Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Về cuốn hồi ký gây xôn xao trên mạng của một giáo sư

Văn Chinh

Khi Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại, ai cũng nghĩ nó trừ mình ra, kể cả bố con Bá Kiến, ấy là văn học vậy. Khi Lev Tolstoi đem chị em gái của vợ vào tiểu thuyết để giễu cợt thân thiện, họ thấy ông yêu mến mình, còn hờn dỗi sao anh viết về em ít hơn dì nó, ấy là văn học vậy. Văn học không có nhiệm vụ làm thay những kẻ ân oán giang hồ trong quá trình leo thang thanh toán lẫn nhau, không đẩy con người vào chân tường của nỗi nhục nhã. Viết hồi ký, nếu muốn được coi là tác phẩm văn học, cũng không thể đẩy con người và thậm chí là bè bạn mình vào nỗi nhục nhã ê chệ.
Nhưng còn sự thật thì sao?


Vâng, những dòng này viết ra để cổ vũ cho những cuốn hồi ký chỉ viết sự thật. Tôi cũng đồng ý với bạn đọc rằng, các nhà văn nhà báo hễ cứ động bút là khen chê một ai đó, nhiều khi rất đao to búa lớn và thường là để dạy đời; vậy sao khi viết về mình và người của giới mình lại cứ đèm đẹp và tại sao khi ai đó viết xấu về mình lại nhảy lên chồm chồm? Sự thật cũng không van xin anh hãy nhìn nó bằng con mắt ưu ái, con mắt “cánh hẩu”; nó chỉ đòi là chính nó. Có điều, sự thật là một thực thể rất khó tiếp cận, nếu không nói là khó nhất trong tiến trình nhận thức.
Tôi có lần nhận xét: Cùng một sự kiện là Nguyễn Đình Thi đã bỏ rất nhiều công sức để làm tư liệu nhưng rốt cục lại không viết về Điện Biên Phủ, đã có 4 người giải thích khác nhau về nguyên nhân của nó nhưng đều không đúng như chính Nguyễn Đình Thi trực tiếp giải thích. Nhưng, ngay cả khi người nghe ông nói viết về việc này, trách nhiệm vẫn buộc anh ta phải nghi ngờ: Cái điều Nguyễn Đình Thi nói liệu đã phải là lý do đích thực chưa, hay ông chỉ đưa ra tức thời khi ngồi với chúng tôi, một cách trả lời để không trả lời gì cả? Lại mới đây, tôi được xem phim tư liệu về Lưu Quang Vũ, lại xem chương trình tưởng niệm Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng. Tiếc rằng cả hai vẫn chỉ nói được một phần cuộc đời của họ và còn cách rất xa sự thật; mặc dù mọi chi tiết đều rất thật và đầy cảm xúc, lại có sẵn cảm xúc của người xem để cộng hưởng, cảm nhận. Có một điển tích về sự thật thế này: Thầy trò Khổng tử bị đói lâu ngày ở đất Trần Thái. Hôm ấy Nhan Uyên kiếm đâu đó một nhúm gạo, bèn vội vã thổi cơm. Do sốt ruột nên cứ lúc lúc lại mở vung thăm cơm chín chưa, tro bếp rơi vào, bèn nhúp lấy mà ăn. Khổng tử từ xa nhìn thấy học trò nhúp cơm ăn, than rằng: “Đến Nhan Uyên khi đói cũng ăn vụng ư?” Rồi thử trò: “Con người hễ lâu không ăn cơm, khi có cơm ăn thì phải cúng thần linh.” Nhan Uyên vội xua tay: “Không, không được thưa thầy. Lúc nãy thấy tro rơi vào cơm, con nhúp ra định bỏ đi. Nhưng bỏ thì tiếc, nên đã ăn, như thế cơm này có người ăn rồi, không thể mang cúng thần linh được. Khổng tử giật mình, ngộ ra: “Cái chính mắt ta nhìn thấy mà chưa phải sự thật, hiểu con người khó thay!”
Trong hồi ký Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng viết về cái đói, cái lúc cùng ông bố dượng vô tích sự chờ mẹ đi chợ về như cả hai đều là con của bà, đã lột tả một sự thật ghê gớm về con người, đồng thời cả một thời đại ông sống cũng hiện ra, thăm thẳm niềm thương cảm. Còn cái sự thật con riêng ghét bố dượng thì đứa trẻ lên ba cũng biết, cần gì đến nhà văn nói ra thì chúng ta mới biết. Khi nguyên soái Liên Xô Zhukov viết Nhớ lại và uy nghĩ, Stalin đã mất, trong xã hội Nga thời ấy đã xuất hiện làn sóng phê phán tính chất độc tài của nguyên thủ này. Nhưng trong hồi ký Zhukov, Stalin vẫn hiện ra như một linh hồn của cuộc chiến tranh vĩ đại, một linh hồn thiên tài quân sự với tất cả hệ luỵ mà một trong các cấu phần của hệ luỵ ấy là sự độc tài. Và khi ông nói: “Tôi không đổi một thống chế lấy một binh nhì.” để trả lời bên Đức bắn tin muốn trao trả con trai ông để đổi lấy một thống chế Đức cũng vừa bị bắt; ông vừa là người cha khôn ngoan vừa là một chính khách . Ký ức tôi vẫn còn bùng nhùng dây dợ mà Stalin tha lôi theo cái tổ hợp điện thoại mỗi khi ông họp với bộ tư lệnh; ông có thói quen vừa đi quanh phòng vừa nghe người họp nói vừa nghe từ mặt trận gọi về và ra lệnh khiến người đọc có cảm giác ông ta nắm vững diễn biến đến từng mét vuông của nước Nga mênh mông; có lúc ông đột ngột nói 15 phút nữa tôi lên đường thế là 15 phút sau ông lên đường rồi cứ thế vừa đi vừa “họp” tiếp với bộ tham mưu ở nhà. Archom, con một bạn chiến đấu của Stalin đã hy sinh trở thành con nuôi của ông, kể lại chuyện sau đây cũng là khi Liên Xô đã tan rã còn làn sóng kể xấu ông thì dâng cao hơn bao giờ hết: “Có một bàn ăn lớn được chuẩn bị. Trên có một âu súp bắp cải lớn và thịt và bánh mì. Ai đói thì tự đến múc súp, ngồi vào bàn ăn. Là một đứa trẻ nghịch ngợm, tôi bỏ thuốc lá (mà Stalin hay dùng để nhồi tẩu) vào liễn súp. Stalin ăn và phát hiện. Ông vào phòng trẻ lúc đó có tôi và Vasili, hỏi: “Các con, đứa nào bỏ thuốc lá vào súp đấy?”. “Con ạ” – Tôi trả lời. “Thế con đã ăn thử chưa?”. “Con chưa thử”. “Vậy bây giờ con thử đi. Nếu con thấy ngon thì con đến bảo bác đầu bếp từ nay bỏ thêm thuốc lá vào súp. Nếu con thấy không ngon và khó ăn thì con nói với bác ấy là con đã thử bỏ thuốc lá vào nhưng thấy không ngon, bác đừng bao giờ bỏ vào nhé”.
Cố nhiên, cả Zhukov, cả Archom vẫn chưa kể hết nổi sự thật về Stalin (điều này cho thấy ông ta là một nhân cách phong phú và phức tạp); họ chỉ có nhiệm vụ, thông qua hồi ký của mình làm cho bản chất con người Stalin hiện ra sống động và chân thực. Đó đồng thời là nhân cách của họ. Họ tin vào lương tri nhân loại dù họ biết rằng đôi khi nó bị dẫn dắt bởi thù hận và sự nông nổi của các lợi ích trước mắt.
Viết hồi ký đang là một nhu cầu khách quan.
Hơn nửa thế kỷ qua là một thời đại thật nhiều sự kiện, rất nhiều hiển hách nhưng cũng lắm tai ương; có tai ương do xu thế lịch sử, có cái do ấu trĩ và duy ý chí, rút cục là con người vừa là nạn nhân vừa là kẻ gây ra tai họa, vừa là thành tố hưởng lợi vừa là xương máu và tuổi xuân hiến cho vinh quang chiến thắng. Đó là những đối cực tạo ra cảm xúc, nhu cầu muốn viết lại. Nhiều cái hồi trẻ ta thấy đúng thấy hay, về già lại thấy sai thấy xấu, đó cũng là đối cực tạo cảm xúc, nhu cầu muốn viết lại. Thời đã qua đối với bạn đọc trẻ tuổi hôm nay và mai sau luôn luôn là kho thông tin bí mật mà họ muốn khám phá, muốn cắt nghĩa để tìm hướng đi cho tương lai. Điều này cũng giống như cái thú thích nghe chuyện cổ tích của con người. Tóm lại, cả người viết lẫn người đọc đều muốn có hồi ký. Người viết những dòng này có số phận khúc khuỷu và đa đoan, nếu giời để cho minh mẫn mươi năm nữa, thể nào tôi cũng viết một hồi ký bán chạy. Vậy nên, những gì tôi nói hôm nay, xin cứ coi như tự căn dặn mình trước khi thưa với đồng nghiệp.
Nguyễn Khải khi viết Nghĩ muộn còn bỏ sót điều này: Trong ấu trĩ duy ý chí ông đã gây hoạ cho nhiều người. Giá khi nói rằng ông vừa là nạn nhân vừa là thành phần hữu cơ của nó, thì ông mới là người sòng phẳng chứ tôi chưa nói hồi ký của ông hay. Nguyễn Khải khi viết nó, hơn tôi 17-18 tuổi, vậy mà ông chưa đạt đến độ trung dung. Hẳn ông từng đọc truyện sử Tàu, thấy nhân vật khi được hỏi về triều đại mà ông ta phụng sự, chỉ cười cười nói lảng sang chuyện khác chứ nhất thiết không bêu xấu nó. Nhân vật ấy biết chắc không đương thời thì hậu thế, thể nào cũng có người nói về nó, lịch sử không bao giờ để sót cái điều muốn di lý cho đời sau. Chẳng lẽ ông không nhận ra, đó mới là đạo của người quân tử? Nay thể chế và đất nước tạo cho ông thành đạt, vinh quang; thành đạt và vinh quang thì ông hưởng trọn, còn cái xấu xí của nó thì ông hùa theo đám đông mà bêu xấu nó một cách văn vẻ là lý cố gì vậy? Theo tôi, nếu Nguyễn Khải thấm truyện lịch sử Tàu, thì ông không viết Nghĩ muộn, trước khi nhắm mắt hoặc chỉ nên nói “Được, được!” hoặc nhờ con cháu nói với mọi người rằng cho ba cảm ơn và xin lỗi nếu có việc gì, có nhời nói nào của ba gây hoạ cho ai. Hoá ra không chỉ có TS HNH dịch triết học rất giỏi mà không thấm triết học vậy!
Nguyễn Khải nói ở Khoá II Trường Viết văn Nguyễn Du rằng, nhà văn là giống ích kỷ, tôi thấy đúng, ít nhất là đúng với ông. Chuyện nêu trên là ví dụ thứ nhất. Chuyện thứ hai là Nguyễn Khải thường coi đám nhà văn đàn em là cử toạ, là bản nháp những cuốn sách sẽ viết của mình. Tại nhà số 4 Lý Nam Đế, nơi ông lĩnh lương mà không đảm trách việc cụ thể nào, đúng hơn là rất ít công việc. Nhưng ông hay đến đó với các nhà văn trẻ, hay kể cho họ nghe chuyện này chuyện nọ. Với lối kể chuyện lôi cuốn, ông thường khiến các nhà văn trẻ, trong đó có tôi thi thoảng chầu rìa, cứ há hốc mồm nghe còn mắt thì sáng lên. Ông căn cứ vào cấp độ mắt sáng lên của cử toạ nhiều hay ít mà viết hay không viết chuyện này chuyện kia; hoặc sẽ viết khác cái chỗ ông cảm thấy hay mà chúng nó mắt lại sáng lên ít thế. Tôi biết chắc chắn tiểu thuyết Thời gian của người được nháp 3 buổi lên lớp ở trường Nguyễn Du, cố nhiên, nhuận giảng bài của trường thì ông vẫn nhận đầy đủ dù học trò chúng tôi thì chả nhận được cái gì đáng giá ngoài câu thằng Mậu nó khôn, nó lấy vợ ở quê, thứ bẩy về ném cho vợ vài chục, vậy là vợ te tái đi bắt gà làm thịt; các anh chị muốn là nhà văn, chớ có lấy chồng lấy vợ cùng nghề, nó chả coi ra cái gì đâu.
Vậy mà tôi hãi hùng khi thấy GS Nguyễn Đăng Mạnh lại có thể háo hức lắng nghe, háo hức kể lại đến mấy chục trang về Nguyễn Khải trong hồi ký của mình.
Cũng giống như với Nguyễn Khải, GS Nguyễn Đăng Mạnh là người tôi kính trọng tài năng. Ông giảng ở trường Nguyễn Du 20 buổi về văn học Việt Nam hiện đại. Giọng giảng đều đều, không lên bổng xuống trầm, giọng của người biết rằng điều tao nói là quan trọng, nghe hay không kệ chúng mày, đứa nào không nghe thì thiệt chứ tao không thiệt gì. Tôi ví bài giảng của ông là dòng sông mùa lũ, khúc nào cũng ăm ắp tri thức, từ buổi đầu đến buổi thứ 20, vẫn chưa thấy dấu hiệu vơi cạn. Trong khi Đỗ Chu nổi tiếng hoạt khẩu và uyên bác, nói hơn 1 giờ thì không biết nói gì nữa, văng tục rồi bảo: “Làm quái gì có bí quyết viết truyện ngắn hay. Nếu có, nhà văn đã sử dụng cho chính mình và văn học sẽ la liệt những truyện ngắn hay chứ đâu lại chỉ có tin hỉn mấy cái như thế?” rồi giải tán, thầy trò ra uống rượu sex ở quán bà Duẩn cổng trường. Lạ lùng là từ hơn 9 h sáng đến 3 h chiều hôm ấy chúng tôi mới thật sự học Đỗ Chu.
Nhưng, có thể khi về già giáo sư bị lẫn? Điều đáng trách nhất là ông cho rằng nhà văn có hai phe rõ rệt: Bảo thủ và cấp tiến. Làm gì có nhà văn nào hôm nay không muốn mới hơn chính mình hôm qua, truyện này mới hơn truyện trước, chương này mới hơn chương trước? Nếu ông muốn nói rằng có một nhóm quan chức văn nghệ muốn trì níu văn học quá khứ, nơi các tác phẩm của họ đã xếp thành bậc tam cấp đưa họ đến vị trí hôm nay (1989), trên quan trường thì còn đi một nhẽ. Nhưng như thế ông chỉ được nói cụ thể từng cá nhân thôi chứ, sao có thể chia các nhà văn ra mới cũ một cách rất phi logic như vậy?
Đằng khác, khi lựa chọn bầu ai, nhà văn luôn có xu thế muốn trung dung. Tên tuổi các uỷ viên BCH Hội 4 khoá vừa qua đã thản nhiên nói rằng các nhà văn lựa chọn đúng, tuy họ luôn miệng nói đại hội chỉ là để gặp nhau uống bia cho vui. Chỉ lấy ngay cái BCH mà ông bảo phe bảo thủ thắng làm ví dụ, sẽ thấy ngay. Khoá ấy, (1989-1995) nhà văn trung dung Vũ Tú Nam là Tổng Thư ký, thì mùa giải 1991 rực rỡ chưa từng, mùa giải 1993 lại vừa có Sự mất ngủ của lửa vừa có Xúc xắc mùa thu hai thi pháp bổ trợ lẫn nhau và cùng vui vẻ dắt nhau vào thi đàn. Chỉ có trung dung, “mà trong lẽ phải có người có ta” mới biết nghe nhau thôi, thưa ông; chứ người của ông mà thắng, không biết điều gì sẽ xẩy ra đâu ạ. Vả lại, bầu ai là quyền của nhà văn, của con người; sao có thể nhân danh cái hão huyền để chia chúng tôi ra hai phe như gạt đàn vịt ra hai ngả?
Trên kia tôi có nói rằng tôi hãi hùng thấy giáo sư mắc nỡm Nguyễn Khải. Nói thế mà chưa chứng minh thì như là vô lễ. Vâng, tôi xin chứng minh.
Tôi hay gọi ông LĐT là một quyền uy thực lực tuy ông có mất lòng một số người, trong đó có Nguyễn Khải. Tôi cũng biết khi tôi nói thế cũng bị ghét lây, nhưng xin tự chịu trách nhiệm. Ông LĐT khi bảo ông cấp dưới hãy chờ, tôi còn bận tiếp nhà văn đã, là muốn nói rằng chúng ta phải tôn trọng nhà văn, không cái gì cấp bách và quan trọng hơn nhà văn. Vì một nhà văn biết thì một trăm nhà văn biết, một trăm nhà văn biết thì trước sau cả nước biết và cho đến nay, đó đã là một tiên tri! Ông cấp dưới biết ngay một ngụ ý, nên đi lui dài hơn là để hô ứng với cấp trên, chứ còn đi lui vốn là phép lịch sự tối thiểu khi đến nhà ai mà nhà ấy đang bận tiếp khách. Viết như giáo sư viết, e rằng có cả tin, ông từng nói một câu rồi ra đã nổi tiếng tại phiên họp với văn nghệ sỹ của (nguyên) Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, câu ấy không cần nhắc lại thì ai ai cũng biết, âu cũng là phải thôi!
Trong hồi ký của giáo sư, tôi có cảm giác không ai tốt cả, trừ những người đã khen ông, trò chuyện với ông và thậm chí, coi ông như là cử toạ bản nháp. Mà ai khen ông? Sinh thời, Xuân Diệu đọc bài ông viết về khát khao giao cảm với đời của mình, sướng, mời ông đến tặng cái đồng hồ Ponzot giá 90 đồng, bằng khoảng 900.000 bây giờ. Vậy mà ông sướng âm ỉ suốt 30 năm qua! Khốn khổ, đó là điều ai ai cũng biết, là một phát minh ra cái xe đạp. Ấy là chưa kể, nhà thơ nhà văn thì ai mà không có khát khao chia sẻ, giao hoà với thiên nhiên xã hội? Mang bài của giáo sư, thay nhân xưng và, ví dụ trích dẫn thơ Xuân Quỳnh, thì bài ấy chắc chắn sẽ giao hoà sâu hơn và những câu dẫn còn nóng hổi hơn chứ không cũ mòn đến thành sáo mới như cái bài ông viết về Xuân Diệu. Mà ai khen ông chứ còn ông thử gọi hồn mà trò chuyện với Vũ Trọng Phụng xem? Phan Khôi xem? Tô Hoài kể trong Chiều chiều rằng, hồi ở Việt Bắc, ông đã cúc cung trà thuốc cho Phan Khôi, một nhân sỹ mà cách mạng muốn Tô Hoài “thừa sai phái” phục vụ. Chán mà chưa thấy cụ Phan khen văn của mình, mon men đến gần. Được Phan Khôi “tặng cho một cái đồng hồ Ponzốt” như sau: “Không biết anh viết có ra gì không? Tôi nghe nói anh viết truyện con giun con dế phải không?” Tôi Hoài kể lại chuyện, tuy không nói rõ, nhưng tôi cảm được niềm quý trọng cụ Phan, nhờ lời chê, phẫn mà sau này có Cát bụi chân ai, có Ba người khác chứ cứ dế mèn mà viết, thì cũng thành con giun con dế mà thôi.
Một điều đáng chê trách nữa, là sao giáo sư lại có thể yên tâm viết hồi ký theo “thi pháp” ngồi lê đôi mách, hay để cho hiện đại hơn, là thi pháp buôn dưa lê? Nhưng, đằng này thì bài đã dài, đằng khác thì ở chỗ khác, những chỗ khác đã nhiều người nói, tôi xin dừng lời. Để kết thúc, xin một lần nữa bầy tỏ lòng biết ơn thầy đã dạy tôi hiểu về văn học hiện đại VN thấu đáo hơn. Để bày tỏ, bắt chước câu cổ nhân dạy: Trẻ cậy cha, già cậy con, tôi như con giáo sư, xin khuyên thầy hãy thu hồi triệt để cuốn sách rất không hay ấy, cũng không nên tiếc công sức đã viết mà để đấy làm một di sản, nguy lắm, khôn lường lắm.
Vâng, TS Hoàng Ngọc Hiến bạn thầy từng nói: Tự do, với số đông là một bi kịch. Tài!

_____________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét