Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

Tô Nhuận Vỹ: Đời lại phẳng lặng?

Dương Phương Vinh

TP - Trong giới viết, Tô Nhuận Vỹ nổi tiếng với các tác phẩm Dòng sông phẳng lặng, Ngoại ô..., và là nhà quản lý văn nghệ có nghề. Trong cuộc đời đặc biệt của mình, ông lại nổi tiếng là người cha hiếm có, người vượt lên số phận. Ông chia sẻ một thời văn nghệ chiến tranh và những trải nghiệm riêng tư.

Ngày 30-4-1975 ông làm gì, ở đâu? Cuốn “Dòng sông phẳng lặng” (DSPL) tập 1 ra mắt năm 1974. Thời điểm ấy ông có dự cảm gì không?

Đúng lúc máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, tôi nghe tin quân ta vừa làm chủ dinh Độc Lập! Ngày Huế giải phóng, tôi bị kẹt tại Hà Nội sau khi từ chiến khu ra chữa bệnh. Nằn nì mãi và nhờ chỗ anh Tố Hữu can thiệp, tôi mới được cùng đoàn cán bộ chi viện gấp cho Huế bay chuyến bay đặc biệt gần trưa 30-4 từ sân bay Gia Lâm.
Đầu năm 1974, tập 1 Dòng sông phẳng lặng xuất bản. Tôi nhớ, từ 26-3-1975 (ngày giải phóng Huế), báo Nhân Dân đã trích đăng và Đài Tiếng nói Việt nam khởi đọc toàn bộ tập 1 DSPL trong chương trình Đọc truyện đêm khuya.
Tôi chỉ biết sung sướng nghẹn ngào khi đêm đêm nghe những trang viết ruột gan của mình được xướng ngôn viên với giọng đọc truyền cảm, tài tình truyền đến đồng bào đồng chí của tôi ở mặt trận Huế.
Ở khắp các mặt trận, tiểu thuyết này đã như một sự tiếp sức động viên của hậu phương. Lần đầu tiên trong đời cầm bút, tôi thấy mình có ích chút ít cho cuộc chiến đấu kiêu hùng này. Chứ tôi đâu có dự cảm gì về ngày chiến thắng để cho ra mắt tác phẩm đúng lúc đó.
Nếu có dự cảm nào đó thì có thể từ lãnh đạo cấp cao, và nhà xuất bản. Bởi tôi đưa bản thảo tập 1 cho nhà xuất bản Thanh Niên đâu từ giữa năm 1973, viết xong đưa ngay. Thời đó văn nghệ giải phóng còn hẻo tác giả và tác phẩm nên gửi cuốn nào được in ngay cuốn đó.

Ba tập “Dòng sông phẳng lặng” chuyển thể phim truyền hình 15 tập. Ông tham gia với tư cách cố vấn? Nghe nói nhà văn Hà Khánh Linh phát biểu, vì quí Tô Nhuận Vỹ mà xem phim. Nhưng xem vài tập đành bỏ. Còn Đặng Nhật Minh lại nói, vì là bạn của Tô Nhuận Vỹ nên không nỡ xem phim truyền hình “Dòng sông phẳng lặng”?

Đúng lúc làm phim thì tôi kẹt tham gia một chương trình nghiên cứu của Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts (Mỹ) do Quỹ Rockefeller tài trợ. Không thể tự chuyển thể kịch bản và chỉ có mặt trong vài cảnh quay rồi phải qua Mỹ hơn nửa năm. Tôi cũng nghe nhiều người chê. Nhưng từ Mỹ và khi về nhà tôi cũng nghe (hoặc qua email) không ít người khen.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhà văn Nguyễn Quang Lập và anh Khải Hưng, cô Nguyễn Thị Thu Huệ đều cho rằng, phim truyền hình chiến tranh thì phim đó là nhất. Riêng tôi, khi xem phim, không ít chỗ tôi đớ cả người nhưng cũng thấy sự cố gắng lớn lao của cả tập thể đông đảo làm phim.

Mấy năm trước, trong một công trình tên là “Nhà văn Việt Nam đổi mới và hội nhập”, ông kêu gọi, nhà văn Việt Nam ở trong nước và nhà văn Việt Nam ở hải ngoại phải góp phần vào hòa giải dân tộc. Mọi việc chưa được như ông muốn?

Vì cái mới mẻ bao giờ chẳng gặp cản trở. Mà liên quan tới những vấn đề nhạy cảm thì sự cản trở, trì néo, chống đối, từ bên ngoài đến bên trong, lại càng dữ hơn.

Câu chuyện của Diệu Linh con gái ông với những bi kịch và kết thúc có hậu - thật đáng viết ra để nhiều người được đọc. Sao ông không công bố rộng rãi?

Vì cái mới mẻ bao giờ chẳng gặp cản trở. Mà liên quan tới những vấn đề nhạy cảm thì sự cản trở, trì néo, chống đối, từ bên ngoài đến bên trong, lại càng dữ hơn.

Đó là tai nạn và thử thách khủng khiếp nhất trong đời Diệu Linh và của cả gia đình chúng tôi. Những trái tim nhân hậu của bè bạn khắp nơi, trong nước và nước ngoài, đã mở ra để cứu giúp chúng tôi. Nhưng trước hết, nghị lực sống phi thường đã giúp Diệu Linh vượt qua thử thách để có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt hôm nay.
Đối với tôi, trên đời này không có gì quý hơn các con.Vì vậy, khi tai nạn xảy ra, có lúc việc tôi phải sống mà chứng kiến cơ thể cháu chết đi từng giây từng phút để cùng cháu vượt qua thử thách, còn khó hơn cái chết.
Thực ra tôi đã hoàn thành cuốn Vượt qua số phận năm 2005 viết về thử thách này.Với mạch cảm xúc đau đớn, hạnh phúc và tự hào, tôi muốn ghi lại cho những người thân của tôi một thử thách ghê gớm của gia đình để mỗi người sống sao cho nhân hậu và có ích hơn, và cũng muốn gửi tới người đọc - nhất là các bạn trẻ, trang viết về những tấm lòng cao cả của con người và nghị lực phi thường của một người con gái trước tai nạn.

Ngày xưa, Tô Nhuận Vỹ lên rừng đánh Mỹ, viết tiểu thuyết chống Mỹ. Ngày nay ông lại gắn bó với rất nhiều người Mỹ: Các bạn văn, con rể, rồi những người đã tận tình cứu giúp con gái ông. Ông có thấy số phận thật lạ lùng?

Đúng là kỳ lạ. Giải thích thế nào bây giờ? Tôi chỉ lý giải thế này. Lòng nhân hậu của con người, dù da vàng, da đen hay da trắng đều có cùng mẫu số. Khi có cơ hội gặp nhau là lập tức hòa quyện.
Nhưng để có cơ hội này, phải có một sức mạnh thiêng liêng nào đó “điều khiển” những tấm lòng nhân hậu đến với nhau.
Một đêm mùa hè 1994, trong một căn nhà mà Trung tâm William Joiner thuê cho Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa và tôi ở -dịp dự hội thảo và thăm nước Mỹ, nhà thơ Bruce Weigl chỉ vào vết thương nơi cổ mình mang từ Việt Nam về, và xoa xoa vết sẹo nơi hông tôi bị trực thăng võ trang Mỹ xé nát ở ngoại ô Huế sau Mậu Thân, đùa với giọng rất hiền: “Chúng mình tốt thế này, thương quý nhau thế này mà suýt giết nhau, quá vô lý!”. Rồi Weigl ôm cứng lấy tôi, nước mắt ứa đầy.
Ra tay để cứu vớt Diệu Linh có đủ cả người da vàng, da den, da trắng, cả trong và ngoài nước, cả người theo Công giáo, người theo Phật, người theo Tin lành và người không theo đạo nào cả. Chàng rể của tôi đấy.
Qua một người bạn Việt Nam, Shawn nghe kể về tai nạn của Diệu Linh. Sau này Shawn viết cho tôi: “Ngay lúc đó, như có một luồng điện chạy khắp người con và trong sâu xa con nghe một giọng ai đó vang lên: Đây chính là người con gái mà Chúa đã ban cho con, đây là người con gái mà con đã chờ đợi từ ngày con sinh ra trên đời này”. Chỉ ít lâu sau lần gặp đầu tiên, Shawn cầu xin Diệu Linh về với cuộc đời mình.

Giới nhà văn kháo nhau, thời trẻ của Tô Nhuận Vỹ rất oanh liệt, và đào hoa?

Tôi từng là phóng viên mặt trận duy nhất được bộ đội đề nghị tặng huân chương. Nhưng thôi, nói về thành tích của mình không tiện. Còn cái số đào hoa. Có lần tôi cũng nghe ai đó nói thế. Tôi không hiểu vì sao lại có cái “số” vất vả ấy. Vì gần như gặp người con gái nào tôi cũng cơ khổ, trần ai. Mà chỉ cần vài vụ như vậy thì hết đời rồi chứ còn chi nữa, đúng không.

Có điều gì ông thấy hối tiếc khi nhớ lại thời trai trẻ? Ví dụ lẽ ra phải làm việc này, lẽ ra không làm việc này, vân vân?

Không.Tôi đã sống xứng đáng với nhân dân tôi, với tất cả cái hay và khuyết tật của mình.Tôi không có gì phải hối tiếc.

Cảm ơn nhà văn Tô Nhuận Vỹ.
_____________________________

[Nhà văn Tô Nhuận Vỹ có ba người con gái xinh đẹp tên là Diệu Linh, Diệu Lan, Diệu Liên. Tô Nhuận Vỹ đã lấy tên nhân vật mà ông yêu quí nhất trong tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng - Diệu Linh để đặt cho con gái đầu của mình.
Năm 2002, tôi gặp Tô Diệu Linh ở Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ). Cô là cộng tác viên của Trung tâm William Joiner, thuộc trường đại học này. Linh có bằng cử nhân ngoại ngữ trong nước và thạc sĩ ở Mỹ, hiện làm phiên dịch tiếng Anh - Việt tại một công ty ngôn ngữ.
Câu chuyện tai nạn khủng khiếp của Diệu Linh vào năm 1997, bị một người bạn vì ghen tuông mù quáng mà tạt axit khiến cô bị bỏng nặng tưởng như không sống nổi, hồi đó cả thành phố Huế, cả giới văn nghệ đều biết.
Không dễ để Diệu Linh trút tâm sự, vì cô không muốn nói về chuyện đã qua. Nhưng cô cũng kể, đang có cuộc sống hạnh phúc với Green Shawn, dù lúc ấy họ chưa có hai đứa con tuyệt đẹp như sau này. Linh đã trải qua 8 lần phẫu thuật.
Green Shawn như chúng tôi được gặp lúc ấy là một kế toán viên sinh 1969 (Linh sinh 1975), đẹp trai, chiều vợ hết mực. Cả nhà chồng đều tốt với cô và không để ý vết thương đã làm gương mặt cô biến dạng. “Nếu đi ngoài đường, có ai đó cứ nhìn chằm chằm vào em thì chỉ có thể là đồng hương, hoặc người Hoa”.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể, đến nay Diệu Linh đã trải qua 13 lần phẫu thuật - 3 lần trong nước, 10 lần ở Mỹ. “Linh có đỡ nhiều nhưng da mới chưa được như da cũ. Chưa được hoàn chỉnh nhưng Linh bảo có lẽ không làm phẫu thuật nữa, vì bên này quan niệm vẻ ngoài không quan trọng. Linh sống bên đó cũng lây quan niệm ấy”.]

_______________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét