Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Vài nét Hữu Ngọc

TRẦN ĐĂNG KHOA

Nhiều lúc ngắm Hữu Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ có cái cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một con khủng long vừa hiện hình người. Hữu Ngọc quả là một con khủng long kỳ vĩ. Ông sinh năm 1918. Khi đó, bố mẹ tôi còn chưa ra đời. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, thuộc lứa tuổi đàn em của ông, giờ cũng đã thành người ở cõi thương nhớ. Vậy mà Hữu Ngọc vẫn dẻo dai “sánh bước cùng thời đại”, hay nói như ngôn ngữ của ông “cứ lang thang như một áng mây giời”.
Hàng ngày, Hữu Ngọc vẫn cậm cạch cuốc bộ từ nhà riêng ở khu Vạn Bảo đến cơ quan ở 46 Trần Hưng Đạo. Chặng đường dài hơn chục cây số đi về.
Hữu Ngọc là Chủ tịch Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa và có thời là Chủ tịch cả Quỹ Văn hóa Đan Mạch – Việt Nam. Chỉ tính riêng ở Quỹ Thụy Điển mà tôi được biết, trong 5 năm hoạt động, ông đã cùng các cộng sự, tham mưu giúp Thụy Điển tài trợ cho hàng ngàn công trình, hạng mục, khôi phục lại nhiều di sản văn hóa quý giá bấy lâu chìm lấp trong cỏ dại. Tôi đã nhiều lần đi thực địa cơ sở cùng Hữu Ngọc. “Đánh đu” với Hữu Ngọc mệt lắm. Nói như Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành: “Đi với bác Ngọc thì no kiến thức, nhưng đói bụng và bải hoải toàn thân. Không thể “đấu vật” với bác Ngọc được!”.
Kể cũng lạ. Tôi không ngờ một ông cụ ngót chín mươi tuổi mà vẫn leo núi thoăn thoắt như một con sóc rừng. Hữu Ngọc dường như không có tuổi già. Ông như một bộ cốt đã hóa thạch. Thời gian dường như không thể “đánh” được vào con người trần gian này. Không biết bí quyết nào đã cho ông cụ một sức lực dẻo dai đến thế? Có lẽ một phần là chất liệu sống. Mà sống, với Hữu Ngọc, là lao động. Lao động không ngừng. Nói như Xuân Diệu: “Mắt luôn lục lọi, óc luôn kiếm tìm”. Hữu Ngọc lúc nào cũng cuồn cuộn như một dòng sông luôn chảy xiết. Tôi có cảm giác chỉ một tích tắc dừng lại, có lẽ cái cơ thể đã quánh lại như một bộ cốt sống kia sẽ tan rữa ra như cát bụi.
Nhưng Hữu Ngọc không thể tan rữa. Ông luôn phát triển trong thế vận động. Là người giỏi nhiều ngoại ngữ, am tường nhiều nền văn hóa nhân loại, lại đi nhiều, đọc nhiều, Hữu Ngọc là người Việt Nam, nhưng ông cũng là một công dân của cả một thế giới rộng lớn. Ông kết hợp và tận dụng được cùng một lúc cả hai “nguồn lực” đó. Đây chính là “bí kíp” giúp Hữu Ngọc hơn người. Bằng con mắt của một người thuần Việt, ông nắm bắt được những vẻ đẹp của những nền văn minh nhân loại. Và bằng con mắt của nhân loại, ông phát hiện ra được những tinh chất đặc sắc của Việt Nam mà nhiều khi người Việt ta ở trong nước lại không nhìn ra.
Tất cả những năng lực ấy, Hữu Ngọc đều bộc lộ qua hai phương tiện: Viết và Nói bằng một tư duy rất hiện đại. Nghĩa là chữ ít, nhưng lượng thông tin lại nhiều. Đó là loại văn chương điện tín. Mỗi chữ là một ký tự thông tin. Một lối văn mộc, không son phấn, văn hoa.
Ông thường loại bỏ những giao đãi rườm rà, tước hết những “phụ tùng” không cần thiết, chỉ còn lại cái cốt lõi mà không thể giản lược thêm được nữa, để chuyển tải với bạn đọc những gì mà ông muốn bộc lộ, chia sẻ. Bởi thế, các tập sách của Hữu Ngọc thường rất dày, có cuốn đến cả ngàn trang khổ lớn, nhưng người đọc vẫn không thấy dài. Nhiều bài viết chỉ phong phanh mấy trăm chữ, nhưng lượng thông tin lại nhiều hơn cả một công trình nghiên cứu, nhiều chữ mà ít nghĩa của một nhà văn hóa nào đó. Có lẽ cũng vì thế, tiến sĩ nghệ thuật Đức Gunter Giesenfeld, đã gọi ông là “bậc thầy của những bài ký ngắn”.

Đấy là một nhận xét khá tinh tế.

________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét