Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Văn học chạy đà mãi không cất cánh

Nguyễn Hoàng Đức

Văn học nước nhà muốn tăng trưởng và tiến bộ thì chắc chắn đòi hỏi phải có tầm nhìn vĩ mô – cũng có thể gọi đó là tầm nhìn chiến lược. Điều này là không thể tránh khỏi và không thể bàn cãi. Bởi vì ở quy mô nhà nước chúng ta có kế hoạch năm năm, mười năm, thậm chí vài chục năm hay cả thế kỷ. Các ngành kinh tế cũng đều phải có chiến lược sản xuất, kinh doanh, đào tạo mở rộng thị trường. Vì thế, nền văn học không thể không có chiến lược nhìn ra xa, nhìn về phía chân trời lý tưởng có thể xa quá, nhưng đó là cách chúng ta nuôi dưỡng để nhìn thấy những nhà ga phía trước là đích đến của mình.
Cụ thể, giờ nhìn vào tình hình văn học trước mắt của chúng ta. Năm nay không có giải thơ nào được đề cử. Như vậy, có thể nói hình ảnh thế này: trong hội nhà văn, các nhà thơ là đông nhất, vậy là các thợ gặt nhiều nhất nhưng lại thất thu cao nhất. Nói thế là chưa đủ vì thợ chỉ gặt sẽ là người đi gặt thuê, đằng này các nhà thơ đều đóng cả vai thợ gieo hạt, thợ cấy, và giờ thì họ gặt những bông lúa sáng tạo ngay trên chính cánh đồng của mình. Nhưng gặt được cái gì, có phải những bông lúa lép, những trái nho chưa đủ độ chín để có thể lên men, ủ thành rượu, mong nâng cánh tâm hồn thi ca bay chất ngất trên những vật chất tầm thường và những ghế ngồi. Những bài thơ dường như vẫn chỉ là vật chất trong muôn vàn vật chất, bởi thế nên người ta vẫn không sẵn lòng quẳng vật chất và ghế ngồi đi để đổi lấy nó. Đức Phật có câu đại ý: ngón tay ta chỉ mặt trăng, nhìn thấy mặt trăng thì quên ngón tay ta đi. Nhưng mặt trăng thi ca của chúng ta bé quá nên sau khi thấy nó rồi thì dường như chúng ta vẫn thấy ngón tay che bóng cả mặt trăng. Và đức Phật cũng bảo: Đi qua sông chúng ta phải đóng bè, nhưng qua đến bờ kia hãy quẳng bè lại, đừng vác lên vai, để còn nhẹ gánh trên đường đi. Nhưng cái sông thi ca của chúng ta có lẽ chỉ bằng miệng bát, chúng ta bắc cầu là chiếc thìa qua, song đến bờ bên chúng ta vẫn thấy chiếc thìa dính đầy đường sữa bao cấp, thế là chúng ta lại vác thìa đi, nghêu ngao hát vài khúc thơ lặt vặt diễu qua cổng làng bỗng giật mình tưởng ta đang hợp xướng khúc thăng hoa đi qua khải hoàn môn.
Về văn xuôi, có chín đề cử chờ qua năm 2010 mới công bố. Nhìn lướt qua, thấy ngay một vài khuôn mặt cũ, vài người mang cày cũ vào muốn xới lên những luốn cày mới cho sáng tạo… Có lẽ, chỉ ít ngày nữa chúng ta lại sẽ được minh định cảm quan của mình, đó là không thể có bất cứ sự bất ngờ nào về giá trị tác phẩm cũng như bút pháp. Bởi vì chính những cái cây sáng tạo chẳng hề thấy bóng dáng ai giống Colombus dể có thể thấy bất ngờ tìm ra châu Mỹ. Và có một điều có thể còn căn bản hơn là: mắt xanh của ban giám khảo vẫn chỉ có tầm cao của mấy vọng gác trong nhiều thập niên không thể cơi nới từ dưới chân lên như người ta lắp thêm độ dài cho chiếc cà kheo, hoặc để nhìn xa hơn, nếu người ta đưa phương tiện máy móc hiện đại lên thì mấy cái chòi tranh tre nứa lá này lại không cách gì chịu nổi. Nói một cách nghiêm túc đa số các vị chỉ cảm nhận văn thơ theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa. Dân ta, nước ta đã lật những trang rất quan trọng từ kinh tế chiến trường sang kinh tế thị trường, nhưng đa số các nhà văn, nhà thơ lớp trước vẫn chưa chuyển mình kịp bước tiến của xã hội, và đặc biệt là bước tiến của thời đại. Sáng tạo tất nhiên là cần cái mới, muốn phát hiện ra nó phải cần một cách nhìn mới, giống như khi xuất hiện trường phái vẽ tranh lập thể thì đòi hỏi người phát hiện, người phê bình và người thưởng thức phải sửa soạn cho mình cái nhìn lập thể. Trong khi đó ở ta thì sao? Với những thước đo bằng gang tay áng chừng chúng ta không thể phát hiện ra những sáng tạo mới, bởi vì thước đo phải đi theo sáng tạo, giống như đóng giầy cho chân, chứ không thể sáng tạo phải chui vào khuôn thước như đẽo chân để đi vừa giầy.
Cùng lúc đó rộ lên phong trào chạy đua vào chân hội viên Hội nhà văn. Nhiều nhiều lắm những tiếng ong ve tích cực, có cả những câu chuyện “chỉ điểm” rất chú mục vào sự kiện và tên tuổi đích thực. Tại sao tôi lại dùng cụm từ “ong ve tích cực”, vì tôi cũng như nhiều người đã gặp rất nhiều anh biện hộ: không phải thế này mà là thé kia cơ, nhưng rồi họ bỏ lửng câu chuyện hay chuồn thẳng. Thử hỏi, nếu có một sự thật như anh ta chỉ ra, thì việc gì anh ta phải bỏ lửng hay tảng lờ đi? Người phương Tây có câu: trong tất cả các tin đồn đều chứa phần trăm sự thật. Rõ ràng đời sống văn học của chúng ta có vấn đề. Và cụ thể hơn còn thiếu tính minh bạch. Về việc này mấy ông nhà văn, nhà thơ đừng nên tự ái, bởi vì thiếu minh bạch đang là căn tính nhiễm nặng trong xã hội ta. Việc này đã được quốc hội và chính phủ lên tiếng nhằm đưa toàn bộ cơ chế tiến lên theo hướng ngày càng minh bạch hơn. Vậy thì nền văn thơ của ta so với toàn thể còn bé lắm, chớ đem cái tự ái nhỏ ra khoe mà làm hỏng hình ảnh tự đổi mới mình của cả quốc gia. Chúng ta thử chiêm nghiệm một minh họa nhỏ trong vô vàn minh họa. Đó là trường hợp của ông Hồ Anh Thái với cuốn tiểu thuyết được xét giải vào năm ngoái. Ở vòng sơ kết cuốn của ông nhận được số phiếu 9/15 nhưng khi vào chung khảo lại chẳng thu được một phiếu nào. Như vậy là sao? Ở đây cùng một lúc có rất nhiều câu hỏi và khúc mắc nổi lên về cơ chế, tính minh bạch, có cả vấn đề nhân cách nữa… Đã từng có cả chuyện ban giám khảo sách dịch không ai biết ngoại ngữ cả, khi được hỏi, các vị bảo: chúng tôi không dịch được nhưng biết thưởng thức sách dịch. Nói vậy có khác gì học trò chấm ngược thầy giáo, theo kiểu học trò bảo: tôi không dạy được như ông nhưng tôi biết thưởng thức sự dạy của ông, và tôi chấm điểm. Có thể các học trò bỏ phiếu tín nhiệm cho thầy giáo, nhưng không thể có khả năng chấm ngược về trình độ. Một miệng giếng có thể soi một khoảnh trời trên đầu, nhưng không có cách nào miệng giếng đó đo được bầu trời.
Nói vậy, không có nghĩa để xỉa xói nhau cho đã, mà là, rõ ràng chúng ta đang có nền văn học còi cọc yếu đuối, mà muốn khắc phục nó rõ ràng chúng ta phải bắt bệnh, nhìn thẳng vào nó, sau đó mới có thể “thuốc đắng dã tật”. Nếu chúng ta chỉ cả nể, xuê xoa, loanh quanh, loay hoay, bỏ qua hay xưng tụng lẫn nhau, thì mãi mãi nền văn học sẽ không được cải tiến. Chẳng hạn có nhiều buổi bàn về văn học công chiếu trên vô tuyến truyền hình hẳn hoi, khi được hỏi “Anh, hay chị nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận có thấy Việt Nam có tác phẩm lớn chưa?” Liền nghe được câu trả lời: “Cái này thì phải chờ đã, phải xem đã, phải từ từ đã.” Một câu trả lời rất rõ ràng. Nhưng chúng ta không một lần dám trả lời thẳng “Chưa có”, mà cứ phải dùng các “uyển chuyển từ” và “lệch hướng từ” để bẻ sự chú ý sang một hướng khác. Ở đó, rõ ràng người ta được chứng kiến sự cả nể, loay hoay, thậm chí thiếu dũng cảm và trách nhiệm của người trả lời như thế, sau đó sẽ bị cật vấn “Ông đã là cái thá gì mà bảo chúng tôi không có tác phẩm lớn.”
Muốn có nền văn học lớn, không thể như nhiều người nói: “Chọn bó đũa, lấy cột cờ”. Vì rõ ràng chúng ta đã chờ quá lâu rồi đâu có thấy cây đũa nào lớn thành cột cờ. Hình như để chọn một chiếc đũa cả cũng không khó. Một nền văn học muốn tiến bộ giống mọi việc ở đời là tất yếu nó phải hành trình. Có đi có đến! Không đi thì không đến! Bay lên như diều thì chỉ qua ngọn tre! Chỉ có bay lên như phi cơ thì mới có thể vượt đại dương. Ở đây có một nguyên lý xuất hiện rằng: nhìn cách sửa soạn hành trang, người ta biết được quãng đường kẻ hành hương sẽ đi. Một anh chàng vận xà lỏn vươn vai đi ra khỏi nhà chắc hẳn anh ta không thể đi xa. Nhưng một người muốn vượt sa mạc cả ngàn dặm, việc đầu tiên anh ta phải mua con lạc đà, rồi mua nước cho lạc đà uống (nước trên sa mạc còn đắt hết cả xăng), rồi chuẩn bị nước uống, lương thực, chăn đắp, bật lửa để sưởi ấm ban đêm… Vậy thì các vị hành hương văn học của chúng ta đã chuẩn bị hành trang gì để lên đường?
Tại sao chúng ta không đi xa được? Rõ ràng với một chút hành lý tong teo ở trên vai, chúng ta đã không thể đi xa. Mới đây, chẳng hạn, có một loạt các cây bút trẻ xông vào con đường văn chương, tuổi trẻ mạnh mẽ nhưng mà xốc nổi, vả lại còn rất sốt ruột để trở thành các sao… Rốt cuộc họ có gì? Chỉ có cảm xúc của tuổi trẻ dựa trên vỉa quặng bố mẹ sinh ra – tức là vốn tự nhiên của bản năng… Họ hò hét, cấu xé, lăn lộn tưởng có thể tạo ra được những nghệ thuật siêu đẳng. Than ôi, thân xác thì làm sao có thể siêu đẳng được?! Có một con người xuất chúng đã nói: về tinh thần ta có thẻ cao gấp nghìn người khác, nhưng về chiều cao không cách gì cao hơn hai lần. Vậy đấy, với tuổi trẻ tất nhiên là rất sung mãn, cộng với những thành tựu của thời đại mới như internet, vô tuyến, điện thoại vệ tinh… nhiều người làm tưởng ngộ nhận ra đã siêu tốc khỏi các thời đại trước. Nhưng chúng ta sẽ sai lầm nếu quên điều này: thân xác đào luyện mình trong im lặng. Bản chất chính của văn chương là vẻ đẹp thâm sâu của tâm hồn. Bởi vì thể xác thì làm ra các môn thể dục thể thao. Còn văn chương hẳn phải là sản phẩm của tâm hồn. Một tâm hồn của hồn của tác giả phát xạ và tỏa chiếu vào tâm hồn độc giả cũng đang mở hết mối quan tâm siêu việt của tâm hồn ra đẻ đón nhận, như sóng tổng đài phát xuống các máy điện thoại.
Cụ thể, nền văn chương của chúng ta rõ ràng đang nổi lên hai điểm yếu:
1. Chưa vận dụng kinh tế thị trường như các ngành khác. Tất cả đều phải chuyển mình sang kinh tế thị trường, phải thực hiện việc cổ phần hóa, nhưng ngành văn vẫn bình chân như vại ung dung tận hưởng mùa vụ vét của tem phiếu bao cấp. Than ôi, tem phieus nghĩa là được ưu tiên gấp chục lần ai chẳng thích. Có nhiều nhà văn còn nói “Tôi vào hội nhà văn có được cái gì đâu”, nhưng qua tình hình cả nửa nghìn người lao đơn vào Hội nhà văn năm nay, với không ít các cảnh mời mọc, biếu xén (đấy là loại nhẹ), còn có cả móc ngoặc đòi mua trực tiếp chắc cũng không loại trừ, rồi cả những màn khổ nhục kế rơi lệ u hoài vặn cổ của thi ca. Thử hỏi, nếu hội viên Hội nhà văn mà không được gì sao người ta lại ráo riết đến mức đó.
2. Thiếu tính chuyên nghiệp: ngay cả các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền người ta cũng đang có gắng chuyên nghiệp hóa, vậy mà hình như các nhà văn của ta không định trở thành chuyên nghiệp. Đã là chuyên nghiệp thì phải có thước đo “muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước”. Nhưng dường như tất cả các tác phẩm, các tác giả và các giá trị của ngành văn đều được đo một cách áng chừng. Như một nhà thơ lâu năm mới nói: chúng ta cùng bạn viết cả, người có giải chưa chắc hơn người không được giải. Có phải chúng ta đọc ra ở đấy một tinh thần mặt trận hòa cả làng. Và còn có cả chuyện thế này, mấy anh kia làm thơ chẳng có bài nào hay, câu nào khá, nhưng lại cứ đi nói chuyện thơ cả đời. Nói chuyện thơ là gì? Là giống báo cáo điển hình. Anh làm được thì mới có cái để báo cáo, anh không làm được thì báo cáo cái gì? Kết quả, anh nói về người này hay một tí, người kia hay một tẹo, rút cuộc người muốn làm thơ chỉ nhận được một kiến thức đồng nát. Trong thúng đồng nát có tất cả các sản phẩm quý bị gãy, bị vỡ, bị hỏng, nhưng nó không bao giờ là sản phẩm tinh tuyển. Và học làm thơ kiểu đó thì chỉ ra thứ đồng nát, nghiệp dư thôi.
Có nhiều cây bút lâu năm còn nói, văn học của chúng ta chẳng kém gì các nước trong khu vực. Nhưng hơn và kém mà không có thước đo và không dám đo vào thước đo chuyên nghiệp thì có chính xác không? Thử xem sự tự mãn của bóng đá nước nhà mới đây đã cho chúng ta bài học gì khi Việt Nam vào chung kết bị phơi áo trước Malaysia? Tự mãn mà không có cơ sở đồng nghĩa với tự sát.

_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét