Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Dịch giả Thúy Toàn: Vàng sẽ mãi là vàng

- Hơn 70 tuổi, không ai phân công, nhưng ông vẫn tự nguyện theo dõi mảng văn học Nga, vẫn bỏ tiền túi ra để sang nước Nga tham dự các hội thảo, vẫn đều đặn dịch sách Nga dù biết ít khi được in. Với ông, hạnh phúc là được tiếp xúc với văn học Nga.

Thích thì dịch

Thời gian gần đây, ông còn dịch tiếng Nga không?

Tôi vẫn dịch. Tôi dịch văn thơ xuất phát từ tình yêu chứ không phải để kiếm sống. Tôi chưa dịch theo đơn đặt hàng bao giờ. Khi dịch không nghĩ đến kết quả phải đưa in.
Hơn nữa, tôi cũng như những người sáng tác - không sáng tác có nghĩa là chết. Vì tôi thường thích thì dịch nên không nề hà đó là tác phẩm lớn hay nhỏ, của tác giả nào, thể loại nào. Một mẩu chuyện trẻ em mà hay cũng như một bài thơ trữ tình, miễn là mình rung động, muốn thể hiện suy tư, tình cảm của mình qua đó.

Ở đời còn rất nhiều cái đẹp mà ta chưa khám phá hết. Ngay một tác giả như Puskin, tôi theo đuổi hàng nửa thế kỷ rồi, thỉnh thoảng vẫn phát hiện ra một tác phẩm mà mình tâm đắc muốn chuyển tải cho người khác cùng biết...
Văn học nước ngoài hiện được giới thiệu ở Việt Nam rất nhiều. Nhiều tác phẩm mới được giải thưởng ở nước ngoài đã được dịch ngay ra tiếng Việt. Còn văn học Nga thì chủ yếu là in lại các tác phẩm kinh điển, chẳng lẽ hiện tại không có gì đáng dịch sao?

Có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do thành kiến và tâm lý xã hội. Có một dạo cứ thấy tên tác giả Nga là các nhà xuất bản từ chối bản thảo đưa in. Trong kinh tế thị trường, người ta chỉ in những sách bán được thôi. Gần đây ta cũng có in một số sách Nga dịch mới, trong đó có các tác phẩm giá trị của Tolstoi, Gorki, Baben... nhưng chỉ ra một số lượng nhỏ và cũng ít được quan tâm.

Một nguyên nhân nữa là do khâu dịch mới lựa chọn chưa tốt, chưa thích đáng khiến bạn đọc hình dung không đúng về văn học Nga. Ví dụ gần đây ta có in truyện vừa "Vô hồn", dù được quảng cáo rùm beng nhưng cũng chìm nghỉm. Đấy là chưa nói khi xuất bản ở Nga, cuốn sách này đã bị đánh giá là cuốn tồi nhất trong năm.

Có cảm tưởng văn học Nga đang bị lãng quên ở Việt Nam?

Có lẽ phần nào đúng như thế. Ít dần người quan tâm đến việc nghiên cứu, giới thiệu, dịch. Khai thác sách dịch chưa xác đáng đã đành. Giới thiệu tuyên truyền về văn học Nga nhiều khi đi vào khai thác chuyện giật gân: chuyện riêng tư của các nhà văn, nhà thơ... Liệu có nên khuyến khích kiểu quảng bá đấy không?
Trong khi ở các nước, văn học Nga vẫn được trân trọng nghiên cứu giới thiệu một cách nghiêm túc. Ở Nhật xuất hiện cả một cao trào mới quan tâm đến sáng tác của Dostoiepxki. Ở Trung Quốc cũng vậy. Mấy năm trước người ta đã dựng lại cả phim theo tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" của N.Oxtrôpski.

Vậy chắc ông buồn lắm?

Không hẳn thế. Tôi nghĩ mình không thể đòi hỏi cái gì vĩnh cửu được. Mọi cái phải theo quy luật của cuộc sống. Ở đây không có gì đáng buồn. Cái gì là vàng thì sẽ mãi là vàng. Rồi sẽ có lúc người ta thấy được giá trị thực của nó. Vì vậy, việc mình làm thì mình cứ làm, thấy có ích thì làm thôi.

Nhà văn Nga nào ông thích nhất?

Thích thì nhiều. Nhưng có thể kể ra bắt đầu từ Puskin. Thơ còn có những nhà thơ Nga, những nhà thơ Xô viết mà tôi đã dịch ít nhiều. Văn thì thích L.Tonxtôi, Pautopxki, Bunhin... Văn học Nga là một nền văn học vĩ đại. Tôi hạnh phúc là mình đã được tiếp cận ngay từ tuổi trẻ, càng đi sâu vào càng thấy nhiều điều mới mẻ. Chính vì thế mà tôi theo đuổi say mê.

Điều đó xuất phát từ tình cảm với nước Nga hay vì lý do gì khác nữa?

Tất nhiên từ tình yêu đối với văn học Nga, với nước Nga cũng là với tuổi trẻ của mình, tình yêu của mình, bản thân mình.

Nước Nga có nhiều điều giống Việt Nam

Người Việt mình đi du học khắp nơi trên thế giới, nhưng có lẽ chưa ở đâu lại gắn bó như nước Nga, theo ông tại sao vậy?

Nước Nga đẹp, hiền hòa, có nhiều điều giống Việt Nam. Lịch sử, nhân dân Nga cũng gần với lịch sử, nhân dân ta. Riêng với thế hệ chúng tôi, tuổi trẻ đã trải qua trên đất Nga, phần đẹp nhất của cuộc đời là ở đây...

Có phải vì thời của ông, nước Nga như là thiên đường?

Đúng là so với trong nước thì nước Nga như là thiên đường. Nhưng đất nước Nga lúc đó cũng có nhiều biến đổi lạ lùng lắm, không phải lúc nào cũng đẹp lãng mạn với bạch dương và tuyết trắng. Cuộc sống sôi nổi chứ không phải chỉ thanh bình đâu.

Đặc biệt là những biến chuyển sau đại hội 20, xã hội thay đổi rất ghê gớm... Tuổi trẻ của chúng tôi tưởng như êm đềm nhưng lại rất xáo động. Nhưng đó mới chính là hiện thực nước Nga.
Trong những chuyến đi gần đây, cảm nhận của ông về nước Nga có thay đổi không?

Thay đổi nhiều chứ và nhiều cái tốt đẹp. Có thể hy vọng và tin tưởng vào một nước Nga mới lành mạnh và văn hóa Nga sẽ có những thành tựu rực rỡ. Tôi đã nhiều lần được trở lại Liên Xô trước đây và nước Nga sau này. Đi họp, đi với tư cách người giúp việc, phiên dịch... và dành dụm được chút tiền nào là đi. Quê của Dostoiepxki thường xuyên tổ chức các hội thảo định kỳ về văn học Nga, tôi luôn được mời.

Nghe nói ông có bộ sưu tập những kỷ vật rất lý thú về nước Nga?

Từ lâu tôi đã từng bước sưu tầm tư liệu về văn học Nga và tích lũy kỷ vật. Đến giờ kiểm lại cũng có một chút đáng lấy làm vui và có thể mạnh dạn "khoe" với mọi người. Ngoài hàng trăm sách văn học Nga được dịch qua các thời kỳ, còn có các bài báo, một bộ sưu tập văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. Rồi các chuyên đề và tem, huy hiệu, tiền kỷ niệm về văn học Nga... Đủ để làm cơ sở cho một bảo tàng lâu dài.

Nếu đóng góp mỗi người một ít thì đủ có thể thành một bảo tàng Văn học Nga ở Việt Nam. Nếu được như vậy thì cũng là một điều đáng tự hào.

Xin cảm ơn ông!

[Dịch giả Thuý Toàn sinh năm 1938, đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Moscow mang tên Lênin (1956 - 1961), nguyên là phó giám đốc kiêm phó tổng biên tập Nhà Xuất bản Văn học.
Hiện ông là chủ tịch Hội đồng Dịch thuật Văn học (Hội Nhà văn Việt Nam), giám đốc Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây. Đã dịch và xuất bản các tác phẩm: Thơ trữ tình Puskin, thơ Lécmôntốp, thơ Nezval, thơ Blok- Exênhin, Khúc ca về cuộc hành binh Igo, thơ Raxul Gamzatôp…]

Nhật Minh (thực hiện)
______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét