Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Trang Thanh viết 'để tự thắp lửa cho riêng mình'

Hà Linh

"Tự biến mất" trong cõi thực, lặng lẽ làm thơ trong cõi mộng và ảo, tác giả "Bay lặng im" nửa thích thắp lửa trong thơ để soi rọi chân dung bản thân, nửa muốn giấu mình khi những cảm xúc sâu thẳm nơi tâm hồn vừa chạm ra trang giấy. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà thơ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng Lá Trầu.

- Theo chị, với một tác giả trẻ nói chung và với chị nói riêng, giải thưởng văn học có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi nghĩ, với một tác giả trẻ, giải thưởng văn học là sự chia sẻ, khích lệ. Nếu tác phẩm được giải vì thực sự “có lửa” thì giải thưởng sẽ góp phần làm cho tác phẩm được công chúng biết đến nhiều hơn. Nhưng người viết cũng đừng nên để hào quang của giải thưởng làm lóa mắt, hoặc để nó tạo áp lực cho mình. Cần đi qua bước ngoặt đó một cách bình thản giống như là quên nó đi để lặng lẽ viết tiếp, đó là suy nghĩ của tôi lúc này.

- Chị từng nói: "Thơ được viết ra trong cõi lặng và cõi mộng", vậy cái khó của một nhà thơ sống trong thời đại mà cuộc sống luôn vận động một cách ồn ã và gấp gáp này là gì?

- Tôi nghĩ, cái khó chính là giữ được cho mình cái lặng và mộng ấy, giữ một cách tự nhiên, không cố níu hay cố tạo ra. Và đôi khi phải biết “tự biến mất” trong cõi thực để hóa thân vào cõi ảo.
Tôi nhớ có lần một bạn phóng viên nói với tôi rằng: "Này chị, em thấy chị cứ ngơ ngơ ngác ngác ở đâu đâu ấy, nhưng sao khi viết bài chị lại tỉnh táo vậy?". Tôi cũng không hiểu và không biết trả lời bạn ấy thế nào. Tôi thấy mình có trực cảm mạnh, nhiều khi quá nhạy cảm, quá dễ chìm đắm vào trạng thái cảm xúc, kể cả hai thái cực vui - buồn, nhưng lại rất kém nắm bắt chi tiết, tiểu tiết.
Một dạo tôi đã cố gắng hết sức để lao vào công việc. Tôi thấy mình vui hơn, nhưng suy nghĩ cũng giản đơn đi và đặc biệt kỳ lạ, là mở những bài thơ cũ ra đọc, không thấy cảm giác gì. Tôi thậm chí tự hỏi, trời, đã có lúc, mình ở trong những tâm trạng như thế này sao? Đó chính là thời điểm nhà thơ Giáng Vân nhắc tôi cấu trúc lại bản thảo Bay lặng im để đem in, tôi càng làm càng rối bời. Chị bảo, “em không hiểu chính mình”. Còn tôi thì biết rằng mình đang rời xa chính mình. Tôi thấy vô cùng mệt mỏi và trống rỗng, quyết định phải dừng bước để tự cân bằng lại. Nhưng tôi đã rơi ngược trở lại trạng thái trầm cảm mà vốn nhờ lao vào công việc, tôi mới thoát ra không được bao lâu. Điều gì đang xảy ra, tôi không biết. Nhưng trong trạng thái đó tôi có nhiều cảm xúc với thơ hơn. Tôi hiểu rằng càng cố gắng hoà nhập vào cuộc sống ồn ã là tôi càng tự làm khó mình. Bởi vậy, cân bằng được chính mình mà vẫn có được cảm xúc cho thơ là một điều cực khó.

- Trong "Bay lặng im", Trang Thanh vẽ tự họa với những bức chân dung nhiều góc độ. Tại sao cái tôi, cái con-người-chính-mình mang lại cho chị nhiều cảm hứng như vậy?

- Mỗi con người có trong mình chân dung cuộc sống. Nếu tôi có viết về thế giới khác ngoài tôi, thì cũng vẫn là một cách nhìn thế giới qua con mắt sàng lọc của chính mình. Bởi còn thả mình trên dòng sông cuộc đời là còn thấy mình nhỏ bé trước cái vô hạn của thế giới. Tôi nghĩ, con-người-chính-mình cũng vô hạn với mình như cuộc sống vậy. Cảm hứng cũng thế. Tôi viết để tự thắp lửa cho riêng mình, để dần hé mở những gì mình cất giữ, nhưng cũng gom nhặt và cất giữ những gì mà cuộc sống trao vào tôi.

- Nếu coi những bức chân dung là sự tự khám phá chính mình thì còn những góc khuất nào của bản thân mà chị chưa chạm đến?


- Tôi nghĩ rằng sống là sẽ chẳng bao giờ đi hết cái tôi bản thân. Còn cảm hứng sáng tạo là còn những điều mình chưa chạm đến. Mỗi ngày tôi sống là để tìm kiếm và giải mã những ẩn số, kể cả ẩn số trong chính tâm hồn mình. Những góc khuất chưa chạm đến sẽ còn nhiều theo cảm xúc.

- Chị viết nhiều về thân phận người đàn bà, người mẹ, người chị - những đề tài đã xuất hiện quá nhiều trong thơ. Vậy cái riêng chị mang đến cho độc giả là gì?

- Trong bài thơ Định mệnh tôi có viết: “Tôi mang gương mặt u ám/ kiếp mẹ thương cha/trao tôi hình hài tình yêu trong suốt/ Đôi chân nhỏ bé/đặt lên mặt đất dấu chấm than đầu tiên/nỗi buồn loài người”. Tôi nghĩ rằng, tôi bước vào cuộc sống và trang viết là mang theo trái tim và tình yêu trong suốt ấy, để nguyện làm một dấu chấm than về nỗi buồn của loài người. Những người đàn bà trong thơ tôi luôn luôn từ trong câm lặng “đối thoại” với tôi về thân phận, sự đau đớn. Họ chính là máu thịt của tôi được vắt ra. Thơ cũng thế. Thơ là gì nếu không phải máu thịt mình vắt ra?

- Những bài thơ của chị như một tự sự, kể những câu chuyện nhỏ. Trước mỗi một sáng tác, điều gì đến với chị đầu tiên: ý tưởng, hình ảnh, tứ thơ, vần điệu hay một yếu tố nào đó khác?

- Đến với tôi đầu tiên là cảm xúc, suy ngẫm, sau đó là tất cả những gì bạn kể trên và những yếu tố ảo khác khó đặt tên được.

- Điều đầu tiên chị làm sau khi hoàn thành xong một bài thơ là gì?

- Tôi im lặng thấm thía cơn mệt, nhưng là cái mệt trong trạng thái được giải thoát. Sau đó có chia sẻ với người bạn nào đó khi thật cần thiết, hoặc blog, nhưng cũng rất ít thôi. Tôi thích giấu mình.

- Ngoài "Bay lặng im", Trang Thanh từng xuất bản tập truyện ngắn "Đá của trăm năm". Chị nghĩ sao trước nhận xét: Trang Thanh thể hiện ý tưởng của mình trong thơ sâu sắc hơn là trong truyện?

- Một người viết không đọc được mình như cách của độc giả, nên tôi lấy việc viết là để thắp lên giữa lòng mình một ngọn nến. Tôi nghĩ rằng có thể thơ tôi dễ cảm hơn là văn xuôi. Nếu coi viết là cuộc thể nghiệm thì nhận xét bạn đưa ra khiến tôi vui đấy!

- Nếu một ngày, con gái chị muốn trở thành nhà thơ, chị sẽ nói gì với con?

- Không biết nên vui hay buồn, vì con gái tôi đã biết… nói ra thơ từ 4 tuổi rồi. Tôi không khích lệ con làm thơ, bởi tôi nghĩ sự khích lệ không đúng lúc sẽ tạo ra ảo tưởng về khả năng, khiến nó mất hồn nhiên và nôn nóng “đẻ” ra những thứ không phải là thơ. Vừa rồi, báo Phụ Nữ Thủ Đô số 8/3 có đăng 3 bài thơ của con gái tôi. Đăng cho vui vậy thôi. Con gái tôi bảo, con thấy thơ hay nhưng không phải lúc nào con cũng làm được. Tôi nghĩ thơ là một thứ định mệnh. Nếu số phận buộc một người nào đó vào thơ thì muốn gỡ cũng không được. Thơ tự nhiên dẫn dụ mình đi thì mình cũng nên để thơ được “chảy ra” một cách tự nhiên như nó buộc phải thế.

Trang Thanh

tôi nhìn
tôi
mặt dài da nâu mũi gãy
mắt thẳm
đêm sầu mất ngủ
đốm sao định mệnh con ngươi
rơi xuống cỏ
rối
mù tóc
đua chen thời đại công nghệ nhan sắc
tôi nhìn
tôi
trán dô cằm nhọn gò má cao
nhân trung sâu
thọ đau kiếp nạn
mím môi
không sẻ cho người

tối lẫn nửa mặt
tôi nhìn
đau tôi
trong câu thơ mất ngủ
tôi khát nụ cười.


20.2.2006

[Trang Thanh, sinh ngày 19/6/1974 tại Mỹ Trung - Mỹ Lộc - Nam Định. Chị là cử nhân Văn học, Đại học KHXH&NV. Hiện Trang Thanh làm báo tại Hà Nội.
Đã in: tập truyện ngắn Đá của trăm năm, 2006; tập thơ Bay lặng im, 2007.

Trang Thanh từng đoạt giải thưởng truyện ngắn, cuộc thi viết về môi trường “Hành tinh xanh mãi xanh” 2001; Giải thưởng truyện ngắn, cuộc thi truyện ngắn và thơ “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” 2006.]

__________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét