Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Phê bình văn học nghệ thuật: Đất rộng người thưa

NAM THANH

Những nhà phê bình VHNT của Việt Nam hiện tại đều thuộc thế hệ lão thành.

Hôm qua (28-12), lần đầu tiên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) tổ chức hội thảo Phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông - thực trạng và giải pháp.

Tự làm nhà phê bình

Thực tế hiện nay, cứ nhắc đến lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) trên các phương tiện truyền thông thì suy nghĩ mặc định trong nhiều người là “phê bình kém quá hoặc biết gì mà viết”. Điều đó cũng không sai bởi trên các báo, tạp chí hiện nay hiếm thấy những bài viết phê bình chuyên nghiệp của người có đào sâu, nghiên cứu mà chủ yếu là bài viết của chính phóng viên mảng VHNT các báo viết chạy theo sự kiện. Và các phóng viên này thường không được đào tạo chuyên môn về lý luận phê bình.
Nhiều đại biểu cũng cùng suy nghĩ rằng phê bình trên các phương tiện truyền thông lâu nay thiếu tính chuyên nghiệp bởi các bài phê bình mang tính chủ quan của người viết báo, không dựa trên một chuẩn nào về phê bình tác phẩm. “Chính vì vậy mà cùng một bộ phim, cùng một vở diễn, cùng một quyển sách, tờ báo này khen ngất trời nhưng tờ báo khác phân tích khác hẳn, chỉ ra đầy đủ những sai trái của nó. Và cũng chính vì không có một chuẩn nào để đánh giá tác phẩm nghệ thuật nên thị trường âm nhạc ngày càng nhiễu loạn với vô số bài viết lăng xê vô tội vạ. Những ca sĩ trẻ chuyên hát nhép, những diễn viên mới đóng vài phim đã ngang nhiên trở thành sao, những chương trình ca nhạc nhố nhăng được phát sóng trên các đài truyền hình lớn chỉ với mục đích thu tiền tài trợ và quảng cáo là chính” - nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long phát biểu.

Theo GS-TS Mai Quốc Liên, rất cần có phê bình VHNT trên truyền thông bởi đó là sự nối dài, hỗ trợ cho tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế đang có hai dạng phê bình tồn tại song song: Phê bình trên các phương tiện truyền thông (trang mạng, đài, báo in) và phê bình đại học, nghiên cứu chuyên sâu (các tạp chí nghiên cứu). “Hai dạng phê bình này phải được kết hợp và gần nhau hơn mới mong có những tác phẩm lý luận phê bình thực tế và có chiều sâu” - GS-TS Mai Quốc Liên góp ý.

Thiếu người trẻ làm lý luận phê bình

Những nhà phê bình được đào tạo bài bản và còn theo con đường phê bình VHNT trên mặt báo giờ khá hiếm hoi, nếu còn họ cũng đã quá lớn tuổi. Trong tham luận của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dẫn chứng: Từ năm 1976-1984, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đào tạo được ba khóa lý luận phê bình với 26 người. Từ đó đến nay, các cựu sinh viên phần lớn đã chuyển ngành, chỉ còn hai người đang tham gia giảng dạy.
Không chỉ mỹ thuật, ở mảng điện ảnh, phần lớn các nhà phê bình đều thuộc thế hệ được đào tạo tại trường điện ảnh VGIK của Liên Xô (Nga).
Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh) mỗi khóa chỉ đào tạo được năm sinh viên lý luận phê bình sân khấu điện ảnh trình độ cao đẳng. Nay trường đã thành đại học nhưng mã ngành này, chương trình đào tạo vẫn chưa được Bộ GD&ĐT thông qua nên… chưa thể tuyển sinh! Từ năm 1986, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu điện ảnh, cho đến năm 2000 mới tuyển sinh lại nhưng cũng không liên tục, chủ yếu hiện nay chỉ là các lớp đào tạo ngắn hạn về lý luận phê bình do các quỹ văn hóa nước ngoài cấp kinh phí đào tạo trong vòng một tuần, một tháng…
Tháng 5-2010, 70 thành viên của lớp Nghiên cứu, trao đổi lý luận, phê bình VHNT thuộc Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương sau khi kết thúc một khóa học đã thành lập một diễn đàn trên mạng về lý luận phê bình. Thế nhưng hoạt động của diễn đàn này cũng èo uột như tình hình chung của hoạt động lý luận phê bình. Có thể thấy những nhà phê bình VHNT của Việt Nam hiện tại đều thuộc thế hệ lão thành, người trẻ thì không mặn mà lắm với lý luận phê bình nữa.
Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, khẳng định hoạt động phê bình VHNT trên các phương tiện truyền thông góp phần quan trọng cho đời sống VHNT của nhân dân TP.HCM phong phú, phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy hoạt động phê bình còn mang tính đơn lẻ, thiếu tổ chức, tập hợp để có đủ sức mạnh trên các lĩnh vực. Các bài phê bình trên báo còn nặng tính giới thiệu tác giả, tác phẩm. Thiếu cả đội ngũ phê bình được đào tạo…
Để khắc phục những điểm yếu này, nhà nước phải tăng cường lãnh đạo, quản lý với công tác lý luận phê bình, nhất là lý luận phê bình trên truyền thông; quy hoạch và đào tạo cụ thể lực lượng phê bình chuyên nghiệp.

[Thiếu chuẩn cho lý luận phê bình

Hiện phê bình VHNT không có lý luận cơ bản để định hướng. Nhà phê bình phải làm việc trong hoàn cảnh lý luận cơ bản bị xáo trộn, vì thế rất khó định giá được tác phẩm, tác giả. Tôi rất băn khoăn bởi hoạt động phê bình của chúng ta đang “mạnh ai nấy làm” bởi chúng ta chưa tìm được hệ thống lý luận phê bình Việt Nam thay cho hệ thống lý luận phê bình xã hội chủ nghĩa chung. Hơn nữa, chúng ta thiếu một hệ thống sách công cụ làm trọng tài cho lý luận phê bình. Ngoài bốn tập Từ điển bách khoa toàn thư thì những lĩnh vực khác của VHNT chưa có hệ thống từ điển, sách chính thống.
PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn]

___________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét