Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Những lý do "đoản thọ" của loại văn chương "ám chỉ"

Phạm Khải


Ngày 16/12 vừa qua, trên trang web của một nhà thơ trẻ, tôi có đọc được một bài viết (được ghi lấy từ nguồn Báo Sức khỏe & Đời sống) tên gọi "Sách ám chỉ và những điều cần lên tiếng" của tác giả Trần Thế Hòa. Bài viết đặt ra một vấn đề theo tôi là khá nhạy cảm, nhiều người "ấm ức" nhưng không tiện nói hiện đang xuất hiện một cách "ngang ngửa" trong đời sống văn học hiện nay. Đó là vấn đề dùng sáng tác để ám chỉ, bôi nhọ nhau, trả đũa những nỗi uất hờn cá nhân.
Tác giả Trần Thế Hòa viết: "Gần đây, các nhà xuất bản đều rất ngạc nhiên khi ngày càng nhận được nhiều bản thảo viết tay. Dù dày mỏng thế nào, các biên tập viên cũng dễ dàng nhận ra những tác phẩm "ám chỉ" các đồng đội ở cơ quan cũ, ám chỉ cả những hàng xóm láng giềng, ám chỉ đủ thứ mà họ cho là không hợp với mình. Chân dung bà A, ông B hiện ra chẳng khác nào những kẻ xấu xa, đồi bại, vô liêm sỉ... Có ông trước đây khi còn đương chức, bị cấp trên trù úm gây khó dễ nên bao nhiêu oán thù đổ hết vào trang viết, khiến vị cấp trên ấy như một tên hề trong hàng lãnh đạo cơ quan". Trước hiện tượng này, tác giả Trần Thái Hòa cho rằng: "Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một quy phạm chung cho vấn đề nhạy cảm và khó khăn này.
Việc lên tiếng bảo vệ sự trong sáng của sáng tác văn học không bao giờ thừa...". Cũng theo Trần Thế Hòa: "Các văn tài như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... vẫn lấy chất liệu, nhân vật trong cuộc sống để sáng tác, xây dựng nhân vật rất thành công. Nhưng có điều, sự khác nhau giữa những văn tài và các nhà "ám chỉ học" là ở động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác".
Tôi tán thành với tác giả Trần Thế Hòa về việc trong đời sống văn học của chúng ta hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều các loại sách ám chỉ. Tôi cũng tán thành với quan điểm "sự khác nhau giữa những văn tài và các nhà "ám chỉ học" là ở động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác". Tuy nhiên, cũng còn một số điểm tôi muốn bàn thêm với tác giả, cũng như muốn nói kỹ hơn về việc cái "tâm", cái "động cơ" khác nhau giữa các nhà văn lớn và những "tài năng nhỏ" thể hiện rõ nhất ở điểm nào.
Trước hết, phải nói ngay rằng, văn chương "ám chỉ" là một hiện tượng đã có từ lâu và đây là một vấn đề không thể dùng luật để áp chế, cho nên, mong ước "chúng ta cần xây dựng một quy phạm chung cho vấn đề nhạy cảm và khó khăn này" của tác giả Trần Thế Hòa thực sự là việc quá... khó khăn (theo tôi là bất khả thi). Vả chăng, việc nhà văn dựa vào nguyên mẫu trong đời thực để sáng tác cũng là một chuyện... thường tình. Không nên cho rằng, nhà văn không được và không nên lấy nguyên mẫu (để viết với dụng ý... chê) thuộc thành phần được... nhiều người biết đến (như một ý kiến tôi đọc được trên báo trước đây). Vậy chỉ được lấy nguyên mẫu là những người "thường thường bậc trung", thậm chí là "dân đen" trong cuộc sống thôi sao?
Cũng không nên băn khoăn nhiều về việc thái độ của "nguyên mẫu" ấy đối với nhà văn ra sao. Nhà văn Tô Hoài từng kể rằng, khi nhà văn Nam Cao viết xong tiểu thuyết "Sống mòn" (ban đầu có tên gọi "Chết mòn"), ông than thở với Tô Hoài: "Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in được sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa". Nhà văn Đào Vũ, khi in xong tiểu thuyết "Cái sân gạch" cũng không dám tặng sách cho nguyên mẫu "lão Am" của mình (một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, tên ngoài đời là Mạc Văn Tự). Lý do - như cách nói vui của con trai "lão Am": "Ăn ở nhà cụ mà viết "xấu" về cụ, cụ chẳng chửi cho chết cha. Kể nếu mà đọc, chắc cụ cũng bực mình, vì sách viết không đúng về cụ. Nhưng bọn tôi, lúc ấy tuy còn trẻ song rất hiểu là nhà văn khi sáng tác cũng cần phải hư cấu". Kể ra vậy để thấy, dựa trên những "nguyên mẫu" trong đời thực rồi thêm thắt để sáng tạo nên các nhân vật văn học là một đặc điểm sáng tạo của nhà văn. Vấn đề là sự thành công đến đâu mà thôi.
Có một câu danh ngôn nổi tiếng "Giữa cái vĩ đại và cái lố bịch đôi khi chỉ cách nhau một gang tay". Nếu như với các nhà văn có tài năng lớn, có tâm hồn cao cả, khoáng đạt thì các nguyên mẫu chỉ là cái cớ để từ đó, họ dựng lên những biểu tượng mang tính thời đại, hoặc để ngợi ca, hoặc để cảnh báo (về một mẫu người mà xã hội cần noi theo hoặc loại trừ); hoặc để họ gửi gắm những quan điểm nhân sinh. Thậm chí, từ nguyên mẫu ấy, họ bồi đắp "xương thịt" từ chính đặc điểm tính cách của mình, từ những chất liệu của tâm hồn mình để thành những nhân vật có sức "lý tưởng hóa" cao. Chính vì thế mới có chuyện, từ một nguyên mẫu cỡ chỉ thế này, họ đã chuyển đổi, "nâng cấp" lên thành một nhân vật văn học cỡ thế kia. Như trường hợp xảy đến với nhân vật Giăng Vangiăng trong bộ tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô. Nhân vật này vốn có nguyên mẫu là một... tên cướp khét tiếng của nước Pháp (tên gọi Viđốc). Khi Huygô biến Viđốc thành nhân vật văn học thì y đã chấm dứt những hoạt động tội ác của mình, nói theo ngôn ngữ bây giờ là "đã hạ cánh an toàn". Từ nguồn tiền giành giật được trong suốt mấy chục năm, y có tiền gửi nhà băng và thậm chí, trong mắt người đời, còn trở thành một nhân vật khả kính. Rõ ràng, khi đưa Viđốc vào trong tác phẩm của mình, Huygô muốn lấy đó như biểu tượng của sự hoàn lương, và với sức sáng tạo mạnh mẽ của Huygô, nhân vật đã được "thăng hoa" hơn đời thực rất nhiều. Ai đọc tiểu thuyết "Những người khốn khổ" đều khó có thể hình dung tại sao từ một nhân vật có quá khứ bất hảo thế kia lại có thể biến đổi thành một nhân vật Giăng Vangiăng thánh thiện đến nhường ấy.
Vậy cái khác giữa các nhà văn lớn và các... "tiểu tác giả" của những cuốn sách "ám chỉ" mà tác giả Trần Thế Hòa nêu ra, theo tôi, ngoài yếu tố tài năng thì nguyên nhân chính vẫn là: Họ luôn sáng tác vì những giá trị văn học đích thực chứ không nhằm để thỏa mãn sự yêu ghét cá nhân, nhằm để "trả nợ ân oán giang hồ".
Trong lịch sử văn học từng lưu truyền những câu chuyện vể sự "nổi loạn" của nhân vật. Có khi, ban đầu tác giả muốn nhân vật của mình phải thế này, nhưng rồi, theo diễn biến tự nhiên của câu chuyện, nhân vật cần phải có đời sống khác, có hành động khác buộc tác giả phải "điều chỉnh" lại cho nó hợp với lôgic của đời sống. Thi hào Nga Puskin từng than thở với một người bạn: "Anh có thể tưởng tượng được cái cô Tachiana (tên một nhân vật trong tác phẩm của Puskin) đã xỏ tôi một vố như thế nào không? Cô ấy đi lấy chồng. Chuyện đó thực tôi không thể nào ngờ là có thể xảy ra được với cô ấy". Về những "sự cố" kiểu này, văn hào Lép Tônxtôi cũng cho biết trong thực tế sáng tác, ông từng gặp nhiều lần và theo quan điểm của ông, đám nhân vật của ông đã "làm những gì mà họ phải làm trong cuộc sống thực và thường xảy ra trong cuộc sống, chứ không làm những gì tôi muốn".
Trở lại với trường hợp các tác giả của những cuốn sách "ám chỉ" mà tác giả Trần Thế Hòa đã nêu. Sự thực, trong đời sống sáng tác, chúng ta từng bắt gặp không ít những tác giả chỉ chăm chăm "xây dựng nhân vật" kiểu như, nếu nhân vật ở ngoài đời tên là Bảy thì trong sách được đổi là Thất; nhân vật ngoài đời giữ chức danh tổng thư ký hội này thì trong sách lại cũng giữ một chức tương đương, rồi thì ngoài đời nhân vật mang đặc điểm ngoại hình thế nào thì trong sách cũng mang đặc điểm thế ấy; những nét dị thường kiểu như lé, lùn, hiếng, hói...vv... được họ khai thác triệt để, cốt sao chỉ để ai đọc là nhận ra ngay nhân vật mà họ muốn trút thù trút oán. Thậm chí, có trường hợp sách in xong, tác giả còn tìm cách "gửi" tới cho nhân vật, hoặc "đánh tiếng" để nhân vật biết. Cách xây dựng nhân vật kiểu ấy, và chỉ có thế, theo tôi sẽ khó mà tạo nên những nhân vật có tính biểu tượng cao. Tác phẩm cũng khó đem tới cho độc giả một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc.
Người đọc (ngoại trừ những người tò mò một cách tức thời) về lâu dài cũng sẽ hờ hững với những tác phẩm như vậy. Bởi một khi "nguyên mẫu" của nhân vật trong tác phẩm không còn là đối tượng được người đời quan tâm chú ý nữa, thì hiển nhiên sức thu hút độc giả của những cuốn sách ấy theo đó cũng đặt dấu chấm hết. Hãy ngẫm lại xem, đời sống văn học mấy mươi năm qua chẳng đã chứng minh rất rõ việc này đó sao?

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét