Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Có ai nghe thấy một tiếng vọng

Đinh Quang Tốn

"Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi", câu thơ của nhà thơ Trần Lê Văn đã làm bao người yêu thơ xúc động suốt mấy chục năm qua.

1. Khắc khoải tri âm

Nhà thơ Vũ Đức Dật (1942 - 1992) quê Bắc Ninh, công tác ở Sở Văn hóa Hải Hưng trước đây, tác giả tập thơ "Chim hót lời yêu" được Tặng thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng có một câu thơ tương tự: "Đắm say chi đó người ơi!/ Có nghe trong vắt ngang trời tiếng chim?". Đó là nỗi khắc khoải tri âm của các thi sĩ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài viết về nghệ sĩ Lê Vân "Như một cái cây sau bão", có viết rằng: "Cái làm cho con người rơi vào cô đơn trong chính chốn ồn ào nhân thế là không tìm được tri âm của mình". Các nhà thơ tại sao lại phải đi tìm những "tiếng vọng"? Thật khó trả lời! Nhưng quả thật nếu không cần những "tiếng vọng" thì họ thả thơ vào đời làm gì? Nỗi khắc khoải của các thi sĩ là đại diện cho nỗi khắc khoải của mọi người mà thôi!

Dân ca Quan họ Bắc Ninh bài nào cũng thấy thổn thức, khắc khoải. Mà khắc khoải nhất với tôi là bài "Bèo dạt mây trôi". Đây là nỗi khắc khoải của thân phận con người bao đời gửi gắm qua nỗi khắc khoải của tình yêu nam nữ: "Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi/ Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt…/ Anh ơi, em vẫn đợi mỏi mòn…". Nghe lời ca ấy, tôi thấy cha ông ta thật là nghệ sĩ, trái tim thật vô bờ. Không ngờ, ngàn đời trước, ông cha mình sống nghèo nàn về vật chất mà tâm hồn lại giàu có làm vậy! Bây giờ, thấy thương quá nhiều người sống giàu có về vật chất mà tâm hồn lại nghèo nàn! Vậy thì, phấn đấu để làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân chính là nhiệm vụ của các thi sĩ.

Nhưng tri âm lại là tình cảm tự nhiên giữa những cá nhân, thường thiêng liêng và kín đáo. Giai thoại "Rau sắng chùa Hương" của thi sĩ Tản Đà và một người nào đấy đã gửi rau sắng kèm theo bài thơ cho thi sĩ, công khai mà bí ẩn cho đến tận bây giờ. Thi sĩ công khai đăng thơ trên báo: "Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa/ Mình đi ta ở lại nhà/ Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm". Một bạn đọc đã gửi rau sắng và kèm bài thơ cho thi sĩ: "Kính dâng rau sắng chùa Hương/ Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa/ Không đi thì gửi lại nhà/ Thay cho dưa khú cùng là cà thâm" (Đỗ tang nữ kính biếu). Bài thơ cũng được thi sĩ Tản Đà cho đăng báo công khai, mà đến nay vẫn không biết ai là tác giả? Thế mới thấy người xưa sống sâu sắc, có dịp trở thành nổi tiếng nhưng vẫn giấu mình. Càng thấy thương những ai muốn nổi danh bằng mọi giá, kể cả gây ra xìcăngđan!

Tôi cũng có bài thơ "Đêm trăng nhớ bạn" nói về nỗi khắc khoải tri âm của mình:

Trăng sáng không ai cùng dạo
Trong phòng đọc thơ nghêu ngao
Càng đọc càng buồn dằng dặc
Hết đi ra lại đi vào
Bạn bè mỗi người mỗi nẻo
Từ nay xa cách mãi sao?
Bao giờ cùng ngồi trò chuyện
Đời người sống được là bao!
Trăng ơi! Sao trăng sáng thế
Bạn tri âm ở phương nào?"


Như thế mới thấy khắc khoải tri âm không phải riêng ai. Thi sĩ Nga Côngxtantin Ximônốp đã có câu nổi tiếng: "Không nỗi đau nào của riêng ai"… Đúng vậy, nhân loại là một cộng đồng, người ta luôn là mỗi cá nhân trong một tập thể. Có phải mối quan hệ cá nhân và tập thể, mỗi người và cộng đồng luôn là mối quan tâm giải quyết của mỗi chế độ xã hội trong lịch sử!

Nỗi khắc khoải tri âm lớn nhất trong các thi sĩ là của đại thi hào Nguyễn Du:"Ba trăm năm nữa ta đâu biết? Thiên hạ ai người khóc Tố Như!". Và có lẽ Nguyễn Du cũng là người hạnh phúc nhất, bởi sau chưa tới ba trăm năm đã có hàng triệu triệu người Việt Nam và thế giới tri âm với ông. Ông xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy, bởi tấm lòng nhân văn sâu sắc và cao cả của ông, khi ông nói về một nửa nhân loại: "Đau đớn thay thân phận đàn bà!" đến hai lần trong những kiệt tác của mình.

2. Tiến lại hai bước

Trong cuộc sống, bạn bè cũng có lúc giận nhau. Vấn đề là ứng xử thế nào trong những tình thế ấy, để giữ tình bạn đẹp mãi. Bởi vì, "Bạn thân suốt đời/ Quý hơn vàng ngọc". Tôi nhớ, có một nhà thơ lớn đã bộc lộ cách ứng xử trong tình huống ấy của mình: "Nếu bạn bước lại một bước, thì mình phải tiến lại hai bước!". Đó là một cách ứng xử đẹp, vì tình bạn cao cả, chứ không vì ích kỷ cá nhân.

Tình cảm giữa các nhà thơ, nhà văn đích thực thường sâu sắc. Phải chăng nó xuất phát từ sự suy nghĩ sâu sắc của họ về cuộc đời, về con người. Tôi rất kính trọng các nhà thơ nhà văn về sự sâu sắc ấy. Sự sâu sắc này chứa đựng trách nhiệm cao với cuộc sống, cũng thể hiện tình yêu sâu nặng của họ với cuộc đời. Sống sâu sắc thì một ngày sống có thể dài hơn một ngày, một đời sống chỉ "cổ lai hi" cũng là dài hơn trăm năm!

Trong lịch sử, tình bạn văn chương sâu sắc được ghi lại rất nhiều. Thi thánh Đỗ Phủ kém thi tiên Lý Bạch 11 tuổi, nhưng hai người là bạn thân thiết. Năm 759 Lý Bạch đang trên đường đi đày, Đỗ Phủ đã làm bài thơ "Cuối trời nhớ Lý Bạch" rất cảm động: "Cuối trời gió lạnh bốc lên rồi? Ý người quân tử lúc này ra sao?/ Chim hồng, chim nhạn bao giờ đến?/ Sông hồ nước thu tràn đầy/ Văn chương ghét người gặp vận/ Ma quỷ thích trêu người đi qua? Để nói chuyện với hồn người thác oan/ Có lẽ (bác) ném thơ xuống sông Mịch La". Đấy là tâm sự của những tâm hồn lớn mà cuộc đời không hiểu được. Bảo Lý Bạch hãy trò chuyện với Khuất Nguyên bằng cách "ném thơ xuống sông Mịch La" nơi Khuất Nguyên trẫm mình thác oan là Đỗ Phủ đã hiểu Lý Bạch đến tận cùng!

Đại thi hào Nguyễn Du có lẽ là một người cô đơn giữa thời đại lúc đó chăng mà ông toàn đi tâm sự với những người đời trước, những giai nhân văn sĩ nước ngoài. Ông đã biến nàng Kiều trong tác phẩm "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân thành người phụ nữ Việt Nam để gửi gắm niềm tâm sự. Ông trò chuyện với Khuất Nguyên vô cùng sâu sắc trong bài thơ "Phản chiêu hồn", trò chuyện với nàng Tiểu Thanh trong "Độc Tiểu Thanh ký" nổi tiếng. Đặc biệt, ông thương Đỗ Phủ, có lẽ vì hoàn cảnh nghèo khổ trong loạn lạc giống mình, và cũng lận đận vì văn chương như mình, dẫu Nguyễn Du sinh sau Đỗ Phủ hơn nghìn năm. Đây là hai nhà thơ hiện thực và nhân đạo sâu sắc nhất của hai nền văn chương Trung Hoa và Việt Nam.

Tình cảm lớn của thi nhân đã kéo thời gian gần lại, và lời tâm sự như của người cùng thời: "Văn chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thầy muôn đời/ Tôi bình sinh khâm phục ông không lúc nào xa rời…(Ông với tôi) ở hai thời đại khác nhau, thương nhau luống rơi nước mắt/ Ông cùng khổ như thế há phải vì hay thơ/ Cái bệnh lắc đầu cũ (bệnh điếc) bây giờ đã khỏi chưa?/ Dưới suối vàng đừng để bọn quỷ cười". Đồng cảm đến mức nhớ cả bệnh điếc của người xưa, và khuyên "đừng để bọn quỷ cười" là sự tri âm đến tận cùng tri âm!

Trở lại với tình bạn văn chương của chúng ta hôm nay, hình như một số nhà thơ, nhà văn đã không học được cốt cách của các văn nhân thi sĩ thời xưa. Cách ứng xử của một số người trong văn giới đã để cho những người yêu văn chương phải chạnh lòng. Tôi luôn quan niệm là cuộc đời cao hơn văn chương, nên tôi cũng vô cùng kính trọng những ai sống và hành động theo quan niệm của đại thi hào Nguyễn Du: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Vì thế, mặc dù không hâm mộ thơ của nhà thơ Lê Đạt và cũng không đồng tình với quan niệm về thơ của ông, tôi vẫn vô cùng kính trọng ông khi ông viết: "Công việc làm thơ và phê bình thơ ít tiền và gian nan. Do đó các nhà thơ, các nhà phê bình thơ phải đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau" (Chữ bầu nên nhà thơ - Báo Văn nghệ số 34, năm 1994).

Đừng sợ mình thua bạn, đừng sợ mình thấp hơn bạn, hãy "tiến lại hai bước" để gặp bạn như cách ứng xử của nhà thơ Chế Lan Viên, trong cuộc tranh luận với nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến về "văn học phải đạo" từ hơn ba thập niên trước.

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét