Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Nhà nghiên cứu, nhà thơ Inrasara “Đi, tôi tin là có con đường trước mặt!”

Nguyễn Vinh và Hoàng Tường

SGTT - Phía sau hình ảnh một nhà thơ từng nhận giải ASEAN được nhiều người biết đến, chúng tôi muốn tiếp cận một Inrasara – Phú Trạm khác, ẩn mật và thâm trầm hơn – một nhà nghiên cứu nhiều trăn trở về nền văn hoá, văn minh dân tộc mình.

Chúc mừng ông với giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh 2009. Ông nghĩ gì khi giải thưởng năm nay được trao cho một nhà nghiên cứu dân tộc thiểu số, nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học thiểu số – một sự ghi nhận ở “phân khúc” hẹp?

Giải thưởng nghiên cứu dành cho công trình của tôi về cả hai lĩnh vực, ngôn ngữ và văn học, có lẽ nhấn vào văn học hơn. Tôi đến từ miền đất quen mà lạ: Panduranga. Ở đó đang tồn tại một nền văn hoá – văn minh khá khác lạ: văn hoá Chămpa chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Ấn Độ, khác với văn hoá Đại Việt mà suốt chiều dài lịch sử tiếp nhận văn hoá Trung Hoa. Người Chăm đóng góp đáng kể phần mình vào văn hoá Việt Nam, chắc chắn thế. Chính các khác lạ làm nên sự phong phú của một nền văn hoá. Đây là phần thưởng dành cho sự đóng góp khác lạ ấy. Mong sao các dân tộc như Tày, Thái… ở phía Bắc hay Ê Đê, Giarai... ở Tây Nguyên có nhà nghiên cứu của dân tộc mình, để có thể trình bày đến các dân tộc Việt Nam và thế giới nền văn học và ngôn ngữ dân tộc mình.

Nói thế, có thể hiểu Việt Nam đang “khủng hoảng thiếu” những nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc thiểu số đúng nghĩa. Theo ông do đâu: thiếu sự dấn thân, hay thiếu những sách lược từ phía cơ chế, sự cởi mở của môi trường học thuật?

Tôi không tin lắm vào cơ chế. Có cơ chế nào chịu chi tiền cho tôi lang thang khắp làng Chăm để lượm nhặt từng dòng ca dao, từng trang thơ cổ. Có cơ chế nào tổ chức cho hai bà nhà quê cãi vã để bật ra các thành ngữ, tục ngữ đâu! Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam bất hủ, có cần đến cơ chế? Lực lượng nghiên cứu hôm nay đang khủng hoảng thiếu, đúng. Thiếu những nhà nghiên cứu là người dân tộc thiểu số. Đã có không ít phó tiến sĩ, tiến sĩ ra lò, nhưng đâu là công trình của các vị khoa bảng này?
Tại hội thảo Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên ngày 14.3 tại Đà Lạt, H’Linh Niê cho biết có nhiều tín hiệu đáng mừng. Tín hiệu thôi, chứ chưa là sự thể. Đất nước thống nhất đã 35 năm, hỏi cả vùng Tây Nguyên, đâu là nhà nghiên cứu người Ê Đê, Giarai, Ba Na… vừa làm chủ ngôn ngữ dân tộc cả tiếng Việt, vừa làm chủ các phương pháp khoa học để có thể làm nghiên cứu?
Vấn đề không phải là cơ chế hay tiền bạc mà là tình yêu và niềm say mê. Mục tiêu của niềm say mê đó không phải để giành lấy vinh quang hay phần thưởng nào bất kỳ, mà là ngọn lửa tình yêu luôn cháy.

Nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật văn học cổ điển Chăm, trước ông đã có hai tên tuổi khơi nguồn khá quan trọng như G. Moussay, Thiên Sanh Cảnh. Ông nghĩ gì về họ, từ cái nhìn và công việc của một nhà nghiên cứu thuộc thế hệ sau?

[Tôi không tin lắm vào cơ chế. Có cơ chế nào chịu chi tiền cho tôi lang thang khắp làng Chăm để lượm nhặt từng dòng ca dao, từng trang thơ cổ. Có cơ chế nào tổ chức cho hai bà nhà quê cãi vã để bật ra các thành ngữ, tục ngữ đâu!]

Đây là hai nhân vật khơi nguồn quan trọng nhất. Nhấn vào chữ “nhất”, ý tôi muốn nói đến nhiều nhà nghiên cứu trước đó, ít nhiều đã có bài viết, công trình liên quan đến văn chương và ngôn ngữ Chăm, như: Aymonier, Cabaton, Maspéro, Landes, Paul Mus… G. Moussay cùng các cộng sự Chăm và Thiên Sanh Cảnh với tôi vừa là bậc tiền bối với các thành tựu để tôi tiếp bước, vừa là người gợi ý và gợi hứng cho các công trình cho tôi. Tiếc là, khi có cơ hội công bố công trình của mình, hoặc họ đã bước vào tuổi thất thập như Thiên Sanh Cảnh, hoặc điều kiện lịch sử không cho họ môi trường tiếp tục nữa như trường hợp Moussay, nên công việc đành dang dở.

Cũng may họ vẫn còn người tiếp nối. Cho đến nay, giá trị trong sự nghiệp nghiên cứu của ông, đáng kể nhất vẫn là bộ Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển (1995). Tác phẩm này từng được trung tâm Nghiên cứu lịch sử và văn minh Đông Dương, đại học Sorbonne tặng thưởng. Nhưng tủ sách mà ông thực hiện sau năm 2000 như tủ sách Văn học Chăm cũng trên cơ sở “nâng cấp” từ công trình cũ. Một sự loay hoay, chưa đủ hài lòng và tự tin với những gì đã làm? Hay “mảnh đất” ấy còn quá bao la nhưng lại vắng bóng những nhà nghiên cứu “lực điền” trẻ, chuyên nghiệp?

Ở phần dẫn nhập và lời kết của bộ sách, tôi viết rất rõ: “Viết cuốn Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển, chúng tôi không có tham vọng làm một văn học sử Chăm. Việc này người viết không làm nổi, và có lẽ chưa ai làm nổi, trong lúc này… Còn trong tương lai, nếu có con người tuổi trẻ nào – qua gợi hứng từ tập khảo luận – quan tâm và yêu văn học Chăm thực sự, họ sẽ đi sâu hơn vào từng bộ phận của nền văn học này. Khi ấy, có thể văn học Chăm sẽ hiển thể phong phú, đặc sắc hơn, và chắc chắn khoa học hơn. Nhưng lúc này, con người ấy chưa thấy xuất hiện”.
Tôi mê sáng tạo, yêu sự làm mới. Nhưng bởi “con người ấy chưa thấy xuất hiện”, nên tôi phải tiếp tục chương trình thôi. Tủ sách Văn học Chăm là một bước nâng cấp và hoàn chỉnh công trình khái quát trên. Đầy đủ và toàn vẹn hơn, nếu không muốn nói – khoa học hơn. Bên cạnh, ngoài các công trình về ngôn ngữ, tôi còn có bao nhiêu tiểu luận văn hoá xã hội nữa chứ. Và tại sao bạn không lưu ý đến mười tập Tagalau – tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hoá Chăm? Với tôi, nó quan trọng không kém các công trình cá nhân khác. Chính nó đóng vai trò thúc đẩy và gợi hứng cho thế hệ trẻ tiếp nối người đi trước. Thiên Sanh Cảnh đã chẳng từng làm nên tên tuổi qua tập san Panrang đấy sao?

Tôi có theo dõi một số diễn đàn văn hoá Chăm trên mạng và thấy dường như giới “làm học thuật” Chăm cũng có sự chia rẽ nhất định. Là một nhà nghiên cứu vừa đứng trong cộng đồng, vừa đứng ở tâm bão học thuật, ông nghĩ gì?

Chia rẽ, phân hoá trong quan điểm về học thuật, thậm chí về một vấn đề hay một tác phẩm – không vấn đề gì cả, miễn sự phân hoá đó ích lợi cho nghiên cứu, cho con đường “tìm về bản sắc”. Còn khi có người định dựa vào uy danh – chức vị hay danh vị, học vị hay học hàm – phán về lĩnh vực mình không hiểu biết, từ đó gây hồ nghi “hoang mang” trong cộng đồng, thì mới đáng phiền. Phiền thôi, chớ cũng chẳng vấn đề gì nghiêm trọng lắm đâu. Vài phê phán ấy có thể gây nhiễu cho vài đối tượng nhất định trong thời gian nhất định, nhưng chỉ cần vài minh giải vào thời điểm thích hợp, tất cả sẽ đâu vào đấy.


[Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc (người đề cử giải thưởng):
Văn hoá Chămpa ảnh hưởng đặc biệt đến văn hoá Việt Nam. Nghiên cứu văn hoá Chămpa là rất quan trọng để hiểu thêm về văn hoá Việt Nam. Lâu nay việc nghiên cứu Chămpa công phu nhưng người ta thường tập trung nghiên cứu dưới dạng khảo cổ, bi ký, kiến trúc... Inrasara là một trong những người đầu tiên tìm con đường khác: quan tâm đến ngôn ngữ, văn học. Ông bỏ vài chục năm để sưu tầm, ghi chép, nghiên cứu văn học dân gian, truyền thống Chăm. Ông còn là một nghệ sĩ cập nhật những phương pháp, tư tưởng hiện đại, hậu hiện đại trên thế giới để áp dụng các lý thuyết mới vào trong nghiên cứu; là một người rất quan tâm về việc phát huy văn chương Chămpa hiện nay.


[Sakaya – nhà nghiên cứu văn hoá Chăm – khoa nhân học đại học KHXH&NV TP.HCM:
“Những công trình nghiên cứu của Inrasara góp phần quan trọng trong việc giới thiệu và bảo tồn văn hoá Chăm. Viết những tác phẩm đó thật không đơn giản. Inrasara phải lặn sâu bao nhiêu năm trong nền văn hoá dân gian. Vì vậy, khi đọc chúng, ngoài những mảng tư liệu quý giá cần tiếp thu, những giá trị khoa học, tôi còn học ở anh tinh thần cần cù, say mê công việc. Tuy nhiên, Inrasara vẫn còn có vài sai sót, nhất là vấn dề dịch thuật tư liệu Chăm liên quan đến tiếng Mã Lai, Phạn ngữ và Ả Rập; quan điểm về văn chương, về ngôn ngữ Chăm của anh cũng cần tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh”.]

Là một sinh viên từng phản ứng cách học từ chương, bỏ dở giảng đường đại học từ năm thứ hai để về quê đi cày, tự học và quyết tâm “điền dã” khám phá các tầng vỉa văn hoá trong chính môi trường làng mạc của mình, ông nghĩ gì về con đường mò mẫm để xác lập một cái tên trong giới nghiên cứu?
Tôi yêu ngôn ngữ, yêu sự tự do và sáng tạo. Yêu, đi, đọc và viết vậy thôi. Còn việc xác lập tên tuổi hay ý muốn được người đời biết đến, tôi hoàn toàn không định hướng. Chẳng việc gì phải vội vã cả! Đi, tôi tin là có con đường trước mặt. Nền văn hoá dân tộc Chăm phải lộ diện như nó vốn có. 25 năm mò mẫm trong sương mù ý tưởng và mục tiêu, nửa đời người đánh vật với con chữ tôi mới cho đăng báo bài thơ đầu tay, tác phẩm nghiên cứu đầu tiên.
Gần đây, ông thiên về sáng tác, phê bình và tham gia nhiệt tình các sinh hoạt văn nghệ chính thống. Có vẻ như ông đang ưu tiên cho con người nghệ sĩ hơn con người nhà nghiên cứu?
Tôi luôn tự nhận là kẻ cư trú trên đường biên, giữa ngoại vi và trung tâm, dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, nghiên cứu và sáng tác, khoa học và nghệ thuật... Có thể nói tôi là người viết gần như sống chệch quỹ đạo sinh hoạt ngoài lề của hoạt động chữ nghĩa. Vài công việc mang tính bổn phận công dân như chủ trì Bàn tròn văn chương năm 2007, chủ biên và điều hành tuyển tập Tagalau, họp hành hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với tư cách trưởng ban lý luận phê bình, nói chuyện chuyên đề thơ Việt hay văn hoá Chăm tại vài đại học hay các nơi mời… tất tần tật chiếm chưa tới mươi phần trăm thời gian tôi dành cho chữ nghĩa. Còn lại tôi ngồi trước màn hình trắng. Sinh hoạt đồng hương – không. Bù khú nhậu nhẹt – không. Nghĩa vụ kinh tế gia đình – không. Mỗi ngày bình quân tôi viết năm tiếng, đọc ba tiếng, còn lại là suy nghĩ và ghi chú.
Xin ông nói ngắn quan niệm về sự khác biệt giữa tính độc lập của một nhà sáng tác và một nhà nghiên cứu?
Khác biệt lớn nhất giữa hai bộ phận cầm bút này là: kẻ sáng tạo – trong hành động, cần sự độc lập tác chiến; trong tư duy, học yêu nỗi cô đơn; trong quan hệ, biết dưỡng tính bất cần người đồng hành và cả dư luận. Ngược lại nhà nghiên cứu cần đến sự hợp tác, cùng ngành và đa ngành.
Chỉ có sự “hợp tác”, cộng hưởng thôi sao, thưa nhà nghiên cứu?
Triển khai thêm thì dễ dẫn đến vô cùng. Với tôi, sáng tác hay nghiên cứu tôi đều chuẩn bị kỹ lưỡng, chứ không cảm tính đầy may rủi. Làm thơ có nghiên cứu là vậy. Dĩ nhiên mỗi thể loại đòi hỏi vài xử lý “tài liệu” khác nhau. Riêng nghiên cứu, một công trình phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí khoa học. Ví dụ Trường ca Chăm (2006), cần đến tám bộ phận cấu thành. Ngoài phần dẫn nhập là, nguyên tác bằng akhar thrah (chữ Chăm truyền thống), chuyển tự Latinh văn bản, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích từ khó, đối chiếu dị bản và Index. Ngoài ra còn có nguyên bản scan và cả bản đồ, khi cần thiết nữa. Nhưng thế nào đi nữa thì với cả hai, tôi đã giữ lửa được liên tục từ chữ đầu tiên cho đến dòng cuối cùng.
Xin cho biết những việc tiếp theo của một nhà nghiên cứu ở tuổi ngoài năm mươi?
Sau khi nhìn thấy tập tiểu luận mới Thơ như là tiến trình ra đời, và nhất là sau khi in bộ Thơ Việt đương đại bốn tập, tôi chuyển hệ lần nữa. Tôi sẽ dành hoàn toàn thời gian và công sức vào các cuốn tiểu thuyết dự án. Và dĩ nhiên: Từ điển bách khoa văn hoá Chăm mà tôi đã khởi động vài năm qua.

Cám ơn ông.

_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét