Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Cải chính giùm cụ Nguyễn Tuân

Tuấn Đạt

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân - ngoài việc để lại cho hậu thế những kiệt tác văn học, ông còn gửi lại văn đàn món "mồi nhắm" hấp dẫn, đó là những giai thoại vui liên quan đến cách hành xử độc đáo của ông. Tuy nhiên, cùng với thời gian, không ít mẩu giai thoại - mặc dù rất được phổ biến - đã ngày càng bộc lộ những tình tiết bất hợp lý, không thật phù hợp với tính cách của tác giả "Vang bóng một thời" mà những người có điều kiện thân gần với ông đã kịp chỉ ra.

Nhân năm nay là chẵn 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân, người viết bài này xin có đôi lời gọi là cải chính giùm nhà văn quá cố về những mẩu chuyện có những tình tiết chưa thực chính xác đó.

Nhiều người đã biết, sinh thời, Nguyễn Tuân vốn không ưa gì các nhà phê bình văn học. Đã có lúc ông phát biểu rằng, ông mong các nhà phê bình "bất tử", để khi xuống âm phủ ông không phải sống chung với họ. Bởi vậy mà không biết từ bao giờ, trong văn giới đã lan truyền một giai thoại như sau: Lần ấy, vào dịp tết, có ông V.H.C đến thăm nhà văn Nguyễn Tuân. Từ dưới sân, ông này gọi vọng lên: Nhà văn Nguyễn Tuân có nhà không? Nguyễn Tuân mở cửa nhìn xuống và bảo: Nhà văn Nguyễn Tuân có nhà nhưng không tiếp khách. Nói rồi ông đóng sập cửa lại. Nhà phê bình V.H.C muối mặt, đành phải quay về.

Đã có nhiều tờ báo, tập sách in lại mẩu giai thoại này (có nơi có dị bản là: Nhà văn Nguyễn Tuân nói vọng xuống: Nguyễn Tuân đi vắng rồi). Người viết bài này cũng từng có lần nhắc tới mẩu giai thoại với nội dung tương tự trong một bài viết tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Tuân, những tưởng đó là sự thật hiển nhiên. Và hôm nay, nhân đọc cuốn "Tô Hoài - đời văn và tác phẩm" do nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hà Minh Đức chấp bút (NXB Văn học ấn hành năm 2007), tôi giật mình khi được biết rằng, đó chỉ là chuyện "thêu dệt" của ai đó.

Theo lời kể của nhà văn Tô Hoài mà nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hà Minh Đức ghi lại thì khi Tô Hoài hỏi Nguyễn Tuân về chuyện đó, Nguyễn Tuân bảo làm gì có, bởi lẽ ông V.H.C "không đến thăm tôi vào dịp tết và nếu có đến mà tôi trông thấy thì tôi cũng không có thái độ đó vì ông ấy đang là người thất cơ lỡ vận, tính tôi hay thương người".

Cũng vậy, đã có nhiều giai thoại về sự khó tính đến… "khó chiều" của nhà văn Nguyễn Tuân. Một trong những giai thoại ấy là chuyện cụ xét nét, bắt bẻ người yêu của cô con gái út, khiến anh này vì quá sợ hãi mà… chạy mất dép. Cuốn "Truyện vui danh nhân văn nhân" do Lê Văn Yên sưu tầm, tuyển chọn (NXB Thanh niên ấn hành năm 2000) đã dẫn lại câu chuyện đó như sau:
"Dạo con gái nhà văn Nguyễn Tuân mới có người yêu. Một hôm cô mời người yêu đến nhà chơi, tiện thể ra mắt bố mẹ. Chẳng biết chàng trai chuẩn bị thế nào mà lần đầu tiên đến trình diện bố mẹ vợ tương lai lại đến chậm 20 phút. Hốt hoảng, anh chàng chạy vội lên nhà ở gác hai làm cho cái cầu thang gỗ cũ kỹ, ọp ẹp rung lên rầm rầm. Đến cửa nhà, chàng trai vừa thở, vừa gõ cửa dồn dập. Cửa hé mở, Nguyễn Tuân liếc nhìn chàng trai, rồi từ từ đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Đi với đứng gì mà rầm rầm như thằng ăn cướp!
Lần sau, lại được cô gái mời đến nhà, chàng trai cố gắng đi đúng giờ. Rút kinh nghiệm đợt trước, lần này chàng trai đi đứng khẽ khàng, không gây tiếng động khi lên cầu thang, nhưng cầu thang vốn đã ọp ẹp nó vẫn kêu lên cọt kẹt. Đến cửa, anh chàng rón rén gõ cửa thật nhẹ nhàng, ý tứ. Lại vẫn ông già Nguyễn Tuân ra mở cửa, khẽ lườm chàng trai, rồi lại từ từ đi vào, miệng lầm rầm:
- Đi với đứng gì mà rón ra rón rén như thằng ăn trộm.
(Trong cuốn "Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại" của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi do NXB Thanh niên ấn hành năm 1990 cũng có mẩu chuyện vui với nội dung tương tự, chỉ khác là lần đầu anh chàng này bị Nguyễn Tuân phê: Con trai đi đứng cho nó đàng hoàng, cứ rón ra rón rén như là mèo rình chuột. Sau đó, anh lấy khí thế, đi lại mạnh bạo hơn thì bị Nguyễn Tuân phê: Đi đứng gì mà rầm rầm như ăn cướp thế. Rốt cuộc, anh chàng phải than thở với cô gái: Ông cụ em khó tính quá. Rón rén không được, mạnh bạo cũng không xong).

Bởi trước đây tôi từng được đọc bài cải chính về một số giai thoại liên quan đến nhà văn Nguyễn Tuân (như việc không bao giờ cụ gọi người đối thoại với mình là "thằng" này, "thằng" nọ), nên nhân một lần mang báo sang tặng bà Thu Giang - con gái nhà văn Nguyễn Tuân, nhân vật trong mẩu giai thoại nói trên - tôi đã tranh thủ tìm hiểu thêm…

PV: Vậy là mối tình đầu của bà đã qua đi chỉ bởi cách hành xử của người cha khó tính?

Bà Thu Giang (TG): Nói đấy là "người yêu" của tôi thì không phải. Cũng không phải tôi mời anh ta đến nhà chơi để "ra mắt bố mẹ". Sự thực thì trước đấy, anh ta đã đến trò chuyện với ông cụ tôi một đôi lần về văn học Nga. Chẳng là anh ta mới học ở Nga về. Vì không thích anh ta, nên tôi luôn tìm cách… tránh.

PV: Để được nhà văn Nguyễn Tuân tiếp chuyện không chỉ một lần, hẳn đó cũng không phải là người… tầm thường?

Bà TG: Người này làm công tác nghiên cứu phê bình. Xin cho mình không tiết lộ danh tính, nhưng nói cho sòng phẳng thì là người không có tài. Về tư cách, mình không dám nói là mất tư cách, nhưng anh ta không thuộc tuýp mình hâm mộ. Anh ta lấy cớ đến trao đổi văn học với cụ, song cụ đủ tinh nhạy để biết được rằng, anh ta không hề tập trung vào việc ấy. Bởi thế, khi anh ta về, cụ có gọi tôi sang hỏi: "Con có thích tay này không?". Tôi cười trừ. Cụ hỏi thêm lần nữa: "Phải trả lời dứt khoát". Bấy giờ tôi mới nói: "Nếu con thích anh ta thì con không để anh ta ở vào tình thế này".

PV: Tức là tình thế bị nhà văn Nguyễn Tuân mắng vì cách đi đứng không được "ngay ngắn, lễ phép"?

Bà TG: Không phải. Câu chuyện cụ mắng về cách đi đứng kia liên quan đến một ông khác, là bạn của anh này. Chuyện ấy cơ bản là có thật, nhưng người viết đã nối "đầu" và "đuôi" câu chuyện với hai nhân vật khác nhau. Nghĩa là, người đàn ông ấy không phải là người có tình ý gì với tôi.

PV: Như vậy xem ra nhà văn Nguyễn Tuân rất tôn trọng cách lựa chọn "ý trung nhân" của con gái?

Bà TG: Cha con tôi có một điểm giống nhau: Hai người rất kiệm lời. Bình thường cụ không bao giờ dạy tôi phải yêu như thế này, thế kia, nhưng khi tôi thích ai thì cụ cảm nhận được. Trở lại với trường hợp anh chàng học ở Nga về kia: Sau lần đó, anh ta còn đến thăm cụ tôi một lần nữa. Lần này thì ông cụ hỏi thẳng: "Hôm nay anh đến gặp tôi nói chuyện về ông Gorki hay gặp con Thu Giang nhà tôi. Nếu gặp con Thu Giang thì sang phòng bên…". Anh này hơi kém, vẫn lại dối quanh: "Không! Cháu muốn gặp bác". Thế là ông cụ bực. Ông tiếp chuyện hờ hững. Được độ 15 phút thì anh ta về.

PV: Từ chuyện "tháo lui" của hai người đàn ông, chị có nhận xét gì về cách xử sự của cụ nhà?

Bà TG: Ông cụ tôi có đặc tính rất ghét đàn ông mà khi nói năng, mồm miệng cứ chúm chím như là… thổi sáo. Khốn nỗi cả hai người đàn ông nói trên đều giống nhau ở điểm ấy. Hơn thế, họ lại thuộc tuýp đàn ông chẳng ra đàn ông, đàn bà chẳng ra đàn bà. Đến tôi còn chẳng thể cảm tình được, huống hồ là ông cụ…

____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét