Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Nàng thơ của Hoàng Cầm: Nhẹ nhàng gánh khổ nhục

Hà Thế Lực

- Theo những người con gái của bà Yến, 30 năm làm vợ Hoàng Cầm, người ngoài nhìn vào, chỉ nhìn thấy những nhẹ nhàng, thanh thản, đường hoàng trên gương mặt bà, mà không sao thấy được hòn Thái Sơn đè nặng trên vai người phụ nữ bé nhỏ ấy.

...Sống trong thời kỳ dài nghèo khó vất vả, lại phải quản một gia đình “đa chủng quốc” - như con gái bà nói, nào con riêng, con chung (chưa kể một người con nuôi của bà Yến trước khi lấy nhà thơ), nhà cửa chật chội, ông chồng lại nổi tiếng đa tình và đào hoa, nhưng những người con hầu như không bao giờ nghe được một lời cãi vã nào từ bố mẹ.

Theo cô Hà, con gái thứ ba của bà Yến, thì “suốt đời, bà chỉ phàn nàn với chúng tôi về chuyện bố Cầm hút thuốc lào, vì tính bà ưa sạch sẽ, mà thuốc lào thì hôi hám”. Cũng theo cô Hà, bà Yến đặc biệt yêu quý con gái riêng của nhà thơ, cũng mang tên Bùi Hoàng Yến. Hai mẹ con rất hợp nhau. Khi cô Yến mất năm 1982, bà đã đau buồn mấy tháng trời.

Những bữa cơm đơn sơ nghèo khó, dưới sự cầm trịch của bà Yến, “bao giờ cũng đầy đủ cả nhà, mời từ trên xuống dưới, trong bữa cơm không được dỗi”, cô Hà nhớ lại. Ngay cả nhà thơ, nhiều lúc dù không bằng lòng với mẹ vợ, cũng không được ra khỏi nền nếp ấy.

Những nền nếp ấy cũng là điều duy nhất mà bà Yến nghĩ đến cho riêng mình. Hồi ấy chưa có nóng lạnh như bây giờ, và “toalet” riêng là một thứ vô cùng xa xỉ, nhưng ngày nào cũng vậy, bà đều tắm rửa cẩn thận trước khi đi ngủ, cho dù gió rét có hun hút thổi ngoài nhà tắm công cộng.

Lúc lên giường, bao giờ bà cũng phải mặc quần lụa trắng. Ngủ dậy, dù vội đến mấy, việc đầu tiên bà làm là vấn tóc, trang điểm, dù nhẹ nhàng thôi. Các bậc cao niên ở Bệnh viện Việt Đức thì vẫn nhớ, bà Yến có những chiếc túi tự thêu rất đẹp, không ai có cả.

“Những ngày ấy bao nhiêu thương xót”

Nhà thơ kể lại trong một lần trả lời phỏng vấn: “Lúc đấy bà vò võ nuôi một gánh con, cũng muốn lấy tôi để được nhờ, vì tôi lúc đó là Trưởng đoàn văn công, “oai” lắm. Nhưng ngờ đâu chỉ sau vài năm tôi mất tất cả, thế là một tay bà phải lo cho cả chồng, con đến tận khi qua đời”.

Cái ngờ đâu mà Hoàng Cầm nhắc đến ấy là 30 năm đằng đẵng sau vụ Nhân văn - Giai phẩm. Lấy Hoàng Yến năm 1956, tới năm 1958, đồng lương còm cõi của nhà thơ bị cắt mất 65%, và phải lao động cải tạo bắt buộc trong ba năm. Cho đến khi được “phục hồi” vào năm 1988, theo lời "ông Hoàng" thơ tình kể lại, “không thể đem ngòi bút của mình kiếm được một đồng xu nào hết”, vì bị cấm in thơ.
Trong khi Hoàng Cầm lọ mọ đẩy xe bò cùng Trần Dần, đi chiếu phim cùng Phùng Quán để kiếm ba đồng mỗi đêm (tương đương với sáu ly rượu), thì, bà Hoàng Yến tiếp tục làm việc ở BV Yersin, khi đó đã đổi tên là BV Việt Đức, trực tiếp phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng.

Hai vợ chồng về sau có mở thêm một quán rượu ở 43 Lý Quốc Sư, mang tên của chính nhà thơ, nhưng đều do một tay bà Yến xoay xở. Ông từng viết: “Ngày hai bữa cơm nghèo, mấy tấm áo quần đã sờn rách, một lũ con nhỏ dại lau nhau đi học, chơi đùa, đau ốm, tất cả tôi trao gánh nặng cuộc đời ấy cho người vợ”.

Suốt những ngày “bao nhiêu thương xót” ấy, người vợ, vốn chưa bao giờ phải vào bếp trước khi lấy ông Trưởng đoàn Văn công, vẫn không một lời ca thán, chỉ lặng lẽ và nhẫn nhục. Những lời duy nhất mà bà nói với ông về Nhân văn – Giai phẩm chỉ là mấy lời cầu xin: “Thôi ông ạ”, trong những đêm dài tối lặng, khi chỉ còn hai vợ chồng với nhau, sau những xe bò ban ngày, chiếu phim ban tối.
Theo nhà thơ, bà “không chính trị”, nhưng hiểu phải biết mình là ai, mình đang trong hoàn cảnh nào.

Hoàng Cầm kể lại: “Mỗi một tháng, (bà Yến- PV) lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải đi lên Sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, rồi bấy giờ mới lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi”.

Mỗi tháng được 12 cân gạo, nghĩa là mỗi người được chừng một cân cho 30 ngày. Bữa cơm nào cũng vậy, cả hai vợ chồng cũng “đáng lẽ mình ăn ba bát, ăn có một bát, để nhường cho các con ăn”.

Nước mắt sau những vần thơ

Cái “vất vả gieo neo” của người vợ hiền ấy đã giúp Hoàng Cầm tạm quên đi được những tháng này đen tối thủa ấy của đời ông, để tâm trí của ông trở về với thời ấu thơ, với cõi thơ của riêng mình. Ông đã trao cho người vợ “những gánh nặng cuộc đời” để những “Về Kinh Bắc”, “Mưa Thuận Thành”… thai nghén và ra đời.
Theo Hoàng Cầm, nếu không có người vợ suốt đời lam lũ “đẩy giúp”, thì “chiếc xe thơ” Về Kinh Bắc (tập thơ được chính nhà thơ đánh giá là xương sống”của sự nghiệp văn chương) đã không thể “đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó”. Bà cũng là người phụ nữ gợi nhiều thi hứng nhất cho ông, và thơ viết cho bà, viết về bà chiếm một số lượng nhiều nhất trong đời thơ Hoàng Cầm.

Năm 1988, trong một buổi ra mắt, đánh dấu sự trở lại chính thức sau 30 năm gió bụi, giữa hội trường của Cung Văn Hóa, giữa những tiếng vỗ tay rầm rập, ông “chợt khóc lên, như là nước mắt ở đâu đó nó trào ra”.

Sau này, ông kể lại, ông khóc “tuyệt nhiên không phải vì cái vinh quang nó trở lại với mình”. Lúc ấy, ông nghĩ đến những tháng ngày đằng đẵng khổ đau mà người vợ ông phải chịu đựng chỉ vì lấy ông, nhưng suốt đời không một lời dù chỉ là hờn dỗi. Những con người đang vỗ tay ở dưới kia, họ nghe những bài thơ, nhưng làm sao họ biết được, đằng sau những vần thơ ấy, là nước mắt lặng lẽ cả cuộc đời của một người phụ nữ.

Ba năm sau ngày bà đi xa mãi mãi, ông đã được đọc những vần thơ của mình, được nói cười thong dong, không còn sợ hãi điều gì, nhưng ở dưới suối vàng, bà có biết được điều đó hay không?

__________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét