thực sự nghĩ vào lúc ấy, như Nguyễn Huy Tưởng. Sau này một số người đã viết hồi ký, nhưng quả thực, nếu so với nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng thì độ khả tín của những cuốn hồi ký ấy thấp hơn nhiều: trí nhớ vốn là thứ rất dễ bị nhào nặn, rất dễ bị xuyên tạc, thậm chí rất dễ bị ngụy tạo! (Tiện đây cũng xin nói thêm: nhật ký, hơn bất cứ loại văn bản nào khác, là thứ “viết cho mình”, nhưng không phải vì thế mà có thể chắc chắn rằng bất cứ nhật ký nào và ở bất cứ lúc nào cũng phản ánh trung thực suy nghĩ của người viết ra nó. Một số cuốn nhật ký chiến trường được công bố gần đây viết theo cách “rất có văn”, nhưng chính vì nó “rất có văn” mà người ta “sinh nghi”: biết đâu đấy, cái cơ chế đầy phức tạp của hoạt động vô thức đã khiến người viết rơi vào trạng thái tự mình mỹ hóa tình cảm và suy nghĩ của mình? Tập nhật ký Nghệ sỹ và công dân của Nguyễn Huy Tưởng thì không như thế. Ông viết theo kiểu phải ghi ngay điều đang xảy ra, nếu để sau dễ quên. Câu văn của ông thường ngắn, nhiều câu cụt đầu cụt đuôi, ý tưởng không liền lạc). Bởi thế, giá trị tư liệu về nhiều mặt, với nhiều đối tượng độc giả hôm nay - người sáng tác, người quản lý văn nghệ… - của tập nhật ký Nghệ sỹ và công dân, có thể khẳng định, là điều không còn gì phải bàn cãi.

__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét