Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Mãi đau đáu với Việt Nam

TRÀ GIANG

Ra đi từ năm sáu tuổi, thành đạt trên nước Mỹ nhưng luôn đau đáu, khắc khoải với quê hương trong đời sống và tác phẩm.

Phóng viên: Trong tiểu thuyết đầu tay của chị có câu: “Chiến tranh không có khởi đầu cũng không có kết thúc”. Có phải với chị, chiến tranh vẫn còn?

+ Nhà văn, nghệ sĩ Lê Thị Diễm Thúy: Khi nói về chiến tranh, người ta thường nói nó bắt đầu từ năm nào đó và kết thúc vào một năm nào đó. Nhưng thực tế không phải vậy, hậu quả của chiến tranh kéo dài mãi, nó hiện diện trên cỏ cây, trong mỗi con người. Tại sao hiện nay người Việt Nam lưu lạc ở Mỹ, ở Úc, tại sao họ phải xa rời quê hương để sống ở những nơi xa lạ? Đó là hậu quả của chiến tranh.

Những tổn thương và sự chữa lành

Chị đã trải qua một tuổi thơ buồn, không yên ả với nhiều mất mát. Sáng tác có phải là cách để chị tự chữa lành những vết thương đó?

+ Truyện của tôi buồn quá phải không? Vì trong đó có hơi thở của người viết. Ban đầu, tôi không tin, không chấp nhận được những chuyện buồn của gia đình mình: rời quê hương mất nước, mất những người thân, anh lớn của tôi chết đuối ở Phan Thiết. Sau đó chị của tôi tắm biển chết ở trại tị nạn Malaysia, có lúc tưởng như sẽ mất mẹ…Tôi cầm mãi những chuyện buồn đó trong lòng nhưng đến một lúc nào đó mình không đủ sức cầm nữa, đành thả ra bằng tác phẩm…
Tuy nhiên, tôi không muốn mọi người nhìn mình thương hại như một trường hợp cá biệt. Đây là tình trạng chung của những nơi có chiến tranh trên thế giới, nơi nào có chiến tranh thì có người tị nạn, có những gia đình mất anh em, mất mẹ, sống bơ vơ nơi xứ lạ. Hiện nay, nước Mỹ mà tôi đang sống cũng đi gây chiến với nhiều nước khác, tôi muốn sách của mình góp ý kiến phản đối chiến tranh, để Mỹ ngưng chiến, không gây cảnh đau buồn cho những đất nước khác.

Chị theo cha rời Việt Nam bằng thuyền từ năm sáu tuổi, chị có còn nhớ điều gì về chuyến đi?

+ Tôi chỉ nhớ ánh mặt trời chói lọi trên thuyền và một hoang mang cực độ: Tại sao không có mẹ mình ở đây. Sau này tôi hiểu ra cảm giác của những người lớn trong chuyến đi. Đó là cảm giác rời đất, sống trên nước: lênh đênh, vô xác định. Tất cả họ đều không biết điểm đến, không biết sắp tới mình sẽ sống như thế nào. Khoảng thời gian lênh đênh sau khi đi, trước khi đến rất khủng khiếp.

Chỉ sống trong tiếng Mỹ

Tại sao tác phẩm của chị: thơ, tiểu thuyết, kịch đều chỉ tập trung vào đề tài cuộc sống buồn bã của người Việt tại Mỹ và những đau đáu của họ với quê hương?

+ Mẹ tôi hay nói: “Nước Mỹ đẹp, đường phố của Mỹ đẹp nhưng sống ở Mỹ thì buồn”. Gia đình tôi sống ở Mỹ 32 năm nhưng tôi sinh ra ở Việt Nam, tôi sống trong tiếng Mỹ chứ không sống trong nước Mỹ. Nếu bạn múc một cốc nước từ một dòng sông thì không có nghĩa dòng sông đó ở trong cốc nước của bạn.
Tôi viết về những người Việt tại Mỹ vì tôi quan tâm đến điều này, tôi thấy tôi chưa hiểu hết nên tôi cần tìm hiểu và viết. Nếu bạn bè người Mỹ hỏi tại sao bạn lại ở đất nước này. Nếu bạn trả lời thì cũng chỉ là trả lời xã giao cho qua chuyện chứ không thể ngồi kể một cách chi tiết cho họ hiểu. Tôi viết về đề tài này để người Mỹ đọc và họ hiểu tại sao có người Việt ở đất nước của họ, người Việt sẽ thay đổi nước Mỹ như thế nào.

Trong một bài thơ đề tặng em gái Lê Thị Diễm Trinh, chị nhắc lại ba lần: “Việt Nam không phải là chiến tranh”bằng chữ in hoa, đậm. Tại sao chị nhấn mạnh điều đó?

+ Nhiều người Mỹ thường nói tới Việt Nam là nghĩ đến chiến tranh, là nơi lính Mỹ chết. Họ không hề nghĩ sau khi người Mỹ đi, Việt Nam là một đất nước hòa bình. Cho nên tôi viết để họ hiểu rõ về Việt Nam hơn. Đó cũng là lý do mà tôi đã từng đến Pháp (1993) để nghiên cứu những tấm bưu thiếp người Pháp đã chụp Việt Nam từ những năm 1900 để giới thiệu cho mọi người một đất nước Việt Nam hòa bình trước khi người Pháp và người Mỹ đến. Tôi cũng bị bất ngờ với vẻ đẹp yên bình của Việt Nam, nó thật khác với những hình ảnh điêu tàn của Việt Nam trong chiến tranh thường thấy qua sách báo, tivi..

Điều gì thôi thúc chị về Việt Nam? Chị có dự định gì tại Việt Nam?

+ Quê hương tôi là Việt Nam, tôi không hài lòng với việc chỉ biết đến Việt Nam qua sách báo, Internet, tôi muốn nhìn tận mắt những người trẻ Việt Nam sống như thế nào, họ nghĩ gì. Không chỉ tôi muốn về Việt Nam. Cả mẹ tôi, lúc qua đời, bà có tâm nguyện được chôn cất ở Phan Thiết. Tôi dự định chỉ viết ba cuốn sách thôi rồi sau đó không viết nữa. Nhà xuất bản Phụ nữ đã mua bản quyền quyển sách The Gangster We Are All Looking For và dự kiến bản dịch sẽ ra mắt tại Việt Nam vào năm 2011.

Đôi nét về nghệ sĩ Lê Thị Diễm Thúy

Lê Thị Diễm Thúy sinh năm 1972 tại Phan Thiết. Cô theo cha vượt biên năm sáu tuổi. Cô theo học đại học về nghiên cứu văn hóa và văn chương hậu thực dân ở tiểu bang Massachusetts.
Hiện cô là nhà thơ, tiểu thuyết gia và diễn viên kịch. Tác phẩm: Tiểu thuyết: The Gangster We Are All Looking For (Gã du côn mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm); hai vở kịch Red Fiery Summer (Mùa hè đỏ lửa) và The Bodies Between Us (Những xác người giữa chúng ta) và nhiều bài thơ.
Hai vở kịch độc diễn của cô đã được trình diễn nhiều nơi ở Mỹ và châu Âu. Cô từng nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có học bổng của Viện Cao học Radcliffe và Quỹ Guggenheim...
Đây là lần thứ ba Lê Thị Diễm Thúy trở về Việt Nam, lần này cô đến Hà Nội và TP.HCM để trình diễn một trích đoạn trong Red Fiery Summer và đọc chương chính của tiểu thuyết The Gangster We Are All Looking For.

______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét