Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Nhà văn Bích Ngân: 'Tôi không tả sex như trên phim'

- "Có những đoạn chỉ vài trăm chữ mà tôi đã viết đi viết lại cả trăm lần. Bởi sex, ngàn đời vẫn vậy, vừa cũ vừa mới. Nếu chỉ miêu tả hành động giường chiếu thì điện ảnh làm tốt hơn", nhà văn Bích Ngân.

Phát hành chỉ một thời gian ngắn, tiểu thuyết đầu tay Thế giới xô lệch (NXB Hội nhà văn) của nhà văn Bích Ngân đã nhận nhiều lời khen chê trong dư luận.

Xin được bắt đầu bằng nhận xét của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, Thế giới xô lệch là tác phẩm 5 không: không cốt truyện xây dựng quy mô, nhân vật không có tên, không lạm dụng ngôn ngữ Nam bộ (dù tác giả là người Cà Mau), không hơi hướng trào phúng khi đây cũng là thế mạnh của tác giả, và không cần yếu tố sex...

[Nhà văn Bích Ngân: - Tôi thấy nhận xét của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan khá tinh. Tiểu thuyết Thế giới xô lệch đến được với người đọc, đặc biệt đến được với những đồng nghiệp kỹ tính, trước hết là do bút pháp. Với nhân vật trung tâm là một người tật nguyền, di chuyển trong một không gian bị giới hạn, thì lối kể chuyện và ngôn ngữ miêu tả, lột tả giữ vai trò quan trọng. Đó còn là thủ pháp trong cấu trúc, kết nối, liên tưởng, suy tưởng... Nói gọn lại là làm sao cho từ ngữ sinh động, cuốn hút ở từng trang viết.]

Nhưng nói Thế giới xô lệch không sex cũng chưa chính xác khi tác phẩm có nhiều đoạn miêu tả tình dục. Để viết những đoạn văn miêu tả hành vi và thái độ của người chồng tật nguyền và cô vợ trẻ trong quá trình quan hệ tình dục khá ý nhị như thế, chắc chị cũng đã nghiên cứu, nghiền ngẫm văn hóa tình dục?

Thế giới xô lệch là minh chứng cho kỳ công lao động và trau chuốt, nó ra khỏi vòng cương tỏa của những dòng cảm xúc tự phát để đến với cái đích cần thiết mà tác giả mong muốn".

- Đó là những trang viết lấy của tôi rất nhiều công sức. Có những đoạn chỉ vài trăm chữ mà tôi đã viết đi viết lại cả trăm lần. Bởi sex, ngàn đời vẫn vậy, vừa cũ vừa mới. Nếu chỉ miêu tả hành động giường chiếu thì điện ảnh làm tốt hơn.

Tôi muốn khi xây dựng nhân vật của mình rằng: dù người phế binh đó không lành lặn về thể xác nhưng anh ta vẫn giữ được nỗi khát khao giao cảm, khát khao thăng hoa trong quan hệ tình dục và đó cũng là nỗi khao khát lành mạnh của bất kỳ ai.

Với số đông người đọc hôm nay, tác phẩm nếu không viết đậm về sex thì phải bập vào vấn đề gì đó thật sốc, nếu không, họ cho là người viết hiền lành...

- Sự cảm nhận về một tác phẩm văn chương luôn là khác nhau ở những đối tượng độc giả khác nhau và còn tùy theo lăng kính và cả góc nhìn của họ. Riêng với tôi, sự dữ dội, khốc liệt của một tác phẩm văn học chính là những giằng xé nội tâm, là một thế giới tâm hồn chênh vênh xô lệch, là cuộc chiến đấu tự thân, cô đơn và nghiệt ngã. Với cảm quan này, tôi thấy ngòi bút tôi không hiền chút nào cả.

Không "hiền", khi người chồng tàn phế nhưng chị đã cho cô vợ mơn mởn trẻ trung đi học nhảy đầm về tập dượt trước mặt chồng?

- Làm sao “hiền” khi đưa đẩy những nhân vật của mình đến những tình huống buộc phải lựa chọn một cách ứng xử, một lối sống, dù đó là những lựa chọn gây tổn thương, đổ vỡ hoặc chia lìa. Biết làm sao được khi họ không có lựa chọn nào khác. Biết làm sao được khi bản thân họ cũng là một thế giới xô lệch... Cũng có người trụ lại được trong sự xô lệch của chính mình và của cuộc sống. Và cũng có những người bị cuốn theo sự xô lệch nghiệt ngã của cuộc đời.

Trong Thế giới xô lệch không có nhân vật nào xấu tuyệt đối. Nhưng sự dửng dưng đôi lúc như vô cảm trước những được - mất của người thân, của gia đình ở nhân vật người cha mới thật đáng sợ. Đó mới là gốc rễ của những bất trắc, là hiện thân của những xô lệch trong xã hội mà chị muốn nói tới?

- Vô cảm, dửng dưng, ích kỷ không chỉ là mầm mống của bất trắc mà nó chính là hiện thân của sự bất trắc, gây đớn đau, mất mát. Người cha trong tác phẩm là người cha khá điển hình trong cuộc sống. Đó là người cha tận tụy hy sinh cho cái lớn lao nhưng lại không nhận ra những giá trị huyết mạch từ gia đình, từ nguồn cội. Một người cha đáng thương hơn đáng trách, bởi chính ông, cũng mất mát quá nhiều, đến nỗi không nhận ra được vóc dáng tâm hồn của những người thân yêu ruột thịt.

Người đọc chờ nhiều tình tiết được đẩy lên, như nơm nớp nghĩ rằng cô vợ sẽ tằng tịu với tay tài xế của cha chồng, nhưng không thấy. Cái kết của tiểu thuyết khiến người đọc hụt hẫng, lẽ ra tác giả phải đẩy tình huống vỡ ra như một quả bom, cho tan tác rồi mới có thể hàn gắn. Đằng này chị lại dẫn dắt nó đến cái kết cục hơi "happy end"...

[Nhà văn Dạ Ngân: "Gây dựng một tiểu thuyết, nhà văn nào cũng phải tìm được một ý tưởng nghệ thuật để làm xương sống. Bích Ngân đã làm được điều đó khi dùng một nhân tố chiến tranh để "máng" lên đó những bi kịch con người. Những nhân vật ấy xét cho cùng, đều thẳng thớm và lành lặn nhưng dưới cái nhìn lý tưởng về đạo đức và thẩm mỹ, nhà văn thấy như họ bị xô lệch.
Xô lệch như vậy là còn ít, là chưa thấm tháp gì so với hiện thực hay so với sự chưng cất nếu người đọc đòi hỏi cao hơn. "Cái thế giới xô lệch chực ngả nghiêng chao đảo, bất ngờ được kéo lại, được vực dậy và được giữ thăng bằng bởi sức mạnh của sự sẻ chia", đó là thông điệp nhân văn mà nhà văn đã xoay quanh nó để cho sự xô lệch không bị thái quá, cực đoan. Kết cục ấy nói quá hiền cũng được mà nói nó quá có hậu cũng không sai".]

- Như tôi vừa nói, cái khốc liệt của tác phẩm là ở những góc khuất giằng xé điên đảo của thế giới nội tâm. Bi kịch ở đây, và cũng còn là bi kịch nội tâm nhân vật.
Còn xây dựng tình tiết và đẩy nhân vật đến những tình huống cao trào, với tôi, thực ra không khó. Tôi cũng đã viết thêm khoảng 30 trang, đã cho cô vợ chàng thương binh tằng tịu với gã tài xế sống tráo trở, và người chồng bị cắm sừng suýt dìm chết đứa con không phải con đẻ của mình... Nhưng tôi lại không muốn. Thủ pháp đó nên dành cho sân khấu.

Tôi muốn nói đến một nỗi đau mà ai cũng có thể cảm nhận được. Đó là nỗi đau của những thân phận không tình yêu, là nỗi mất mát của những tâm hồn lạc mất nhau, là khoảng tối thật nhiều gió giữa những con người...

Cái kết của tiểu thuyết, nếu độc giả đọc kỹ hơn thì chẳng có gì là vui, mà là một cái kết xúc động và buồn thảm. Vui làm sao được khi đứa con biết tìm về với mẹ, thì ngay cả xương cốt của người mẹ cũng đã tan thành sương khói... Thế giới xô lệch không chỉ nói về một thế giới ngả nghiêng xô lệch mà còn nói về những con người có lòng nhân đạo - họ không quá “kéo căng” để làm cho cái thế giới đi đến sụp đổ.

Chị có nói Thế giới xô lệch hấp dẫn độc giả trẻ, còn độc giả lớn tuổi thì đòi hỏi hơn thế, rằng giá như chị xoáy vào câu chuyện cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhưng có thể ngược lại: độc giả trẻ hôm nay không thích tác phẩm này, nó chỉ dành cho thế hệ trước?

- Tôi vui khi được độc giả, đồng nghiệp, đặc biệt là bạn viết trẻ đón nhận tiểu thuyết này và đọc kỹ. Đọc và chia sẻ. Chia sẻ bằng nhận xét khen chê hết sức chân thành. Chia sẻ bằng bài viết, bằng sự khích lệ...

Với Thế giới xô lệch, sự tàn phế của một anh thương binh từ chiến trường biên giới Tây Nam trở về chỉ là cái cớ để tôi nói về cuộc sống với những rạn nứt xô lệch của hôm nay. Tôi không viết về cuộc chiến tranh đó và cũng không có vốn sống lẫn khả năng để viết về nó.

Phụ nữ viết văn cực hơn đàn ông, nhưng không được phép viết dở hơn, hay kém sâu sắc hơn đàn ông?

- Đó là sự bình đẳng duy nhất giữa đàn ông và đàn bà.

Võ Tiến thực hiện
___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét