Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

Tản Đà tế Chiêu Quân

HUYỀN VIÊM

Chiêu Quân tên là Vương Tường, quê ở Việt Châu, nhan sắc cực kỳ diễm lệ, được tuyển vào làm cung phi dưới đời vua Hán Nguyên Đế (48-33 TCN). Vì quá nhiều cung tần mỹ nữ, nhà vua không thể nhớ mặt hết nên sai một người thợ vẽ là Mao Diên Thọ họa hình các nàng dâng lên vua. Vua xem các bức họa, thấy ai đẹp hơn cả thì cho vời. Cung nhân nào muốn được vua vời thì phải đút lót cho Mao Diên Thọ, y sẽ tô vẽ thêm để làm tăng sắc đẹp. Chiêu Quân tự phụ về sắc đẹp của mình mà cũng không có nhiều tiền để hối lộ Mao Diên Thọ, vì thế hắn vẽ hình nàng xấu đi nên vua không để ý. Nàng đành chịu sống âm thầm đau khổ trong chốn thâm cung.

Bấy giờ chúa Thiền Vu (Hung Nô) có âm mưu khiêu khích nhà Hán nên sai sứ sang yêu cầu Hán Nguyên Đế gả cho một mỹ nhân, nếu không, sẽ đem quân chinh phạt. Nhà Hán đang yếu, không muốn xảy ra chuyện can qua nên chấp thuận. Vua chọn trong số các bức tranh, lấy bức vẽ một người cung nữ nhan sắc tầm thường để giao nhiệm vụ đi hòa Phiên. Không ngờ số phận lại rơi đúng vào nàng Chiêu Quân.

Lúc nàng vào bệ kiến để từ biệt lên đường, nhà vua mới nhận ra đây là một trang tuyệt sắc giai nhân, đẹp nhất trong số các phi tần nên vô cùng hối tiếc, nhưng việc đã lỡ, không thể nuốt lời trước mặt sứ giả được. Vua bèn sai chém Mao Diên Thọ. Chiêu Quân sang Hồ, mang theo cây đàn tỳ bà để bầu bạn rồi nhảy xuống sông tự tử, không chịu sống chung với người Hung Nô (1). Trong miền Nội Mông có hai địa điểm được cho là mộ của Chiu Qun, một gần Hohhot và một gần Bao Đầu, cả hai đều xanh ngắt cỏ tươi nên được gọi là Thanh Trủng (mồ xanh).

Sự tích Chiêu Quân đã gây xúc động nhiều cho các văn nhân thi sĩ đời sau. Nhiều người đã làm thơ ca tụng nàng và tiếc cho tấm thân ngà ngọc rơi vào tay kẻ phàm phu tục tử.

Dưới đời Đường, cả ba thi hào đều viết về Chiêu Quân. Lý Bạch có bài “Vương Chiêu Quân” với một hình ảnh thật đẹp và lãng mạn: vầng trăng nhà Hán sang đất Hồ chiếu dõi bóng Minh Phi, nhưng nàng không bao giờ trở lại.

Vẫn vầng trăng Hán nhô Đông hải,
Tây giá Minh Phi không trở lại.
Yên Chi lạnh lẽo tuyết phong hoa,
Bụi Hồ mòn mỏi nét mày nga.
Sống thiếu cân vàng nhem bức vẽ,
Chết vùi nấm đất não lòng ta!
(Lê Nguyễn Lưu dịch)

Đỗ Phủ có bài thơ rất cảm động viết về nàng, nhan đề “Vịnh Chiêu Quân” mà 4 câu cuối như sau:

Vẻ xuân, tranh cổ phôi pha nét,
Gót ngọc, đêm trăng phảng phất hồn.
Đàn phổ tiếng Hồ muôn thuở đó,
Khúc tỳ ai oán mạch sầu tuôn.
(Khuyết danh dịch)

Bạch Cư Dị có bài “Chiêu Quân từ” (Bài hát Chiêu Quân) mượn lời nàng nhắn sứ giả rằng: nếu nhà vua có hỏi thăm nhan sắc của thiếp thì chớ bảo rằng không đẹp bằng lúc còn ở trong cung:

Sứ Hán trở về, xin nhắn gửi:
Có vàng nào thuở chuộc nga mi?
Đức vua nếu hỏi hình dung thiếp,
Đừng bảo không bằng lúc chửa đi.
(Lê Nguyễn Lưu dịch)

Sang đời Tống, Vương An Thạch có bài “Minh Phi khúc” (2). Vương cho rằng Mao Diên Thọ vẽ hình Chiêu Quân xấu đi là do sự bất tài của hắn mà thôi, chứ vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn của nàng làm sao vẽ nổi? Tình của Vương An Thạch đối với Chiêu Quân cũng rất thiết tha:

… Một đi còn được về sao?
Ao xiêm cung Hán đổi trao cung Hồ.
Miền nam ngóng đợi tin thư,
Năm năm cánh nhạn xa mờ trông theo.
Quê nhà muôn dặm cheo leo,
Cung Hồ vò võ hắt hiu trước mành…
Hỏi ai, ai có thấu tình?
A Kiều xưa cũng một mình lãnh cung (3).
(Khuyết danh dịch)

Dưới đời Nguyên, Mã Trí Viễn sáng tác vở tạp kịch nhan đề “Phá u mộng cô nhạn Hán cung thu”, gọi tắt là “Hán cung thu”, nội dung chê trách các quan văn võ đời Hán hèn kém, bất lực, đặt vận mệnh đất nước vào tay một người con gi. Sang đời Minh, một vở kịch nhan đề “Chiêu Quân xuất tái” của Trần Dũ Giao rất nổi tiếng, nội dung kể lại chuyện Chiêu Quân vì vua vì nước mà phải hy sinh đi hòa Phiên. Dưới đời Thanh, sự tích Chiêu Quân được Tuyết Tiều chủ nhân viết thành một cuốn tiểu thuyết khá dày dặn, nhưng nội dung có nhiều hư cấu.

Khi sự tích Chiêu Quân truyền sang Việt Nam, nhiều nhà thơ ta cũng làm thơ thương tiếc nàng. Nhà thơ Ngô Thì Nhậm có bài “Chiêu Quân mộ” (Mộ nàng Chiêu Quân):

Bên dải Tần thành cỏ rậm che,
Ấy ai tảo mộ nàng Minh Phi?
Trướng cừu phận bạc nằm sao ấm?
Cung lạnh già toi thú nỗi gì!
Gió bấc chim non ku thảm thiết,
Sương thu mày liễu ngậm đầm đìa.
Nghìn đời căm giận tranh Diên Thọ,
Nhưng mặt phi thường dễ vẽ chi!
(Huy Cận dịch)

Cũng như Vương An Thạch, Ngô Thì Nhậm cho rằng Mao Diên Thọ bất tài nên bộ mặt phi thường như Chiêu Quân thì hắn làm sao vẽ nổi?

Ngoài ra, trong “Hồng Đức Quốc âm thi tập” đời Lê cũng có nhiều bài thơ quốc âm viết về việc Chiêu Quân cống Hồ.

Nhưng yêu quý và thương tiếc Chiêu Quân đến mức lập đàn để tế nàng thì chỉ có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Nguyên cậu ấm Hiếu si tình nàng Ái Khanh, ái nữ của cụ Đỗ Thận, nhưng gia đình này chỉ muốn có con rể đỗ cử nhân ra tri huyện. Vì thế cậu ấm Hiếu cố học để giật lấy cái cử nhân. Tiếc thay, khoa thi năm Nhâm Tý (1912) ở trường thi Nam Định, cậu bị trượt vỏ chuối vì làm hỏng bài văn sách hỏi mẹo. Chưa hết đau buồn vì sự hỏng thi thì khi về đến Hà Nội lại chứng kiến cảnh người trong mộng bước lên xe song mã về nhà chồng.

Tuyệt vọng và uất ức, cậu ấm Hiếu rời bỏ nhà trọ, từ giã Thăng Long, đi Việt Trì, Hòa Bình, vào dãy Hương Sơn tìm hổ quỷ rồi đến chùa Tiên lập đàn tế Chiêu Quân. Bài văn tế Chiu Qun bằng chữ Hán của Tản Đà gồm 27 câu, mỗi câu 4 chữ (xin xem Tản Đà toàn tập).

Đầu bản dịch thơ Nôm, có lời chú của Tản Đà: “Bài này khi tôi ở chơi chùa Non Tiên, làm bằng chữ Nho để tế nàng Chiêu Quân giữa đêm hôm 13 tháng 3 năm Duy Tân thứ 7. Sau về đến Nam Định, quan huyện Nễ mới dịch ra Nôm cho”. Dưới đây là bản dịch của Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế (anh rể Tản Đà):

Cô ơi ! cô đẹp nhất đời,
Mà cô mệnh bạc thợ trời cũng thua.
Một đi, từ biệt cung vua,
Có về đâu nữa, đất Hồ nghìn năm!
Mả xanh còn dấu còn căm,
Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai?
Má hồng để tiếc cho ai,
Đời người như thế có hoài mất không!
Khóc than nước mắt ròng ròng,
Xương không còn vết, giận không có kỳ.
Mây mờ trăng bạc chi chi,
Hôi tanh thôi có mong gì khói nhang.
Ới hồng nhan, hỡi hồng nhan!
Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời.
Trời Nam thằng kiết là tôi,
Chùa Tiên, đất khách, khóc người bên Ngô.
Cô với tôi, tôi với cô,
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây.
Hồn cô ví có ở đây,
Đem nhau đi với, lên mây cũng đành.

Nguyên bản chữ Hán đã hay mà bản dịch Nôm còn hay hơn, nhất là bốn câu đầu (4).
Bài văn tế Chiêu Quân bi thiết mà uy dũng, cất lên như một tiếng kêu trầm thống, khóc than cho những mối tình dang dở. Đã không có tri kỷ ở trên đời thì ta tìm tri kỷ là người thiên cổ vậy. Tri kỷ nghìn xưa đã tìm thấy ở Chiêu Quân rồi, nhưng nào có vơi được căm hờn, buồn thương và đau khổ. Bao nhiêu nước mắt đã khóc cho Chiêu Quân, căm về cái mồ xanh của nàng, phải chăng là khóc cho nàng Đỗ Thị, căm cho nàng Đỗ Thị?
________________________________________
(1) Có sách cho rằng Chiêu Quân chung sống với Thiền Vu là Hô Hàn Tà, rất được yêu quý, nàng sinh được hai người con trai và một người con gái.
(2) Minh Phi: tức Chiêu Quân. Từ đời Tấn, vì kiêng tên Tư Mã Chiêu nên gọi Chiêu Quân là Minh Phi.
(3) A Kiều: Sách Hán Vũ cố sự kể: vua Hán Vũ Đế tên là Lưu Triệt, khi mới 6-7 tuổi được bà cô là Trưởng công chúa bế ngồi lên đầu gối hỏi đùa: “Cháu có muốn lấy vợ không?” rồi chỉ vào con gái út của mình là A Kiều hỏi: “Con bé ấy được chứ”? Cậu bé đáp “Nếu lấy được A Kiều, cháu sẽ đúc nhà vàng cho cô ấy ở”. Về sau Lưu Triệt lên ngôi tức là Hán Vũ Đế, có lấy A Kiều thực, nhưng không đúc nhà vàng, rồi ít lâu sau cũng ruồng bỏ nàng, sai biếm nàng ra cung Trường Môn.
(4) Nguyễn Thiện Kế vốn là một nhà thơ trào phúng nổi danh, nên so với nguyên văn chữ Hán thì bản dịch Nôm của ông nhiều câu cũng pha chút trào lộng (H.V).

_________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét