Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Thủy Anna và những tựa sách gây sốc

TP - Sau “Lạc giới”, tác giả trẻ Thủy Anna vừa giới thiệu “Thoát y dưới trăng” - cả hai tựa sách đều có vẻ “giật gân”, “gây sự chú ý của độc giả” khi tìm đến những vấn đề nhạy cảm.

PV: Sau khi giới thiệu “Thoát y dưới trăng”, Thủy cảm nhận độc giả đón tác phẩm của mình thế nào?

Thủy Anna: Cảm nhận thì rất khó, vì giữa cảm nhận và thực tế là một khoảng cách rất xa. Nhưng người đọc “Thoát y dưới trăng” đều nói với Thủy Anna rằng: Tại sao thân phận của Di lại bất hạnh như thế, thậm chí hơn cả chị Dậu. Liệu thân phận người trẻ trong xã hội đương đại có thực sự khốn khổ như thế không?

So sánh như vậy có vẻ khập khiễng. Hay Thủy định gây sốc với hình ảnh “chị Dậu thế hệ mới” thật sự?

Thật thú vị là hôm trước một độc giả còn khấp khởi gọi điện cho tôi bảo rằng: Không hiểu sao em đọc “Thoát y dưới trăng” vẫn cứ liên tưởng đến thân phận người phụ nữ trước năm 1945. Cười. Cảm nhận là ở sự cảm thụ văn học của mỗi người. Tôi viết văn, nhưng quyền năng nhận định lại thuộc về độc giả.
Hình ảnh Di mang nhiều nỗi thống khổ, bị gạt ra khỏi lề xã hội, khát vọng rất đỗi giản đơn là một mái ấm gia đình mà cô còn chấp chới. Hạnh phúc với Di giống như một giấc mơ.

Thế còn các nhà phê bình thì sao? Có ai lên tiếng? Thủy có quan trọng ý kiến của các nhà phê bình Việt Nam?

“Thoát y dưới trăng” có đưa cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và một số độc giả khác đọc. Mọi người đều có chung một nhận xét: “Thoát y dưới trăng” viết bằng giọng văn mượt mà hơn, đẹp hơn và mang tính thân phận hơn”. Người viết nên chú trọng vào độc giả nhiều hơn. Ý kiến của nhà phê bình giống như cẩm nang. Nhưng tôi không quá lệ thuộc vào họ.

Theo Thủy thì cuốn này có thuộc hạng sách bán chạy trên quầy?

Sách có bán chạy không cũng có mùa. Theo tôi được biết, mùa sách bán chạy nhất là tháng 6, 7 và tháng 10, 12, giống như chu kì nghỉ hè, nghỉ tết, độc giả có nhiều thời gian rảnh rỗi để thưởng thức văn hoá đọc. Còn “Thoát y dưới trăng” nghe đâu cũng được độc giả chú ý.

Tựa đề cuốn sách có vẻ như đánh vào sự tò mò, độc giả gần như sẽ móc túi bỏ tiền ra mua?

Nhiều người nói rằng tôi có “tài” đặt tên sách. Cuốn đầu tiên là: Lạc Giới. Cuốn sau là Thoát y dưới trăng. Đặt tên cuốn sách giống như đặt tên cho đứa con của mình. Nhưng không phải cứ thích tên gì gợi cảm là đặt được. Tên sách phải bao hàm giá trị nội dung cuốn sách.

Chính vì tên sách phải bao hàm giá trị nội dung cuốn sách, và cách đặt tên sách của Thủy rất mang tính hệ thống nên cũng có nhiều người cho rằng cả hai cái tên sách của Thủy đều có mục đích quá rõ ràng: “câu khách”. Dường như giới trẻ bây giờ phải câu khách bằng mọi cách: kinh dị, ấn tượng, giới tính...?
Ai cũng muốn sách của mình được độc giả chú ý, nhưng cố tình để “câu khách” thì anh sẽ thất bại. Bởi văn chương không chấp nhận sự dễ dãi. Độc giả bây giờ họ khôn lắm. Đưa cho họ một cuốn sách có tên rất hay, khêu gợi nhưng đọc vài trang họ thấy rẻ tiền, họ bỏ ngay.

Thủy nghĩ sao khi độc giả nhận xét rằng kinh nghiệm về những người bị bệnh phong trong câu chuyện không đậm nét lắm?

Câu chuyện chỉ “lẩy” một chi tiết nhỏ về bệnh nhân phong. Nó vừa là một câu chuyện truyền miệng, dân gian. Làng tôi có một người mắc bệnh phong, rồi bị chôn sống. Tôi vẫn bị “doạ” rằng, nếu đến đám ma của bệnh nhân phong, sẽ bị con vi trùng hủi bám vào hút máu, sẽ lây bệnh. Tôi kinh đến tận bây giờ. Ý niệm về bệnh nhân phong có đôi chút hư cấu theo quan niệm dân gian. Ngoài ra, tôi từng có thời gian đi gặp những bệnh nhân phong ở trại phong Bắc Ninh, những thân phận bất hạnh ấy làm tôi day dứt mãi.
“Thoát y dưới trăng” là cảnh đau đớn nhất của những người bị phong, nhưng cũng là cái kết hạnh phúc đối với nhân vật Di. Câu chuyện của Thủy dường như vẫn mang đậm nét cổ điển khi gấp sách lại là một cái kết có hậu? Có vẻ nó hơi “đóng” chứ không mang tính “mở” lắm? Kiểu như ở hiền như cô Di sớm muộn sẽ gặp lành? Nhưng thực tế cuộc sống không phải khi nào cũng vậy?
Nhân vật Di cuối cùng đã chết. Chỉ có điều cô ấy được chết trong tình yêu, trong vòng tay người đàn ông đích thực của mình. Đó là một cảm nhận rất có “nghề” của chị. Nhưng độc giả mỗi người lại mang một cảm nhận khác nhau. Tôi cũng nghĩ, một cái kết như vậy, là nhân văn cho một thân phận đầy bất trắc như Di.

Với cái kết nhân văn, Thủy muốn gửi gắm thông điệp về một ước mơ, khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống?

Đúng vậy. Nhiều người trẻ hiện nay khi gặp bất trắc thường bi quan, chán nản và phó thác cuộc đời mình cho may rủi cuộc đời. Không nên thế. Hãy trân trọng cuộc sống của mình từng phút giây hiện hữu trên nhân gian.

Hòa Bình (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét