Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

"Người đàn bà đẹp" đẩy chiếc xe thơ Hoàng Cầm

Hà Thế Lực

- “Ngày hai bữa cơm nghèo, mấy tấm áo quần đã sờn rách, một lũ con nhỏ dại lau nhau đi học, chơi đùa, đau ốm, tất cả tôi trao gánh nặng cuộc đời ấy cho người vợ”.
Đó là những dòng Hoàng Cầm viết về người vợ cuối cùng của ông, bà Lê Hoàng Yến, khi nhớ lại những ngày gian nan thử thách thi nhân.


LTS: Vậy là thi sĩ Hoàng Cầm đã ra đi lúc 9h sáng 6/5/2010 tại Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội. 88 năm sống yêu thương và được yêu thương, giờ Hoàng Cầm sắp được sum họp với bà Hoàng Yến, người vợ tần tảo đã cùng nhà thơ bước trong những ngày sóng gió. Bee xin đăng lại bài viết như một nén hương, cầu cho linh hồn ông an lạc chốn Thiên Thai.

“Em đâu? Ai xé hồn muôn mảnh”

Năm 1985, sau cuộc hành trình suốt 30 năm đằng đẵng trên cõi tạm với nhà thơ, bà Hoàng Yến tạm biệt ông để đi vào cõi vĩnh hằng. Khi ấy, bà mới ngoài sáu mươi tuổi, nhà thơ vẫn chưa được “phục hồi” và vẫn sống trong cảnh “vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một” cho cái gia đình có đến hơn chục miệng ăn, như chính Hoàng Cầm kể lại.

Như chàng Ăng tê phải rời mặt đất, khi bà ra đi, Hoàng Cầm rơi vào những tháng ngày hoảng loạn và trầm cảm, như một thứ bệnh tâm thần. Nhà thơ kể lại: “Nghe một tiếng còi ôtô rít lên ở ngoài, đang ở trong nhà, thì tự nhiên tôi co rúm lại, chui xuống gầm giường. Thậm chí, nghe tiếng giày lộp cộp cũng thấy sợ”. Mãi đến năm 87, nhờ nhiều người bạn, ông mới dần dần hồi phục lại được sức khoẻ.

Bài thơ "Xa" ông viết khi bà mất rất cảm động:

Chim gì lảnh lót dãy tường rêu
Bấy nhiêu lá úa rơi ngơ ngác…
Em đâu? Ai xé hồn muôn mảnh
Tiếng mối tường bên xé tiếng mưa...
Đêm đêm hương khói, ngày không nói
Trang giấy vùng âm đắp ẩm êm


Tín đồ thơ và nàng thơ của Hoàng Cầm

Đầu ấp tay gối cùng nhà thơ suốt 30 năm, bà Lê Hoàng Yến đương nhiên là một tín đồ của thơ tình Hoàng Cầm. Bao nhiêu bản thảo của thơ ông, bà giữ hết. Các con bà vẫn nhớ những đêm mưa gió, nhà cửa hồi ấy lụp xụp, dột nát, bà lại lọ mọ chạy những bản thảo thơ ấy vào chỗ khô ráo.

Là tín đồ, đồng thời cũng là nàng thơ của Hoàng Cầm suốt mấy mươi năm, như nhà thơ tự nhận, ông viết về bà là nhiều nhất trong ba bà vợ. Đến lượt mình, bà lại ru hai đứa con trai bà sinh cho ông bằng những vần thơ bất hủ: “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, “Mưa Thuận Thành”…

Từng là một diễn viên, mê thơ Hoàng Cầm từ ngày còn trẻ, nhưng khi về ở với nhà thơ, bà Yến đã là một góa phụ. Thật ra, bà Yến và người vợ hai, của nhà thơ, bà Tuyết Khanh, cũng từng có những ghen tỵ từ trước đó: Yến và bà Tuyết Khanh đã cạnh tranh nhau để đóng vai nàng Kiều Loan trong vở kịch thơ cùng tên nổi tiếng của Hoàng Cầm.

Được chọn cho vai diễn ấy, nhưng rồi, chính bà Khanh lại bỏ nhà thơ để ra đi, và suốt mấy mươi năm sau đó, bà Yến đã cùng nhà thơ đi giữa sân khấu cuộc đời cho đến ngày từ giã cuộc sống. Đời làm vợ của bà có thể gói gọn lại trong một câu thơ của chính Hoàng Cầm: “Tôi có người vợ nghèo, đời vất vả gieo neo…”

“Nhiều người nói tôi lấy bà Yến chỉ vì bà đẹp quá”

Bà Hoàng Yến là người cuối cùng đến với Hoàng Cầm trong số ba người vợ chính thức. Thân sinh bà Yến vốn là một lang thuốc ở đất Hải Dương. Có lẽ, tính cách hiền thục và nhân hậu của bà Yến sau này, như mọi người quen biết kể lại, có ảnh hưởng nhiều từ cha mình.

Bà, trước khi lấy Hoàng Cầm, đã là một thiếu phụ lúc mới 31 tuổi. Năm 1940, lúc vừa mười tám, bà kết tóc se tơ cùng một thầy giáo hay làm từ thiện, ông Đào Thiện Phỏng. Ông Phỏng nhà khá giả, có hẳn một khu nhà ở đối diện Nhà Đấu xảo (Cũng văn hóa Việt Xô bây giờ), trong nhà có người giúp việc, nên người vợ 18 tuổi thậm chí còn “không bao giờ phải vào bếp” như một người con kể lại và hay theo chồng đi làm từ thiện.

Nhà có nhiều học sinh của ông Phỏng trọ học, nên về sau cho thuê hẳn và chuyển sang phố Lý Quốc Sư, cho đến khi ông Phỏng mất đột ngột vì nhồi máu cơ tim.

Lấy Hoàng Yến năm 1956, Hoàng Cầm, khi ấy là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, vừa trở về từ chiến khu Việt Bắc sau kháng Pháp, với hành trang hôn nhân nặng gánh là hai đời vợ. Bà thứ nhất, Hoàng Thị Hoàn, được gia đình cưới cho nhà thơ, trước khi qua đời vì quá nhớ thương người chồng biền biệt những ngày chống Pháp, đã kịp sinh cho cho ông hai người con.

Còn bà thứ hai, Tuyết Khanh, lọt vào mắt xanh của nhà thơ khi bà vào vai Kiều Loan trong vở kịch thơ cùng tên của ông một cách xuất sắc đến mức Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Hoàng Chương phải khen “nắc nỏm”. Sinh cho nhà thơ cô con gái Kiều Loan, bà bị ốm nặng, phải “rời chiến khu về thành” chữa bệnh, rồi cuộc đời xô đẩy, bà đi lấy chồng khác. Năm 1954, bà ôm con, theo chồng vào Nam, rồi tới năm 1975, sang Mỹ.

Bà Yến là Y tá của Bệnh viện Yersin (nay là Bệnh viện Việt Đức) trong thời kỳ kháng Pháp, lại xinh đẹp tới mức vẫn được mệnh danh là hoa khôi của bệnh viện dù đã 5 con với chồng cũ, cho nên, khi Hoàng Cầm xách balô về ở với bà, rất nhiều người nói là nhà thơ "bị lừa".

Còn theo như ông cựu Trưởng đoàn Văn công kể lại, thì ngay từ lúc đó, rất nhiều người là cấp trên đã không ưa cuộc hôn nhân này, vì bà Yến được xếp vào loại công chức cũ và họ nghĩ, nhà thơ lấy bà chỉ vì mê sắc đẹp. Và điều này, theo nhà thơ, chưa chắc đã không liên quan gì đến vụ Nhân văn – Giai phẩm sau này…

(Còn tiếp)
_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét